Skip to main content

Việt Nam: Ứng viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cần có tiến bộ về nhân quyền

Tuyên bố chung của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Nhân quyền Quốc tế Article 19, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và Ủy ban Luật gia Quốc tế

Nghị quyết số 60/251 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nêu rõ yêu cầu rằng các quốc gia thành viên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) phải duy trì tiêu chuẩn cao nhất trong việc bảo vệ và phát huy nhân quyền. Chúng tôi, những tổ chức ký tên dưới đây, từ lâu nay vẫn có và công khai bày tỏ những mối quan ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam phải ngay lập tức cam kết thực hiện những bước cụ thể để cải thiện thành tích nhân quyền của mình, bao việc gồm phóng thích các nhà bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ tùy tiện, trong đó có các nhà báo, bảo đảm quyền tự do biểu đạt và lập hội, và cải thiện việc hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế. Đó là những bước cần thiết để Việt Nam trở thành một thành viên đáng tin cậy của Hội đồng.

Tính từ khi Việt Nam tuyên bố ra ứng cử vào HĐNQ ngày 22 tháng Hai năm 2021, Việt Nam đã câu lưu, bắt giữ và xử án ít nhất là 48 nhà báo, nhà hoạt động và nhà lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ (NGO) với các tội danh tùy tiện, từ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ,” “tuyên truyền chống nhà nước,” “trốn thuế” theo các điều 331, 117 và 200 của Bộ luật Hình sự. Hai vụ tiêu biểu cho xu hướng gần đây là vụ ông Phạm Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị xử án 15 năm tù vào tháng Giêng năm 2021, và bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập và một nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng bị kết án 9 năm tù với cùng cáo buộc về tội tuyên truyền vào tháng Mười hai năm 2021.

Ngày mồng 4 tháng Tám năm 2022, trong công văn gửi Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam thuyết trình về các thành tích nhân quyền của mình và đưa ra các cam kết tự nguyện. Chúng tôi xin bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về việc Việt Nam đã đưa ra nhận xét sai lệch rằng các quyền dân sự và chính trị trong nước “được bảo đảm tốt hơn” nhất là trong bối cảnh các nhà hoạt động và nhà báo vẫn đang tiếp tục bị sách nhiễu và bắt giữ. Cụ thể như, vào tháng Chín năm 2022, có tin cho biết nhà hoạt động Trịnh Bá Tư bị đánh đập, bị biệt giam, và bị cùm chân nhiều ngày khi đang thi hành bản án 8 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Mặc dù đã có các lời kêu gọi của các tổ chức NGO về việc điều tra độc lập, cho đến nay vẫn chưa có một động thái điều tra nào được thực hiện.

Việt Nam cũng mô tả rằng các tổ chức xã hội dân sự đang được “hoạt động trong môi trường thuận lợi.” Trong khi đó, vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo của ba tổ chức NGO về môi trường với các cáo buộc có động cơ chính trị về quản lý thuế là sự tương phản với lời tuyên bố trên.

Năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Việt Nam “khẩn cấp” sửa đổi các điều luật mơ hồ và lỏng lẻo đang được vận dụng để vi phạm quyền tự do biểu đạt. Từ đó đến nay, các tổ chức chúng tôi vẫn đang ghi nhận quá trình Việt Nam tiếp tục áp dụng các điều luật đó để dập tắt tiếng nói của những người đang thực hành quyền tự do ngôn luận, mà không thấy có dấu hiệu chấm dứt.

Nghị quyết 60/251 của Đại Hội đồng, là văn bản quyết định thành lập HĐNQ, nêu rõ rằng các thành viên được bầu phải “duy trì tiêu chuẩn cao nhất” về nhân quyền và hợp tác với Hội đồng. Để thực hiện được các trách nhiệm này, Việt Nam phải ngay lập tức có các hành động cụ thể nhằm đưa luật pháp, chính sách và thực hành của mình cho phù hợp với công pháp và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Hội đồng.

Quyền Tự do Lập hội

Việt Nam đã cam kết nâng cao nhận thức của công chúng về nhân quyền, nhưng bất kỳ một biện pháp nào để đạt mục tiêu nói trên cũng bị cản trở bởi các văn bản dưới luật mới được ban hành nhằm kiểm soát các tổ chức NGO, trong đó có nhiều tổ chức với các hoạt động cốt lõi là các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nhân quyền. Ngày 31 tháng Tám năm 2022, Việt Nam ban hành Nghị định 58 quy định hoạt động của các tổ chức NGO nước ngoài. Việt Nam cũng có dự thảo Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm quản lý các NGO trong nước. Cả hai văn bản đều cho phép chấm dứt hoạt động của các tổ chức NGO với các căn cứ mơ hồ như “an ninh quốc gia” và “trật tự xã hội,” trao cho nhà cầm quyền Việt Nam phạm vi chế tài gần như vô hạn để dập tắt các tiếng nói phê phán hoặc thể hiện trái ý chính quyền. Phạm vi chế tài đó còn tệ hơn trong dự thảo nghị định về các tổ chức NGO trong nước, có nội dung cấm “làm ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước” theo điều 11 (khoản 1).

Việt Nam đã cam kết tiến hành cải tổ pháp luật để kết hợp tốt hơn nội dung các công ước nhân quyền vào pháp luật trong nước. Nhưng các nghị định mới đây lại tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt các tổ chức NGO về những hành vi thực chất chỉ là công khai lên tiếng phê phán chính quyền. Các văn bản này không phù hợp với nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền tự do biểu đạt và lập hội của Việt Nam theo các điều 19 và 22 của Công ước Quốc tế về Các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR) mà Việt Nam là một quốc gia đã tham gia ký kết.

Quyền Tự do Biểu đạt

Nhà cầm quyền Việt Nam đã từ lâu vận dụng các quy định pháp luật để tấn công bất kỳ người nào lên tiếng bảo vệ các quyền con người của mình và của những người khác. Trong đó có các điều của Bộ luật Hình sự, nhất là Điều 117, hình sự hóa hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” và Điều 331, hình sự hóa hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Đặc biệt là, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt đã phát biểu rằng Điều 117 “quá lỏng lẻo và dường như được nhắm tới mục tiêu dập tắt tiếng nói của những người muốn thực hành các quyền con người để tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với những người khác.”

Các tổ chức chúng tôi ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã áp dụng các điều luật nói trên và các điều luật tương tự để bắt giữ và đe dọa hơn 100 nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền kể từ năm 2019. Trong khi Việt Nam đã cam kết tiến hành cải tổ pháp luật với mục đích củng cố các cơ sở pháp lý, chính sách và tổ chức liên quan tới nhân quyền, việc tiếp tục vi phạm nhân quyền của những người đủ can đảm lên tiếng phê phán chính quyền đã thể hiện điều ngược lại với tuyên bố của chính quyền Việt Nam khi đưa ra cam kết, cho thấy họ không có ý định thực hiện nghiêm túc các cam kết đó.

Các tổ chức chúng tôi tin rằng, trước khi tranh cử vào HĐNQ, Việt Nam cần trước hết thể hiện cam kết thực sự đối với việc bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất về bảo vệ nhân quyền. Theo hướng đó, chúng tôi đưa ra các khuyến nghị tối thiểu dưới đây đối với Việt Nam:

Khuyến nghị

  • Chúng tôi đồng loạt đề nghị chính quyền Việt Nam thực hiện các điều cam kết tự nguyện đưa ra ngày mồng 4 tháng Tám năm 2022 bằng cách ngay lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với những người bị giam giữ tùy tiện vì bị cho là đã vi phạm Điều 117 và Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Phải đền bù thích đáng cho những nạn nhân bị sách nhiễu hoặc hành hung, kể cả đối với những thân nhân của họ.
  • Chúng tôi đồng loạt đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt việc áp dụng các Điều 117 và 331 đối với những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, và nhà hoạt động để đảm bảo phù hợp với các nghĩa vụ theo ICCPR và các công ước quốc tế khác về nhân quyền như Việt Nam đã cam kết. Việt Nam cũng cần khởi động quá trình sửa đổi các điều luật này để đưa luật pháp Việt Nam phù hợp với các nghĩa vụ pháp lý quốc tế về bảo vệ quyền tự do biểu đạt và tự do lập hội.
  • Chúng tôi đồng loạt đề nghị Việt Nam lập tức hủy bỏ hay sửa đổi các nghị định về NGO để đảm bảo phù hợp với các nghĩa vụ theo ICCPR và các công ước quốc tế khác về nhân quyền như Việt Nam đã cam kết. Các nghị định này không phải để vận dụng tùy tiện nhằm hạn chế quyền tự do lập hội, mà để đảm bảo một môi trường thích hợp cho các tổ chức NGO góp phần giáo dục công chúng về nhân quyền và thực hiện các hoạt động khác được bảo vệ theo công pháp quốc tế về nhân quyền.
  • Chúng tôi đồng loạt đề nghị Việt Nam chấp thuận yêu cầu tới thăm của Thủ tục Đặc biệt Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam cần có lời mời ngỏ tới tất cả các Đặc sứ của Thủ tục Đặc biệt Liên Hiệp Quốc và cho phép họ tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở trong chuyến thăm để quan sát tình hình và báo cáo lại với HĐNQ về các ý kiến ghi nhận được trong chuyến thăm. Cho phép Thủ tục Đặc biệt có thể giám sát và điều tra độc lập là điều kiện thiết yếu đối với việc thực hành nhân quyền quốc tế và là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên. Trước đây Việt Nam đã từ chối các yêu cầu tới thăm của các thành viên của Thủ tục Đặc biệt, trong đó có Đặc sứ về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền, Đặc sứ về quyền tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa, Đặc sứ về bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, và Đặc sứ về tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn nhẫn, vô nhân hoặc ngược đãi khác.    

 

Các tổ chức đồng ký tên

Tổ chức Ân xá Quốc tế

Tổ chức Nhân quyền Quốc tế ARTICLE 19

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Ủy ban Luật gia Quốc tế

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country

Related content