(Bangkok) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Trường Báo chí và Truyền thông Đại chúng Walter Cronkite thuộc Đại học Tổng hợp Bang Arizona (Arizona State University) kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế hôm nay với tuyên cáo sẽ đồng quản trị Giải Báo chí Nhân quyền, trước đây do Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài ở Hồng Kông (FCCHK) quản trị trong hơn một phần tư thế kỷ. Giải thưởng sẽ bắt đầu nhận đơn đề cử và ứng cử từ hôm nay cho tới ngày mồng 1 tháng Hai.
FCCHK phải ngừng xét và trao giải thưởng ghi nhận các sản phẩm báo chí về nhân quyền tốt nhất Châu Á này sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt bộ luật an ninh quốc gia hà khắc ở Hồng Kông từ tháng Sáu năm 2020. Sau đó, nhà cầm quyền Hồng Kông với chính sách đàn áp tự do báo chí đã đóng cửa tờ báo lớn nhất của thành phố này, nhật báo Apple Daily cùng với ít nhất tám kênh truyền thông khác. Quyết định ngừng quản trị giải thưởng của FCCHK xuất phát từ các mối nguy nêu trên.
Giải Báo chí Nhân quyền đã có lịch sử lâu dài và đặc biệt, vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc về các vấn đề nhân quyền ở Châu Á. Trong số những người từng được trao giải này có nhà báo Philippine, Maria Ressa, người mới được nhận giải Nobel và nhiếp ảnh gia báo chí Marcus Yam gốc Malaysia của tờ Thời báo Los Angeles, người vừa nhận giải Pulitzer năm nay về các bức ảnh thời sự nóng hổi.
“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hân hạnh được tiếp nối truyền thống vinh danh, tưởng thưởng và hỗ trợ các hoạt động báo chí xuất sắc về nhân quyền, đặc biệt là tại thời điểm trọng yếu này ở Châu Á,” bà Tirana Hassan, quyền giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Trong thời buổi tin thất thiệt và tuyên truyền tràn lan, việc đưa tin chân thực và dũng cảm về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Afghanistan, Myanmar và nhiều nơi khác nữa càng có tầm quan trọng thiết yếu.”
Mục tiêu của giải thưởng là nhằm nâng cao sự tôn trọng đối với những quyền cơ bản của con người và tập trung sự chú ý vào các mối đe dọa với các quyền này. Hàng năm, giải thưởng nhận được hàng trăm hồ sơ đề cử và ứng cử từ khắp Châu Á. Có 16 hạng mục dự giải, từ tin giờ chót đến xã luận và bao gồm tất cả các loại hình báo chí – bài viết, ảnh chụp, đoạn ghi hình, ghi âm và đa phương tiện. Đơn đề cử hoặc ứng cử được nộp miễn phí và có thể bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hoa.
“Trường Cronkite không chỉ là một trong những chương trình báo chí và truyền thông hàng đầu ở Hoa Kỳ, chúng tôi hướng tới việc trở thành một lực lượng góp phần thay đổi toàn cầu. Việc hợp tác với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phù hợp với mục tiêu đó qua việc hình thành một cơ sở vững chắc cho Giải Báo chí Nhân quyền trong thời gian một phần tư thế kỷ tiếp theo,” Tiến sỹ Battinto L. Batts, Jr., Hiệu trưởng Trường Cronkite phát biểu. “Giải thưởng này sẽ được công nhận là niềm vinh dự cấp thế giới đối với các hoạt động báo chí về nhân quyền trong 25 năm tới.”
Danh sách trao giải năm 2023 sẽ công bố vào ngày mồng 3 tháng Năm năm 2023, là Ngày Tự do Báo chí Thế giới. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Trường Cronkite cũng sẽ vinh danh những người đoạt giải năm 2022 nhưng chưa được chính thức công bố sau khi giải bị gián đoạn ở Hồng Kông.