Skip to main content

Việt Nam: Hoa Kỳ cần kêu gọi phóng thích các nhà bất đồng chính kiến

Đối thoại Nhân quyền Song phương rất quan trọng, nhưng không phải là cơ hội duy nhất về nhân quyền

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, thứ hai từ bên trái, tham dự cuộc họp song phương với Phó Chủ tịch nước Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 25 tháng Tám năm 2021.  © 2021 Evelyn Hockstein/Pool Photo via AP

(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính phủ Hoa Kỳ nên sử dụng các cuộc họp sắp tới với phía Việt Nam để gây sức ép đòi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ và cải thiện các vấn đề nhân quyền khác. Cuộc đối thoại nhân quyền song phương Việt – Mỹ lần thứ 25 được dự kiến sẽ khởi sự vào ngày mồng 9 tháng Mười một năm 2021 ở Washington, DC.

Chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất là 145 người chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hòa. Tính riêng trong năm 2021, nhà cầm quyền đã kết án và bỏ tù ít nhất là 31 người, hầu hết chỉ vì thể hiện ý kiến trên mạng ngược lại với quan điểm của chính quyền. Công an Việt Nam bắt giữ ít nhất 26 người khác, trong đó có nhà vận động nhân quyền, Nguyễn Thúy Hạnh, với các tội danh ngụy tạo, mang động cơ chính trị như tuyên truyền chống nhà nước hay lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.

“Chính phủ Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam có các hành động rõ ràng nhằm cải thiện nhân quyền, bắt đầu bằng việc phóng thích vô điều kiện và ngay lập tức các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam chà đạp lên nhân quyền khi bắt giữ các nhà hoạt động với các cáo buộc ngụy tạo rồi thẩm vấn khắc nghiệt trong thời gian tạm giữ họ hàng tháng trời không có luật sư bào chữa.”

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Hoa Kỳ nên đặt quan ngại về nhân quyền vào vị trí trung tâm trong tất cả các mối tương tác với Việt Nam chứ không chỉ hạn chế trong một cuộc đối thoại mỗi năm một lần. Chỉ vài giờ sau cuộc đối thoại lần thứ 24, được tổ chức qua mạng vào tháng Mười năm 2020 do dịch bệnh, Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang, một trong những blogger tích cực viết nhất ở Việt Nam và là một nhà hoạt động nhân quyền có nhiều ảnh hưởng.

Chính quyền Việt Nam cản trở nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong đó có quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội và nhóm họp cũng như tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Việt Nam không có báo chí tự do và độc lập. Chính quyền không cho phép thành lập các đảng chính trị hay tổ chức nhân quyền, và can thiệp mạnh tay vào việc quản lý các tổ chức tôn giáo.

Những người dân lên tiếng công khai chỉ trích các nhà lãnh đạo chính phủ hoặc Đảng Cộng sản trên mạng xã hội thường xuyên đối mặt với việc bị sách nhiễu, đe dọa, theo dõi gắt gao, hạn chế quyền tự do đi lại, hành hung thân thể, và bắt giữ. Sau khi bị bắt giữ vì thực hành các quyền của mình, người bị bắt lại đối mặt với việc bị thẩm vấn thô bạo, tạm giam dài ngày không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình, và bị xử bởi các tòa án bị chính trị chi phối, bị áp đặt các mức án tù ngày một nặng hơn.

Phiên tòa hồi tháng Giêng xử ba blogger nổi tiếng – Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn – thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã kết án họ từ 11 đến 15 năm tù giam. Tháng Năm, một tòa án xử nhà hoạt động quyền lợi đất đai, Cấn Thị Thêu và con trai bà, Trịnh Bá Tư, cộng tác viên của Nhà Xuất bản Tự do, mỗi người tám năm tù, và tháng Bảy, nhà văn Phạm Chí Thành bị xử năm năm rưỡi tù giam. Tháng Mười, một tòa án xử năm thành viên nhóm Báo Sạch, một trang báo công dân thành lập năm 2019 với mục đích phơi bày các vụ tham nhũng và sai phạm, với mức án từ hai đến bốn năm rưỡi năm tù. Blogger nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đang phải thi hành bản án 16 năm tù tính từ tháng Năm năm 2009.

“Qua việc giam giữ các blogger và nhà báo công dân trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam đang thể hiện rằng họ không mảy may tôn trọng tự do báo chí một chút nào,” ông Robertson nói. “Hoa Kỳ cần gây sức ép để Việt Nam chấm dứt việc áp dụng chế tài hình sự đối với người dân khi họ thực hành quyền tự do biểu đạt.”

Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam đi ngược lại với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi quy định rằng viện kiểm sát có thể gia hạn tạm giam các nghi can phạm các tội “an ninh quốc gia” (điều 173 (5)) và không cho họ tiếp xúc với luật sư bào chữa (điều 74) cho đến khi kết thúc điều tra. Trên thực tế, điều này có nghĩa là những người bị cáo buộc phạm các tội an ninh quốc gia có thể bị công an giam giữ mà không được tiếp xúc với luật sư trong thời gian bao lâu tùy ý chính quyền.

Công an bắt Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm vào tháng Sáu năm 2020, nhưng mãi đến tháng Bảy năm 2021 thì Trịnh Bá Phương mới được cho gặp luật sư bào chữa. Phạm Đoan Trang bị bắt ngày mồng 6 tháng Mười năm 2020, và chỉ được gặp luật sư lần đầu tiên vào ngày 19 tháng Mười năm 2021. Một tòa án ở Hà Nội ban đầu dự kiến sẽ xử vụ các nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm vào ngày mồng 3 tháng Mười một và Phạm Đoan Trang vào ngày mồng 4 tháng Mười một, nhưng sau đó đã hoãn các phiên xử.

“Hoa Kỳ cần kêu gọi Việt Nam hủy bỏ các điều luật tố tụng hình sự cho phép gia hạn tạm giam và cấm không cho gặp luật sư, vì điều đó gây tổn hại cho tố tụng công bằng và tạo điều kiện cho việc ngược đãi người bị tạm giam,” ông Roberson nói.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country