Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế tuyên bố rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần lập tức chấm dứt việc đàn áp đang gia tăng nhằm vào một nhà xuất bản độc lập. Hậu quả một phần của chiến dịch đàn áp này là hàng chục người đã bị công an sách nhiễu và đe dọa trên toàn quốc, và có ít nhất một người được biết đã bị tra tấn và ngược đãi trong khi bị câu lưu. Chiến dịch đàn áp này phát đi một thông điệp tiêu cực tới những người dân muốn được tự do thực hiện quyền tự do ngôn luận và truy cập thông tin và tư tưởng, và là một dấu hiệu nữa của chủ trương không bao dung bất đồng chính kiến ôn hòa của nhà cầm quyền Việt Nam.
Từ đầu tháng Mười, công an đã sách nhiễu và đe dọa hàng chục người có liên quan tới Nhà Xuất bản Tự do – một nhà xuất bản độc lập trong nước đã xuất bản một số đầu sách về công luận và ý kiến chính trị ở Việt Nam – có biểu hiện của một chiến dịch có chủ trương. Việc sách nhiễu đã xảy ra ở ít nhất ba thành phố lớn, là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, cùng các địa phương khác như các tỉnh Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị và Phú Yên. Có thể tin được rằng những người bị sách nhiễu bị đặt vào tầm ngắm do đã mua hoặc đọc sách do nhà xuất bản in ra, hoặc đã từng cộng tác với nhà xuất bản nói trên.
Theo thông tin Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận được, những người ở các tỉnh, thành phố nói trên bị triệu tập đến đồn công an, và bị chất vấn về các cuốn sách đã mua từ nhà xuất bản. Sau khi thẩm vấn, hầu hết những người đó đều bị ép ký vào một bản cam kết rằng sẽ không mua sách của Nhà Xuất bản Tự do nữa.
Có một trường hợp, công an câu lưu và có thông tin là đã tra tấn một người đàn ông trong khi giam giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng Mười, được biết để nhằm buộc người này thú nhận đã từng làm việc cho nhà xuất bản. Công an câu lưu người đàn ông này hơn 12 tiếng đồng hồ, trong suốt thời gian đó anh ta bị đánh nhiều lần đến đổ máu mũi. Sau khi được phóng thích anh đã đi trốn vì sợ bị bắt lại.
Ngoài ra, vào các ngày 23 và 24 tháng Mười, một người ở tỉnh Phú Yên nhận được hai giấy triệu tập của công an mời lên đồn để hỏi về việc nhận sách “bị cấm.” Sau khi thẩm vấn người này, công an khám nhà anh ta và tịch thu các cuốn sách do Nhà Xuất bản Tự do in ra. Đầu tháng Mười một, một người thỉnh thoảng làm việc cho Nhà Xuất bản Tự do phải đi trốn vì sợ bị bắt, sau khi công an yêu cầu chủ sử dụng lao động nơi anh làm việc thường xuyên phải thông báo cho công an khi anh xuất hiện tại nơi làm việc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhận thêm được các thông báo về việc khám nhà và thu giữ sách trong thời gian gần đây.
Việc đàn áp nói trên đã làm trầm trọng thêm bầu không khí sợ sệt vốn đã nặng nề ở Việt Nam, một đất nước có nhà cầm quyền đang cản trở nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận còn người dân thì phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, bị tù đày chỉ đơn thuần vì nói lên ý kiến của mình.
Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt chiến dịch đe dọa và sách nhiễu nói trên và cho phép Nhà Xuất bản Tự do và những người liên quan được thực thi quyền tự do biểu đạt của họ. Chính quyền cũng cần khởi xướng một cuộc điều tra nhanh chóng, khách quan, hoàn toàn độc lập và có hiệu quả đối với những tin tức về việc tra tấn và ngược đãi của công an Thành phố Hồ Chí Minh. Những người vi phạm cần bị đưa ra trước công lý và nạn nhân cần được bồi thường. Những người dân đã lên tiếng thông báo về các hành vi lạm quyền của công an – và gia đình họ - cần được bảo vệ khỏi bị trả thù.
Thông tin chung
Nhà Xuất bản Tự do, được thành lập ngày 14 tháng Hai năm 2019, xuất bản hàng loạt sách phi hư cấu của các tác giả Việt Nam viết về các chủ đề như khoa học chính trị, chính sách công và các vấn đề xã hội khác, như Politics of a Police State, Đối kháng phi bạo lực, Chính trị bình dân, Những mảnh đời sau song sắt, và Cẩm nang nuôi tù. Nhiều đầu sách trong số đó bị chính quyền coi là nhạy cảm và việc xuất bản bị cấm trên thực tế. Nhà cầm quyền Việt Nam thường kiểm duyệt các ấn phẩm bị coi là đi ngược với chính sách nhà nước.
Nhà Xuất bản Tự do từng bị chính quyền đặt vào tầm ngắm trong quá khứ. Từ khi nhà xuất bản bắt đầu hoạt động, công an đã tổ chức nhiều chiến dịch câu nhử để tìm cách bắt những người làm việc cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản cũng từng bị sách nhiễu trên mạng. Tháng Hai, trang Facebook của nhà xuất bản bị tấn công điện tử hàng loạt khiến tài khoản bị sập. Tháng Bảy, ba ngân hàng thông báo với nhà xuất bản về việc tài khoản của họ sẽ bị đóng mà không giải thích lý do. Công an buộc các doanh nghiệp vận chuyển phải cung cấp họ tên và địa chỉ những người mua sách. Những người từ chối hợp tác phải đối mặt với nguy cơ thường xuyên bị đe dọa, sách nhiễu và theo dõi gắt gao. Tháng Mười một, trang mạng mới ra đời của nhà xuất bản (https://nhaxuatbantudo.com/) cũng bị tấn công điện tử nhiều đợt.
Hiến pháp Việt Nam cũng như công pháp quốc tế về nhân quyền đều bảo đảm quyền tự do biểu đạt, trong đó bao gồm quyền tiếp nhận và trao đổi thông tin và ý tưởng. Quyền đó bao gồm cả việc tiếp cận và đọc các thông tin trong sách, như các ấn phẩm của Nhà Xuất bản Tự do. Tự do tiếp cận các thông tin và ý tưởng như thế cũng là một khía cạnh quan trọng của quyền về giáo dục.
Tính đến thời điểm này trong năm 2019, có ít nhất 16 người bị bắt chỉ vì đơn thuần thực thi quyền tự do biểu đạt của họ, và một số người trong đó đã bị xử và kết án tù giam.