Skip to main content

Liên minh châu Âu: Hãy hoãn bỏ phiếu về Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam

Các yêu cầu về nhân quyền chưa được đáp ứng; Đàn áp vẫn gia tăng

(Brussels) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu cần hoãn thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam đang được đệ trình, cho đến khi chính quyền Việt Nam thực hiện được các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền đang ngày một tệ đi của mình. Luật an ninh mạng hà khắc bắt đầu có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng Giêng năm 2019 là động thái mới nhất của nước này nhằm hạn chế nhân quyền.

Ủy ban châu Âu, được trao quyền đàm phán thỏa thuận kinh tế với Việt Nam, đã đệ trình bản dự thảo cuối cùng của hiệp định vào tháng Mười năm 2018, dự kiến sẽ được Hội đồng và Nghị viện châu Âu thông qua chính thức – là bước cần thiết để hiệp định bắt đầu có hiệu lực – trước các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng Năm năm nay.

Do sức ép của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, một số đảng trong Nghị viện châu Âu đang cố đẩy nhanh tiến độ ký kết hiệp định thương mại này, còn được biết đến với cái tên tắt là EVFTA, mặc dù phía Việt Nam đã làm ngơ trước nhiều lời kêu gọi liên tiếp về việc cải thiện hồ sơ nhân quyền. Các đợt bỏ phiếu theo thủ tục chính được dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới.

“Hấp tấp thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng,” ông John Sifton, giám đốc vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Làm như thế là tưởng thưởng cho Việt Nam dù nước này chẳng làm gì, và sẽ tạo nên một thông điệp tồi tệ rằng các cam kết của EU trong quá khứ về việc sử dụng thương mại như một công cụ để thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu sẽ chẳng có chút giá trị xác tín nào.”

Trong tháng Chín năm 2018, 32 thành viên của Nghị viện Châu Âu đã ký một văn thư mở bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi quốc gia này cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi hiệp định thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Những quan ngại này cũng được nêu với thứ trưởng Bộ thương mại Việt Nam hồi tháng 10 năm 2018 trong cuộc tranh luận tại Nghị viện châu Âu, và một lần nữa trong bản nghị quyết khẩn cấp ban hành vào tháng Mười một vừa qua.

Đáng tiếc là không một lời kêu gọi nào được đáp ứng, và chính quyền Việt Nam chỉ gia tăng đàn áp.

Bộ luật an ninh mạng mới của Việt Nam dường như nhằm mục đích đóng chặt con đường duy nhất còn lại cho người dân Việt Nam thể hiện bất đồng chính kiến, ở một quốc gia mà tất cả các kênh truyền thông đều của nhà nước hay do nhà nước kiểm soát và hoạt động của các nhóm phi chính phủ bị hạn chế ngặt nghèo. Hàng loạt các blogger, các nhà phê phán, các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo ôn hòa bị ngồi tù với các tội danh quá rộng đã hình sự hóa hành vi tự do ngôn luận. Những người vẫn công khai lên tiếng phải chịu nguy cơ bị đánh đập, bắt giữ, đe dọa và các hành vi xâm hại khác. Các công đoàn độc lập không được phép hoạt động, và rất nhiều lời cam kết trước đây của Việt Nam về việc thông qua một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vẫn chưa được thực hiện.

“Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cần phát đi một thông điệp rõ ràng rằng hiệp định này không thể được phê chuẩn cho đến khi chính quyền Việt Nam đáp ứng các quan ngại về nhân quyền một cách nghiêm túc,” ông Sifton nói. “Việt Nam phải hiểu rằng nếu châu Âu hoãn ký kết hiệp định thì đó là lỗi của phía Hà Nội chứ không phải của Brussels.”

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country