Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ án tù nặng nề đối với nhà hoạt động

Tòa phúc thẩm nên bất tuân sự chỉ đạo của đảng cầm quyền, phóng thích nhà vận động dân chủ

Nguyen Van Tuc carries a sign: Vietnamese do not want to live the slavery lives on our homeland like the Tibetans. The T-shirt reads: International Human Rights Day, December 10, 2014 – Protest against violence and harassment inflicted upon the people.  © Private 2015
(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam nên hủy bản án có động cơ chính trị đối với nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Túc và ngay lập tức phóng thích ông vô điều kiện. Tòa phúc thẩm dự kiến sẽ mở phiên xử vụ của ông vào ngày 14 tháng Chín năm 2018 ở tỉnh Thái Bình.
 
“Nguyễn Văn Túc là một nạn nhân của chính sách gia tăng đàn áp nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền của chính quyền Việt Nam,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Án tù nặng nề mà Nguyễn Văn Túc và các bạn bè ông trong Hội Anh em Dân chủ phải đối mặt chỉ có mục đích đe dọa các nhà hoạt động khác đừng đi theo bước chân của những người này.”
 
Vợ ông Nguyễn Văn Túc, bà Bùi Thị Rề, đã thông báo công khai về tình trạng sức khỏe tồi tệ của chồng mình, với nhiều bệnh tật như tim mạch, viêm giác mạc.
 
Nguyễn Văn Túc bị bắt vào tháng Chín năm 2017 vì tham gia Hội Anh em Dân chủ, một nhóm ủng hộ dân chủ, và bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật hình sự 1999. Tháng Tư năm nay, trong một phiên xử chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình đã kết luận ông có tội và áp ông mức án 13 năm tù giam cộng thêm năm năm quản chế, không được ra khỏi phạm vi phường nơi ông sinh sống.
 
Nguyễn Văn Túc, năm nay 54 tuổi, bắt đầu vận động chống tham nhũng và trưng thu đất đai từ đầu thập niên 2000 ở quê mình, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Sau đó ông tham gia Khối 8406, một nhóm vận động cho hệ thống chính trị đa đảng, dân chủ và cho nhân quyền ở Việt Nam, được thành lập vào ngày mồng 8 tháng Tư năm 2006. Ông đăng các bài viết tố cáo chính quyền các cấp tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
 
Ông viết, “Tôi một dân oan vốn ít được học cái chữ, nhưng tấm lòng thương đồng loại, đau trên nỗi đau của dân tộc buộc tôi phải dũng cảm lên tiếng đấu tranh chống lại những bất công của xã hội. Dù có phải hi sinh để đồng loại sống hạnh phúc, đất nước có tự do dân chủ, xã hội tốt đẹp hơn tôi cũng xin làm, không hề ân hận hối tiếc điều gì.”
 
Đây không phải lần đầu Nguyễn Văn Túc bị đi tù chỉ vì thực hành quyền con người một cách ôn hòa. Tháng Chín năm 2008, công an bắt Nguyễn Văn Túc sau khi ông và các nhà hoạt động khác treo biểu ngữ trên một cây cầu vượt ở thành phố Hải Phòng với nội dung: “Phường Tiền Phong kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng. Yêu cầu Chính phủ kiên quyết bảo vệ giang sơn tổ quốc. Yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận đa nguyên, đa đảng.”
 
Nhà cầm quyền cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 bộ luật hình sự năm 1999. Tháng Mười năm 2009, Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Phòng đưa ông Nguyễn Văn Túc và năm nhà hoạt động khác ra xử. Ông bị kết luận có tội và phải chịu bản án bốn năm tù.
 
Sau khi ra tù vào tháng Chín năm 2012, Nguyễn Văn Túc lập tức nối lại việc vận động cho nhân quyền và dân chủ. Ông tham gia Hội Anh em Dân chủ, do nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài và các nhà hoạt động bạn bè của ông thành lập từ tháng Tư năm 2013 nhằm “bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận” và “vận động xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.” Hội Anh em Dân chủ đã trở thành một mạng lưới cho các nhà hoạt động cả trong và ngoài nước.
 
Sau khi Nguyễn Văn Túc bị bắt vào tháng Chín năm 2017, tờ nhật báo Nhân dân đã cáo buộc ông tham gia một “tổ chức phản động, hoạt động trái pháp luật, nhằm âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân, thay đổi thể chế chính trị.”
 
Các tòa án do Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo đã trừng phạt nhiều người vì tham gia các nhóm chính trị hay nhân quyền bằng các mức án tù nặng nề. Nhà cầm quyền Việt Nam mới kết án nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng 20 năm tù vào tháng Tám vừa qua và Mục sư Đinh Diêm 16 năm tù vào tháng Bảy. Ngày 12 tháng Chín, nhà hoạt động vì quyền con người Nguyễn Trung Trực bị kết án 12 năm tù giam.
 
“Chính quyền Việt Nam cần lắng nghe người dân thay vì nạt nộ và dập tắt tiếng nói của họ,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần chấm dứt thái độ phớt lờ tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống của Việt Nam, và đưa nhân quyền trở thành một phần hữu cơ trong mọi cuộc đối thoại và giao dịch với chính quyền hà khắc này.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country