Skip to main content

Campuchia: Các tướng lĩnh của Hun Sen tác oai tác quái

‘Bộ tá bẩn thỉu’ có vai trò trung tâm về tình trạng vi phạm nhân quyền và cuộc bầu cử tháng Bảy

Top row, from left to right: Gen. Kun Kim, RCAF Deputy Supreme Commander; Gen. Mok Chito, Deputy Supreme Commissioner of National Police; Gen. Neth Savoeun, Supreme Commissioner of National Police; Gen. Pol Saroeun, RCAF Supreme Commander. Middle row, from left to right: Gen. Sao Sokha, Commander of National Gendarmerie; General Sok Phal, Supreme Director of the Supreme Directorate for Immigration; Lt. Gen. Bun Seng, Deputy Army Commander, Commander of Military Region 5; Lt. Gen. Chap Pheakdey, Deputy Army Commander, Brigade 911 Commander. Bottom row, from left to right: Lt. Gen. Choeun Sovantha, Deputy Army Commander, Commander of Military Region 2; Lt. Gen. Rat Sreang, National Gendarmerie Deputy Commander, Phnom Penh Gendarmerie Commander; General Chuon Sovan, National Police Deputy Supreme Commissioner; Gen. Chea Mon, Deputy Army Commander, Commander of Military Region 4. © 2018 Human Rights Watch
(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu rõ trong một bản phúc trình mới rằng nhiều tướng lĩnh trong lực lượng an ninh, là trụ cột của chế độ ngày càng độc tài, độc đảng ở Campuchia, phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có tính hệ thống. Thủ tướng Hun Sen và đảng cầm quyền CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) được hưởng lợi từ sự ủng hộ của các sĩ quan cao cấp trong quân đội, quân cảnh và cảnh sát để loại bỏ hữu hiệu tất cả các đối thủ chính trị và giải tán đảng đối lập lớn nhất, khiến cho cuộc bầu cử cấp quốc gia sắp tới vào tháng Bảy năm 2018 trở nên vô nghĩa.

Bản phúc trình dài 213 trang, “Bộ tá bẩn thỉu của Campuchia: Lịch sử Vi phạm Nhân quyền Kéo dài của Các Tướng lĩnh dưới trướng Hun Sen,” vạch rõ mặt 12 sĩ quan an ninh cao cấp, là xương sống của một chế độ chính trị độc đoán và lạm quyền. Mỗi cá nhân trong số các tướng lĩnh này đều xây dựng nên vị trí cao cấp và béo bở nhờ vào quan hệ chính trị và cá nhân với Hun Sen từ hai thập niên trước hoặc lâu hơn nữa. Mỗi người đều thể hiện tinh thần sẵn sàng vì Hun Sen mà vi phạm nhân quyền. Đáng lẽ phải phục vụ người dân, những vị tướng lĩnh này lại hành động để bảo vệ chế độ của Hun Sen, người đã nắm quyền hơn 33 năm nay. Trong suốt sự nghiệp của mình, họ nắm giữ các vị trí trong chính phủ với mức lương chính thức khiêm tốn, nhưng đều tích lũy được khối tài sản khổng lồ không rõ nguồn gốc.

“Trong những năm qua, Hun Sen đã tạo dựng và phát triển được một dàn sĩ quan an ninh cốt cán để thực thi các mệnh lệnh của mình một cách tàn nhẫn và bạo liệt,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Tầm quan trọng của các tướng lĩnh Campuchia càng trở nên rõ ràng hơn trước thềm cuộc bầu cử tháng Bảy tới, khi họ tham gia đàn áp các nhà báo, đối thủ chính trị và những người biểu tình chống chính phủ - và công khai vận động cho Hun Sen.”
Trong những năm qua, Hun Sen đã tạo dựng và phát triển được một dàn sĩ quan an ninh cốt cán để thực thi các mệnh lệnh của mình một cách tàn nhẫn và bạo liệt.
Brad Adams

Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức



Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã từ lâu ghi nhận hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hun Sen. Trong hơn ba thập niên qua, hàng trăm nhà đối lập, nhà báo, nhà lãnh đạo công đoàn và nhiều người khác đã bị giết chết trong các vụ tấn công có động cơ chính trị. Dù trong nhiều vụ, đã xác định được kẻ phải chịu trách nhiệm về hành vi sát nhân là thành viên của lực lượng an ninh, nhưng không hề có một vụ điều tra hay truy tố khả tín nào, chứ chưa nói tới kết án. Trong một số vụ, có một số kẻ đầu sai hoặc đứng ra nhận tội thay đã bị truy tố nhưng thủ phạm cấp cao hơn không bị đụng tới. Các lực lượng an ninh cũng tùy tiện bắt giữ, đánh đập, sách nhiễu và đe dọa nhiều người phê phán chính phủ khác, trong đó có các nhà vận động cho nhân quyền, các nhà hoạt động vì quyền lợi của công nhân, các nhà hoạt động đấu tranh cho quyền lợi đất đai, các blogger và những người thể hiện chính kiến trên mạng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận xét rằng Hun Sen đã điều khiển chế độ hà khắc của mình bằng cách thăng chức cho người dưới quyền dựa trên lòng trung thành với ông ta chứ không phải với các định chế quân sự, quân cảnh và cảnh sát mà những người này đang phục vụ chính thức.

Bản phúc trình nêu chi tiết trách nhiệm của 12 quan chức cao cấp trong lực lượng an ninh về các vi phạm nhân quyền ở Campuchia từ cuối thập niên 1970 đến nay (vài người trong số đó đã xin nghỉ phép để ra tranh cử với tư cách ứng cử viên đảng CPP trong cuộc bầu cử vào tháng Bảy):
  • Đại tướng Pol Saroeun, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF)
  • Đại tướng Kun Kim, Phó tổng Tư lệnh RCAF kiêm Tổng Tham mưu Trưởng Hỗn hợp RCAF
  • Đại tướng Sao Sokha, Phó tổng Tư lệnh RCAF kiêm Tư lệnh Quân cảnh Hoàng gia Khmer (GRK)
  • Đại tướng Neth Savoeun, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Campuchia
  • Trung tướng Chea Man, Phó Tư lệnh Quân đội kiêm Tư lệnh Quân khu 4
  • Trung tướng Bun Seng, Phó Tư lệnh Quân đội kiêm Tư lệnh Quân khu 5
  • Trung tướng Choeun Sovantha, Phó Tư lệnh Quân đội kiêm Tư lệnh Quân khu 2
  • Trung tướng Chap Pheakdey, Phó Tham mưu trưởng Liên quân RCAF, kiêm Tư lệnh Lữ đoàn Đặc nhiệm Dù 911
  • Trung tướng Rat Sreang, Phó Tư lệnh Quốc gia GRK kiêm Tư lệnh Quân cảnh Phnom Penh
  • Đại tướng Sok Phal, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Di trú
  • Đại tướng Mok Chito, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia kiêm Tổng Thư ký Cơ quan Phòng Chống Ma túy Quốc gia
  • Đại tướng Chuon Sovan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quốc gia kiêm Tổng Giám đốc Cảnh sát Thành phố Phnom Penh

Dù theo pháp luật, các sĩ quan nói trên có trách nhiệm đại diện cho nhà nước chứ không phải cho một đảng phái chính trị nào – và phải thực thi nhiệm vụ một cách trung lập và không thiên vị - tất cả bọn họ đều hành động với màu sắc đảng phái công khai và rõ rệt. Tất cả đều là thành viên Ủy ban Trung ương đảng CPP, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng. Các thành viên của Ủy ban Trung ương có nhiệm vụ phải thực thi mọi đường lối của đảng. Điều này mâu thuẫn với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, có nội dung bảo vệ quyền của các thành viên của lực lượng an ninh được là thành viên của một đảng chính trị, được quyền bầu cử và thể hiện quan điểm một cách riêng tư. Tuy nhiên, các quan chức không thể có tính đảng phái trong khi thực thi nghiệp vụ chuyên môn, hay thiên vị một đảng chính trị hơn các đảng khác.

Cũng như Hun Sen, một vài người trong nhóm sĩ quan cao cấp này từng là thành viên của chế độ Khmer Đỏ, là chế độ từ tháng Tư năm 1975 đến tháng Giêng năm 1979 đã làm chết ước chừng từ 1,2 đến 2,8 triệu người dân Campuchia.
Vào ngày 12 tháng Sáu, nhân vật cao cấp thứ 13 trong ngành an ninh, Đại tướng Hinh Bun Hieng, đã bị Hoa Kỳ áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh. Mang hàm đại tướng bốn sao, Bun Hieng là phó tổng tư lệnh quân đội và từ lâu đã là tư lệnh cảnh vệ, trên thực tế là một quân đội riêng, của Hun Sen. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã nêu rõ rằng đơn vị này “liên quan đến nhiều vụ tấn công vào những người dân thường Campuchia không có vũ khí trong nhiều năm” và “có liên đới với nhiều vụ việc khi lực lượng quân đội được điều động để đe dọa các cuộc biểu tình và phản đối chính trị ít nhất kể từ năm 1997, bao gồm cả một vụ có một công dân Mỹ bị thương vì mảnh lựu đạn.” Vụ việc tai tiếng nói trên là vụ tấn công bằng lựu đạn trong ngày 30 tháng Ba năm 1997 vào một cuộc tuần hành của đảng đối lập do thủ lĩnh đảng này, Sam Rainsy chủ trì, khiến 16 người bị chết và hơn 150 người bị thương.

“Chế tài của Hoa Kỳ đối với một trong những vị tướng cao cấp và thân tín nhất của Hun Sen vì các vi phạm mới đây và một vụ tấn công bằng lựu đạn vào giới đối lập từ hai thập niên trước cần phải được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quan chức và sĩ quan,” ông Adams nói. “Hun Sen sẽ không thể bao che cho họ mãi nếu họ gây ra tội ác với người dân Campuchia.”

Hun Sen đã làm thủ tướng Campuchia liên tục từ năm 1985. Từ năm 2015, ông ta làm chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, đảng đã nắm quyền từ năm 1979. Sau khi Robert Mugabe bị phế truất ở Zimbabwe, Hun Sen đang là một trong năm nhà độc tài cầm quyền lâu nhất trên thế giới. Trước công chúng, ông ta nói về mình ở ngôi thứ ba và đã nỗ lực tạo dựng sự sùng bái cá nhân mình, trong đó có việc xây dựng hàng trăm ngôi trường (có nhiều trường từ tiền tài trợ) mang tên mình. Danh xưng chính thức của ông ta trong tiếng Khmer là “Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen,” nếu dịch sát từng chữ sẽ thành “tư lệnh tối thượng vĩ đại vương giả tôn kính của đội quân bách thắng vinh quang.” Ông ta từng tự xưng là “tướng năm sao vàng vĩnh viễn.”

“Không một nhà độc tài nào lên được hay duy trì được đỉnh cao danh vọng nếu không có sự hỗ trợ của những kẻ độc ác khác,” ông Adams nói. “Dưới Hun Sen là một dàn tướng lĩnh cốt cán từng lạm dụng và dọa nạt người dân Campuchia với một thái độ thù ghét đa nguyên và dân chủ giống y như Hun Sen đã thể hiện trong suốt 33 năm nắm quyền. Giống như ông chủ họ, những kẻ này cần bị chỉ mặt vạch tên và quy trách nhiệm về rất nhiều tội ác.”   

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country