Skip to main content

Hội nghị Thượng đỉnh APEC/ASEAN: Hãy tập trung vào cuộc khủng hoảng người Rohingya

Cần lên án tình trạng nhân quyền đang xuống dốc ở Việt Nam, Philippines và Campuchia

© 2017 Reuters

(Manila, ngày mồng 9 tháng Mười một năm 2017) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, các nhà lãnh đạo thế giới đến họp các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á từ ngày mồng 10 đến ngày 14 tháng Mười một cần tập trung vào cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Miến Điện và tình trạng nhân quyền đang xuống dốc ở Việt Nam, Philippines và Campuchia.

Các nguyên thủ quốc gia thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Canada, Úc và Mexico sẽ họp ở Đà Nẵng, Việt Nam vào ngày mồng 10 tháng Mười một. Lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ họp ở Manila vào ngày 12 tháng Mười một, cùng với hội nghị thượng đỉnh bên lề ASEAN với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác. Hầu hết các vị lãnh đạo nói trên cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thường niên diễn ra ở Angeles, phía bắc thủ đô Manila, vào các ngày 13 và 14 tháng Mười một.

Quân đội Miến Điện đã tiến hành một chiến dịch thanh trừng sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya ở Bang Rakhine phía bắc quốc gia này kể từ ngày 25 tháng Tám. Các lực lượng an ninh đã tàn sát hàng loạt, hãm hiếp, cướp bóc, đốt phá hàng loạt nhà cửa và tài sản, khiến hơn 600.000 người Rohingya phải tị nạn sang Bangladesh. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhận định các vụ thảm sát này cấu thành tội ác chống nhân loại. Chiến dịch thanh trừng này đã khiến một số quốc gia tạm ngừng quan hệ quân sự với Miến Điện và tái thiết lệnh cấm vận có chọn lọc và hạn chế đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân đội cấp cao. Nhưng cần có các biện pháp cứng rắn hơn để gây sức ép buộc chính quyền Miến Điện chấm dứt đàn áp, thừa nhận những vi phạm nhân quyền trầm trọng, bảo đảm sự an toàn cho những người dân trong nước buộc phải di dời, và tạo điều kiện cho các nhóm độc lập tiếp cận để tìm hiểu sự thực.

“Cuộc khủng hoảng của người Rohingya là một trong những thảm họa nhân quyền tồi tệ nhất ở châu Á trong những năm qua,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Các nhà lãnh đạo thế giới không nên quay về nếu sau các hội nghị thượng đỉnh này mà không nhất trí được các biện pháp cấm vận có chọn lọc để gây sức ép buộc Miến Điện chấm dứt đàn áp người Rohingya, và cho phép các nhà quan sát độc lập và các nhóm cứu trợ đến hiện trường.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp cấm vận kinh tế có chọn lọc cũng như cấm đi lại đối với các sĩ quan quân đội liên quan tới các vụ thảm sát. Hội đồng Bảo an tuy chưa thông qua một nghị quyết cụ thể lên án các vụ đàn áp nói trên, nhưng đã ban hành một “Thông cáo của Chủ tịch” vào ngày mồng 6 tháng Mười một, bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực và kêu gọi Miến Điện hợp tác với các cơ quan Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm điều tra các vụ việc vi phạm này.

Dù Hội đồng cần đưa ra các hành động thiết thực hơn, nhưng trong lúc này, các chính phủ liên quan, đặc biệt là ở châu Á, có thể cùng phối hợp hành động song phương hay đa phương để thiết lập các lệnh cấm vận hay cấm đi lại có chọn lọc.

Các nhà lãnh đạo tại các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á nên cùng nhau kêu gọi chính quyền Miến Điện cho phép Đoàn Tìm kiếm Sự thật của Liên Hiệp Quốc, đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập từ năm 2016, cũng như các chuyên gia nhân quyền và cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, tiếp cận Bang Rakhine ở miền bắc. Tổng Thư ký LHQ António Guterres sẽ tham dự một số nội dung của ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh liên quan ở Philippines, và các thành viên của Đại Hội đồng LHQ đang thảo luận một nghị quyết về Miến Điện để thông qua vào cuối năm nay.

Các nhà lãnh đạo đến dự họp tại châu Á cũng cần bàn thảo việc xây dựng các cơ chế tư pháp nhằm truy cứu trách nhiệm những kẻ tham gia đàn áp ở Miến Điện, kể cả tại Đại Hội đồng LHQ và Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Hội đồng Bảo an cần đưa tình trạng ở Miến Điện ra Tòa án Hình sự Quốc tế.

“Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập chính là để đối phó với các tội ác chống loài người như những hành vi đã xảy ra ở Miến Điện,” ông Adams nói. “Các thành viên của Hội đồng Bảo an tới dự các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á cần bàn thảo việc đưa tình trạng ở Miến Điện ra tòa ở The Hague.”

Vấn nạn của những người tị nạn Rohingya cũng là một chủ đề cần được bàn thảo tại các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á. Các nhà lãnh đạo đến họp phải đưa ra các thông điệp rõ ràng rằng chính phủ mình sẽ phản đối các kế hoạch về người tị nạn Rohingya nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản nhằm ngăn ngừa cưỡng bức hồi hương, hoặc hồi hương mà có nguy cơ lại bị xâm phạm nhân quyền nữa. Có thể tìm hiểu các vấn đề chủ chốt trong “Mười nguyên tắc bảo vệ người tị nạn và mất nơi cư trú được rút ra từ cuộc khủng hoảng của người Rohingya ở Miến Điện” của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

 

Việt Nam

Trong hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam vào ngày mồng 10 tháng Mười một, lãnh đạo các quốc gia đến tham dự cần nêu quan ngại về tình trạng gia tăng đàn áp đối với các nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền vừa công bố một bản danh sách gồm 105 tù nhân chính trị ở Việt Nam, nêu bật 15 trường hợp cụ thể. Hàng chục nhà bất đồng chính kiến khác vẫn đang bị tạm giam chờ xét xử.

“Nhà nước độc đảng lạm quyền của Việt Nam đang đăng cai hội nghị thượng đỉnh quan trọng này trong khi hơn một trăm nhà bất đồng chính kiến đang phải chịu cảnh tù đày,” ông Brad Adams nói. “Các nhà lãnh đạo tới hội nghị có quan tâm đến nhân quyền cần kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích những người đang bị giam cầm này và chấm dứt đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa.”

Vào thời gian trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, nhà cầm quyền Việt Nam đã quản chế tại gia một số nhà hoạt động hoặc triệu tập họ để thẩm vấn, theo thông báo của các nhà ủng hộ nhân quyền trong nước.

Theo luật hình sự Việt Nam, phê phán chính phủ hoặc Đảng Cộng sản Việt Nam có thể bị coi là đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền không cho phép thành lập các đảng chính trị độc lập, công đoàn lao động hay các tổ chức nhân quyền. Mọi cuộc tụ tập đông người phải được phê chuẩn từ trước, và không bao giờ có giấy phép cho các buổi mít tinh, tuần hành hay biểu tình có tính chất chính trị hoặc phê phán chính phủ hay đảng cộng sản. Các nhóm tôn giáo ở Việt Nam chỉ được hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền. Nhà cầm quyền thường kiểm tra, sách nhiễu và đôi khi sử dụng vũ lực để giải tán các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài sự kiểm soát của nhà nước.

Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã và đang dùng những biện pháp mới để đối phó với những người có hành vi chính trị hoặc tiếng nói phê phán, kể cả dùng côn đồ mặc thường phục hành hung cơ thể và sách nhiễu tâm lý; công an theo dõi gắt gao, quản chế tại gia trái luật, và gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà và gia đình của các nhà hoạt động. Cản trở quyền tự do đi lại cũng thường được áp dụng để ngăn các blogger và nhà hoạt động tham gia các sự kiện công cộng hay dự phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến. Việc hành hung thân thể trắng trợn nhằm vào các nhà bất đồng chính kiến tiếp tục diễn ra thường xuyên.

Gây sức ép với Việt Nam về nhân quyền cũng giúp thu hút sự chú ý từ các chính phủ khác cũng có thành tích yếu kém về nhân quyền đang tham dự APEC, trong đó có Trung Quốc và Nga.

“Tại sao phê phán chính quyền lại là một tội hình sự? Câu hỏi này cần được nêu ra với các chủ nhà Việt Nam của hội nghị APEC,” ông Adams nói. “Nhưng câu hỏi này cũng sẽ khiến nhiều vị lãnh đạo khách thấy không thoải mái.”

 

Philippines

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Mười một, sẽ có cơ hội nêu quan ngại về “cuộc chiến chống ma túy” tàn bạo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một chiến dịch cho phép giết người không theo trình tự pháp lý nhằm vào những đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy, trong đó phần lớn nạn nhân là dân nghèo thành thị, bao gồm cả trẻ em. Chiến dịch chống ma túy này cũng có tác động tiêu cực trầm trọng đối với tự do ngôn luận và không gian chính trị ở Philippines. Tháng Hai năm 2017, chính quyền đã bắt giữ một nhân vật quan trọng lên tiếng chỉ trích chiến dịch này, Thượng nghị sĩ Leila de Lima, với cáo buộc ngụy tạo và có động cơ chính trị. Tổng thống Duterte đã liên tiếp đe dọa các luật sư và những người vận động cho nhân quyền, và cảnh báo rằng ông ta sẽ áp dụng áp dụng thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc.

“Chắc phải có ai đó trong số hai mươi nhà lãnh đạo thế giới tham dự các hội nghị thượng đỉnh này sẽ chất vấn Duterte về tình trạng giết chóc khủng khiếp và chưa có tiền lệ trong ‘cuộc chiến chống ma túy’ của ông ta,” ông Adams nói. “Việc hành quyết lan tràn không xét xử các nghi can ma túy không những trái luật, mà còn không hiệu quả và tàn ác.”

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada và khối EU, chính sách chống ma túy và điều trị cai nghiện đã chuyển hướng sang cách tiếp cận y tế công cộng, đề cao cách điều trị tự nguyện và tại cộng đồng. Ở Hoa Kỳ, để đối phó với cuộc khủng hoảng về nhóm thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (opioid), chính quyền liên bang bắt đầu nhấn mạnh phương pháp điều trị cai nghiện hơn là cưỡng chế. Tổng thống Donald Trump mới tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp liên quan tới cuộc khủng hoảng về nhóm thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (opioid), dù chính phủ của ông ta chưa có các hành động thích đáng để triển khai phương pháp tiếp cận thiên về y tế công cộng hơn.

 

Campuchia

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng cần nêu quan ngại mạnh mẽ về nhân quyền với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Hun Sen đã cầm quyền gần 33 năm, khiến ông trở thành nguyên thủ tại vị lâu nhất ở châu Á và gần ngang với nguyên thủ cầm quyền lâu nhất trên thế giới. Đảng cầm quyền của ông, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã từ lâu thống lĩnh hệ thống chính trị Campuchia; công an, quân đội và tòa án do đảng này kiểm soát đã dùng những cáo buộc pháp lý ngụy tạo, đe dọa, hối lộ và bạo lực để duy trì quyền kiểm soát chính trị.

Trong những tháng gần đây, Đảng Nhân dân Campuchia đã buộc một tờ báo quan trọng phải đóng cửa, một đài phát thanh độc lập dừng phát song, và sách nhiễu các tổ chức nhân quyền. Chính quyền tỏ rõ ý định giải thể đảng chính trị đối lập lớn nhất - Đảng Cứu quốc Campuchia. Chỉ ba tháng sau cuộc bầu cử hội đồng xã hồi tháng Sáu, trong đó Đảng Cứu quốc Campuchia giành được 43 phần trăm số ghế, chính quyền bắt giữ một trong những lãnh đạo của đảng này là ông Kem Sokha vì tội danh phản quốc ngụy tạo. Chủ tịch trước đây của Đảng Cứu quốc, ông Sam Rainsy, hiện đang phải lưu vong vì có lệnh truy nã từ trước trong một vụ án không có bằng chứng. Hun Sen cũng đe dọa sẽ truy tố các nhà lập pháp khác trong Đảng Cứu quốc. Vào ngày 16 tháng Mười một, Tòa án Tối cao do Đảng Nhân dân Campuchia kiểm soát sẽ đưa ra phán quyết về một vụ án mang động cơ chính trị, quyết định liệu có giải thể vĩnh viễn Đảng Cứu quốc Campuchia hay không.

“Trong khi các thành viên ASEAN hội họp, thì những trụ cột cuối cùng của nền dân chủ đang sụp đổ ở Campuchia,” ông Adams nói. “Các đồng minh của Campuchia cần lên án việc Hun Sen đang nỗ lực xóa bỏ dân chủ, yêu cầu ông ta chấm dứt các vụ pháp lý nhằm vào đảng chính trị đối lập và các lãnh đạo của đảng này.”

 

Thái Lan

Thủ tướng của Thái Lan, tướng Prayut Chan-ocha, là người lãnh đạo vụ đảo chính quân sự vào tháng Năm năm 2014, lật đổ chính quyền được bầu một cách dân chủ. Chính quyền quân sự của Prayut cai trị Thái Lan với quyền miễn trừ tuyệt đối, đã cấm mọi hoạt động chính trị và tụ họp ôn hòa, tùy tiện giam giữ hàng ngàn người chỉ vì phê phán chính phủ, quân đội hay hoàng gia, thậm chí kể cả với ý giễu nhại hay hài hước. Hơn 1.400 công dân nước này đang chờ bị xét xử ở các tòa án quân sự. Các điều luật cấm phạm thượng (xúc xiểm hoàng gia), xúi giục nổi loạn và các tội danh khác thường xuyên được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận và đe dọa các nhà bất đồng chính kiến.

Lời hứa hẹn của chính quyền quân sự rằng sẽ khôi phục nền dân chủ liên tục bị thất hứa, và không có chút tiến bộ nào tại các thời điểm và mốc thời gian dự kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói, dù có ấn định được ngày bầu cử, nếu không có những cải cách quan trọng, thì khó đạt được bầu cử tự do và công bằng. Theo hiến pháp tháng Tám năm 2016, được thông qua trong một cuộc “trưng cầu dân ý” đầy khiếm khuyết, chính quyền quân sự tiếp tục duy trì kiểm soát, với một Thượng nghị viện do chính quyền quân sự cử để đứng ra làm lực lượng chính trị lớn nhất trong quốc hội, có vai trò trực tiếp trong việc lựa chọn thủ tướng.

“Thái Lan từng có thời là một trong những nền dân chủ hàng đầu ở châu Á, nhưng giờ đây đang sa lầy dưới chính quyền quân sự,” ông Adams nói. “Các đồng minh của Thái Lan cần nhân dịp các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á để khẳng định rằng quan hệ với Thái Lan có được cải thiện hay không còn tùy thuộc vào chính quyền nước này có từ bỏ ý tưởng “dân chủ có điều hành” và khôi phục đầy đủ chế độ dân chủ và tự do chính trị hay không.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.