Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ mọi cáo buộc đối với nhà hoạt động trên mạng Internet

Đinh Nhật Uy Không phạm tội gì khi phản đối bản án dành cho em trai mình.

(Băng cốc, ngày 28 tháng Mười năm 2013) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Chính quyền Việt Nam cần thả vô điều kiện nhà vận động xã hội Đinh Nhật Uy. Theo kế hoạch, anh sẽ bị đưa ra xử ở Tòa án Tỉnh Long An vào ngày 29 tháng Mười năm 2013 với tội danh “lợi dụng tự do dân chủ.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng Việt Nam cần hủy bỏ điều 258 Bộ luật Hình sự - đang được áp dụng để xét xử Đinh Nhật Uy, và chấm dứt truy tố người dân chỉ vì họ thực thi các quyền dân sự và chính trị một cách ôn hòa. 

“Khi chính quyền Việt Nam gia tăng áp dụng các điều luật có nội dung lạm dụng nhân quyền để đàn áp các ý kiến phê phán công khai và các cuộc biểu tình ôn hòa của dân chúng, những lời tuyên bố về một nhà nước tôn trọng nhân quyền của họ đang bị biến thành trò cười,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu “Kết án Đinh Nhật Uy vì đòi trả tự do cho em trai mình đang ngồi tù và phê phán chính quyền là một việc quá đáng, nhất là khi chính phủ nước này đang tìm kiếm một ghế trong tổ chức nhân quyền cao nhất của Liên hiệp Quốc.”   

Chính quyền bắt giữ Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, ở tỉnh Long An vào ngày 15 tháng Sáu sau khi anh dùng tài khoản Facebook của mình vận động yêu cầu trả tự do cho người em trai, Đinh Nguyên Kha. Đinh Nhật Uy cũng sử dụng mạng truyền thông xã hội để đăng tải các ý kiến bình luận chính trị.

Vụ bắt giữ Đinh Nhật Uy là kết quả của nhiều đợt sách nhiễu của công an nhằm vào gia đình họ Đinh. Đinh Nhật Uy bị cáo buộc đã vi phạm điều 258 bộ luật hình sự, thường được các tòa án có sự chỉ đạo chính trị sử dụng để bỏ tù những người bị coi là có các hành vi bị quy kết trong điều khoản này là “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do nhóm họp , lập hội và các quyền tự do dân chủ khác” để chống lại lợi ích nhà nước.   

Đinh Nguyên Kha, 26 tuổi, bị bắt vào ngày 11 tháng Mười năm 2012 về tội “tuyên truyền chống nhà nước” khi phân phát các tờ rơi phê phán “các chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và đất đai” và chính sách của chính phủ trong các bất đồng về đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo tin tức báo chí nhà nước. Các cáo buộc khác đối với Đinh Nguyên Kha vẫn chưa được nhắc tới.

Vào ngày 16 tháng Năm, Tòa án nhân dân Tỉnh Long An xử anh tám năm tù vì tội phát tán tờ rơi, sau đó mức án được giảm xuống còn bốn năm trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 16 tháng Tám.

Cáo trạng của chính quyền đối với Đinh Nhật Uy, ký ngày mồng 6 tháng Chín, cho biết anh đã vi phạm điều 258 trên Facebook một tháng sau khi em trai mình bị bắt. Cũng theo cáo trạng, sau đó anh đã đăng tải “những thông tin xấu và sai lệch,” như các đánh giá tiêu cực về các nhà lãnh đạo của Việt Nam, đưa tin về các hoạt động của một “tổ chức chống phá nhà nước,” và ý kiến phê phán chính quyền đã công kích một giải thưởng về nhân quyền. Nếu bị kết án, Đinh Nhật Uy sẽ phải đối mặt với mức án tù lên tới ba năm.   

Vụ xử Đinh Nhật Uy là sự kiện mới nhất trong cao trào tố tụng nhằm vào các nhà vận động chính trị và bất đồng chính kiến diễn ra trong năm 2013. Có sự gia tăng đáng kể so với khoảng 40 vụ xét xử tương tự trong cả năm 2012.

“Việt Nam đã tăng cường đáng kể các chiến thuật đàn áp nhằm vào các nhà vận động ôn hòa để theo đuổi một chính sách triệt tiêu mọi đường sống đối với những nhà bất đồng chính kiến có danh tiếng,” ông Robertson nói. “Đối với các nhà vận động nhân quyền Việt Nam, năm 2013 đã và đang là năm phải sống trong nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế cần kiên quyết và tuyên bố với Việt Nam rằng thế là đủ rồi, hãy chấm dứt các hành vi lạm dụng đó.”    

Mức độ gia tăng các vụ án kiểu như thế cho thấy rằng chính quyền Việt Nam đang cố dập tắt những phản ứng bất bình của xã hội dân sự đang tăng lên với Đảng Cộng sản trong một thể chế độc đảng,  nhằm gửi đi thông điệp đe dọa tới những người định phê phán về tham nhũng tràn lan, tịch thu đất đai, bất bình đẳng nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, các vấn nạn kinh tế, và các điều luật vi phạm nhân quyền. Một biểu hiện của mối bất bình xã hội đang lan rộng hơn là việc hình thành một mạng lưới các blogger trong thời gian gần đây với mục tiêu hủy bỏ điều 258.   

Mặc dù đã đi vào quỹ đạo đàn áp, Việt Nam vẫn đang tranh cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong đợt bỏ phiếu dự định sẽ diễn ra vào ngày 12 tháng Mười một tới. Các thành viên của Hội đồng này được coi là “luôn duy trì tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.” 

Tài liệu tranh cử của Việt Nam tuyên bố rằng trong thời gian gần đây, nhân quyền trong nước đã được “tôn trọng và bảo đảm một cách đầy đủ và ngày càng hữu hiệu,” và đặc biệt là quyền tự do ngôn luận trên mạng internet đã được “tăng cường.” Tài liệu này cũng đưa ra cam kết sẽ áp dụng các chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm tốt hơn cho tất cả các “quyền con người phù hợp với các thông lệ được quốc tế thừa nhận.”  

“Các nhà vận động xã hội dân sự và blogger ở Việt Nam coi vụ xử Đinh Nhật Uy như một nỗ lực của chính quyền thể hiện rằng họ có thể tùy ý vi phạm nhân quyền, ngay cả khi đang tìm kiếm một vị trí trong tổ chức cao nhất về nhân quyền của Liên hiệp Quốc,” ông Robertson nói. “Chính phủ các nước cần công khai lên tiếng đòi trả tự do ngay lập tức cho Đinh Nhật Uy và những người khác đang bị tù ở Việt Nam vì đã thực thi các quyền tự do được quốc tế thừa nhận, nếu không sẽ phải đối mặt với các khó khăn trong quá trình bầu cử vào Hội đồng Nhân quyền.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country