Skip to main content

Việt Nam: Chấm dứt hành động bóp nghẹt bất đồng chính kiến trước Đại hội Đảng

Lãnh đạo cần tôn trọng - thay vì chà đạp- các quyền cơ bản của con người

(New York, ngày 11 tháng Giêng năm 2011) -Đảng Cộng sản Việt Nam cần từ bỏ chủ trương xiết chặt kiểm soát các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 11, trả tự do cho những người đang bị cầm tù, giam giữ và bị kiểm duyệt, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố hôm nay. Đại hội dự kiến kéo dài chín ngày, bắt đầu từ ngày 12 tháng Giêng năm 2011, sẽ quyết định các vị trí lãnh đạo và đường lối của Đảng trong vòng năm năm tới.

Các hành động trấn áp gia tăng đột ngột trong khoảng thời gian sắp diễn ra Đại hội. Tình trạng này phản ánh chỉ thị mới đây từ cấp cao, yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương trên toàn quốc phải đảm bảo các nhân vật bất đồng chính kiến, các nhà vận động tự do tôn giáo, khiếu kiện đất đai và dân tộc thiểu số thuộc các nhóm tôn giáo độc lập không gây ra sự cố gì trước và trong thời gian diễn ra đại hội.

"Tại sao các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn sợ phải nghe những bức xúc của chính công dân nước mình?" ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của HRW phát biểu. "Để hoạch định cho năm năm sắp tới, các nhà lãnh đạo Việt Nam nên đưa ra một kế hoạch cải thiện thành tích yếu kém của mình về nhân quyền, thay vì tìm cách bắt giữ và trấn áp những người có tiếng nói phê phán để rảnh tay họp hành".

Một ví dụ trong các chỉ thị mới đây về việc dập tắt những tiếng nói phê phán là Công điện số 2402/CD-TTg doThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 30 tháng 12 năm 2010. Theo nội dung công điện, "...chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết hiệu quả các điểm nóng phức tạp về dân tộc, tôn giáo, khiếu kiện đông người... không để xảy ra các vấn đề phức tạp để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá".

Đã hai mươi lăm năm trôi qua kể từ khi Đại hội Đảng lần thứ Sáu diễn ra vào năm 1986, thời điểm chính quyền bắt đầu thực hiện chính sách "đổi mới", và mười chín năm sau khi Việt Nam thông qua Hiến pháp 1992, trong đó quyền con người được tôn lên vị trí là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia, những tiến bộ về cải cách hành chính và nhân quyền của Việt Nam vẫn hết sức đáng thất vọng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

"Trong Đại hội này, đội ngũ lãnh đạo mới nên đoạn tuyệt với quan điểm cũ và tiếp nhận một viễn cảnh mới, trong đó các quyền con người như tự do ngôn luận, hội họp và lập hội một cách ôn hòa được tôn trọng", ông Robertson tuyên bố. "Hiện nay, thay vì khuyến khích trao đổi một cách cởi mở, giới lãnh đạo chỉ chuyên tâm dập tắt các tiếng nói phê phán".

Vào thời điểm các lực lượng an ninh được đặt trong tình trạng trực chiến cao, sự cố xảy ra tuần trước, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bị công an hành hung ở Huế trong khi cố ghé thăm linh mục Công giáo bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý, không phải là điều bất ngờ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

"Việc hành hung một nhà ngoại giao nước ngoài khiến mọi người bàng hoàng và vụ việc đã trở thành một sự cố quốc tế, nhưng sự việc đó chỉ chứng tỏ rằng những người dân thường Việt Nam vẫn bị công an xử lý nặng tay như thế hàng ngày, ở những nơi khuất mắt công luận," ông Roberson phát biểu. "Điều đáng nói ở đây là, công dân Việt Nam đáng được hưởng những quyền như mọi người khác để tụ tập một cách ôn hòa, bày tỏ chính kiến, đi lại hoặc lập hội".

Liên tục diễn ra hàng loạt các phiên toà chính trị và các vụ bắt giữ hàng chục nhà vận động dân chủ, nhà văn nhà báo độc lập, những người phê phán chính phủ trên mạng, và thành viên các nhóm tôn giáo không được chính quyền công nhận. Hơn 400 người hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình.

Với kịch bản kiểu Orwell, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều nhà vận động đã bị xử tù với tội danh "lợi dụng quyền tự do dân chủ" về ngôn luận, nhóm họp và lập hội để "xâm phạm lợi ích nhà nước" theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

"Việc trấn áp những người phê phán chính quyền một cách ôn hòa không phải là điều gì mới lạ ở Việt Nam", ông Robertson phát biểu. "Có một bàn tay đàn áp chính trị thường trực đặt trên cổ họ, được xiết chặt hơn trước khi diễn ra bất kỳ một sự kiện quan trọng nào".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kiến nghị những điểm sau với các nhà lãnh đạo Việt Nam trước khi diễn ra Đại hội Đảng:

  1. Đại hội cần bãi bỏ các luật lệ và chính sách cản trở tự do ngôn luận. Hiện tại, nhà nước duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các kênh truyền hình, đài phát thanh, nhà xuất bản, hơn 700 tờ báo in và tạp chí cũng như hàng ngàn các tờ báo mạng, trang web và cổng thông tin điện tử. Các nhà báo viết về những vấn đề "nhạy cảm" thường bị đuổi việc, đôi khi bị xử tù. Nhà cầm quyền sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù những người viết blog phê bình chính sách nhà nước. Các đợt tấn công vi tính, một số xuất phát từ các IP tại Việt Nam, được thực hiện nhằm vào các website độc lập.
  2. Đại hội cần tái khẳng định rằng công an Việt Nam không đứng cao hơn luật pháp. Hiện tượng cảnh sát bạo hành đang phổ biến, và nhân viên an ninh thường sử dụng vũ lực quá mức cần thiết mà không có sự kiểm soát từ trên hay bị truy cứu trách nhiệm. Con số những người tử vong khi bị công an giam giữ trong năm qua lên đến mức báo động, bao gồm cả những người chết trong khi bị tạm giữ vì những vi phạm nhỏ.
  3. Đại hội cần chỉ đạo giới quan chức nghiêm cấm tịch thu đất đai tư nhân để đưa vào những dự án phát triển mà không có sự đền bù thỏa đáng, và chấm dứt đàn áp quá tay đối với những người biểu tình phản đối giải toả đất đai một cách bất công, trong đó có việc sử dụng vũ khí gây chết người đối với những người biểu tình.  Cán bộ nhà nước cần công nhận quyền lợi hợp pháp của những người khiếu kiện tập thể, chấm dứt sử dụng bạo lực để tấn công những người khiếu kiện và thả những nhà vận động về quyền lợi đất đai đang bị bắt giữ với những tội danh ngụy tạo.
  4. Đại hội cần bảo đảm tự do tôn giáo. Trong năm 2010, công an đã giải tán các cuộc tụ họp của những nhóm tín đồ Tin lành độc lập, bắt giữ thành viên của các dòng Tin lành Mennonite độc lập, tín đồ Cao đài, tín đồ tại gia người Thượng, sách nhiễu và cản trở việc đi lại của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, và các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dùng bạo lực giải tán các giáo dân Công giáo biểu tình phản đối việc tịch thu đất đai của nhà thờ, và thường xuyên đe dọa, trấn áp các nhà vận động tôn giáo.
  5. Đại hội cần thay đổi chính sách cứng nhắc đối với công nhân, cho phép tự do lập hội và quyền thương lượng tập thể, phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Hiện tại, chính quyền không cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập, bắt giữ những người vận động cho quyền lợi công nhân một cách ôn hòa và trả đũa công nhân tham gia các cuộc biểu tình không được chính quyền cho phép.
  6. Đại hội cần khẳng định sự bảo vệ đối với các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền. Hiện tại, chính quyền gây áp lực khiến các luật sư không tham gia những vụ án nhạy cảm, liên quan tới lạm dụng công quyền. Những luật sư vẫn tham gia các vụ án như thế bị sách nhiễu, bắt bớ, khai trừ khỏi đoàn luật sư và bị bỏ tù. Những người Việt Nam cố gắng thành lập các tổ chức nhân quyền độc lập, hay đưa tin về những vụ vi phạm nhân quyền tới các tổ chức nhân quyền quốc tế hoặc Liên Hợp Quốc bị sách nhiễu, triệu tập và bắt giữ.
  7. Đại hội cần có hành động để đảm bảo tất cả các điều luật và quy định của chính phủ phải phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và yêu cầu hủy bỏ những điều trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác gây cản trở hoặc hình sự hóa quyền được bày tỏ chính kiến bất đồng một cách ôn hòa và các hoạt động tôn giáo độc lập, ví dụ như: điều 79 Bộ Luật Hình sự ("chống chính quyền nhân dân"), điều 88 ("tuyên truyền chống nhà nước") và điều 258 ("lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước").

"Đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng tới nhân quyền, không phải Đảng quyền", ông Robertson nói. "Để đưa đất nước tiến lên, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần cho phép công dân mình hưởng đầy đủ mọi quyền được ghi nhận trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thay vì tập trung nỗ lực cản trở các quyền tự do cơ bản và bóp nghẹt bất đồng chính kiến."

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country