(New York) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa tuyên bố hôm nay rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc đã áp đặt đối với những người phê phán ôn hòa trên mạng là Nguyễn Văn Hải, có bút danh Điếu Cày và Phan Thanh Hải, bút danh Anhbasg, và trả tự do cho họ. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, việc truy tố mang màu sắc chính trị đối với những người phê phán chính phủ và các blogger độc lập là vi phạm các quyền cá nhân đã được bảo đảm theo luật pháp quốc tế, và tô đậm thêm vết đen về nhân quyền của quốc gia này.
Vào ngày 20 tháng 10 năm 2010, ngày mãn hạn tù 30 tháng của Điếu Cày theo bản án ngụy tạo với tội danh "trốn thuế", nhà cầm quyền đã từ chối trả tự do cho ông. Công an cho biết họ tiếp tục giam giữ ông để điều tra, với cáo buộc mới rằng ông vi phạm điều 88 của Bộ luật Hình sự vì đã "tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa". Vợ cũ của ông, bà Dương Thị Tân, đã bị công an Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ và thẩm vấn khi bà chuẩn bị đi đón ông ra tù; nhà riêng của bà cũng bị khám xét.
"Chính quyền Việt Nam thật không còn biết xấu hổ khi tạo dựng các cáo buộc và biện minh cho việc giam giữ những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa như Điếu Cày", ông Phil Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. "Đợt truy quét trước Đại hội Đảng đang vào cao điểm, và những người lên tiếng chỉ trích chính phủ đang bị đặt trong tầm ngắm".
Điếu Cày là người sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, một nhóm xã hội độc lập. Đa số đều nhìn nhận tội danh về thuế chỉ là cái cớ để dập tắt tiếng nói của Điếu Cày phê phán chính phủ và chính sách đối ngoại với Trung Quốc. Ngày 18 tháng 10, công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt giữ Phan Thanh Hải, một thành viên khác của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Hai thành viên khác là blogger Tạ Phong Tần và Uyên Vũ đều bị công an giám sát công khai tại tư gia. Công an cũng tạm giữ nhà hoạt động dân chủ Đỗ Nam Hải trong một thời gian ngắn vào ngày 19 tháng 10.
"Ở một quốc gia, nơi nhà nước kiểm soát mọi phương tiện truyền thông truyền thống, blogger độc lập xuất hiện như những nguồn cung cấp tin tức, thông tin và bình luận xã hội quan trọng", ông Robertson cho biết. "Chính phủ lẽ ra phải ghi nhận vai trò xã hội then chốt mà các blogger độc lập đang đảm nhận, thay vì sách nhiễu và bỏ tù họ".
Các biện pháp đàn áp blogger trùng hợp với đợt bắt giữ tùy tiện trong thời gian gần đây, là chỉ dấu cho thấy phần nào nỗ lực của chính quyền nhằm dập tắt những tiếng nói phê phán trước khi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng Giêng năm 2011. Các đảng chính trị đối lập và truyền thông độc lập bị cấm hoạt động ở Việt Nam, và mọi đoàn thể, tổ chức tôn giáo cũng như nghiệp đoàn đều bị đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền.
Ngày 13 tháng Tám, công an bắt giữ Phạm Minh Hoàng, có bút danh Phan Kiến Quốc, đang làm việc tại Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, là cộng tác viên của một trang mạng lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vận hành các mỏ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Công an cáo buộc ông làm việc cho Việt Tân - một đảng đối lập ở hải ngoại, và tham gia các buổi họp bàn về phương pháp đấu tranh bất bạo động. Những vụ bắt bớ khác được cho là có liên quan tới Việt Tân trong những tháng gần đây gồm có: Mục sư Dương Kim Khải, bị bắt vào ngày 10 tháng Tám tại Thành phố Hồ Chí Minh; và hai dân oan, bà Trần Thị Thúy, bị bắt ngày 10 tháng Tám ở Đồng Tháp, và ông Nguyễn Thành Tâm bị bắt ngày 18 tháng Bảy tại Bến Tre.
Ba nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động - Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, đã có lịch ra tòa vào ngày 26 tháng 10 tại tỉnh Trà Vinh với tội danh "phá rối an ninh". Cả ba bị bắt vào tháng Hai vì phân phát tờ rơi với nội dung chống chính phủ và giúp người lao động tổ chức đình công đòi tăng lương. Cũng có lịch phải hầu tòa trong tuần tới là sáu người dân giáo xứ Cồn Dầu thuộc tỉnh Đà Nẵng. Họ bị bắt vào tháng Năm, khi công an cưỡng bức giải tán một đám tang trên đường đến nghĩa địa nằm ở khu đất có tranh chấp.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 17 Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhóm họp vào ngày 28 tháng 10 tại Hà Nội sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nguyên thủ quốc gia ASEAN và các chính phủ khác bày tỏ quan ngại về việc đàn áp những người lên tiếng phê phán chính phủ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
"Các bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cần chất vấn nước chủ nhà Việt Nam xem họ nghĩ khẩu hiệu ‘một ASEAN vì con người' thực chất có ý nghĩa như thế nào đối với một blogger Việt Nam đang ở trong tù", ông Robertson nói. "ASEAN cần yêu cầu Việt Nam thả ngay lập tức những tù nhân nói trên và tôn trọng các nguyên tắc về nhân quyền trong Hiến chương ASEAN".