Skip to main content

Việt Nam: Trẻ em bụi đời bị bức bách để chuẩn bị

Công An bố ráp và giam cầm các trẻ em bụi đời ở Hà Nội trong những trung tâm giam cầm khắc nghiệt

Chính quyền Việt Nam mở chiến dịch bố ráp để quét sạch đường phố Hà Nội không còn “những kẻ lang thang” và “lêu lổng” và đem giam những trẻ em bụi đời vào những trung tâm giam giữ, nơi đây có nhiều em bị đánh đập và phải chịu nhiều cảnh hiếp đáp, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) tuyên bố như vậy trong một bản báo cáo được phát hành hôm nay.

Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền quan tâm đến những trẻ em bụi đời vì những em này rất dễ bị giam cầm trong lúc chính quyền Việt Nam cố gắng trưng bày bộ mặt bè ngoài tốt đẹp nhất để chuẩn bị cho cuộc họp của các cấp lãnh đạo thế giới tại Hà Nội vào tuần tới, trong đó có Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush, tại Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương (Asia Pacific Economic Cooperation - APEC).

Bà Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền tại Á Châu phát biểu “Chính quyền Việt Nam cần phải bảo vệ không để cho các em bị hà hiếp, không nên xô đẩy thêm các em này vào vòng hại lụy bằng cách đưa những em này vào những trung tâm giam cầm. Các cấp lãnh đạo thế giới đến Việt Nam nên áp lực chính quyền Việt Nam để họ tôn trọng những quyền căn bản và tự do của con người.”

Theo Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, Việt Nam nên tôn trọng giao ước của họ trong việc bảo vệ trẻ em chiếu theo Hiệp Ước về Quyền của Trẻ Em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Á Châu và thứ nhì trên thế giới k‎ý chấp thuận sẽ tuân thủ hiệp ước này.

Bản báo cáo 87 trang tựa đề, “Trẻ em Bụi Đời : Sự Hà Hiếp Đối Với Trẻ Em Bụi Đời tại Hà Nội trong các Trại Giam” dẫn chứng những vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với những trẻ em bụi đời tại Hà Nội. Công An đã tiến hành những chiến dịch bố ráp các trẻ em bụi đời, càn quét vô tội vạ và giam giữ các em trong những trung tâm “cải huấn” của nhà nước được mỹ từ hóa gọi là “Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội”. Tại đây các em bị giam giữ trong một thời gian từ hai tuần đến sáu tháng.

Dựa trên những lời chứng của những em bụi đời được phỏng vấn trong vòng bốn năm qua, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền mô tả một cách chi tiết những cách đối xử thật khắc nghiệt tại Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Đồng Đậu, một trong những trung tâm giam giữ trẻ bụi đời. Những trẻ em bị nhốt trong những xà-lim bẩn thỉu và chật ních trong vòng 23 tiếng đồng hồ mỗi ngày, đôi khi giam chung với người lớn, và chỉ có một sô nước để làm việc vệ sinh. Đèn được bật sáng suốt ngày đêm. Các em được đi ra hai lần trong vòng nửa tiếng mỗi ngày để giặt giũ và ăn uống. Không hề có chương trình cải huấn, giáo dục và sinh hoạt giải trí cho các em, và cũng không có điều trị y tế hoặc tâm lý. Gia đình các em thường không được thông báo nơi các em bị giam.

Chúng ta càng cảm thấy khó chịu hơn nữa vì có báo cáo cho biết những em tại Trung Tâm Đồng Đậu hường bị đội ngũ quản lý đánh đập, chửi mắng và hành hạ.

Bà Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền tại Á Châu tường thuật: “Những nhân viên quản lý tại cái gọi là trung tâm cải huấn tát tai và thụi đánh các em bằng dùi cui cao su. Có những trẻ em bị biệt giam, bị bỏ đói và không có thuốc men chữa bệnh, không được gia đình thăm nuôi. Điều này vi phạm cả hai luật lệ Việt Nam và Quốc tế.”

Sau khi các em bị đánh đập, hiếm khi các em được chăm sóc vì thương tích và nhân viên quản lý hành hung các em không bị nghiêm phạt.

Bà Richardson tường thuật tiếp. “Thay vì làm nhiệm vụ của một trung tâm cải huấn, Đồng Đậu là một nhà tù trên thực tế”,

“Khi được thả, các em trở ra ngoài, thân thể bị bầm dập và trở nên yếu ớt hơn để sinh tồn trên đường phố Hà Nội”.

Không một trẻ em nào được Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền đề cập đến có được một đại diện pháp lý hoặc được nêu tội danh , nếu có, để kết tội; trường hợp của các em cũng không được đem ra tòa án để xét xử.

Trên phương diện danh nghĩa, chính sách của nhà nước là vây bắt các trẻ em bụi đòi để đem các em đó về đoàn tụ với gia đình. Trên thực tế, các nhân viên quản lý tại các trung tâm nhà nước, đặc biệt ở Đồng Đậu hiếm khi nỗ lực tìm kiếm thân nhân của các em hoặc báo cho gia đình các em nơi trú ngụ của chúng.

Khi mãn hạn giam cầm, họ hiếm khi cố gắng đưa em về với gia đình hoặc cho các em đoàn tụ với gia đình. Trái lại, các em cho Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền được biết họ bỏ mặc các em ở ngoài cổng của trung tâm - cách Hà Nội hơn 36 cây số - và các em phải tự động tìm đường về nhà. Phần đông các em không trở vê nhà ở vùng quê, nhưng lại trở về Hà Nội vì không còn lối thoát nào khác.

Mặc dù luật pháp Việt Nam ghi rõ chính sách và chương trình nâng đỡ các trẻ em bụi đời - phần đông là trẻ em nghèo từ vùng quê lên Hà Nội để kiếm việc làm - tổ chức Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền nhận thấy chính quyền thường làm trái ngược với những điều kêu gọi trong luật pháp Việt Nam và Quốc tế.

Theo bà Richardson “Trên giấy tờ, Việt Nam có những chính sách tốt để bảo vệ trẻ em. Nhưng thực tế của những đứa trẻ của đường phố Hà Nội là không có cải huấn gì cả, chỉ là định chế hóa và hà hiếp, khiến cho các em trở nên tồi tệ hơn nữa.

Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền kêu gọi thành lập một cơ quan độc lập để kiểm tra những điều kiện và những thực hành tại trung tâm Đồng Đậu và khai triển kế hoạch để ngăn chặn những hành vị lạm dụng tại đây. Ngoài ra, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền khuyến cáo chính quyền Việt Nam nên thành lập một hệ thống để bảo vệ trẻ em không bị giam cầm vô cớ và bảo đảm các em bụi đời không bị các viên chức của chính quyền hà hiếp. Những trung tâm chăm sóc những trẻ em bụi đời phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế là phải xúc tiến việc cải huấn và đoàn tụ gia đình (khi xét thấy cần) và cung cấp sự giáo dục thích hợp và chăm sóc sức khỏe cho các em.

Trích dẫn những lời chứng từ bản báo cáo:

“Có đủ loại người tại Trung Tâm Đồng Đậu trong đó có sinh viên và bộ đội, và tất cả những ai bị bắt gặp ngủ ngoài công viên hoặc ngoài đường phố về khuya. Có mười người trong phòng của em. Người lớn tuổi nhất năm mươi tuổi, và người trẻ nhất mười sáu. Em gặp một bà mẹ và một bé trai - bé trai vào khoảng ba hoặc bốn tuổi. Cán bộ quản lý đưa bà ấy đi đâu không biết và để bé trai ở lại phòng chúng em. Nó la khóc quá đỗi. Cán bộ bảo chúng em phải giữ đứa bé. Nó khóc suốt đêm. Việc này xảy ra khi em đến đây được một tuần. Đứa bé vẫn còn đó khi em rời phòng này.”
- Một em đánh giầy mười bảy tuổi

“Ngày đầu tiên, tám người vào chung với em. Tất cả mọi người đều buồn bã. Có một vài người khác, họ không có gì để ăn. Khi em đứng xếp hàng để nhận cơm, em có cảm giác chẳng muốn ăn uống gì cả vì vậy em đi rất chậm chạp. Những người khác cũng vậy. Cán bộ đến và bắt chúng em quỳ ở giữa phòng. Chúng em không được phép ăn. Lần đầu tiên chúng em được ăn là ngày hôm sau vào lúc 10 giờ sáng.”
- Một em đánh giầy mười lăm tuổi

“Em không biết phải xếp hàng thế nào khi lần đầu tiên em đến. Những người gác đến và đánh em bằng dùi cui cao su. Họ đánh túi bụi … hơn 20 lần, phía bên phải lưng, trên cánh tay, khửu tay. Em vẫn còn đau.{Em ra hiệu và chỉ những nơi trên thân thể với vẻ sợ hãi.} Sau đó họ đưa em về phòng không cho ăn cơm. Nhưng khó lòng mà nuốt trôi vì cơn đau. Lưng và vai phải của em sưng vù. Tay của em bị trầy trụa khắp nơi. Em xin phép trở về giường nằm bởi vì em đau quá. Em ngồi đó thẫn thờ và một tù binh khác cùng ở trong phòng cho em thuốc để giảm cơn đau. Em không ăn trong vòng hai ngày - vì em đau quá không ăn nổi.”
- Một em bụi đời mười bảy tuổi

“Khi em phải điền giấy tờ, cán bộ hỏi em em đã vào đây bao nhiêu lần. Em nói hai lần, nhưng ông ấy nói là em nói láo. Ông ấy bảo em đã đến đây bốn lần. Em nói ông ấy lầm rồi, ông ấy đánh em. Ông ấy dùng dùi cui cao su đánh trên khắp mình mẩy em. Ông ấy đánh em hai lần trên lưng và vai, hai lần ngang lưng hông của em.”
- Một em bụi đời mười lăm tuổi

“Một em muốn bỏ chạy khi mọi đang ăn. Họ thộp đầu em ấy và đánh. Một người đấm em, một người đá em. Họ dí đầu em vào tường và đánh em ấy bằng dùi cui cao su. Mọi người đều thấy việc này.”
-Một em bụi đời mười bốn tuổi

“Đèn và quạt luôn luôn chạy, bất kể sáng đêm. Cửa sổ luôn luôn đóng kín. Chúng em được ra khỏi phòng hai lần một ngày để ăn cơm. Bằng không chúng em ở trong phòng. Chúng em dùng một cái thau lớn trong phòng để đi vệ sinh. Khi chúng em được ra ngoài hai lần một ngày chúng em đi đổ cái thau này. Chúng em ngủ cho đến khi chúng em không ngủ được nữa. Chúng em nói chung, ca hát những bài nhảm nhí. Không khí trong trại thật là buồn chán. Suốt ngày em suy nghĩ vớ vẩn.”
- Một em mười chín tuổi được phỏng vấn về việc em bị giam cầm cách đây một năm.

“Có cửa số, nhưng bị … những thanh sắt khóa chặt. Đêm và ngày cũng như nhau vì lúc nào đèn cũng bật sáng. Có môt vài tấm ván gỗ để ngủ những không có đủ, vì vậy những ai đến trước có quyền dùng nó trước. Sống trong này một ngày như sống một tháng. Chúng em ngồi thẫn thờ trong phòng. Chúng em không biết làm gì cả.”
- Một em bụi đời mười bảy tuổi nói về những ngày giam giữ ở Đồng Dâu khi em còn mười sáu tuổi.

“Vào giờ cơm, nếu chúng em ăn nhanh, chúng em có thể đi tắm. Khi em còn ở đấy (mười bốn ngày), em tắm được ba lần. Nước ở đấy không sạch. Em cảm thấy ngứa ngáy sau khi em tắm.”
- Một em bụi đời mười bốn tuổi

“Mỗi một bữa ăn, chúng em có một bát cơm, hai miếng thịt cổ heo, hoặc một miếng tôm hoặc tàu hũ. Bữa cơm trưa vào lúc 10 giờ sáng và cơm tối 4 giờ chiều. Do đó buổi sáng chúng em cảm thấy rất đói.”
- Một em bụi đời mười lăm tuổi.

“Em luôn cảm thấy chán đời, buồn nản. Nhiều đêm, em nằm trên giường, nghĩ thật là bất công phải vào ở một nơi như vậy. Em cảm thấy tủi thân. Lý ra tại Trung Tâm Bảo Trợ không được có bạo động.”
- Một em bụi đời mười lăm tuổi.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country