Ngày 20 tháng Mười năm 2022
Kính gửi Ngài António Guterres
Tổng Thư ký
Liên Hiệp Quốc
Trụ sở Liên Hiệp Quốc, S-3800
New York, NY 10017
Về việc: Chuyến thăm Việt Nam vào tháng Mười
Thưa ngài Tổng Thư ký,
Chúng tôi viết bức thư này trước khi ngài tới thăm Việt Nam vào tuần này. Ngài từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng việc này không thể thực hiện được nếu thiếu vai trò của những người bảo vệ quyền môi trường. Trong chuyến thăm, chúng tôi đề nghị ngài công khai kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích bốn nhà bảo vệ nhân quyền về môi trường vừa bị kết án theo các cáo buộc ngụy tạo về “trốn thuế” vào năm nay. Những tù nhân chính trị nói trên là nạn nhân tiêu biểu của một trào lưu đàn áp mới ở Việt Nam, có sự kết hợp giữa đe dọa và sách nhiễu pháp lý, gây nguy cơ cản trở bước tiến của công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ quyền con người và đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Việc đàn áp các nhà bảo vệ môi trường chỉ là phần nổi của một chính sách bao quát hơn nhằm khống chế giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Các tổ chức đang theo dõi tình trạng này đã ghi nhận quá trình Việt Nam bắt giữ hàng trăm tù nhân chính trị như thế nào. Cơ chế Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhận xét rằng, sau khi bị bắt giữ, hầu hết những người này đều bị truy tố với các tội danh an ninh quốc gia có nội hàm mơ hồ, bị giam giữ không được liên lạc với người nhà trong thời gian dài, bị cấm gặp gỡ luật sư hay thân nhân thăm gặp, và thường đồng thời cũng bị cố tình bỏ mặc hay ngược đãi trong khi giam giữ. Đó là những người bị đàn áp chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị. Đó là những người đáng ra không bị truy tố, và không bị bỏ tù.
Liên Hiệp Quốc cần khẩn thiết gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt các chính sách và cách làm việc gây hại nhiều hơn là hỗ trợ nhân quyền, và nhấn mạnh rằng sẽ không thể đạt được tiến bộ về biến đổi khí hậu và phát triển nếu không có một xã hội dân sự năng động có thể tự do thực thi các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp. Chúng tôi kêu gọi ngài nhắc nhở Việt Nam rằng, với tư cách một thành viên mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có nghĩa vụ bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất về nhân quyền. Cụ thể, chúng tôi đề nghị ngài:
- Công khai kêu gọi Việt Nam bảo vệ, đề cao và hoàn thành các nghĩa vụ về nhân quyền được ghi nhận trong các công ước quốc tế về nhân quyền đã được chính phủ Việt Nam ký kết và phê chuẩn.
- Công khai kêu gọi Việt Nam chấm dứt hình sự hóa việc vận động chính sách và thành lập, vận hành các liên minh vận động của các tổ chức xã hội dân sự. Cụ thể là, Việt Nam cần thực thi các khuyến nghị do các chuyên gia độc lập của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra nhằm khắc phục tình trạng mà họ mô tả là “các hạn chế không xác đáng đối với xã hội dân sự…là sự vi phạm…công ước quốc tế về nhân quyền” của Việt Nam.
- Công khai kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện bốn nhà bảo vệ môi trường là Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách.
- Công khai kêu gọi Việt Nam cam kết chấm dứt việc tùy tiện bắt giữ thêm các nhà bảo vệ môi trường cũng như tất cả các nhà bảo vệ nhân quyền khác, trong đó có các nhà báo.
- Công khai kêu gọi Việt Nam sửa đổi triệt để Nghị định 58/2022/NĐ-CP về các nhóm xã hội dân sự quốc tế hoạt động ở Việt Nam nhằm đảm bảo rằng các quy định đó có nội dung phù hợp hoàn toàn với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một quốc gia đã tham gia ký kết.
- Công khai kêu gọi Việt Nam công bố rõ ràng việc các tổ chức phát triển phi chính phủ có phải đóng thuế doanh nghiệp hay không, và trong các trường hợp nào. Cụ thể, chính phủ Việt Nam cần giải quyết tình trạng tồn nghi và khác biệt giữa Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Quản lý Thuế năm 2019 về trách nhiệm nộp thuế của các tổ chức khoa học và công nghệ.[1] Các quy định này thể hiện sự mâu thuẫn trong chính sách có thể bị khai thác để tấn công với động cơ chính trị vào các tổ chức xã hội dân sự.
Cuối cùng, chúng tôi tin rằng hệ thống Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam giữ một vai trò quan trọng trong quá trình này. Chúng tôi đề nghị ngài kêu gọi Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan Liên Hiệp Quốc công khai và chủ động yêu cầu Việt Nam phải nghiêm túc cải thiện hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ nước này và bắt đầu ghi nhận trách nhiệm của mình. Cách thức tối ưu để Liên Hiệp Quốc thực hiện được việc này là thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của mình đối với xã hội dân sự ở Việt Nam.
Kính thư,
Tổ chức Access Now
Tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International
Mạng lưới Dân chủ Châu Á - Asia Democracy Network (ADN)
Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển Châu Á - Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA)
Tổ chức Nhân quyền Quốc tế ARTICLE 19
Liên minh Thế giới vì Sự Tham gia của Công dân - CIVICUS
Người Bảo vệ Nhân quyền - Bảo vệ Người Bảo vệ - Defend the Defenders
Liên hiệp Nhân quyền Quốc tế FIDH – International Federation for Human Rights
Nhóm Người Bảo vệ Tiền tuyến - Frontline Defenders
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch
Tổ chức Hỗ trợ Nhân quyền Quốc tế - International Service for Human Rights (ISHR)
Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam - Legal Initiative for Vietnam
Tổ chức Dự án 88 - The 88 Project
Tổ chức Safeguard Defenders
Quê Mẹ: Ủy ban về Nhân quyền Việt Nam - Quê Mẹ: Vietnam Committee on Human Rights
[1] Ví dụ như, khoản 2 Điều 143 (“Hành vi trốn thuế”) của Luật Quản lý Thuế năm 2019 quy định là: “Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.” Tương tự như thế, điểm b khoản 1 Điều 200 (“Tội trốn thuế”) của Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định là: “Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.” Tuy nhiên, khoản 7 Điều 4 của Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp năm 2008 lại mô tả “thu nhập được miễn thuế” là các “khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.” Cũng tương tự như thế, Nghị định 218 (218/2013/NĐ-CP) hướng dẫn áp dụng Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp quy định rằng các tổ chức nhận tài trợ chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nếu sử dụng khoản tài trợ không đúng mục đích.