Skip to main content

Thư chung của các Tổ chức Phi Chính phủ kêu gọi phóng thích Nguyễn Bắc Truyển

Kính thưa bà Cao ủy/Phó Chủ tịch Mogherini,

Đồng kính gửi: Ủy viên Thương mại Cecilia Malmström, Phó Chủ tịch Thứ nhất Frans Timmermans

Chúng tôi viết văn thư này để bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ bắt giữ và xét xử người bảo vệ nhân quyền và chuyên gia pháp lý Nguyễn Bắc Truyển ở Việt Nam, và yêu cầu bà thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để ông ta được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện.

Nguyễn Bắc Truyển bị công an Việt Nam bắt ngày 30 tháng Bảy năm 2017 ở Thành phố Hồ Chí Minh và bị biệt giam tùy tiện ở Hà Nội cho tới tận ngày xét xử. Sau suốt sáu tháng bị biệt giam ông mới được cho gặp vợ, và tận hai tuần trước khi diễn ra phiên xử ông mới được gặp luật sư bào chữa. Cùng với năm nhà hoạt động nhân quyền khác, ông Truyển bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”; ngày mồng 5 tháng Tư năm 2018, ông bị kết án 11 năm tù cộng thêm ba năm quản chế.

Sau phiên tòa, nhiều tổ chức ở Việt Nam và quốc tế đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại, cùng với Cục Đối ngoại Liên Âu, Phái viên Liên bang về Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo Đức, Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Vương quốc Liên Hiệp Anh, và một Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm ngày mồng 4 tháng Sáu năm 2018 vẫn giữ nguyên bản án đối với ông Truyển.


Nguyễn Bắc Truyển là một chuyên gia pháp lý bị nhắm đến vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền ôn hòa; các cáo buộc nhằm vào ông hoàn toàn không có cơ sở.

Ông Truyển có bề dày về quá trình bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, trong đó có quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam. Năm 2004, ông Truyển là doanh nhân đầu tiên ở Việt Nam tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn trách nhiệm của doanh nghiệp và bình đẳng giới ở hai công ty của mình. Năm 2006, ông bị bắt rồi sau đó bị kết án ba năm rưỡi tù giam cộng thêm hai năm quản chế vì phê phán Đảng Cộng sản cầm quyền. Sau khi được thả vào năm 2010, ông tham gia Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, một tổ chức nhằm hỗ trợ các tù nhân và gia đình họ. Từ năm 2014 cho đến khi bị bắt, ông là điều phối viên chương trình hỗ trợ thương phế binh của Ban Công lý Hòa bình Dòng Chúa Cứu thế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, ông thường hỗ trợ các cộng đồng đang gặp khó khăn, trong đó có các nhóm tôn giáo thiểu số. Năm 2011 ông được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trao Giải thưởng Hellman Hammett.

Do các việc làm của ông, nhà cần quyền Việt Nam khiến ông Nguyễn Bắc Truyển và vợ là Bùi Thị Kim Phượng liên tục bị sách nhiễu, đuổi khỏi nơi cư trú và bị hành hung trong nhiều năm trời. Ngày 24 tháng Hai năm 2014, ông Truyển và bà Phượng bị những kẻ thủ ác lạ mặt, được cho là làm theo sự chỉ đạo của an ninh, tấn công và đả thương nghiêm trọng trong khi đang trên đường tới Đại sứ quán Australia tại Hà Nội. Công an cũng ngăn cản ông Heiner Bielefeldt, lúc đó đang là Đặc sứ về tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Liên hiệp quốc, không cho tới thăm nhà ông Truyển vào ngày 28 tháng Bảy năm 2014.

Chưa hết, vào tháng Ba năm 2019, bà Bùi Thị Kim Phượng còn bị cấm xuất cảnh Việt Nam đi Châu Âu để gặp Cục Đối ngoại Liên Âu, các nghị viên Liên Âu và nghị viên các nước thành viên Liên Âu để vận động cho chồng được phóng thích.

Trong khi Liên minh Châu Âu và Việt Nam đang tiến gần tới bước hoàn tất về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, điều cốt yếu là các quan ngại về nhân quyền phải được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thương lượng. Chúng tôi chia sẻ các mối quan ngại được thể hiện trong bản nghị quyết khẩn cấp về Việt Nam của Nghị viện Châu Âu ban hành vào tháng Mười một năm 2018 và, đồng vọng lời kêu gọi của 32 nghị viên châu Âu trong bức thư ngỏ gửi bà và Ủy viên Malmström vào ngày 17 tháng Chín năm 2018, đề nghị EU thiết lập một loạt các mốc về nhân quyền ở Việt Nam, trong đó có việc phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển và tất cả những người khác đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình.

Chiểu theo Hướng dẫn của EU về những người bảo vệ nhân quyền, chúng tôi khẩn thiết đề nghị bà chỉ đạo các nỗ lực của EU, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để thúc đẩy Việt Nam phóng thích ông Nguyễn Bắc Truyển ngay lập tức và vô điều kiện, và bảo đảm an toàn cho ông cùng gia đình ông. Chúng tôi cũng đề nghị bà kêu gọi Việt Nam chấm dứt bạo lực và trả thù nhằm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, và thể hiện cam kết cải thiện hồ sơ về nhân quyền của mình.

Kính thư,

Action by Christians for the Abolition of Torture (ACAT-France; (Tổ chức Hành động Công giáo nhằm Loại trừ Tra tấn - Pháp)
Amnesty International (Tổ chức Ân xá Quốc tế)
Association for the Advancement of Freedom of Religion or Belief in Vietnam (AAFoRB - Hiệp hội Phát triển Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng ở Việt Nam)
Boat People SOS (BPSOS - Tổ chức Cứu trợ Thuyền nhân)
Buddhist Solidarity Association (Hiệp hội Đoàn kết Phật Giáo)
Campaign to Abolish Torture in Vietnam (Phong trào Loại trừ Tra tấn ở Việt Nam)
Christian Solidarity Worldwide (CSW – Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu)
CIVICUS: World Alliance for Citizen Participation (Liên minh Thế giới vì Sự Tham gia của Công dân)
Defend the Defenders (Vietnam - Bảo vệ Người Bảo vệ)
Federation des ligues des droits de l’Homme (FIDH) under the Observatory for the Protection of Human Rights Defenders (Liên minh Hành động vì Quyền con người – FIDH; thuộc Tổng hội Bảo vệ Những Người Bảo vệ Nhân quyền)
Front Line Defenders (Những Người Bảo vệ Tuyến đầu)
Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền)
Quê Mẹ: Vietnam Committee on Human Rights (Quê Mẹ: Ủy ban về Nhân quyền Việt Nam)
Stefanus Alliance International (Liên minh Quốc tế Stefanus)
Stichting Vietnam Human Rights Foundation (Quỹ Nhân quyền Việt Nam Stichting)
Vietnam Coalition Against Torture (VN-CAT- Liên minh chống tra tấn – Việt Nam)
Vietnam Democracy Center (Trung tâm Dân chủ Việt Nam)
Vietnamese Women for Human Rights (VNWHR - Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam)
World Evangelical Alliance (WEA - Liên minh Phúc Âm Thế giới)
World Organisation Against Torture (OMCT), under the Observatory for the Protection of Human RIghts Defenders (OMCT - Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn, thuộc Tổng hội Bảo vệ Những Người Bảo vệ Nhân quyền)

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country