(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, chính phủ Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết với bút danh Mẹ Nấm. Vào ngày 30 tháng Mười một năm 2017, tòa phúc thẩm đã bác bỏ đơn kháng cáo bản án 10 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước” của cô.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, viết về các vấn đề chính trị xã hội trong đó có trưng thu đất đai, công an bạo hành, và tự do ngôn luận. Cô tham gia nhiều cuộc biểu tình vận động cho nhân quyền và một môi trường sạch sẽ hơn. Vì vậy, cô thường xuyên bị công an sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn và bị quản thúc tại gia nhiều lần nhằm ngăn cản cô tham dự các sự kiện quan trọng.
“Tội duy nhất của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nói ra những điều mình nghĩ và đấu tranh cho nhân quyền,” ông Brad Adams, Giám đốc ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói. “Chính quyền Việt Nam cần giải quyết những vấn đề mà cô quan tâm, bao gồm tự do ngôn luận, môi trường sạch và chấm dứt vấn nạn công an bạo hành, thay vì trừng phạt cô vì đã cố gắng xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.”
Vào tháng Mười năm 2016, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt và bị cáo buộc với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 của bộ luật hình sự, thường được sử dụng tùy tiện để trừng phạt những người phê bình chính phủ và các nhà hoạt động ôn hòa. Vào tháng Sáu năm 2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử cô có tội và kết án cô 10 năm tù giam. Cuối phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết nếu được bắt đầu lại, cô vẫn đi con đường này.
Khi phiên phúc thẩm diễn ra vào ngày 30 tháng Mười một, nhiều nhà hoạt động và bạn bè của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã tới khu vực tòa án ở tỉnh Khánh Hòa để bày tỏ sự ủng hộ với cô, trong đó có luật sư Võ An Đôn, người vừa bị tước thẻ hành nghề bốn ngày trước đó. Ngay sau khi nghe kết quả tòa xử y án, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, và một số nhà hoạt động nhân quyền đã biểu tình phản đối ngay ngoài tòa án, hô khẩu hiệu “Mẹ Nấm vô tội”; “Con tôi vô tội”; “Bảo vệ môi trường là không có tội”; “Đả đảo phiên tòa bất công”; và “Phản đối phiên tòa bịt miệng những người đòi công lý.”
Chỉ vài phút sau, một số đàn ông mặc thường phục tấn công và đánh những người biểu tình ngay trước mặt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết bà bị “đánh rất mạnh vào mặt và đầu.” Cậu của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là Nguyễn Minh Hùng bị đánh khi ông cố gắng bảo vệ chị mình. Blogger Trịnh Kim Tiến cùng các nhà hoạt động Nguyễn Đăng Vũ (còn được biết đến với tên Nguyễn Peng), Nguyễn Công Thanh và Trần Thu Nguyệt cũng bị tấn công. Trần Thu Nguyệt cho biết những người đàn ông đó đấm vào mang tai cô và làm vỡ kính. Họ cũng giật điện thoại của luật sư bị tước thẻ Võ An Đôn khi ông đang định chụp hình vụ tấn công. Công an bắt Trịnh Kim Tiến và Trần Thu Nguyệt về đồn và câu lưu họ trong vài tiếng đồng hồ.
Việc hành hung các blogger và nhà hoạt động thường xuyên xảy ra ở Việt Nam. Vào tháng Sáu năm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã công bố một phúc trình nêu bật 36 trường hợp những người mặc thường phục tấn công các nhà vận động nhân quyền và blogger từ tháng Giêng năm 2015 đến tháng Tư năm 2017.
Trịnh Kim Tiến, một trong những phụ nữ bị tấn công ở bên ngoài tòa án, là con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người qua đời hồi tháng Ba năm 2011 do bị công an đánh vì vi phạm một lỗi giao thông nhỏ. Những bằng chứng được sử dụng chống lại Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để kết “tội” cô gồm một hồ sơ mang tên “Stop police killing civilians” (Chấm dứt nạn công an giết dân thường). Hồ sơ này bao gồm tài liệu về 31 trường hợp người dân chết trong khi bị công an tạm giữ, mà cô và những người khác thu thập từ các nguồn báo chí nhà nước.
“Việc kết án một nhà chỉ trích ôn hòa 10 năm tù giam đã đủ tồi tệ lắm rồi, nhưng việc cho côn đồ hành hung gia đình và bạn bè cô đánh dấu một tầm thấp kém mới của chính quyền Việt Nam trong nỗ lực đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến được yêu mến,” ông Adams nói. “Các đối tác thương mại và nhà tài trợ của nước này phải nhấn mạnh rằng Việt Nam cần cải tổ căn bản các bộ luật, hệ thống tư pháp và ngành công an để họ tôn trọng, thay vì chà đạp nhân quyền.”