Skip to main content

Thư chung của các Tổ chức Phi Chính phủ về Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam

Kính gửi các Nghị viên châu Âu

Chúng tôi, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế ký tên dưới đây, viết lá thư này đề nghị quý vị tìm cách bảo đảm rằng Nghị viện Châu Âu sẽ hoãn thông qua hai bản Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) cho đến khi chính quyền Việt Nam đạt được các mốc cụ thể về nhân quyền.

Như quý vị đã biết, trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền, các thành viên xã hội dân sự, các nhóm tôn giáo và những cá nhân biểu đạt ý kiến bị cho là có tính phê phán hoặc không vừa lòng chính quyền. Quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp vẫn bị đè nén nghiêm trọng và hệ thống tư pháp, cũng như báo chí, hệ thống xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo đều nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Bất kỳ một sự biểu đạt bất đồng chính kiến nào cũng đều bị nhà cầm quyền trừng phạt nặng nề, hoặc trực tiếp hoặc thông qua côn đồ được chính quyền bảo trợ. Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, bảo vệ môi trường hoặc quyền lợi người lao động, luật sư, lãnh đạo tôn giáo và blogger đã bị kết án hoặc giam giữ chỉ vì đã ôn hòa thực thi quyền tự do biểu đạt của mình, áp dụng theo bộ luật hình sự hà khắc công khai hình sự hóa hành vi phê phán chính quyền.   

Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất tiếc rằng các cuộc thương lượng về EVFTA và IPA chưa mang lại được các cam kết cụ thể hơn về nhân quyền từ phía chính quyền Việt Nam ngoài một vài hứa hẹn nhỏ nhoi trong chương về phát triển bền vững của EVFTA, và ngay cả với những lời hứa hẹn đó cũng không có lịch trình thực thi mang tính bắt buộc hay chế tài trừng phạt được quy định trước trong trường hợp không thực hiện được. Hơn nữa, chúng tôi quan ngại về quy chế giám sát thực thi các hiệp định đã nêu, mà trong văn bản EVFTA đã trao cho các xã hội dân sự độc lập từ cả hai phía, đã bỏ qua thực tế là gần như không có một xã hội dân sự độc lập nào ở Việt Nam, và vào thời điểm này hiển nhiên là không có tổ chức nào có thể công khai đứng lên và thực thi đầy đủ vai trò giám sát nói trên mà không sợ bị trả đũa. Sau cùng, chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam[1] miễn cưỡng không chịu sửa đổi bộ luật hình sự của mình, với các điều khoản hình sự hóa hành vi phê phán chính quyền ôn hòa khiến trên thực tế người dân không thể thụ hưởng đầy đủ các quyền nêu trong các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam đã hoặc đã cam kết trở thành thành viên.              

Nếu và một khi các hiệp định đó đã có hiệu lực, sức ép dọa ngưng thực thi vì vi phạm nhân quyền theo quy định kết nối với Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU – Việt Nam sẽ mất hết trọng lượng: một là, chưa từng có tiền lệ EU ngưng thực thi bất kỳ một hiệp định FTA nào vì lý do nhân quyền; hai là, việc ngưng thực thi các hiệp định, đặc biệt là IPA, sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp và các khoản đầu tư của EU ở Việt Nam; ba là, Việt Nam đang hưởng lợi từ các ưu đãi thương mại đơn phương thông qua Chế độ Ưu đãi Phổ cập (GSP)[2], mà việc quốc gia này không duy trì được nhiều nghĩa vụ về nhân quyền theo quy chế nói trên vẫn chưa dẫn tới một phản ứng có ý nghĩa nào từ phía EU, ngược lại còn được đàm phán tích cực hơn về EVFTA; bốn là, các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã quá lan rộng và nghiêm trọng đến nỗi, nếu các hiệp định nêu trên đang có hiệu lực vào thời điểm viết lá thư này, thì có thể lập luận rằng đã có đủ cơ sở để ngưng thực thi.

Với tất cả các lý do nêu trên, thủ tục sắp tới ở Nghị viện châu Âu, liên quan đến quyết định phê chuẩn, từ chối hay đình hoãn thông qua EVFTA và IPA, là cơ hội rõ nét cuối cùng để vận dụng các hiệp định nói trên làm đòn bẩy nhằm đạt được các tiến bộ cụ thể về nhân quyền ở Việt Nam.

Cũng với cách tiếp cận như cơ quan lập pháp Châu Âu nhiệm kỳ trước đã vận dụng liên quan tới Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Turkmenistan vào tháng Ba năm nay[3], quý Nghị viên châu Âu nên thông báo cho chính quyền Việt Nam biết rằng mình sẽ chỉ cân nhắc việc phê chuẩn các hiệp định khi một loạt các quan ngại về nhân quyền đã được nhà nước Việt Nam giải quyết thấu đáo. Cụ thể, quý Nghị viên châu Âu cần yêu cầu phía Việt Nam:  

  • Phóng thích toàn bộ những người đang bị giam, giữ vì lý do chính trị, và trong khi chờ đợi, như một biện pháp xây dựng lòng tin tức thì, cho phép gia đình, giới tư vấn pháp luật, và các nhà quan sát bên ngoài, từ EU và các nhóm nhân đạo và nhân quyền quốc tế được tiếp xúc với những tù nhân và nghi can chính trị, trong đó có thể nêu trường hợp một số blogger, nhà báo tự do, nhà hoạt động môi trường, tôn giáo, lao động và nhân quyền nổi tiếng như Lê Đình Lượng, Trần Huỳnh Duy Thức, Ngô Hào, Lưu Văn Vịnh, Hồ Đức Hòa, Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Đức Độ, Trần Thị Nga, Trần Thị Xuân và Hồ Đức Hòa;
  • Tuyên bố công khai và dứt khoát đối với cam kết của mình, kèm theo một lịch trình rõ ràng, về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều 109,116,117,118 và 331 của Bộ Luật Hình sự và các điều 74 và 173 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, đưa pháp luật hình sự phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR);  
  • Chấm dứt sách nhiễu, ép buộc từ bỏ tín ngưỡng, bắt bớ, truy tố, bỏ tù và ngược đãi người dân vì lý do theo các tôn giáo không vừa ý chính quyền, và phóng thích tất cả những người đang bị giam giữ vì ôn hoàn thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, biểu đạt, nhóm họp và lập hội; và bảo đảm rằng mọi quy định pháp luật trong nước liên quan đến vấn đề tôn giáo phải phù hợp với công pháp quốc tế về nhân quyền; 
  • Cho phép xuất bản không bị kiểm duyệt đối với báo chí tư nhân độc lập; gỡ bỏ việc chặn lọc, theo dõi và các hạn chế khác đối với việc sử dụng internet, và phóng thích tất cả những người đang bị giam, giữ vì bày tỏ quan điểm của mình trên mạng internet một cách ôn hòa; công khai tuyên bố một lịch trình sửa đổi Luật An ninh Mạng và đưa luật này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền;
  • Ngay lập tức công nhận các công đoàn độc lập; công khai tuyên bố một lịch trình cụ thể về việc thông qua các Công ước ILO số 87 (Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được lập hội) và số 105 (Bãi bỏ Lao động Cưỡng ép); và phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả những người bị giam giữ vì các hành vi ủng hộ quyền lợi của người lao động một cách ôn hòa;
  • Chấp nhận các yêu cầu còn tồn đọng theo khuyến nghị của các Thủ tục Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc;  
  • Áp dụng biện pháp trì hoãn trên thực tế đối với án tử hình, với quan điểm tiến đến xóa bỏ án tử hình.  

Ngoài ra, quý Nghị viên châu Âu cần yêu cầu Ủy ban Châu Âu:

  • Xây dựng một cơ chế khiếu nại và giám sát độc lập để xem xét các tác động về nhân quyền mà các hiệp định EVFTA và IPA có thể mang lại, và các bên liên quan bao gồm cá nhân, cộng đồng và các đại diện cộng đồng có thể vận dụng được; và
  • Chỉ định cụ thể các nhóm xã hội dân sự Việt Nam độc lập sẽ tham gia vào Các Nhóm Tư vấn Nội địa (DAGs) được hoạch định trong các Hiệp định đó, và các biện pháp sẽ được áp dụng nhằm đảm bảo cho họ có thể thực thi vai trò của mình một cách độc lập, khách quan, thấu đáo và an toàn.

Kính thư,

Tổ chức Hành động Công giáo nhằm Loại trừ Tra tấn (ACAT)
Các nhà Lập pháp ASEAN về Nhân Quyền (APHR)
Hội Bầu Bí Tương Thân
CIVICUS: Liên minh Thế giới vì Sự Tham gia của Công dân
Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền

Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ)
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH)

Sáng kiến Pháp luật cho Việt Nam
Phóng viên Không Biên giới (RSF)                                                                                                
Ủy ban Thụy Sĩ – Việt Nam (COSUNAM)
Dự án 88                                                                                          
Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam                                                                                      
Hội Chuyên gia Việt Nam
Việt Tân


[1] Lần gần đây nhất được Việt Nam nhắc lại vào tháng Sáu năm 2019, khi phản hồi về các khuyến nghị của các quốc gia, bao gồm một số quốc gia thành viên EU, trong đợt Đánh giá Định kỳ Toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc: http://daccess-ods.un.org/access.nsf/Get?Open&DS=A/HRC/DEC/41/101&Lang=E
[2] https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX:32012R0978
[3] https://www.europarl.europa.eu/doceo/document/TA-8-2019-0146_EN.html
 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country