Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ mọi cáo buộc đối với Lê Quốc Quân

Chấm dứt các phiên tòa chính trị xử những người bảo vệ nhân quyền

Cập nhật ngày mồng 8 tháng 7, 2013

Phiên xử Lê Quốc Quân dự kiến diễn ra vào ngày 9 tháng 7 đã bị hoãn lại vào chiều mùng 8 tháng 7. Phiên xử chưa được xếp lịch mới.

---------------------------------------------

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc vì mục đích chính trị đối với Lê Quốc Quân, một trong những nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng và có uy tín nhất ở Việt Nam. Các nhà tài trợ cần bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về đợt đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và blogger trong thời gian gần đây của chính quyền Hà Nội, và công khai kêu gọi phóng thích vô điều kiện Lê Quốc Quân và những người khác bị bắt vì phê phán chính phủ một cách ôn hòa.

Phiên xử Lê Quốc Quân là động thái mới nhất trong đợt đàn áp của chính quyền nhằm vào các nhà hoạt động và blogger. Trước đó là phiên tòa xét xử và kết án nặng nề đối với Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vì phát tán tờ rơi phê phán chính phủ vào tháng Năm và vụ bắt giữ các blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào vào tháng Năm và tháng Sáu.

Phiên tòa xử Lê Quốc Quân được dự kiến diễn ra vào ngày mồng 9 tháng Bảy năm 2013 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội với cáo buộc về tội trốn thuế. Hiện ông đang bị giam giữ tại một trại giam ở Hà Nội trong một phòng chung với hàng chục người khác.

“Lê Quốc Quân bị đưa ra tòa chỉ vì ông là một người phê phán chính quyền hiệu quả và nổi tiếng,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đáng lẽ phải giải quyết những nỗi bất bình của dân chúng về hệ thống chính trị, các thất bại về kinh tế và thành tích thảm hại về nhân quyền ở Việt Nam, thì chính quyền chỉ làm mỗi một việc đơn thuần là tống những người lên tiếng chỉ trích vào tù.”

Lê Quốc Quân, 41 tuổi, là một luật sư và người viết blog cổ vũ nhân quyền và dân chủ. Ông bị bắt ngày 27 tháng Mười hai năm 2012, chín ngày sau khi BBC đăng tải bài viết của ông nhan đề “Hiến pháp hay hợp đồng điện nước?” Bài viết bình luận về những thảo luận liên quan đến việc sửa đổi hiến pháp đang diễn ra tại Việt Nam lúc đó. Tác giả phê phán việc bảo lưu điều 4 vốn đang tạo cho Đảng Cộng sản vị thế tối cao trong đời sống quốc gia, và đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của một bản Hiến pháp tốt đối với một quốc gia.

Thoạt đầu công an giam giữ không cho Lê Quốc Quân liên lạc với bên ngoài tại Trại giam Số 1, Hà Nội. Sau đó chính quyền đã cho phép ông tiếp xúc với các luật sư, nhưng không cho gặp gỡ gia đình. Tòa án ở Việt Nam thiếu sự độc lập và vô tư, nên trong các vụ án như của Lê Quốc Quân, phán quyết cuối cùng thường được định liệu dựa trên các toan tính chính trị. Tội danh “trốn thuế” có mức án tối đa bảy năm tù và một khoản tiền phạt khá nặng. Trước đây, chính quyền Việt Nam đã vận dụng tội danh này để bôi nhọ và cản trở một blogger nổi tiếng khác là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) vào năm 2008.

Trước khi bị bắt lần này, Lê Quốc Quân viết 1 số bài trên blog nhiều độc giả của mình về nhân quyền, quyền công dân, đa nguyên chính trị, tự do tôn giáo và các vấn đề khác không được báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát đề cập tới. Đặc biệt, blog của ông có phần ghi chép lại những vi phạm nhân quyền đối với bản thân, gia đình, và các bạn cùng hoạt động của mình. Ông cũng từng tham gia hàng loạt cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại một số khu vực ở Biển Đông, vốn được Việt Nam coi là nằm trong lãnh hải của mình.

Giữa hai năm 2006-2007, Lê Quốc Quân ở Washington D.C hơn 5 tháng với tư cách một người được cấp học bổng của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủdo Quốc Hội Hoa kỳ tài trợ. Ông sử dụng học bổng này để nghiên cứu về xã hội công dân, trong mối liên hệ với các vấn đề ông đang quan tâm về con đường phát triển kinh tế ở Việt Nam sao cho những người nghèo nhất được hưởng lợi. Năm 2011, ông quyết định ứng cử vào Quốc hội Việt Nam nhưng bị chính quyền ngăn chặn.

Lê Quốc Quân bị bắt vào tháng Ba năm 2007, khi ông mới về Việt Nam được bốn ngày sau khi hoàn tất chương trình của Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ, với cáo buộc chống phá nhà nước theo điều luật 79 rất mơ hồ của bộ luật hình sự Việt Nam. Sau khi có nhiều tiếng nói phản đối từ trong và ngoài nước, chính quyền thả ông vào tháng Sáu năm 2007, nhưng suốt từ đó ông luôn bị công an theo dõi chặt. Năm 2011, Lê Quốc Quân bị tạm giữ vì “gây rối trật tự công cộng” khi ông cố gắng đến quan sát phiên toà xử Cù Huy Hà Vũ, theo tinh thần của điều 10 trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền rằng các phiên tòa như vậy phải được xử công khai. Vào ngày 19 tháng Tám năm 2012, ông bị hai người đàn ông hành hung khiến phải vào viện trị thương. Ông có nhận ra một người trong đó đã từng theo ông hàng tháng trời. Vụ việc này chưa được công an điều tra có hiệu quả.

Lê Quốc Quân là người sáng lập công ty luật “Quân và anh em” để trợ giúp pháp lý cho những người nghèo và người lao động bị bóc lột, nhưng bị khai trừ khỏi luật sư đoàn vào năm 2007 vì các hoạt động bị xem là lật đổ chính quyền. Văn phòng luật của ông sau đó bị đóng cửa. Ông là một trong số ít nhất là bảy luật sư ở Việt Nam đã bị tước quyền hành nghề vì niềm tin chính trị, một hành động vi phạm Các Nguyên tắc Cơ bản về Vai trò của Luật sư của Liên hiệp quốc. Dù không còn ở trong luật sư đoàn, Lê Quốc Quân vẫn tiếp tục sử dụng kiến thức luật của mình để bình luận, phê bình các vụ xử những nhà bất đồng chính kiến, đơn cử như bài bào chữa cho luật gia Cù Huy Hà Vũ trước phiên xử năm 2011. Trong phiên tòa đó, Cù Huy Hà Vũ đã bị kết án bảy năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước.” Lê Quốc Quân cũng nhận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho các thành viên của một diễn đàn độc lập về chính trị trên mạng, và tham gia một dự án xây thêm các thư viện ở nông thôn để giúp những người không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ pháp lý và sách vở.

Trong thời gian ở Trại giam số 1, Lê Quốc Quân không ngừng đấu tranh đòi được đối xử công bằng, phản đối lại những việc mà ông cho là vi phạm quyền của những người đang bị tạm giam, giữ, chờ xét xử. Ông cũng tìm cách chuyển bí mật ra ngoài những bài thơ viết trong ngục, ví dụ như bài thơ nhan đề “Tặng người bạn tù” (xin xem dưới đây).

“Các nhà tài trợ quốc tế cần công khai bênh vực Lê Quốc Quân và các nhà hoạt động khác ở Việt Nam bằng cách yêu cầu phóng thích họ ngay lập tức và vô điều kiện,” ông Adams nói. “Nhưng như thế chưa đủ. Họ cũng cần nói với chính quyền chấm dứt việc bắt bớ, xét xử vô lý kiểu này.”

Tặng người bạn tù

Bài thơ này tôi viết tặng anh

Người bạn tù chung manh chiếu rách
Sau song sắt đêm chúng mình tâm sự
Anh có nghe quá khứ vinh quang
Của nước việt ngàn năm trung dũng
Khi giặc già lăm le bờ cõi
Hội nghị Diên hồng ông cha quyết đánh
Bến Bình than tướng trẻ bóp nát cam
Đại cáo bình ngô vang dội trời nam
Bỗng tiền nhân như ngọc sáng dọi về

***

Tôi kể anh nghe hiện tại đau thương
Thời một đảng úp trùm toàn dân tộc
Nhân dân lầm than đói khổ đủ đường
Độc lập đó còn tự do không có
Tham nhũng thành quốc nạn tràn lan
Quyền tự do dân chủ không còn
Người tranh đấu bị giam vào ngục tối

***

Ta kể nhau nghe về tương lai tươi đẹp
Của Việt Nam trong hòa nhập toàn cầu
Dân chủ có mà nhân quyền cũng có
Và tự do cho tất cả mọi người
Đến lúc đó nước việt của chúng ta
Không thua kém láng giềng xung quanh
Mà từ hôm nay đến đó còn xa
Còn nhiều việc chúng ta cần làm nốt
Chúng mình cùng gánh vác nghe anh!

Hỏa Lò, xuân Quý tỵ

Lê Quốc Quân

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country