Skip to main content

Việt Nam: Bà Clinton Cần Nhấn mạnh Quyền Tự do Internet

Thúc đẩy Việt Nam dỡ bỏ tường lửa, Phóng thích các Blogger đang bị giam giữ

 

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng trong chuyến thăm Hà Nội vào ngày mồng 10 tháng Bảy năm 2012, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cần công khai thúc đẩy Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do Internet, đồng thời phóng thích những người viết blog nổi tiếng đang bị giam giữ.

Kể từ tháng Năm năm 2004, vấn đề hạn chế quyền tự do truy cập Internet trở nên nghiêm trọng sau khi chính quyền đặt tường lửa chặn các trang mạng có tiếng nói phê phán chính phủ.

Một bản dự thảo mới của Nghị định về Quản lý, Cung cấp, Sử dụng Dịch vụ Internet và Nội dung Thông tin trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra hồi tháng Tư năm 2012 đã bổ sung thêm nhiều tội danh về phát ngôn trên mạng và yêu cầu các công ty phải lọc bỏ những thông tin trái ý chính phủ. Tại một đất nước nơi báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thì mạng Internet là một trong những phương  tiện hiếm hoi để thực thi quyền tự do ngôn luận.

“Ngoại trưởng Clinton cần thúc đẩy Việt Nam xóa bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do trong dự thảo của Nghị định về Internet trước khi đệ trình tới Quốc hội,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Với nội dung như hiện tại thì Nghị định sẽ trở thành công thức để truy tố hình sự những người viết blog và các nhà vận động cho tự do ngôn luận, vì hầu như tất cả những nội dung phản biện bị chính quyền cho là khó nghe đều có thể bị cấm.”

Điều 5 của dự thảo nghị định nghiêm cấm mọi hành vi “lợi dụng việc cung cấp, sử dụng Internet và nội dung thông tin trên mạng” có thể tùy tiện quy kết thành “chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” hay “phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.” Điều 24 yêu cầu các công ty nước ngoài cung cấp thông tin bằng tiếng Việt phải hợp tác với chính quyền lọc bỏ bất kỳ thông tin nào bị coi là vi phạm các điều cấm quy định tại điều 5. Tương tự như vậy, điều 25 cũng yêu cầu lọc bỏ các thông tin trên Internet bị coi là vi phạm quy định của điều 5. Và điều 29 yêu cầu các cá nhân sử dụng dịch vụ mạng xã hội trong nước và quốc tế phải đảm bảo các thông tin mình chuyển tiếp hoặc/và cung cấp đường liên kết không chứa những nội dung bị cấm.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng Việt Nam đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và có nghĩa vụ tuân thủ điều 19 của Công ước này về bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Điều 69 của Hiến pháp Việt Nam cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp nhận thông tin.

Vào ngày 23 tháng Năm, Sáng kiến Mạng lưới Toàn cầu (GNI), một tập hợp liên kết các doanh nghiệp với những tổ chức dân sự, trong đó có Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã ra một bản Thông cáo báo chí bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về “những hậu quả đối với tự do ngôn luận và quyền riêng tư được thể hiện trong bản Dự thảo Nghị định” về Internet của Chính phủ Việt Nam. GNI ghi nhận rằng, bản dự thảo hiện tại, “nếu được thông qua, sẽ có hiệu lực bắt buộc các công ty Internet và các nhà cung cấp thông tin khác cho những người sử dụng Internet ở Việt Nam phải hợp tác với chính quyền để chấp hành những quy định quá bao quát và không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.” GNI đề nghị chính phủ Việt Nam “giải quyết những vấn đề trong quá trình hoàn thiện nghị định.”

Vào ngày mồng 6 tháng Sáu, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng bày tỏ quan ngại trong một Bản góp ý đối với dự thảo nghị định về Internet được gửi tới chính phủ Việt Nam, nêu rõ các vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn tới các hậu quả về nhân quyền và kinh tế của nghị định này. Đại sứ quán gọi các quy định tại điều 5 của nghị định là “quá bao quát và mơ hồ,” đồng thời nêu quan ngại về các yêu cầu đối với trách nhiệm các bên trung gian, vì “yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải thực thi các quy định cấm quá rộng và phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện được nghĩa vụ đó sẽ rất dễ dẫn tới việc cản trở các thông tin hợp pháp.”

“Bà Clinton cần thúc đẩy Việt Nam dỡ bỏ tường lửa ngăn mạng Internet, và thực hiện các cam kết quốc tế của mình về nhân quyền, bắt đầu từ việc tôn trọng tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa,” ông Robertson nói. “Chấm dứt sự tụt dốc về nhân quyền là phép thử thiết yếu Việt Nam phải đạt được trước khi quan hệ Việt-Mỹ có thể tiến sâu hơn trong bất kỳ lĩnh vực nào.”

Truy tố hình sự các Blogger

Việt Nam tiếp tục sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ và bỏ tù những người viết blog và vận động trên mạng, thường xuyên vận dụng những điều luật hà khắc của bộ luật hình sự, trong đó có điều 88 cấm “tuyên truyền chống nhà nước,” để đưa ra các mức án phạt lên tới 20 năm tù giam. Trong vòng 3 năm qua, chính quyền Việt Nam đã bỏ tù hơn một chục blogger và các nhà vận động nổi tiếng chỉ vì họ đã sử dụng mạng Internet để bày tỏ ý kiến và vận động cho ý tưởng của mình. Những người trong danh sách này gồm có blogger Trần Huỳnh Duy Thức, Vi Đức Hồi, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Bá Đăng, và các nhà hoạt động sử dụng mạng Internet như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, Luật sư Lê Công Định và những người khác.

Công an cũng bắt giữ ba người viết blog nổi tiếng nhất trong nước từ hơn một năm trước vì họ đã sử dụng mạng Internet để thực thi các quyền cá nhân của mình, đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử. Các blogger nói trên là ba thành viên sáng lập của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, là Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày), Phan Thanh Hải (tức Anhbasg) và Tạ Phong Tần. Một số blogger khác, trong đó có Lê Văn Sơn (tức Paulus Lê Sơn), Lê Thanh Tùng và Đinh Đăng Định cũng bị giam  giữ đã nhiều tháng chưa xét xử.

Những hành động nói trên là sự vi phạm nhân quyền và đi ngược lại với trào lưu quốc tế đang gia tăng công nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận trên mạng Internet. Vào ngày 29 tháng Sáu năm 2012, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua với sự đồng thuận một bản Quyết nghị về Tăng cường, Bảo đảm và Thụ hưởng các Quyền con người trên mạng Internet với nội dung “xác quyết rằng những quyền cá nhân được thụ hưởng trên thực tế cũng phải được đảm bảo trên mạng Internet, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, phải được thực thi không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, dưới bất kỳ loại hình truyền thông nào một cá nhân tự lựa chọn.”

 

 

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country