(Nữu Ước, 14-05-2006) Một bản tin của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế (Human Rights Watch) phổ biến ngày hôm nay cho biết, các viên chức nhà nước Việt Nam đã bắt bớ, điều tra và ngay cả tra tấn dân tỵ nạn thiểu số Tây Nguyên khi họ trở về Việt Nam từ các trại tỵ nạn của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Cambodia. Chính quyền Việt Nam đã vi phạm thoả thuận với Cao Uỷ Tỵ Nạn là cơ quan có trách nhiệm điều hành việc hồi hương của người tỵ nạn và bảo đảm sự an toàn của họ.
Những tường trình từ nhân chứng và tài liệu đã được phổ biến, bản báo cáo dài 55 trang, “Không nơi ẩn lánh: Sự đe dọa tiếp tục diễn ra đối với người thiểu số Tây Nguyên tại Việt Nam," cung cấp những dữ kiện mới mẻ về sự đàn áp liên tục về mặt tôn giáo và chính trị đối với người dân thiểu số tại miền Tây Nguyên Việt Nam.
“Chính quyền Việt Nam tiếp tục khủng bố người dân Tây Nguyên ngay khi họ ra ngoài tầm quan sát của những cơ quan quốc tế.” ông Brad Adams, giám đốc tổ chức Human Rights Watch cho biết. “Cộng đồng quốc tế phải phản đối sự cưỡng bách hồi hương khi nào mà các cơ quan quyền lực Việt Nam vẫn còn khủng bố họ.”
HRW đã kêu gọi Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xét lại sự tham gia của họ trong nỗ lực đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương trước những báo cáo về sự ngược đãi những người trở về cũng như sự yếu kém về mặt kiểm soát của Cao Uỷ. Tổ chức HRW cũng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy tiếp tục liệt kê Việt Nam trong danh sách các quốc gia đáng quan tâm (CPC) vì những vi phạm tự do tôn giáo, và đồng thời kêu gọi Cambodia tiếp tục cho dân tỵ nạn Tây Nguyên tạm thời được ở lại, đó cũng là trách nhiệm của nước này khi ký kết công ước về tỵ nạn 1951.
Các viên chức Việt Nam tiếp tục ép buộc người công giáo Tây nguyên phải từ bỏ tôn giáo của họ, mặc dù những luật lệ mới ban hành cấm đoán việc này. Một số cán bộ địa phương ngăn cấm việc di chuyển giữa các làng mạc — đặc biệt đối với những tôn giáo không được chính quyền công nhận — và ngăn chặn việc hội họp tại nhiều khu vực, dù nó được chủ trì bởi các vị mục sư được chính quyền công nhận.
Chính quyền Việt Nam dai dẳng truy diệt những người chống đối ôn hoà, không thừa nhận những sinh hoạt tôn giáo, và truy lùng những nơi ẩn lánh tại Cambodia, bằng cách bắt giữ và giam cầm những người thiểu số can dự vào những hoạt động này. Bị đàn áp nặng nề nhất là những giáo hữu Tin Lành thuộc các giáo hội độc lập hay không trình báo và những người hỗ trợ cho các phong trào bất bạo động nhằm bảo vệ đất đai của tổ tiên truyền lại.
Hơn 350 người thiểu số đã bị kết án tù từ năm 2001, hầu hết là những người tranh đấu ôn hoà cho quyền tự do chính trị và tôn giáo. Phần lớn những người này bị kết án dựa theo luật hình sự của Việt Nam, rất mập mờ so với luật hình sự quốc tế, bao gồm cả tội "phá hoại chính sách đoàn kết" hay "phá hoại nền an ninh" hoặc làm "xáo trộn trật tự công cộng". Hơn 60 người thiểu số đã bị cầm tù sau khi họ bị cưỡng bách hồi hương từ Cambodia là nơi họ đi tìm quyền tỵ nạn.
Việc bắt giữ vẫn tiếp diễn: riêng trong năm 2005 có tối thiểu 142 người - trong đó có một số người đã bị giam giữ hàng năm trời trước khi xét xử - đã bị kết án đến 17 năm tù. Con số này nhiều hơn gấp đôi năm trước. Có tối thiểu 30 người trong số những người bị kết án trong năm 2005 đã bị bắt giữ trên lãnh thổ Cambodia hay vùng biên giới. Họ bị cảnh sát Cambodia bắt và giải giao cho viên chức Việt Nam mà không có cơ hội khiếu nại với Cao Ủy Tỵ Nạn. Báo cáo này đính kèm danh sách những tù nhân người thiểu số Tây nguyên.
Ông Adams nói: “Những vấn đề trầm trọng vẫn tiếp diễn đối với người thiểu số Tây nguyên, và chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục che đậy nó. Những người nào cho rằng vấn đề đã được giải quyết thì cần suy nghĩ lại.”
Bản báo cáo bao gồm cả những lời khai đầy lo ngại của những người thiểu số trở về Việt Nam trong năm 2005 từ những trại tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc trên đất Cambodia rồi sau đó lại chạy qua Cambodia sau khi bị đối xử tàn tệ ở Việt Nam. Họ trình bầy chi tiết rằng đã bị bắt bớ, điều tra và tra tấn khi trở về Việt Nam. Họ cũng nói rằng đã bị ép buộc bỏ đạo, và bị đe dọa không được báo cáo những sự việc này với các phái đoàn Liên Hiệp Quốc.
Mặc dầu vậy, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố rằng những người trở về “không bị đe dọa hay cầm tù,” và “không hề có sự quan ngại nào” về việc chính quyền đe dọa những người này.
Human Rights Watch kêu gọi nhà nước Việt Nam chấp thuận cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc được quyền tự do và trọn vẹn thăm viếng vùng Tây nguyên, cũng như được gặp gỡ riêng tư và kín đáo với cư dân tại đây cũng như những người hồi hương. Chính quyền Việt Nam phải cam kết không trả thù những người gặp gỡ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, cũng như gia đình của họ.
Ông Adams nói thêm: “Nhiều nhân chứng cho biết rõ ràng là một số người hồi hương đã bị hành hạ và điều tra về niềm tin tôn giáo và chính trị của họ. Chúng tôi đã gửi những thông tin này cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Nhưng họ vẫn tiếp tục đưa người hồi hương mà không hề được tự do và tín cẩn liên hệ với những người hồi hương khi họ cần được bảo vệ.”
Những người hồi hương được phỏng vấn bởi Human Rights Watch đã cung cấp những tin tức chính xác về việc bị đàn áp nặng nề và đe dọa bởi cán bộ nhà nước trước khi họ được gặp gỡ với các viên chức Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, thường có cán bộ và công an nhà nước đi kèm, khiến họ không cách nào gặp gỡ riêng với người hồi hương. Những người hồi hương thường bị viên chức nhà nước đe dọa rằng không được nói những điều tiêu cực với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.
Một người hồi hương đã bị đánh đập và ép buộc bỏ đạo nói với Human Rights Watch “Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc hỏi chúng tôi về những việc hành hạ, nhưng chúng tôi sợ hãi phải trả lời những câu hỏi đó. Tôi nói rằng tôi không bị đánh hay đe dọa. Tôi không dám nói với họ rằng tôi đã không bị tù. Nếu tôi nói như vậy, công an sẽ đánh đập tôi.
Ông Adams nói rằng “Việc giám sát đúng đắn không thể thực hiện trước mặt các viên chức Việt Nam, hay khi dân làng bị đe dọa cấm nói. Việc giám sát chương trình hồi hương của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đã bị sai lầm trầm trọng, cần phải được duyệt xét lại.”
Những biên bản này, được gửi cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc vào tháng 2-2006, kêu gọi tìm hiểu về sự tin tưởng vào việc giám sát của những người hồi hương, cũng như
những giả định mà chương trình hồi hương căn cứ trên đó cho rằng những người hồi hương sẽ không bị ngược đãi, và rằng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc sẽ có thể kiểm soát việc đe dọa để bảo đảm rằng họ không bị hại.