(Nữu Ước, 11-05-2006) – Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt ngay việc đàn áp các thành viên của phong trào dân chủ và nhân quyền vừa thành hình, Human Rights Watch đã tuyên bố như trên vào ngày hôm nay.
Từ đầu tháng tư, ngay trước khi Đảng CSVN tổ chức kỳ Đại Hội X, hàng trăm người ở VN đã ký các thư ngỏ đòi hỏi sự tôn trọng các nhân quyền căn bản, một hệ thống chính trị đa đảng, và tự do thành lập các hội đoàn tôn giáo và chính trị.
Một hàng ngũ rất rộng rãi các linh mục Công Giáo, các tăng sĩ Phật Giáo, cựu tù nhân chính trị, cựu viên chức đảng Cộng Sán, cựu chiến binh, học giả, giáo viên, y tá, kỹ sư, nhà văn, thương gia và nhiều thường dân đã ký vào 2 bản tuyên cáo: “Lời Kêu Gọi Cho Quyền Thành Lập và Hoạt Động Đảng Phái” ngày 6 tháng Tư, và “Tuyên Ngôn 2006 Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam” ngày 8 tháng Tư (cũng còn được gọi là “Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006”)
Ông Brad Adams, Giám Đốc Human Rights Watch, đã tuyên bố: “Thực rất đáng kể khi hàng trăm công dân trên khắp nước Việt Nam đã bạo dạn bày tỏ bằng thỉnh nguyện đơn sự ủng hộ của họ cho việc thay đổi chính trị. Tại VN, hành động ký các văn bản như thế thường sẽ dẫn đến việc bị cảnh sát điều tra, bắt giam, và tù tội.”
Mặc dù trong thập niên qua, đã từng có nhiều nhóm nhỏ hơn những nhà đối kháng nổi danh dám ký vào những lời kêu gọi dân chủ và nhân quyền, đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây có nhiều người như thế đã ký vào các thỉnh nguyện đơn.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt đầu phản ứng, nhưng bằng hăm dọa hơn là đối thoại. Ngay sau khi bản tuyên cáo thứ nhất được công bố vào ngày 6 tháng Tư, công an đã tạm giữ ngắn hạn và thẩm tra nhiều nhà hoạt động có tiếng đã ký vào văn bản đó. Những người này gồm nhà văn Đỗ Nam Hải (bút danh Phương Nam), Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, Luật Sư Nguyễn Văn Đài. Công an đã dùng băng keo để niêm phong máy vi tính của anh Đỗ Nam Hải và chỉ thị cho hãng cung cấp dịch vụ nối mạng địa phương phải cắt đứt đường dây lên mạng toàn cầu của ông.
Cùng một lúc, các nhà đối kháng đã xuất bản một tờ báo không giấy phép, tờ Tự Do Ngôn Luận, và đã ấn hành hai số kể từ tháng Tư. Ngoài ra, một số phóng viên và các cây viết trên mạng đã thành lập một nhóm truyền thông bí mật được gọi là Hội Nhà Báo Tự Do Việt Nam.
Trong số những người khởi xướng các bản tuyên cáo tháng Tư là những nhà đối kháng nổi tiếng và cựu tù chính trị từ Hà Nội, Huế, và TP/HCM, kể cả Học Giả Hoàng Minh Chính, Nhà Giáo Nguyễn Khắc Toàn, Vị lãnh đạo PGHH Lê Quang Liêm, GS Nguyễn Chính Kết và các linh mục Công Giáo Chân Tín và Nguyễn Văn Lý.
Bản công bố đầu tiên của nhóm này, “Lời Kêu Gọi Cho Quyền Thành Lập và Hoạt Động Đảng Phái” đã được đưa ra hôm mùng 6 tháng Tư và có chữ ký của 116 cá nhân. Vào ngày 8 tháng Tư, bản “Tuyên Ngôn Dân Chủ 2006” đã được ban hành, gồm chữ ký của 118 người. Bản tuyên ngôn dài năm trang này đòi hỏi một hệ thống chính trị đa nguyên và đa đảng, tự do thông tin, tự do chính kiến, tự do tôn giáo, tự do tham gia vào các công đoàn lao động độc lập, và tự do hội họp, thành lập các hội đoàn và đảng phái chính trị, và tham gia ứng cử. Tính đến ngày 8 tháng Năm – đúng một tháng tròn kể từ ngày đưa ra bản Tuyên Ngôn – đã có 424 công dân ký vào văn bản trên.
Vào ngày 30 tháng 4, các nhà đối kháng nêu trên, mệnh danh là “Nhóm 08/04/06” – Ngày đưa ra bản Tuyên Ngôn – đã công bố một kháng thư có chữ ký của 178 người để lên án việc nhà cầm quyền đàn áp anh Đỗ Nam Hải, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang và Nguyễn Văn Đài. Trong kháng thư trên, hai linh mục Công Giáo được nhiều người biết đến là Cha Phan Văn Lợi và cựu tù chính trị Cha Nguyễn Văn Lý, đã hăm dọa sẽ tuyệt thực vĩnh viễn nếu chính quyền còn tiếp tục bắt bớ và đàn áp.
Hai lời kêu gọi trên được ban hành đồng thời với Đại Hội X của Đảng Cộng Sản Việt Nam, từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 4 – khi mà sự thay đổi lớn lao trong Bộ Chính Trị vừa được công bố, với sự thay thế những nhân vật then chốt nhưng già nua bằng các đảng viên ít tuổi hơn.
“Đây là một cuộc trắc nghiệm cho Bộ Chính Trị mới,” theo lời ông Adams. “Liệu thế hệ trẻ hơn này có phóng khoáng hơn đối với sự bất đồng chính kiến và chủ thuyết đa nguyên, hay họ cũng sẽ tiếp tục đàn áp những quyền dân sự và chính trị căn bản?”
Với việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới chưa ngã ngũ, Việt Nam hiện đang mong gia tăng tính cách hợp pháp và sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Việc chính quyền Việt Nam có tuân thủ những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hay không sẽ đóng một vai trò lớn trong quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ dự trù vào tháng 9 này, về việc giữ tên Việt Nam trong danh sách những Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt vì những vi phạm tự do tôn giáo.
Cũng theo lời ông Adams, “Việt Nam không thể hy vọng đạt được tính cách hợp pháp quốc tế nếu còn tiếp tục trấn áp những lời kêu gọi nhân quyền, đa nguyên chính trị, và tự do tôn giáo.”
Bối Cảnh
Bất kể việc chính quyền Việt Nam đã phê chuẩn Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị, quốc gia độc đảng này - dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam - vẫn không cho phép sự phê bình chỉ trích. Báo chí, các đảng chính trị, các tổ chức tôn giáo, và công đoàn lao động không được phép hoạt động nếu không có sự chấp thuận và giám sát, cũng như không được thực hiện những điều mà chính quyền hay Đảng Cộng Sản cho là đi ngược lại đường lối của họ.
Những nhà đấu tranh đã sử dụng mạng lưới Internet để kêu gọi dân chủ hay chỉ trích chính quyền đều đã bị tống giam dựa trên những điều khoản mơ hồ về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự của Việt Nam, một bộ luật được coi là vi phạm tiêu chuẩn quốc tế.
Các nhà đối kháng trên mạng đã bị tống giam vì những tội danh gián điệp hay những tội danh khác liên quan đến an ninh quốc gia sau khi dùng Internet để loan truyền những quan điểm có tính cách chỉ trích chính phủ. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình hiện đang thọ án 5 năm tù, và bác sĩ Phạm Hồng Sơn đang thọ án 7 năm tù.
Giữa tháng tư, 2 nhà báo nổi danh Dương Phú Cường và Nguyễn Huy Cương đã bị tạm giam và sách nhiễu tại phi trường TP Hồ Chí Minh và bị ngăn cản không cho tham dự một Đại Hội về tự do diễn đạt trên mạng Internet Á Châu, diễn ra tại Manila.
Cuối tháng hai, Đỗ Nam Hải và Nguyễn Khắc Toàn, một nhà đấu tranh cho dân chủ và đối kháng trên mạng Internet, vừa được trả tự do, đã bị bắt lại tại một quán internet café tại Hà Nội và bị tạm giữ ngắn hạn. Công an đã kiểm tra các email của ông Toàn và đã in ra một số trong đó. Sau đó, hai nhà đấu tranh bị đưa về đồn công an và bị tra hỏi trong nhiều tiếng đồng hồ. Theo một nguồn tin, ông Toàn đã bị kết tội vi phạm những điều khoản về quản thúc tại gia (ông bị quản thúc tại gia thêm 5 năm sau khi rời khỏi nhà giam). Cũng theo nguồn tin trên, Đỗ Nam Hải bị kết tội vi phạm Đạo Luật 55, là đạo luật cấm đọc các trang nhà bị ngăn cấm.