(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và ngay lập tức phóng thích blogger sinh viên Phan Kim Khánh. Các nhà tài trợ của Việt Nam và các lãnh đạo trong vùng cần tuyên bố rõ rằng mình sẽ đưa ra yêu cầu phóng thích tất cả các tù nhân chính trị trước khi kỳ họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra vào tuần lễ từ mồng 6 đến ngày 11 tháng Mười một tại Đà Nẵng.
Dự kiến phiên tòa xử Phan Kim Khánh sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng Mười năm 2017 tại Tòa án Nhân dân Tỉnh Thái Nguyên. Anh bị bắt hồi tháng Ba năm 2017 vì đăng các bài viết phê phán chính quyền trên mạng internet và bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự, một trong những điều luật về an ninh quốc gia thường xuyên được sử dụng để tùy tiện trừng phạt những người lên tiếng phê phán và dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến. Nếu bị kết tội, anh phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.
“Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên mạng internet.”
Phan Kim Khánh, 24 tuổi, là sinh viên Khoa Quốc tế trường Đại học Thái Nguyên. Khi đang còn học năm thứ nhất, anh đã tham gia thành lập và điều hành một câu lạc bộ sinh viên trong trường để hỗ trợ các việc làm tình nguyện. Sau đó, anh trở thành ủy viên ban thư ký Hội Sinh viên. Phan Kim Khánh được trao nhiều giấy khen từ Hội Sinh viên và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Tỉnh Thái Nguyên. Anh cũng được nhận học bổng năm 2015 để tham gia một khóa đào tạo do Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức cho thành viên của Chương trình Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
Trong một bài luận cá nhân đã đăng, anh viết: “Tôi sinh ra tại một làng quê ở Phú Thọ, nơi mà mọi người dân đều thức dậy từ rất sớm để vất vả mưu sinh, có người vội sáng sớm ra đồng hái nhanh xe rau để kịp mang ra chợ, có người thổi bếp hâm vội nồi cơm và chút thức ăn để dành từ bữa tối qua kịp giờ làm sáng tại lò gạch công nghiệp. Họ làm việc vất vả, lam lũ cả ngày nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn… Vào những năm 2 năm 3, tôi bắt đầu tìm hiểu những vấn đề tồn đọng khiến Việt Nam không thể trở thành một đất nước phát triển… Tôi muốn trở thành một người làm truyền thông thực thụ trong tương lai gần, tôi muốn góp sức vào phong trào đấu tranh cho nền dân chủ, tự do báo chí tại Việt Nam.”
Công an bắt giữ Phan Kim Khánh vào ngày 21 tháng Ba năm 2017 vì đã thành lập và điều hành hai trang blog từ năm 2015 lấy tên là “Báo Tham nhũng” và “Tuần Việt Nam.” Ngoài ra, anh còn bị cho là đã mở ba tài khoản trên Facebook và hai tài khoản trên YouTube. Chính quyền buộc tội anh “liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác.”
Vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động. Trong vòng 12 tháng qua, công an đã bắt ít nhất là 28 người và cáo buộc họ các tội danh an ninh quốc gia được diễn giải một cách mơ hồ. Vụ bắt giữ gần đây nhất xảy ra vào ngày 17 tháng Mười, khi công an bắt giữ nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Xuân ở Hà Tĩnh và khởi tố cô với cáo buộc là có các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Blogger Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thu Hà vẫn đang bị công an tạm giữ từ tháng Mười hai năm 2015 mà không đưa ra xét xử. Cáo buộc ban đầu đưa ra với họ là tuyên truyền chống nhà nước. Đến tháng Bảy năm 2017, cáo buộc bị thay đổi thành tội danh lật đổ.
Hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo. Việt Nam cần phóng thích họ vô điều kiện, và hủy bỏ các điều luật có nội dung hình sự hóa ngôn luận ôn hòa, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.
“Tội duy nhất của Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền,” ông Adams nói. “Sinh viên cần được khuyến khích viết về các vấn đề chính trị và xã hội, chứ không phải bị trừng phạt. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần gia tăng sức ép lên các nhà lãnh đạo Việt Nam để cải thiện thành tích yếu kém về nhân quyền, và Hội nghị thượng đỉnh APEC là dịp tốt để bắt đầu việc đó.”