Trong năm 2013, tình hình nhân quyền ở Việt Nam xấu hẳn đi, khiến xu hướng tụt dốc đã biểu hiện trong mấy năm qua càng trở nên trầm trọng hơn. Năm nay được đánh dấu bằng các đợt đàn áp nặng nề và nghiêm trọng nhằm vào những người chỉ trích chính quyền, trong đó có những nhà hoạt động ôn hòa bị kết án tù nhiều năm với “tội danh” là kêu gọi thay đổi chính trị.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tiếp tục duy trì chế độ cai trị độc đảng, được thiết lập từ năm 1975. Dù vẫn giữ được thế độc quyền về quyền lực nhà nước, đảng này đang phải đối mặt với nỗi bất bình đang ngày càng gia tăng của công chúng về sự thiếu vắng các quyền tự do cơ bản. Tình trạng người dân bị tước đoạt quyền lợi và tệ tham nhũng tràn lan được coi là các lực cản đối với tiến bộ kinh tế và chính trị của Việt Nam. Đấu đá chính trị và những mối bất đồng về chính sách kinh tế trong nội bộ ĐCSVN trước yêu cầu cần giải quyết những khủng hoảng về tính chính danh và sự trì trệ của nền kinh tế đã tạo cơ hội cho công chúng nói lên ý kiến của mình, đặc biệt là qua các kênh truyền thông xã hội.
Năm 2013 có sự gia tăng đáng kể các ý kiến phê bình qua báo chí mạng và các hình thức khác. Những người phê bình đã lên tiếng chất vấn chính sách nhà nước, vạch mặt quan chức tham nhũng, khiến nại việc tịch thu đất đai, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, và kêu gọi các giải pháp dân chủ thay thế cho chế độ độc đảng. Một nỗ lực rất đáng ghi nhận là “Kiến nghị 72”, ban đầu do 72 nhà trí thức đứng tên nhưng sau đó được hơn 15.000 người cùng ký, kiến nghị sửa đổi hiến pháp để cho phép bầu cử đa đảng. Một nỗ lực khác là “Tuyên bố 258”, yêu cầu thay đổi điều 258 bộ luật hình sự (tội “lợi dụng tự do dân chủ”), một điều luật thường được áp dụng để trừng phạt những người thực thi quyền tự do ngôn luận.
Chính quyền đã có một vài bước đi tích cực. Ngày mồng 7 tháng 11 năm 2013, Việt Nam ký Công ước về Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Ngày 24 tháng 11 năm 2013, chính phủ ra nghị định hủy bỏ việc cấm tổ chức lễ cưới giữa những người đồng tính, dù những nội dung sửa đổi Luật Hôn nhân Gia đình theo chủ trương của chính phủ vẫn chưa chính thức công nhận hôn nhân đồng tính. Chính phủ cũng bắt đầu tiến trình hủy bỏ việc bắt giữ và cưỡng bức lao động đối với người mại dâm trong năm 2013.
Tù nhân chính trị và Hệ thống Tư pháp Hình sự
Vào thời điểm bản phúc trình này được viết, Việt Nam ước tính có khoảng 150 – 200 tù nhân chính trị, bao gồm cả người Kinh ở đồng bằng và những người dân tộc thiểu số vùng cao, mà nhiều người trong số họ bị bắt giữ với lý do có liên quan tới các hoạt động tôn giáo của mình. Trong tổng số nói trên có tính đến ít nhất là 63 tù nhân chính trị đã bị xử trong các phiên tòa bị điều khiển bằng mệnh lệnh chính trị trong năm 2013, một sự gia tăng so với tổng số khoảng 40 người bị ra tòa trong năm 2012, vốn đã cao hơn so với tổng số người bị kết án trong các năm 2011 và 2010.
Các tòa án ở Việt Nam thiếu tính độc lập và khách quan theo yêu cầu của pháp luật quốc tế. Khi đảng hay chính phủ có lợi ích liên quan đến kết quả một vụ án, họ - chứ không phải sự thật và luật pháp – quyết định kết quả xử án. Các vụ xử thường vi phạm quy trình tố tụng và chứa đựng những điều bất thường khác nhằm mục tiêu áp đặt phán quyết đã định trước với mục đích chính trị.
Các điều luật hình sự 79, 87, 88, 89, 91 và 258 thường được sử dụng nhiều nhất đối với những người đòi cải cách chính trị ôn hòa, dù các điều luật khác như luật thuế cũng được mang ra áp dụng. Ví dụ như, luật sư nhân quyền và blogger nổi tiếng Lê Quốc Quân bị bắt ngày 27 tháng 12 năm 2012, không lâu sau khi ông lên tiếng phê phán sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản, nhưng việc bắt giữ ông được hợp thức hóa bằng tội danh trốn thuế ngụy tạo. Trước những yêu cầu đòi trả tự do cho ông từ trong nước và quốc tế, vụ xử ông đã bị hoãn, nhưng tới ngày mồng 2 tháng 10 năm 2013, ông bị xử 30 tháng tù.
Quyền Tự do Ngôn luận, Chính kiến và Thông tin
Rất nhiều cây bút độc lập, các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền là đối tượng bị chính quyền đàn áp. Họ phải đối mặt với sự dọa nạt và sách nhiễu của công an, bị bắt giữ tùy tiện, giam giữ kéo dài không được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý hay gia đình thăm nuôi, bị xét xử và kết án nặng nề. Để tăng cường thêm quyền lực của nhà nước vốn đã quá bao trùm trong việc trừng phạt hay ngăn chặn tự do thông tin trên mạng, vào ngày mồng 1 tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định 72 với các điều khoản hợp pháp hóa việc lọc và kiểm duyệt thông tin đồng thời gạt ra ngoài vòng pháp luật “các hành vi bị cấm” được định danh một cách mơ hồ. Nghị định này cũng cấm cá nhân không được tổng hợp tin tức trên blog hay trang mạng cá nhân.
Đỉnh cao của xu hướng đàn áp blogger trong năm 2013 là các vụ bắt giữ Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào vì bị coi là vi phạm điều 258. Họ phải đối mặt với mức án có thể lên tới 7 năm tù nếu bị kết án.
Quyền Tự do Nhóm họp, Lập hội và Đi lại
Tất cả các đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập với chính phủ hay ĐCSVN đều bị cấm tại Việt Nam. Chính quyền quy định những cuộc tụ tập đông người phải xin phép trước, và từ chối không cấp phép cho những cuộc hội họp, diễu hành hay biểu tình vì lý do chính trị hay các lý do khác. Nếu những sự kiện đó vẫn diễn ra, những người tổ chức và tham gia nhiều khi bị trừng phạt. Trong năm 2013, biện pháp đó đã được áp dụng với những người phản đối chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ, và những người biểu tình phản đối các vụ được cho là cưỡng chiếm đất đai.
Trong tháng Năm năm 2013, chính quyền ở ba thành phố đã can thiệp bằng bạo lực, tạm giữ và sách nhiễu đồng loạt để ngăn chặn và giải tán các buổi “dã ngoại nhân quyền” ôn hòa, tại đó các nhà hoạt động dự định sẽ phân phát và thảo luận về Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khác.
Chính quyền cũng liên tiếp ngăn chặn không cho những người phê phán chính phủ xuất ngoại, viện cớ vì nguyên nhân “an ninh quốc gia”. Các nhà trí thức nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh và Nguyễn Hoàng Đức bị cấm xuất ngoại vào tháng Năm và tháng Bảy năm 2013.
Tự do Tôn giáo
Tháng Giêng năm 2013, thủ tướng ký Nghị định 92, gia tăng thêm quyền kiểm soát đối với các nhóm tôn giáo. Trong quá trình kiểm soát, chính quyền theo dõi, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài các tổ chức tôn giáo có đăng ký chính thức và do chính quyền quản lý. Trong năm 2013, các đối tượng bị đặt vào tầm ngắm gồm có các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ Tin lành và Công giáo tại gia ở Tây nguyên và các nơi khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất.
Vụ xét xử và kết án 14 người, hầu hết trong số đó là các nhà hoạt động Công giáo tại Toà án Nhân dân Tỉnh Nghệ An vào tháng Giêng năm 2013 mở màn cho đợt gia tăng đàn áp của chính quyền nhằm vào những người chỉ trích chế độ. Lần này phương tiện được sử dụng là điều 79 bộ luật hình sự, được áp dụng với các hành vi nhằm “lật đổ chính quyền”, dù 14 nhà hoạt động nói trên chỉ thực thi các quyền con người cơ bản, như tham gia các hoạt động thiện nguyện của nhà thờ hay các cuộc biểu tình chính trị ôn hòa.
Bạo hành đối với tù nhân
Báo chí nhà nước và các nguồn khác tiếp tục đưa tin về nhiều vụ công an bạo hành, tra tấn, thậm chí sát hại tù nhân. Tháng Năm năm 2013, Nguyễn Văn Đức chết trong khi bị công an tỉnh Vĩnh Long tạm giam do “xuất huyết não, sọ bị nứt, não phải bị giập, tụ máu não trái, gãy hai xương sườn, và gãy xương ức”. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không biết có vụ điều tra nào được tiến hành về cái chết của anh Đức không.
Rất nhiều tù nhân chính trị bị đau ốm nhưng không được khám chữa bệnh đầy đủ. Một số người, như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Hồ Thị Bích Khương đã tuyệt thực trong năm 2013 để phản đối việc mình bị tước đoạt các quyền của tù nhân đã được thế giới công nhận, như quyền được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
Sửa đổi Hiến pháp
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc Hội thông qua bản hiến pháp sửa đổi, với nội dung làm thất vọng những người mong muốn sẽ có cải cách sâu rộng về hệ thống chính trị và kinh tế. Những nội dung sửa đổi do chính phủ đề nghị và đã được thông qua bao gồm các cam kết trên lý thuyết về nhân quyền nhưng vẫn còn chừa lại nhiều lỗ hổng luật pháp lớn. Bản hiến pháp sửa đổi còn xa mới đảm bảo được khả năng thúc đẩy và bảo vệ đối với rất nhiều quyền cơ bản.
Bắt giữ Tùy tiện
Những người nghiện ma túy, kể cả trẻ vị thành niên, vẫn tiếp tục bị quản chế trong các trung tâm do chính phủ quản lý, nơi họ bị buộc lao động với những công việc nặng nhọc nhân danh “lao động trị liệu”. Việc quản chế họ không chịu sự giám sát tư pháp nào. Nếu vi phạm nội quy – trong đó có quy định về lao động – sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh đập và giam vào phòng kỷ luật, và khi bị giam ở đó, theo lời các trại viên kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, họ bị cắt khẩu phần ăn uống.
Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt
Đối tác ngoại giao quan trọng nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ, dù quan hệ với Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và Úc cũng quan trọng.
Quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn trong năm 2013 vì tranh chấp chủ quyền trên biển, dù dường như điều quan trọng hơn với cả hai bên là mối quan tâm chung của cả hai đảng cộng sản nhằm duy trì quyền cai trị của mình.
Hoa Kỳ tiếp tục theo đuổi việc cải thiện quan hệ kinh tế và quân sự với Việt Nam, dù lệnh cấm bán thiết bị quân sự có khả năng sát thương vẫn giữ nguyên hiệu lực trong năm 2013. Hoa Kỳ có một số cố gắng trong việc gây sức ép yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền, nhưng vấn đề này không được nhấn mạnh trong các cuộc gặp giữa Tổng thống Barrack Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang vào tháng Bảy. Liên minh Châu Âu chỉ thể hiện những nỗ lực nửa vời về thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, trong khi Nhật Bản vẫn im lặng và không sử dụng vị thế nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam để công khai yêu cầu cải cách.
Liên minh Châu Âu và Việt Nam vẫn đang tiếp tục đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do, và vòng đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ ba giữa hai bên đã diễn ra vào tháng Chín năm 2013. Vào tháng Tư năm 2013, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn tại Việt Nam và yêu cầu Liên minh Châu Âu nêu quan ngại với chính quyền Việt Nam. Trong khi các quan chức cao cấp của Liên minh Châu Âu, như Cao ủy Catherine Ashton vẫn im lặng, thì phái đoàn ngoại giao EU tại Việt Nam đã ra văn bản công khai bày tỏ quan ngại về việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, việc tiếp tục giữ nguyên án tử hình, và hạn chế thông tin trên mạng với Nghị định 72.