Skip to main content

Việt Nam: Nhà hoạt động bị cáo buộc tội “Tuyên truyền”

Bùi Tuấn Lâm đối mặt với án tù có thể lên tới 12 năm vì phê phán chính quyền trên mạng

Bùi Tuấn Lâm tại phiên Kiểm định Phổ quát của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Geneva, tháng Hai năm 2014. © 2014 Private

Cập nhật: Vào ngày 25 tháng Năm năm 2023, một tòa án ở Đà Nẵng đã kết án Bùi Tuấn Lâm năm năm sáu tháng tù giam và bốn năm quản chế.

(Bangkok) – Một nhà hoạt động nhân quyền, Bùi Tuấn Lâm, dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 25 tháng Năm năm 2023 với cáo buộc về tội tuyên truyền chống nhà nước vì đã phê phán chính quyền trên mạng. Nếu tòa án kết luận ông có tội trong phiên xử ngày 25 tháng Năm năm 2023, ông sẽ đối mặt với mức án lên tới 12 năm tù giam theo điều 117 (khoản 1) của bộ luật hình sự. Nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc đối với ông.

Trong thập niên vừa qua, Bùi Tuấn Lâm đã công khai vận động cho dân chủ ở Việt Nam. Ông từng phát biểu rằng “lý tưởng và tâm huyết” của mình là “vận động thúc đẩy tự do dân chủ nhân quyền” và bày tỏ mong muốn “quyền con người được phổ quát trên quê hương.”

“Hình như bất kỳ điều gì cũng có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ để họ đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính phủ Việt Nam cần hủy bỏ điều 117 của bộ luật hình sự có tính vi phạm nhân quyền và chấm dứt việc truy tố Bùi Tuấn Lâm và những người khác vì đã phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Bùi Tuấn Lâm (còn được biết đến dưới tên Peter Lâm Bùi hay Thánh Rắc Hành), 39 tuổi, trở nên nổi tiếng vào tháng Mười một năm 2021 khi làm một đoạn video chế ghi hình bản thân ông rắc hành vào tô mì, nhại lại động tác của đầu bếp nổi tiếng Thánh Rắc Muối, người được biết đến với hình ảnh rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2000 đô la và bón tận miệng cho bộ trưởng công an Việt Nam, Tô Lâm. Nực cười thay, ông bộ trưởng khi đó tới Luân Đôn với tư cách trưởng đoàn chính phủ Việt Nam để tham dự hội nghị về biến đổi môi trường toàn cầu, COP26. Công an triệu tậpthẩm vấn Bùi Tuấn Lâm nhiều lần, và gây sức ép, khiến ông phải tạm đóng cửa quán mì trong vài ngày.

Ông Bùi Tuấn Lâm đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và ủng hộ môi trường trong nhiều năm. Ông cũng đã từng tham gia Câu lạc bộ Bóng đá No-U FC giờ không còn hoạt động nữa, một đội bóng có các thành viên chọn mục tiêu chung là lên tiếng phản đối Trung Quốc đòi giành chủ quyền các vùng lãnh hải đã được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Ông tham gia một nhóm nhân đạo No-U để hỗ trợ người nghèo ở các vùng sâu vùng xa và nạn nhân thiên tai ở Việt Nam. Tháng Tư năm 2020, công an Đà Nẵng sách nhiễu và đe dọa ông vì đã cứu trợ thực phẩm cho người dân địa phương trong dịch Covid-19. Bùi Tuấn Lâm thường xuyên lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động thân hữu, các tù nhân chính trị và gia đình họ.

Tháng Hai năm 2014, Bùi Tuấn Lâm tới Geneva để tham gia một phong trào xã hội dân sự vì nhân quyền trong thời gian Kiểm định Phổ quát của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trước nguy cơ bị chính quyền Việt Nam trả thù, ông đã chuẩn bị sẵn một đoạn video trước khi về Việt Nam, yêu cầu những người ủng hộ công bố đoạn video đó nếu ông bị bắt giữ và kêu gọi họ tiếp tục vận động cho tự do dân chủ. Khi ông về tới Việt Nam, công an câu lưu ông tại sân bay, thẩm vấn ông nhiều tiếng đồng hồ và tịch thu hộ chiếu. Từ đó ông chưa hề được phép xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Tháng Tư năm 2014, khi Bùi Tuấn Lâm đang trên đường về sau khi tới thăm nhà cựu tù nhân chính trị Huỳnh Ngọc Tuấn, một số người đàn ông mặc thường phục đã tấn công và đánh đập ông tàn bạo.

Công an thường xuyên sách nhiễu và đe dọa Bùi Tuấn Lâm vì tinh thần hoạt động của ông. Khi ông sống ở Thành phố Hồ Chí Minh để làm nghề thiết kế quảng cáo, công an gây sức ép với chủ nhà đòi lại nhà ông thuê và buộc người tuyển dụng đuổi việc ông. Bùi Tuấn Lâm buộc phải trở về quê nhà, thành phố Đà Nẵng, ở đó ông mở một quán mì ven đường để kiếm sống.

Cáo buộc của công an đối với ông trong vụ án này là: “từ năm 2013 đến nay, Bùi Tuấn Lâm thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đăng tải nhiều bài viết, video, livestream có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, Bùi Tuấn Lâm còn đăng tải, chia sẻ các bài viết xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật với mong muốn, mục đích thay đổi chế độ Nhà nước XHCN ở Việt Nam, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân.”

Ngày mồng 6 tháng Tư năm 2023, công an thông báo cho luật sư bào chữa của ông là việc điều tra đã hoàn tất, và vụ của ông đã được chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng, là cơ quan công tố. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng Tư, luật sư bào chữa lại nhận được một văn bản ghi ngày 12 tháng Tư của Viện Kiểm sát Nhân dân, thông báo rằng Bùi Tuấn Lâm từ chối không cần luật sư bào chữa. Vợ của Bùi Tuấn Lâm, bà Lê Thanh Lâm, đã nộp đơn yêu cầu gặp chồng để được nghe trực tiếp từ ông xem ông có từ bỏ quyền được có luật sư bào chữa hay không.

Ngày 24 tháng Tư, cơ quan kiểm sát ra một văn bản thông báo cho phép luật sư bào chữa đại diện cho Bùi Tuấn Lâm. Nhưng khi luật sư Lê Đình Việt đưa ra yêu cầu được gặp thân chủ Bùi Tuấn Lâm vào cuối ngày hôm đó, nhà cầm quyền lại từ chối yêu cầu của luật sư với lý do tòa án cần thêm thời gian để xem xét vụ án. Mãi tới ngày mồng 8 tháng Năm chính quyền mới cho luật sư bào chữa được gặp Bùi Tuấn Lâm.

“Ngoài những vi phạm thường lệ về quy trình tố tụng thỏa đáng, vụ án Bùi Tuấn Lâm còn có thêm vết nhơ là lời tuyên bố gian dối của nhà cầm quyền về việc ông từ bỏ quyền được có luật sư bào chữa, sau khi đã biệt giam ông hơn bảy tháng,” ông Robertson nói. “Việt Nam cần nhanh chóng sửa đổi luật tố tụng hình sự để đảm bảo rằng mọi bị can đều được tiếp cận đầy đủ với người hỗ trợ pháp lý theo lựa chọn của mình ngay khi bị bắt.”

Trong bản cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng cáo buộc Bùi Tuấn Lâm đăng tải 19 bài viết trên Facebook từ ngày 17 tháng Tư năm 2020 đến ngày 29 tháng Bảy năm 2021, và 25 đoạn video trên YouTube từ ngày mồng 4 tháng Mười hai năm 2021 đến ngày mồng 7 tháng Chín năm 2022 “làm ảnh hưởng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Nhà nước.”

Trong số đó có các bài đăng Facebook về một lá thư của blogger nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang công bố vào đúng ngày bà bị bắt, trong đó bà kêu gọi người dân vận động cho bầu cử tự do đích thực ở Việt Nam và quảng bá các cuốn sách phê phán chính quyền của mình, như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực, Chính trị của nhà nước công an trị, và Báo chí Công dân. Nhà cầm quyền cho rằng lá thư của Phạm Đoan Trang vi phạm pháp luật vì có “nội dung kêu gọi đấu tranh cho tự do, dân chủ theo cách nghĩ của Phạm Đoan Trang.” Cáo trạng cũng liệt kê hai đoạn video liên quan đến phiên xử bà.

Trong số các đoạn video được ghi trong cáo trạng có năm bài hát. Ba bài là các phần trình diễn cùng một bài hát nhân quyền “Trả lại cho dân,” sáng tác của cựu tù nhân chính trị nhạc sĩ Việt Khang. Lời bài hát mở đầu với câu “Trả lại đây cho nhân dân tôi quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn, được nghe, được nói, quyền được chọn chân lý tự do, quyền xóa bỏ độc tài độc tôn.” Bài hát thứ hai, “Việt Nam tôi đâu?” cũng của Việt Khang, có nội dung chống Trung Quốc. Bài thứ ba là một bài hát phản chiến nổi tiếng, “Gia tài của Mẹ” do cố nhạc sĩ được yêu thích nhất ở Việt Nam Trịnh Công Sơn sáng tác vào năm 1965.

“Danh sách các bài viết và video được liệt kê làm ‘tang vật’ của hành vi ‘phạm tội’ của Bùi Tuấn Lâm cho thấy Việt Nam sẵn sàng dùng bất cứ điều gì để ngăn chặn mọi lời phê phán chính quyền trên mạng,” ông Robertson nói. “Đối với giới lãnh đạo Việt Nam, ngay cả bài hát cũng là một mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của họ.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country
Topic