Chính quyền Việt Nam tăng cường kiểm soát tự do ngôn luận trong năm 2010, sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù hàng loạt nhà văn, nhà vận động chính trị và những người phê phán chính phủ một cách ôn hòa.
Các đợt tấn công trên mạng xuất phát từ các máy chủ đặt tại Việt Nam làm tê liệt nhiều trang mạng bất đồng chính kiến, chính phủ ban hành các quy định kiểm soát mới đối với dịch vụ internet công cộng, đồng thời tiếp tục ngăn chặn việc truy cập vào nhiều trang web hải ngoại.
Các cuộc biểu tình phản đối cưỡng chế nhà đất, tịch thu tài sản của nhà thờ và chống sự bạo hành của công an có khi bị đáp trả bằng bạo lực quá mức cần thiết từ phía công an. Công an thường tra tấn nghi phạm trong khi tạm giam.
Việt Nam, giữ ghế chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2010, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN về "đẩy mạnh dân chủ" và "bảo vệ và tăng cường nhân quyền và các quyền tự do cơ bản".
Đàn áp Bất đồng chính kiến
Trong năm 2010 diễn ra một loạt phiên tòa và các vụ bắt bớ mang tính chính trị, khi chính quyền gia tăng việc đàn áp bất đồng chính kiến trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11 vào tháng Giêng năm 2011. Trong tháng Mười Hai năm 2009 và tháng Giêng năm 2010, năm nhà hoạt động có liên quan tới Đảng Dân chủ vốn bị cấm ở Việt Nam, trong số đó có luật sư Lê Công Định, đã bị xử tù với tội danh lật đổ chính quyền; sau đó, vào ngày 29 tháng Giêng, nhà vận động dân chủ Phạm Thanh Nghiên bị kết án với tội tuyên truyền chống nhà nước. Vào ngày mồng 5 tháng Hai, nhà văn và cựu tù nhân chính trị Trần Khải Thanh Thủy, bị bắt sau khi cố tới dự phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến vào cuối năm 2009, bị xử ba năm rưỡi tù với tội danh "cố ý gây thương tích" được dàn dựng.
Vào tháng Hai, công an bắt ba nhà vận động vì rải truyền đơn chống chính quyền và tổ chức công nhân đình công ở tỉnh Trà Vinh. Họ bị xử và kết án tù rất nặng vào tháng Mười với tội danh "phá rối an ninh trật tự". Tháng Tư, tòa án tỉnh Lâm Đồng xử tù bốn người được cho là có liên hệ tới Đảng Vì dân.
Vào tháng Bảy và tháng Tám, công an bắt các dân oan Phạm Văn Thông và Nguyễn Thành Tâm ở tỉnh Bến Tre, Trần Thị Thúy ở Đồng Tháp, mục sư Mennonite Dương Kim Khải ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 13 tháng Tám, giảng viên toán Phạm Minh Hoàng bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là cộng tác viên của một trang mạng phản đối các mỏ khai thác bô-xít do Trung Quốc điều hành ở Tây Nguyên. Cả năm người nói trên đều bị truy tố với tội danh lật đổ; Đảng Việt Tân - một tổ chức bị cấm ở Việt Nam, tuyên bố tất cả, trừ Phạm Văn Thông, đều là đảng viên của đảng này.
Trong năm qua, chính quyền đã sách nhiễu, bắt giữ, và thẩm vấn những người lên tiếng phê phán chính quyền trên mạng. Vào tháng Mười, công an bắt giữ blogger Phan Thanh Hải và Vi Đức Hồi, thành viên ban biên tập Tập san Tổ Quốc, gia hạn giam giữ Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Tháng Mười Một, công an bắt giam nhà vận động về pháp luật trực ngôn Cù Huy Hà Vũ với tội danh tuyên truyền chống chế độ, đồng thời bắt giữ và thẩm vấn cựu tù nhân chính trị Lê Thị Công Nhân về các bài thơ và trả lời phỏng vấn trên mạng của cô.
Các nhà vận động là người dân tộc thiểu số cũng bị bắt và cầm tù. Vào tháng Giêng, tòa án tỉnh Gia Lai xử tù hai người Thượng, Rmah Hlach và Siu Koch, với tội danh vi phạm chính sách đoàn kết dân tộc. Sau khi xung đột xảy ra vào tháng Sáu giữa những người Thượng và một công ty cao su ở Gia Lai, chính quyền tăng cường sự hiện diện của công an tại ba huyện, bắt giữ những người Thượng thuộc Hội thánh Tin lành tư gia độc lập, và kết tội họ lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chính trị. Vào tháng Mười Một, tòa án tỉnh Phú Yên kết án tù Ksor Y Du và Kpa Y Ko vì tội "phá hoại khối đoàn kết dân tộc".
Vào tháng Ba, nhà vận động đấu tranh cho quyền sử dụng đất Huỳnh Ba, là người thuộc sắc dân thiểu số Khmer Krom (dân tộc Khmer), bị kết án tù ở tỉnh Sóc Trăng với tội danh "lạm dụng tự do dân chủ". Vào tháng Bảy, chính quyền tỉnh Trà Vinh ép hoàn tục và bắt giữ cựu trụ trì Thạch Sophon người Khmer Krom, truy tố ông với tội danh bắt giữ người trái pháp luật. Ông bị xử vào tháng Chín với bản án chín tháng tù treo.
Tự do Ngôn luận, Tự do Thông tin và Tự do Lập hội
Chính quyền không cho phép các phương tiện truyền thông độc lập hoặc của tư nhân hoạt động trong nước, và quản lý báo chí cũng như internet rất ngặt. Hình phạt hình sự được áp dụng để xử các tác giả, nhà xuất bản, trang mạng và những người sử dụng internet để phát tán thông tin chống chính phủ, gây nguy hại đến an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật nhà nước hay khuyến khích các ý tưởng "phản động". Chính quyền chặn đường liên kết tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị, yêu cầu các chủ đại lý internet kiểm soát và lưu trữ thông tin về hoạt động trên mạng của người sử dụng, sách nhiễu và gây áp lực với các blogger độc lập và những người viết bài chỉ trích trên mạng.
Vào tháng Tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - cơ quan hành pháp của chính quyền thành phố - ban hành Quyết định 15, yêu cầu tất cả các tiệm internet ở Hà Nội phải cài đặt phần mềm theo dõi đã được chính quyền duyệt, và cấm sử dụng internet để "kêu gọi biểu tình, đình công, lãn công bất hợp pháp". Từ ngày mồng 1 tháng Chín, các nhà cung cấp dịch vụ internet bị yêu cầu phải ngắt đường truyền của tất cả các đại lý internet từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng hàng ngày.
Chính quyền cấm đoán công đoàn độc lập và các tổ chức nhân quyền, cũng như các đảng phái chính trị đối lập. Với luật lao động hiện hành, việc công khai tuyên bố một cuộc đình công hợp pháp hầu như bất khả, và dù trên thực tế có xảy ra những cuộc đình công tự phát trái phép, các cá nhân bị cho là nắm vai trò lãnh đạo các cuộc đình công đó phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền hay giới chủ trả thù. Những người vận động bảo vệ quyền lợi cho người lao động và công đoàn độc lập thường xuyên bị sách nhiễu, bắt bớ hay giam cầm.
Tự do Tôn giáo
Chính quyền hạn chế thực hành tôn giáo dưới các hình thức như ban hành quy định pháp luật, bắt buộc đăng ký chính thức, sách nhiễu, và theo dõi. Một đơn vị công an đặc nhiệm, được chỉ đạo từ cấp trung ương (A41), có nhiệm vụ giám sát các nhóm bị chính quyền cho là "tôn giáo cực đoan".
Các hội nhóm tôn giáo bắt buộc phải đăng ký với chính quyền và chịu phụ thuộc vào các ban tôn giáo do chính quyền kiểm soát. Chính quyền nghiêm cấm mọi hoạt động tôn giáo bị cho là đi ngược lại "lợi ích dân tộc", ảnh hưởng đến khối đoàn kết dân tộc, gây rối trật tự công cộng hoặc "gây mầm mống chia rẽ".
Những tín đồ của một số nhóm tôn giáo không đăng ký và các nhà vận động cho quyền tự do tôn giáo đã được quốc tế bảo đảm đều bị sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm hoặc quản thúc tại gia. Vào các dịp lễ hội Phật giáo trong tháng Năm và tháng Tám, công an Đà Nẵng ngăn cản đường vào chùa Giác Minh và thẩm vấn vị sư trụ trì, đồng thời là đại diện cấp tỉnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị cấm. Vào tháng Năm, chức sắc tôn giáo Huỳnh Cẩm Tú bị xử tù với tội danh vu khống vì đã chỉ trích hành động đàn áp của công an đối với tín đồ của một chi phái Cao đài không được công nhận.
Trong số những người đang phải ngồi tù vì niềm tin tôn giáo hoặc chính trị, hoặc cả hai, có hơn 300 người Thượng theo Công giáo, cũng như các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và Cao Đài. Những nhà lãnh đạo tôn giáo bị quản chế tại gia gồm có Tăng thống Thích Quảng Độ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý và Phan Văn Lợi, trụ trì Thạch Sophon của Phật giáo Khmer Krom.
Thành viên của các tôn giáo được chính thức công nhận, trong đó có Công giáo La Mã ở Việt Nam, cũng bị sách nhiễu, nhất là các lãnh đạo giáo xứ và giáo dân cố gắng bảo vệ tài sản của nhà thờ. Vào tháng Giêng, công an dùng hơi cay và dùi cui điện để giải tán người dân giáo xứ Đồng Chiêm, gần Hà Nội, khi họ cố ngăn cản công an phá hạ một cây thánh giá.
Vào tháng Năm, cảnh sát dùng bạo lực giải tán những người dân làng tham dự một đám tang và biểu tình trên con đường ra nghĩa địa nằm trên mảnh đất đang tranh chấp ở giáo xứ Cồn Dầu thuộc Đà Nẵng. Công an dùng gậy và dùi cui điện đánh đập và bắt giữ hơn 60 người. Đa số những người bị bắt về sau đều được thả, nhưng bảy người bị truy tố vì tội chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng. Sau đó, một người dân làng, ông Nguyễn Thành Năm, bị công an thẩm vấn và đánh đập nhiều lần; ông đã chết vào tháng Bảy vì những chấn thương do bị lực lượng dân phòng đánh.
Hệ thống Tố tụng Hình sự
Bạo hành của công an - bao gồm tra tấn và đánh người đến chết - được ghi nhận trên khắp cả nước, đôi khi dẫn tới các vụ biểu tình, thậm chí bạo loạn. Vào tháng Bảy, biểu tình nổ ra ở tỉnh lỵ Bắc Giang sau khi một người đàn ông bị đánh đến chết trong khi bị tạm giữ vì một lỗi vi phạm giao thông nhỏ.
Các tù nhân chính trị và tôn giáo, cũng như của các vụ án được coi là nhạy cảm, thường bị tra tấn trong khi lấy cung, bị giam giữ không được liên hệ với bên ngoài trước khi xử, bị từ chối không cho tiếp xúc với gia đình hay luật sư. Hệ thống tòa án Việt Nam vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam, thiếu sự độc lập và vô tư. Những người bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo thường bị xử mà không được nhận trợ giúp pháp lý trong các phiên tòa mà về cơ bản không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế về sự công bằng.
Việc sử dụng các phòng giam tối, xà lim và chuyển tù nhân chính trị tới các nhà tù xa xôi vẫn tiếp tục được áp dụng như biện pháp trừng phạt. Ví dụ, vào tháng Ba, nhà báo Trương Minh Đức bị chuyển tới khu K4, một khu vực cách biệt và bị giám sát ngặt nghèo hơn trong trại Xuân Lộc.
Luật pháp Việt Nam tiếp tục cho phép việc áp dụng tùy tiện biện pháp "quản chế hành chính" không cần xét xử. Theo Thông tư 44, các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa và những người bị cho là có nguy cơ gây hại tới an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng có thể bị cưỡng chế vào các trại tâm thần, bị quản chế tại gia hoặc quản thúc tại các trung tâm "chữa bệnh" hoặc "cải tạo" thuộc quản lý nhà nước.
Khoảng từ 35,000 đến 45,000 người đang bị quản thúc trong các trung tâm "cai nghiện" ma túy. Họ có thể bị quản thúc bắt buộc tới bốn năm mà không có luật sư biện hộ, tòa án xét xử hay cơ hội kháng cáo quyết định quản chế. Những người bị quản chế buộc phải "lao động để cai nghiện" nhiều giờ trong ngày với hình phạt dành cho những ai không hoàn thành chỉ tiêu được giao. Giới quan sát độc lập về hệ thống cai nghiện bắt buộc ở Việt Nam kết luận rằng khoảng 90 phần trăm những người bị ép cai theo dạng quản chế sẽ tái nghiện.
Bảo vệ Nhân quyền
Bất chấp mức độ rủi ro cá nhân khá cao, một số nhà vận động và cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam tiếp tục công khai phản đối những vi phạm về nhân quyền trong năm 2010. Sau khi được thả vì lý do sức khỏe vào tháng Ba, Linh mục Nguyễn Văn Lý công bố một loạt báo cáo chi tiết về tình trạng tra tấn trong tù. Vào tháng Tám, công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ và thẩm vấn một cựu tù nhân khác, Nguyễn Bắc Truyển, sau khi ông công khai vận động cho các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa đang phải chịu những mức án tù nặng nề.
Việt Nam còn gây sức ép đối với các nước láng giềng để họ đàn áp những nhà bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền người Việt đang sinh sống ở đó. Ví dụ, việc Việt Nam liên tục yêu cầu chính quyền Cam-pu-chia đàn áp các nhà hoạt động người Khmer Krom có tác động đến việc tòa án Cam-pu-chia kết án bốn người - trong đó có một nhà sư Khmer Krom - vào tháng Tám vì bị cho là đã phân phát tờ rơi phê phán quan hệ của Cam-pu-chia với Việt Nam. Vào tháng Chín, sau khi có yêu cầu từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam, chính quyền Thái Lan gây áp lực buộc Câu Lạc Bộ Nhà Báo Nước Ngoài ở Thái hủy bỏ cuộc họp báo của các nhà vận động nhân quyền người Việt và không cho họ nhập cảnh vào Thái Lan.
Những Nhân tố Quốc tế Quan trọng
Việt Nam tiếp tục duy trì mối quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Năm 2010, căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc ngày càng hùng hổ tuyên bố chủ quyền trên các đảo ngoài khơi nhiều dầu và khí đốt, đánh dấu bằng cuộc tập trận của Trung Quốc vào tháng Bảy tại vùng biển Nam Trung Hoa.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo khối Cam-pu-chia/Lào/Myanmar/Việt Nam trong Hiệp hội ASEAN.
Trong tháng Bảy và tháng Tám, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về vấn đề người thiểu số, nhân quyền và tình trạng nghèo khổ đã đến Việt Nam. Dù đã liên tiếp yêu cầu nhiều lần, chính quyền Việt Nam tiếp tục từ chối việc khai thông kênh tiếp xúc theo các quy trình riêng khác của Liên Hiệp Quốc, trong đó có tự do tôn giáo và ngôn luận, tra tấn, và bạo lực đối với phụ nữ. Dù có vị thế khá đặc biệt với tư cách là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho Việt Nam, Nhật Bản không hề đưa ra những nhận xét công khai về tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam.
Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về thương mại, quốc phòng và an ninh với Việt Nam, đồng thời cũng gây sức ép yêu cầu Việt Nam - một trong những quốc gia nhận nhiều tài trợ nhất từ Hoa Kỳ ở khu vực Đông Á - phải cải thiện thành tích về nhân quyền. Mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn gia tăng đều đặn, thể hiện mục tiêu chung nhằm tạo đối trọng trước ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam tiếp tục chính sách giữ thăng bằng khéo léo để tránh làm mất lòng cả Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, lẫn Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Vào tháng Mười, trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai riêng trong năm 2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton đã bày tỏ quan ngại về việc bắt bớ các nhà hoạt động - trong đó có những người bị bắt ngay trước chuyến thăm của bà - việc tấn công các nhóm tôn giáo, việc kiểm duyệt mạng internet, và đạt được một văn bản cam kết chính thức từ phía chính quyền Việt Nam về việc ký và triển khai Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống Tra tấn.