Skip to main content

Vietnam

Events of 2006

Đại Hội lần thứ 10 của Đáng Cộng Sản Việt Nam có một sự thay đổi quan trọng trong Bộ Chính Trị với sự xuất hiện của các thành viên trẻ hơn thay thế những thành viên già nua. Tuy nhiên, những khuôn mặt mới này không đem lại tiến triển mới trong việc cải thiện thực hành nhân quyền.

Mặc dù Việt Nam có đà tăng trưởng cao bậc nhất tại Á Châu, tinh thần tôn trọng nhân quyền căn bản của Việt Nam còn thua xa các nước láng giềng, và quốc gia độc đảng này vẫn không chấp nhận sự phê bình.

Có đến hàng trăm tù nhân chính trị và tôn giáo bị giam cầm trong những điều kiện khắc nghiệt. Trong năm 2006, chính quyền đã trả tự do cho một số ít tù nhân lương tâm nhưng lại bắt giam hơn một chục người khác bao gồm những nhà hoạt động dân chủ, nhà đối kháng qua mạng Internet, và những nhóm dân tộc thiểu số theo Thiên Chúa Giáo.

Chính quyền tiếp tục bách hại những tín đồ của những giáo hội độc lập, duy trì kiểm soát trên mạng Internet và báo chí, hạn chế những hội họp công cộng, và bỏ tù công dân vì quan điểm về tôn giáo và chính trị của họ. Các cơ quan ngôn luận, các đảng phái chính trị, các tổ chức tôn giáo và các hiệp hội công đoàn lao động không có quyền hiện hữu nếu không có sự giám sát của chính phủ, hoặc không được phép hoạt động nếu xét thấy trái ngược với chính sách của Đảng.

Năm nay chứng kiến giới lao động với những hoạt động chưa từng thấy trước đây, chính phủ đã ra công sức ngăn chặn phong trào dân chủ đang chớm nở, tiếp tục đàn áp các tín đồ Phật giáo và tín đồ Thiên Chúa Giáo của sắc tộc thiểu số.

Lao Động

Đầu năm đã có một loạt những cuộc đình công tự phát do hàng chục ngàn công nhân làm việc trong các hãng xưởng do người ngoại quốc làm chủ, và những hãng xưởng khác có cổ phần đầu tư lớn của ngoại quốc nằm quanh thành phố Hồ Chí Minh. Công nhân đòi tăng lương và điều kiện làm việc tốt đẹp hơn. Những cuộc đình công mau chóng lan rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nhưng từ từ giảm cường độ khi chính phủ chấp nhận gia tăng lương bổng tối thiểu trong các xí nghiệp do người ngoại quốc làm chủ lên đến $54 Mỹ kim một tháng. Đây là một tỷ lệ gia tăng đến 40%, và cũng là gia tăng lương lần đầu kể từ năm 1999.

Phong Trào Dân Chủ

Vào tháng Tư, hơn 100 người đã công khai ký bản « Kêu gọi Tự Do Thành lập Đảng Chính Trị » và « Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ 2006 ». Những vị khởi xướng phong trào (gọi là Khối 8406, đặt theo ngày tuyên bố Tuyên Ngôn Tự Do Dân Chủ), trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Hoàng Minh Chính và ông Đỗ Nam Hải. Cho đến tháng Tám, hơn 2.000 người đã ký vào lời kêu gọi này.

Tháng Mười, những nhà hoạt hoạt động tuyên bố thành lập một Công Đoàn Lao Động Độc Lập để thay thế liên đoàn lao động do đảng kiểm soát. Các nhà đối kháng cũng đã phổ biến nhiều tờ báo độc lập không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước trong năm 2006 bao gồm tờ Tự Do Ngôn Luận và tờ Tự Do Dân Chủ.

Chính quyền phản ứng bằng cách giam cầm và tra vấn nhiều nhà hoạt động dân chủ và tịch thu tài liệu, máy vi tính và máy điện thoại di động (xem tiếp phần dưới).

Ngôn luận và mạng Internet

Luật về Phát Hành Báo Chí của Việt Nam nghiêm cấm tuyệt đối những tờ báo chống đối chính phủ, phổ biến tin tức bí mật của nhà nước hoặc tán phát những tư tưởng « phản động ». Chỉ có một số ít cơ quan truyền thông do tư nhân điều khiển ; phần đông sách vở đều do nhà nước, Đảng hoặc là các tổ chức do Đảng kiểm soát phát hành. Năm 2006, những cơ quan truyền thông của chính quyền, thường vẫn được phép viết về nạn tham nhũng, đã viết phóng sự về việc biển thủ công quỹ và quỹ tài trợ của các viên chức trong ngành vận tải.

Chính kết quyền ngăn chặn các trang Web được chính phủ xem như có tính cách phản kháng hoặc nhạy cảm về chính trị, dò xét các điện thư và các diễn đàn trực tuyến. Chính phủ buộc các chủ quán cà phê Internet phải chịu trách nhiệm về việc tiếp cận và chuyển vận thông tin trên Internet của khách hàng của mình.

Một nghị định mới, nghị định số 56, « Những biện pháp nghiêm trị về thông tin và hoạt động văn hóa, » dùng những hình phạt tài chánh nặng nề đối với việc phổ biến những loại thông tin «có hại », nói xấu nhà nước và những anh hùng của quốc gia, hoặc tiết lộ «những bí mật của đảng, của nhà nước, của quân đội, những bí mật kinh tế. »

Đàn áp đối lập

Những nhà hoạt động dân chủ đã phát hành những tờ báo vượt qua sự kiểm duyệt hoặc sử dụng mạng lưới Internet để phát hành những ý kiến phê phán chính quyền đều bị sách nhiễu, giam giữ và bỏ tù. Trong lúc bản báo cáo này được viết, có ít nhất hai nhà đối lập trên mạng đang bị giam trong tù.

Nguyễn Vũ Bình bị cầm tù bảy năm với bản án tội gián điệp vì đã gởi điện thư trên mạng Internet, gởi chứng thư lên Quốc Hội Hoa Kỳ về nhân quyền tại Việt Nam và liên lạc với các người hoạt động trong và ngoài nước.

Trương Quốc Huy, đã bị giam hơn tám tháng trong năm 2005, sau khi tham dự một cuộc thảo luận về dân chủ trên mạng Internet, đã bị bắt trở lại vào ngày 18 tháng 8 năm 2006. Ông Huy đã công khai bảy tỏ sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ.

Vào giữa tháng Tư, hai ký giả bị bắt giữ tại phi trường Tân Sớn Nhất và bị ngăn chặn không được đi Manila để tham dự hội luận về tự do ngôn luận trên mạng lưới Internet tại Á Châu.

Ngày 20 tháng Tư, công an đã bắt hai học sinh người Thượng và giam giữ họ mười tám ngày tại một nhà tù tại quận Đắc -Lắc. Tại nơi đây họ bị đánh đập, bị tra khảo, và bị tố cáo sử dụng mạng Internet để gửi danh sách các tù nhân chính trị cho các nhóm tranh đấu tại hải ngoại.

Ngày 30 tháng 6, công an xâm nhập tư gia của ông Nguyễn Thanh Giang và tịch thu sách vở và tài liệu. Ngày 12 tháng Tám, công an bố ráp tư gia của năm nhà đối kháng, trong đó có các ông Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài và ông Hoàng Tiến, trong khi họ chuẩn bị ra ấn hành một tờ báo độc lập. Tháng Mười, ông Đỗ Nam Hải và hai nhà đối lập khác bị triệu tập lên « làm việc » với công an.

Công dân Hoa Kỳ Đỗ Thành Công (bút hiệu Trần Nam), một thành viên của Đảng Dân Chủ Nhân Dân, bị bắt ngày 14 tháng 8. Khi ông Đỗ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam ngày 21 tháng 9, báo chí của chính quyền nói rằng ông bị bắt vì tội tán phát những thông tin chống chính phủ. Trong khi bản báo cáo này được viết, sáu người Việt Nam bị bắt vào tháng Tám vì có mối liên hệ với Đảng Dân Chủ Nhân Dân vẫn còn bị giam giữ. Vào tháng Mười Một, bốn người Việt và ba người Mỹ gốc Việt bị bắt năm 2005 bị kết án mười lăm tháng tù, hoặc đã thụ án, về tội khủng bố, tình nghi lén lút đem vào Việt Nam những dụng cụ phát thanh vô tuyến điện.

Những người bị tình nghi hỗ trợ cho phong trào dân chủ gồm ông Trương Quốc Huy và ba người khác bị bắt vào tháng Tám - ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Vũ Hoàng Hải và Phạm Bá Hải bị kết tội tuyên truyền chống chính phủ.

Hội Họp

Biểu tình nơi công cộng là một chuyện hiếm hoi, đặc biệt sau khi chính phủ đàn áp những cuộc biểu tình tại Cao Nguyên miền Trung năm 2001 và 2004. Nghị quyết 38, do thủ tướng ký năm 2005, cấm tụ họp nơi công cộng trước những địa điểm chính quyền, Đảng và hội nghị quốc tế đang hội họp và bắt buộc những người tổ chức phải được phép của chính quyền trước.

Trước ngày Đại Hội Đảng tháng Tư và cuộc viếng thăm của Tổng Thống Bush tháng 11, công an tại Ha Nội bố ráp các trẻ em bụi đời và vô gia cư, đem nhốt những em này vào những trung tâm cưỡng ép « cải huấn » tại ngoại ô thành phố; tại nơi đây các em bị đánh đập tàn nhẫn. Lực lượng bộ đội đã được phái đến Cao Nguyên Trung phần để ngăn ngừa những cuộc biểu tình bất ngờ trong lúc viếng thăm của ông Bush.

Tôn giáo

Pháp lệnh 2004 của Việt Nam về Tín Ngưỡng và Tôn giáo xác nhận quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, chính quyền ép buộc các nhóm tôn giáo phải đăng ký để trở nên hợp pháp, và cấm tất cả những sinh hoạt tôn giáo xét thấy có thể gây nên mất trật tự công cộng, di hại đến an ninh quốc gia hoặc « gây chia rẽ .»

Những tín đồ của một vài tôn giáo không được chính quyền công nhận tiếp tục bị bách hại. Công An đã giải tán những cuộc họp tôn giáo, tịch thu sách vở tôn giáo và ra lệnh những người lãnh đạo phải lên đồn công an để họ tra khảo.

Các tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, gồm Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang và người lãnh đạo thứ nhì, thượng tọa Thích Quảng Độ, vẫn bị quản thúc tại thiền viện của họ.

Mặc dù có những điều luật để đơn giản hóa tiến trình đăng ký, có đến hàng trăm tổ chức trong giáo hội Thiên Chúa Giáo đã cố gắng đăng ký năm 2006 nhưng đã bị bác bỏ ngày từ lúc đầu, bị lờ, hoặc phòng bì chứa đơn xin của họ bị trả về trong tình trạng chưa mở. Trong số này có đén 500 giáo hội của dân tộc thiểu số tại vùng Cao Nguyên Tây Bắc. Tại Cao Nguyên Trung Phần, có những giáo hội người Thượng có liên hệ đến Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được tin là đã đăng ký. Tuy nhiên những người Thượng thuộc những giáo hội Thiên Chúa Giáo không được đăng ký bị áp lực nặng nề buộc họ phải gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam hoặc từ bỏ tín ngưỡng của họ, mặc dù pháp lệnh 2005 nghiêm cấm phương thức hành động này.

Tháng 5, năm mươi sĩ quan công an đột nhập tư gia và thánh đường của mục sư Nguyễn Hồng Quang và phá hủy những công trình sửa chữa của mục sư đối với nhà thờ của giáo hội Mennonite. Ông Quang là một cựu tù nhân chính trị và cũng là một trong những người đã ký tên trong tuyên ngôn của Khối 8406.

Nhưng ngay cả những nhóm đã đăng ký cũng gặp nhiều vấn đề. Hơn năm mươi tu sĩ nam nữ của Hội Phật Giáo Việt Nam, được chính phủ chính thức công nhận, đã xuống đường biểu tình hồi tháng Bảy 2006 để phản đối việc cầm tù và tra tấn tám tín đồ Phật giáo và đánh chết một tu sĩ trong lúc bị giam cầm. Nhờ phúc thẩm trên Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bắc Giang tháng 6/ 2006, vụ việc đã được xử và họ được tam thời trả tự do.

Nhà tù và tra tấn

Hàng trăm tù nhân tôn giáo và chính trị vẫn bị giam giữ trên khắp đất nước Việt Nam. Trong đó có đến hơn 350 người Thượng đã bị kết án tù ở từ năm 2001, phần lớn là vì họ có những hoạt động chính trị và sinh hoạt tôn giáo, hoặc họ tìm cách tị nạn sang Cam-bốt.

Đã có những bằng hứng không thể chối cãi về việc tra tấn và phương cách hành sử vô nhân đạo đối với tù nhân. Được biết có những tù nhân bị nhốt trong những xà-lim chật hẹp, tăm tối và thiếu vệ sinh ; họ bị đánh đập, bị đấm đá và bị roi điện giựt.

Các sĩ quan công an thường xuyên bắt giam những người tình nghi mà không có trát tòa . Việc xét xử các người đối lập đều không có sự tham gia của quần chúng, của cơ quan truyền thông và của gia đình người bị giam giữ. Quy chiếu vào Nghị Định Quản Chế Hành Chánh 31/CP, những cá nhân có thể bị quản thức tại gia vì những tội vi phạm đến an ninh quốc gia trong vòng hai năm mà không cần đưa ra tòa.

Vai trò của cộng đồng quốc tế

Các chủ nợ của Việt Nam, trong đó có Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (Asian Development Bank) và Nhật Bản đã lên tiếng tỏ ý quan ngại khi tin tức tiết lộ bộ Giao Thông Vận Tải biển thủ tiền tài trợ, khiến cho nhiều viên chức của Bộ phải từ chức và bị giam giữ.

Liên Minh Âu Châu, đồng thời ghi nhận việc trả tự do các tù nhân và cũng là người cung cấp tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, đặt Việt Nam vào danh sách những nước cần quan tâm về nhân quyền năm 2006. Tháng Năm, một phái đoàn của Quốc Hội Châu Âu đến Việt Nam kêu gọi chính quyền thả tù nhân lương tâm, cho phép các cơ quan báo chí quốc tế được tư do ra vào khu vực Cao Nguyên Trung phần, và bãi bỏ án tử hình. Tháng Chín, nước Anh khen ngợi Việt Nam đã có tiến bộ trong việc giảm nghèo nhưng cho biết họ sẽ gắn liền những trợ giúp hiện hành với những cải thiện trong lãnh vực nhân quyền, chống tham nhũng, quản trị tốt và cải tổ về tài chánh.

Mối liên hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt cao điểm chưa từng thấy vào năm 2006, nhờ giải quyết về những vấn đề nhân quyền, đã bị đình chỉ từ năm 2002 và việc viếng thăm của Tổng Thống Bush vào tháng 11. Hòa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC) vì những vi phạm tự do tôn giáo, và người ta trông đợi vào cuối năm nay Hoa Kỳ sẽ cấp cho Việt Nam mối « Liên Hệ Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn. »