Skip to main content

Việt Nam: Hãy chấm dứt cản trở ‘Dã ngoại Nhân quyền’

Các nhà hoạt động bị sách nhiễu và hành hung chỉ vì tham gia thảo luận nhân quyền

(New York) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu, chính quyền Việt Nam cần chấm dứt cản trở và đàn áp những người muốn tổ chức “dã ngoại nhân quyền” ở  nơi công cộng. Dù bị chính quyền sách nhiễu và hành hung, một số người vẫn tổ chức thành công buổi họp mặt thân mật và kể về các sự kiện ngày hôm đó trên mạng Internet.

Chủ Nhật tuần trước, ngày mồng 5 tháng Năm 2013, một nhóm các nhà vận động nhân quyền Việt Nam ra thông báo mở, mời mọi người gặp gỡ và trao đổi các vấn đề về nhân quyền tại các công viên công cộng ở Hà Nội, Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh. Chính quyền đã áp dụng nhiều đối sách để ngăn cản người dân tham dự và giải tán những người đã đến công viên ở Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà vận động nhân quyền Việt Nam muốn phân phát và thảo luận công khai về Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền vào ngày Chủ Nhật, 12 tháng Năm tới.

“Tại sao chính quyền Việt Nam lại sợ hãi không cho phép các công dân của mình tụ tập ở công viên để trao đổi về nhân quyền?” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Việt Nam đã ký kết các thỏa ước quốc tế về nhân quyền và đang có đợt thảo luận sôi nổi về cách thức gắn kết các quyền con người vào bản hiến pháp mới, vậy mà những người muốn trao đổi về vấn đề đó lại bị sách nhiễu, đe dọa, quản chế tại gia và hành hung.”

Trước thời điểm dã ngoại ngày mồng 5 tháng Năm, hàng loạt blogger bị công an quản chế tại gia khiến họ không tới tham dự buổi dã ngoại được. Ở Hà Nội, blogger Phương Bích (Đặng Bích Phượng) đưa tin có tới 14 người, dưới sự chỉ đạo của công an đã chặn hành lang nhà chị khiến chị không thể ra khỏi nhà được.

Blogger Trần Thị Thúy Nga cùng với hai con trai, một lên ba và một mới năm tháng tuổi, đi từ Hà Nam lên Hà Nội vào tối ngày thứ Bảy để tham dự buổi dã ngoại nhân quyền ở Công viên Nghĩa Đô vào sáng Chủ Nhật. Công an đã gây áp lực buộc người chủ nhà trọ đuổi chị Nga và các con ra ngoài giữa đêm mưa. Không còn cách nào khác, chị Nga và các con đành ngủ trên vỉa hè cho tới khi các bạn chị tới giúp.

Ở Hải Phòng, công an chặn nhà của blogger, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên để ngăn không cho chị ra khỏi nhà. Họ cũng không cho người khách nào vào nhà chị suốt buổi sáng hôm đó. Phạm Thanh Nghiên liền tự tổ chức “dã ngoại nhân quyền” ở ngay sân nhà mình cùng với bà mẹ đã 77 tuổi và đưa ảnh về sự kiện này lên mạng Internet.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, công an và dân phòng địa phương chặn cổng chùa Giác Hoa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngăn cản Thượng tọa Thích Viên Hỷ cùng chư tăng rời khỏi chùa. Blogger Trịnh Kim Tiến (Trịnh Kim Kim) và chồng cô là Nguyễn Hồ Nhật Thành (Paulo Thành Nguyễn) không được phép rời khỏi nhà, dù chỉ để mua đồ ăn.

Công an cũng áp dụng các phương thức khác để cản trở các buổi dã ngoại nhân quyền. Ở Hà Nội, các đoàn thanh thiếu niên được huy động đến để thị uy với những người tham gia dã ngoại, đồng thời hô các khẩu hiệu như “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” và “Hồ Chí Minh muôn năm.”

Ở Nha Trang, công an và các đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản chiếm Công viên Bạch Đằng, nơi các nhà hoạt động dự định tụ tập, và tổ chức buổi sinh hoạt ngoài trời của họ, có sử dụng loa phóng thanh. Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), người dự định làm điều phối viên cho buổi thảo luận ở Nha Trang, bị công an áp giải tới một quán cà phê, và chị đã biến chỗ đó thành một buổi trò chuyện tự phát về nhân quyền và phân phát các bản sao của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền cho cả nhân viên an ninh và một số khách trong quán cà phê. Điện thoại di động của chị bị cắt sóng nên chị không thực hiện hay nhận được bất cứ cuộc gọi nào trong suốt buổi “dã ngoại” tại quán cà phê.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, công an điều công nhân tới cắt cành các cây to trong Công viên 30 tháng Tư bên ngoài Dinh Thống nhất khiến mọi người không thể ngồi dưới bóng mát vào một ngày rất nóng. Nhân viên trong đồng phục màu xanh được điều đến phun nước trên các lối đi và vỉa hè vốn đã sạch bóng để đuổi mọi người đi.

Nhà vận động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn) người dự định điều phối cuộc thảo luận ở Thành phố Hồ Chí Minh, và Vũ Quốc Anh (August Anh) bị tạm giữ ngay sau khi họ phân phát các bản sao của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền ở công viên. Vũ Quốc Anh bị đánh cả trong khi bắt giữ lẫn khi hỏi cung vì từ chối hợp tác với công an. Tài sản cá nhân của Nguyễn Hoàng Vi, trong đó có điện thoại di động và Ipad, bị thu giữ. Ngày hôm sau, Nguyễn Hoàng Vi cùng gia đình tới đồn công an phường Phú Thạnh, quận Tân Phú để đòi lại tài sản. Họ bị các nhân viên an ninh, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ và lực lượng dân phòng bao vây và đánh đập ngay bên ngoài đồn công an Phú Thạnh. Mẹ của Vi, bà Nguyễn Thị Cúc, bị dí thuốc lá đang cháy vào trán và bị đá. Nguyễn Hoàng Vi bị đấm vào mặt. Em gái cô là Nguyễn Thảo Chi bị đánh gãy ba cái răng. Nhà vận động nhân quyền Châu Văn Thi (Yêu Nước Việt) trong khi cố bảo vệ Nguyễn Thảo Chi cũng bị đánh.

“Việt Nam là thành viên tham gia nhiều công ước về nhân quyền, và thậm chí còn đang tranh cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng chính quyền quá e sợ việc thảo luận công khai về nhân quyền đến nỗi phải bắt giữ và hành hung chính những công dân của mình để ngăn cản họ,” ông Adams phát biểu. “Bây giờ có lẽ chính là thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền để hiểu về các quyền con người  mà người dân Việt Nam đang đòi hỏi.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country