Skip to main content

Việt Nam: Hãy Chấm Dứt Việc Đàn Áp Những Người Đấu Tranh cho Công Nhân

Những người chủ xướng Công Đoàn bị xách nhiễu, bắt bớ và giam cầm.

(New York) - Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) tuyên bố trong một bản phúc trình công bố ngày hôm nay: chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho những nhà hoạt động đã bị giam giữ  bất hợp pháp vì đã kêu gọi tranh đấu cho quyền công nhân một cách ôn hòa.

Bản phúc trình dài 32 trang, có tựa đề : Chưa phải là thiên đàng của Công Nhân : chính quyền Việt Nam đàn áp những Phong Trào Công Nhân Độc Lập, trình bày chi tiết việc chính quyền Việt Nam đàn áp các công đoàn độc lập và trình bày tiểu sử những người bảo vệ quyền lợi của công nhân, đã bị chính quyền Việt Nam bắt giữ, quản thúc tại gia, hoặc giam cầm, là những hành động vi phạm công pháp quốc tế. Bản phúc trình kêu gọi các quốc gia viện trợ cho Việt Nam và các công ty ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam áp lực buộc chính quyền phải đối xử với công nhân một cách đúng đắn hơn.

Ông Brad Adams, Giám Đốc Human Rights Watch tại châu Á tuyên bố :«Bằng cách giam giữ phần lớn những người lãnh đạo công nhân nổi bật, chính quyền Việt Nam đang cố dẹp tan phong trào công đoàn.» « Chính quyền tiếp tục truy bức các nhà hoạt động độc lập bảo vệ quyền lợi công nhân, họ bị xem là mối đe dọa đặc biệt nguy hiểm đối với quyền uy của đảng Cộng Sản vì có khẳ năng thu hút và tổ chức một số đông người.»

Kể từ năm 2006, có ít nhất tám người hoạt động công đoàn độc lập đã bị kết án tù vì những tội danh vi phạm an ninh quốc gia mơ hồ. Tất cả đã bị giam giữ theo những điều luật Việt Nam bất chấp những quyền tự do căn bản của con người. Những người bị đem ra tòa đã không được xét xử theo thủ tục phù hợp với công ước quốc tế. Các nhà hoạt động công đoàn khác đã bị xách nhiễu, hăm dọa và bị buộc phải ngưng hoạt động hoặc phải trốn chạy ra nước ngoài.

Trong bối cảnh lạm phát trên 10% và suy thoái kinh tế toàn cầu, những bất ổn trong giới công nhân tiếp tục gia tăng tại Việt Nam. Hàng ngàn công nhân, phần lớn làm việc trong các hãng xưởng có chủ nhân ngoại quốc, đã kết hợp đình công để yêu cầu gia tăng lương bổng và cải thiện điều kiện làm việc. Mặc dù những cuộc đình công này được công pháp quốc tế công nhận, hầu như không không có một cuộc đình công nào được chính quyền Việt Nam xem là hợp pháp.

Công nhân không được phép thành lập hoặc gia nhập công đoàn - hoặc tổ chức đình công -  ngoài khuôn khổ một tổng công đoàn chính thức do Đảng Cộng Sản kiểm soát. Lương tối thiểu hàng tháng được tăng lên 650.000 đồng (US$36) cho mỗi công nhân, nhưng vẫn không đủ để họ có một mức sống thỏa đáng, đặc biệt vào thời buổi lạm phát phi mã, và việc tăng lương đã không làm nguôi đi sự bất mãn của công nhân.

Bản phúc trình mô tả chi tiết những luật lệ lao động của Việt Nam, chẳng hạn như những tu chỉnh về Luật Lao Động có hiệu lực từ năm 2007, áp đặt những hạn chế gắt gao trong việc đình công và các công đoàn độc lập. Luật Lao Động cho phép các công đoàn do đảng kiểm soát được quyền đình công, nhưng lại áp đặt những điều kiện nghiêm ngặt và rườm rà, để cuối cùng trên thực tế vô hiệu hóa quyền này.

Ông Adams nói: «Luật lao động của Việt Nam khiến công nhân hầu như không còn phương cách nào để đình công hợp pháp. Cái gọi là qui trình cải tổ và những tu chính của Luật Lao Động chỉ có mục đích để chính quyền xiết chặt kiểm soát trên những phong trào công nhân và trên thực tế phủ nhận quyền công nhân. Các Ủy Ban Nhân Dân, các Tòa Án Nhân Dân và liên đoàn lao động chính thức - tất cả đặt dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng Sản Việt Nam - vận hành như một bộ máy sản xuất những luật lệ ngăn cấm những  cuộc đình công hợp pháp. »

Bắt đầu từ năm 2006, những số lượng công nhân chưa từng thấy từ trước đến nay đã bắt đầu tham gia những cuộc đình «đột xuất» (những cuộc đình công không được sự chấp thuận cúa các viên chức công đoàn) tại các hãng xưởng có chủ nhân ngoại quốc ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận về phía Nam. Vào lúc những cuộc đình công mau chóng lan tràn ra miền Trung và các tỉnh phía Bắc, công nhân đòi hỏi nới rộng quyền lao động thí dụ như quyền thành lập công đoàn độc lập và quyền giải tán tổng công đoàn lao động do Đảng kiểm soát.

Tháng Mười năm 2006, các nhà hoạt động Việt Nam tuyên bố thành lập hai công đoàn lao động độc lập: Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông và Công Đoàn Độc Lập. Mục đích rõ rệt của họ là bảo vệ quyền lợi của công nhân, trong đó bao gồm quyền thành lập và gia nhập các công đoàn độc lập, tham gia các cuộc đình công, và cùng nhau thương lượng với chủ nhân mà không cần phải được chính quyền hoặc công đoàn của đảng cho phép. Họ cũng dự tính tán phát tin tức về quyền lợi của công nhân và về tình trạng bóc lột và lạm quyền đối với công nhân.

Trong một khoảng thời gian ngắn năm 2006, chính quyền Việt Nam - trước khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế và bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ - đã chấp nhận một xã hội dân sự phôi thai. Các đảng chính trị đối lập, các báo chí chui, và những công đoàn độc lập đầu tiên xuất hiện công khai, một tình thế hiếm hoi trong nhà nước độc đảng dưới quyền thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian dễ dãi đối với đối lập ôn hòa đã chỉ ngắn ngủi. Chỉ trong vòng vài tuần sau khi hai công đoàn độc lập bắt đầu hoạt động, chính quyền đã bắt giữ các cấp lãnh đạo tên tuổi và những người ủng hộ hai công đoàn này.

Trong số tám người hoạt động bảo vệ quyền lao động bị kết án tù năm 2006, ba người vẫn còn bị giam và ít nhất hai người được tạm tha có theo dõi hoặc bị quản thúc tại gia. Ba người còn lại vẫn tiếp tục bị công an bắt giữ và tra hỏi, bị theo dõi và sách nhiễu bởi công an.

Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : «ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích... và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta. »

Ông Adams nói : «Không một nhà hoạt động bảo vệ lao động ôn hòa nào tại Việt Nam lại có thể bị bắt giữ, giam cầm hoặc bị bỏ tù. Các chính phủ viện trợ cho Việt Nam, Tổ Chức Lao Động Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc, các công ty đầu tư vào Việt Nam và các tổ chức khác nên yêu cầu Việt Nam phải đối xử với công nhân của mình đứng đắn hơn và trả tự do cho những người hoạt động.»

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.