Skip to main content

Trung Quốc

Các sự kiện năm 2018

© 2018 Andrea Verdelli/Getty Images

Chủ tịch Tập Cận Bình, sinh năm 1953, đã thể hiện ý định nắm quyền không thời hạn sau khi ngành lập pháp Trung Quốc sửa đổi hiến pháp vào tháng Ba năm 2018, loại bỏ điều khoản về thời hạn giữ chức chủ tịch nước. Bước đi này cũng là dấu hiệu của việc gia tăng đàn áp dưới quyền cai trị của Tập.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã củng cố được quyền lực của mình đối với bộ máy nhà nước qua một bước cải cách lớn về cơ cấu chính quyền trung ương cũng vào tháng Ba. Đảng trực tiếp quản lý một cơ quan chức năng mới với quyền hạn rất lớn, là Ủy ban Giám sát Quốc gia, được trao quyền giam giữ biệt lập bất cứ người nào trong hệ thống chính quyền tới sáu tháng không cần qua thủ tục xét xử công bằng, theo một biện pháp gọi là “lưu trí.”

Tháng Mười, Mạnh Hoành Vỹ, nguyên chủ tịch Interpol, tổ chức cảnh sát quốc tế, đồng thời là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, bị mất tích sau khi về Trung Quốc và được cho rằng đang bị quản chế trong hệ thống “lưu trí.” ĐCSTQ cũng nắm các cơ quan nhà nước về tôn giáo, dân tộc và giám sát nội vụ Trung Quốc qua một cơ quan đảng, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. 

Chính quyền mạnh tay gia tăng đàn áp và đè nén một cách có hệ thống với 13 triệu người Hồi Giáo gốc Turk (Trung Á), trong đó có những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và Kazakh, ở vùng Tân Cương thuộc Tây Bắc Trung Quốc. Chính quyền tiến hành hàng loạt vụ bắt giữ tùy tiện, tra tấn và ngược đãi nhiều người trong số đó ở các cơ sở giam giữ, và áp đặt các biện pháp kiểm soát càng ngày càng gắt gao đối với đời sống thường nhật của họ. Các quy định mới ở Tây Tạng giờ đây đã hình sự hóa đến cả các hình thức sinh hoạt xã hội truyền thống, như các buổi thiền định tập thể với các lãnh đạo tôn giáo. Ở Hồng Kông, một đặc khu được hứa hẹn “mức độ tự trị cao” theo Tuyên bố Chung Anh-Hoa, chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc đều gia tăng nỗ lực để hạn chế các quyền tự do ngôn luận và tham gia chính trị của người dân trong năm 2018. 

Những người bảo vệ nhân quyền tiếp tục phải chịu bắt giữ tùy tiện, bỏ tù và bắt cóc. Chính quyền tiếp tục kiểm soát chặt chẽ đối với mạng internet, giới truyền thông và giới học thuật. Chính quyền tăng cường đàn áp các cộng đồng tôn giáo, như cấm đạo Hồi ở Tân Cương, đè nén người Công giáo ở tỉnh Hồ Nam, và tăng cường kiểm soát người Hồi theo Hồi giáo ở Ninh Hạ. 

Chính quyền tiếp tục áp dụng các hệ thống giám sát hàng loạt để thắt chặt kiểm soát xã hội. Năm 2018, chính quyền tiếp tục thu thập, ở quy mô lớn, các thông tin sinh học như mẫu DNA và giọng nói; và sử dụng các mẫu đó vào mục đích giám sát tự động hóa; xây dựng một hệ thống thưởng phạt trên toàn quốc gọi là “chấm điểm xã hội”; và xây dựng và áp dụng các chương trình kiểm soát “dữ liệu lớn” nhằm mục đích ngăn chặn bất đồng chính kiến. Tất các các hệ thống nói trên đang được sử dụng mà không có cơ chế bảo vệ quyền riêng tư một cách hữu hiệu, cả trong quy định pháp luật cũng như trên thực tế, và người dân thường không biết rằng các dữ liệu của mình đang bị thu thập, hay cách thức chính quyền lưu trữ và sử dụng các dữ liệu đó như thế nào.

Trong năm 2018, được khích lệ bởi phong trào #MeToo toàn cầu, nhiều phụ nữ Trung Quốc đã đứng ra vạch mặt những kẻ mà họ tố cáo rằng đã quấy nhiễu tình dục mình. Chính quyền đã áp dụng biện pháp kiểm duyệt để dập tắt những cơn giận dữ của công chúng lan ra từ đó.     

Một trong những nhượng bộ duy nhất về nhân quyền tính trong suốt cả năm của chính quyền Trung Quốc là việc cho phép bà Lưu Hà, một người nghệ sỹ và quả phụ của ông Lưu Hiểu Ba, được giải Nobel Hòa bình năm 2010, đi lưu vong ở Đức vào tháng Bảy sau tám năm quản chế tại gia không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, quyết định của chính quyền cấm những người trong gia đình bà đi cùng thể hiện chính sách của Bắc Kinh về việc trừng phạt những người bất đồng chính kiến và hạn chế ngôn luận trên thế giới.

Quyền lực toàn cầu của Trung Quốc đang tăng lên, khiến quốc gia này trở thành nước xuất khẩu vi phạm nhân quyền, kể cả đối với Liên Hiệp Quốc, là nơi mà trong năm 2018 Trung Quốc liên tục tìm cách cản trở các tiếng nói phê phán mình tham gia thiết chế này. Trung Quốc lại một lần nữa đứng trong hàng ngũ các quốc gia cá biệt được điểm danh vì trả thù những người bảo vệ nhân quyền, và trong tháng Ba, Trung Quốc đã vận động thành công được Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) thông qua nghị quyết về một phương thức tiếp cận lạc hậu về nhân quyền được Trung Quốc gọi là hợp tác “cùng thắng” hay “đôi bên cùng có lợi”. Theo quan điểm này, các quốc gia không truy cứu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà chỉ tham gia các cuộc “đối thoại”; hơn nữa, không có vai trò gì dành cho các tổ chức xã hội dân sự, chỉ có chỗ cho chính phủ các quốc gia thành viên và một vai trò hẹp cho chính Liên Hiệp Quốc.

Rất ít quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ các bước đi này, dù ở tình thế bị chính quyền Trung Quốc sách nhiễu công dân ở ngay chính nước mình, hay các công ty nước ngoài bị gây sức ép với phải công khai ủng hộ quan điểm của chính quyền Trung Quốc.

Những người Bảo vệ Nhân quyền

Vụ của luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương là ví dụ điển hình về sự tàn ác của chính quyền đối với những người bảo vệ nhân quyền và quyết tâm của các nhà hoạt động nhân quyền. Công an Bắc Kinh bắt ông Vương trong chiến dịch đàn áp các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền trên toàn quốc vào tháng Tám năm 2015; trong khi bị giam giữ, được biết ông bị tra điện và cưỡng ép uống thuốc. Bị cáo buộc tội danh “lật đổ chính quyền”, ông có thể phải đối mặt với mức án chung thân nếu bị phán quyết là có tội. Trong thời gian ông Vương bị tạm giam, bà Lý Vân Túc, vợ ông, cùng với gia đình các luật sư và nhà hoạt động khác cũng bị giam giữ trong đợt đàn áp đó, đã vận động không mệt mỏi đòi thả ông dù không ngừng bị  đe dọa và sách nhiễu.

Chính quyền tiếp tục kết án với động cơ chính trị và sa thải khỏi luật sư đoàn đối với các luật sư nhân quyền. Tháng Giêng, công an câu lưu luật sư Dư Văn Sinh, cáo buộc ông tội danh “kích động lật đổ chính quyền” và “cản trở thi hành công vụ.” Các cơ quan tư pháp thu hồi hoặc dừng không cấp giấy phép cho khoảng hơn một chục luật sư nhân quyền, và ngay cả những người còn giữ được giấy phép hành nghề cũng không tìm được việc làm do công an gây sức ép với những người thuê họ.

Năm 2018, các tòa án Trung Quốc áp các mức án tù nhiều năm đối với nhiều nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng sau những phiên xử kéo dài và ngụy tạo. Tháng Bảy, một tòa án ở tỉnh Vũ Hán đã kết án nhà hoạt động dân chủ Tần Vĩnh Mẫn tới 13 năm tù về tội “lật đổ chính quyền.” Ông Tần, 64 tuổi, trước đây đã từng chịu đến 22 năm tù trong “Trại Cải tạo Lao động.”

Cũng trong tháng Bảy, một tòa án ở Trùng Khánh kết án họa sỹ vẽ biếm họa chính trị Khương Gia Phi sáu năm rưỡi tù giam về tội “lật đổ chính quyền” và “vượt biên giới trái phép.” Năm 2015, chính quyền Thái Lan cưỡng chế họa sỹ Khương và nhà hoạt động nhân quyền Đổng Quảng Bình trao trả về Trung Quốc dù trước đó hai người đã được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn UNHCR cấp quy chế tị nạn. Ông Đổng cũng bị xử cùng với Khương và bị kết án ba năm rưỡi tù giam về tội kích động chống đối và vượt biên trái phép.

Các nhà bảo vệ nhân quyền khác tiếp tục đối mặt với thời hạn tạm giam kéo dài mà không được xét xử. Lưu Phi Dược, người sáng lập trang mạng tin tức nhân quyền Civil Rights and Livelihood Watch (Theo dõi Nhân sinh và Quyền Công dân) bị bắt vào tháng Mười một năm 2016 và cáo buộc tội “kích động lật đổ.” Ông bị xử vào tháng Tám năm 2018 nhưng đến thời điểm bản phúc trình này được viết thì vẫn chưa có bản án. Nhà hoạt động kỳ cựu và sáng lập viên của trang mạng nhân quyền “64 Thiên Võng” -  Hoàng Kỳ bị bắt giữ từ tháng Mười một năm 2016 nhưng vẫn chưa được xét xử. Ông Hoàng bị một số bệnh mà không được chạy chữa đầy đủ, trong đó có nguy cơ suy thận và bệnh viêm phổi.

Trong năm 2018 có thêm nhiều nhà bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ. Tháng Bảy, chính quyền bắt giữ Đổng Dao Quỳnh sau khi cô đổ mực lên tấm bích chương có hình Chủ tịch Tập ở Thượng Hải. Sau đó công an giam giữ cô ở một bệnh viện tâm thần và không cho cha cô gặp mặt con. Tháng Tám, công an tỉnh Quảng Tây bắt giữ một nhà hoạt động đồng thời là một nhà lãnh đạo trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, Chu Dũng Quân vì tàng trữ tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công, một nhóm tôn giáo bị cấm ở Trung Quốc. Cũng trong tháng Tám, công an tỉnh Thiên Tân bắt giữ hàng chục nhà hoạt động vì người lao động và sinh viên khi họ tập hợp để bày tỏ tình đoàn kết và hỗ trợ với các công nhân ở công ty máy hàn Jasic International bị đuổi việc do vận động thành lập công đoàn. Một số người đã được thả, nhưng tính đến thời điểm viết bản phúc trình này, có 14 người vẫn còn bị giam giữ hay quản chế tại gia.

Chính quyền cũng cố gắng dập tắt tiếng nói của những người bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài bằng cách sách nhiễu và bắt bớ những người trong gia đình họ. Tháng Giêng năm 2018, chính quyền tỉnh Quảng Châu bí mật bắt cóc Lý Hoài Bình, vợ Trần Tiểu Bình, một nhà báo ở Hoa kỳ làm việc cho tập đoàn truyền thông tiếng Trung Mirror Media Group. Vụ bắt cóc diễn ra ngay sau khi ông Trần có bài phỏng vấn Quách Văn Quý, nhà tỷ phú Trung Quốc đang trốn tránh chính quyền, người đã tiết lộ về tham nhũng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc liên tục sách nhiễu các thành viên gia đình còn ở Trung Quốc của nhà hoạt động nhân quyền Anastasia Lin, cấm họ xuất cảnh đi nước ngoài và đe dọa sẽ đấu tố họ “như thời Cách mạng Văn hóa.”     

Năm 2018, chính quyền tiếp tục áp đặt với nhiều nhà hoạt động và luật sư các biện pháp như cấm đi lại, theo dõi, bắt giữ, tra tấn và ngược đãi chỉ vì họ có những nỗ lực muốn kết nối với Liên Hiệp Quốc. Hành vi vận dụng các điều khoản về nhân quyền để vận động được nêu trong cáo trạng đối với Tần Vĩnh Mẫn, sau đó ông bị kết án 13 năm tù giam.

Tự do Ngôn luận

Chính quyền Trung Quốc tiếp tục sách nhiễu và bắt giữ các nhà báo đưa tin, và cả những người trả lời phỏng vấn, về các vấn đề nhân quyền. Tháng Năm, công an Bắc Kinh hành hung và câu lưu một nhà quay phim cho hãng truyền hình Hồng Kông Now TV khi đang đưa tin về phiên tòa xử một luật sư nhân quyền. Tháng Bảy, công an tỉnh Hồ Nam bắt giữ blogger độc lập Trần Kiệt Nhân sau khi ông viết các bài báo ám chỉ nạn tham nhũng trong các tỉnh ủy viên; báo chí nhà nước sau đó liên tục tấn công ông Trần, gọi ông là “sâu bọ trên mạng internet” đã “làm ô nhiễm không gian mạng.” Tháng Tám, công an tỉnh Sơn Đông đột nhập vào nhà riêng của giáo sư đã nghỉ hưu Tôn Văn Quảng trong lúc ông đang trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA). Sau đó ông Tôn bị quản chế tại gia. Về sau, công an cũng câu lưu phóng viên của VOA khi nhà báo này tìm cách thực hiện lại cuộc phỏng vấn ông Tôn.      

Chính quyền tăng cường chính sách kiểm duyệt mạng internet để lọc các thông tin nhạy cảm về chính trị và có nội dung “thô tục.” Tháng Giêng năm 2018, mạng xã hội Weibo dừng cung cấp một số chương trình thông dụng nhất sau khi chính quyền yêu cầu lọc bỏ các thông tin “sai định hướng” và “thô tục”. Tháng Tư, cơ quan quản lý buộc chấm dứt hoạt động một phần mềm ứng dụng đùa tếu có tên là Nội hàm Đoạn tử (Neihan Duanzi) đang có lượng người sử dụng hàng tháng lên đến hơn 38 triệu.

Tháng Giêng năm 2018, chính quyền Trung Quốc bắt cóc bí mật ông Quế Dân Hải, một nhà kinh doanh sách, công dân Thụy Điển, khi ông đang đi cùng các nhà ngoại giao Thụy Điển. Ông Quế, một người xuất bản các đầu sách về các hiện tượng chính trị ở Trung Quốc, từng bị ngồi tù hai năm từ năm 2015 đến năm 2017 sau khi bị bắt cóc từ Thái Lan đưa về Trung Quốc.

Tháng Tám, tin tức trên báo chí hé lộ rằng Google, hãng đã dừng cung cấp dịch vụ ở Trung Quốc từ năm 2010 với lý do được công bố là lo ngại về kiểm duyệt, đang xây dựng một phần mềm ứng dụng để kiểm duyệt chức năng tìm kiếm cho riêng thị trường Trung Quốc. Theo tin tức cho biết, phần mềm ứng dụng này sẽ đáp ứng được yêu cầu kiểm duyệt gắt gao của Trung Quốc bằng cách tự động định dạng và lọc bỏ các trang mạng bị Vạn Lý Tường Lửa, hệ thống thanh lọc mạng internet của Trung Quốc, ngăn chặn.

Chính quyền cũng thắt chặt kiểm soát tư tưởng đối với các trường đại học. Một số giáo sư, trong đó có những người là người nước ngoài, bị trừng phạt vì đưa ra các lời bình phê phán chính quyền. Tháng Bảy, trường Đại học Nottingham Ningbo China loại ông Stephen Morgan ra khỏi ban lãnh đạo sau khi ông viết một bài luận đăng trên mạng internet phê phán Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng Tám, trường Đại học Quý Châu sa thải giáo sư kinh tế Dương Thiệu Chính, với lý do rằng ông đã “gieo rắc quan điểm chính trị sai trái.” Trường Đại học Bắc Kinh không gia hạn hợp đồng với giáo sư người Mỹ Christopher Balding, người trước đó đã phát động một phong trào kêu gọi  Nhà Xuất bản Đại học Cambridge chống lại sức ép từ chính phủ Trung Quốc đòi kiểm duyệt các bài nghiên cứu học thuật.

Chính quyền Trung Quốc cũng gây sức ép với các công ty nước ngoài buộc phải tuân thủ các điều kiện và chính sách đang gây tranh cãi. Tháng Giêng, Tập đoàn khách sạn Mariott International phải xin lỗi vì đã liệt kê Đài Loan và Tây Tạng là các quốc gia riêng biệt trên trang mạng và phần mềm ứng dụng của mình, sau khi chính quyền Trung Quốc chặn trang mạng và phần mềm ứng dụng đó trong một tuần. Tháng Ba, Mariott đuổi việc một nhân viên vì đã nhấn nút “Thích” một tin ủng hộ Tây Tạng trên Twitter. Sau khi chính quyền Trung Quốc dọa cấm không cho hàng chục hãng hàng không nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc, các hãng này đều phải thay đổi nội dung trên trang mạng của mình và thể hiện Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.  

Tự do Tôn giáo

Chính quyền hạn chế, buộc người dân chỉ được theo năm tôn giáo được công nhận chính thức và tiến hành các hoạt động tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo đã được đăng ký. Chính quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát về bổ nhiệm chức sắc tôn giáo, ấn phẩm, tài chính và tuyển sinh ở các chủng viện. Chính quyền phân loại nhiều nhóm tôn giáo ngoài vòng kiểm soát của mình là “tà đạo.” và các thành viên của các nhóm đó bị công an sách nhiễu, tra tấn, bắt giữ tùy tiện và bỏ tù.     

Tháng Hai, bản Quy định về Hoạt động Tôn giáo đã sửa đổi bắt đầu có hiệu lực. Được xây dựng nhằm “ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan” và “chống xâm nhập,” bản quy định này cấm giảng đạo nếu không được cấp phép và cấm ra nước ngoài tham gia tập huấn hay hội họp về tôn giáo.

Tháng Ba, một tòa án ở tỉnh Vân Nam kết án mục sư Tin lành John Tào Tam Cường bảy năm tù về tội “tổ chức vượt biên trái phép” từ Trung Quốc sang Myanmar. Mục sư Tào từng tham gia nhiều dự án giáo dục cho các nhóm dân tộc thiểu số ở Myanmar.

Trong năm qua, các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở tỉnh Hồ Nam bị đàn án ráo riết hơn, khi chính quyền phá dỡ hàng chục nhà thờ hoặc cây thập tự trên nóc nhà thờ, cấm các tín đồ nhóm họp tại các nhà thờ tại gia, và tịch thu kinh thánh và các tài liệu tôn giáo khác.

Trong tháng Chín, Vatican và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận lịch sử, chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng về quyền bổ nhiệm các linh mục ở Trung Quốc. Ước tính ở Trung Quốc có khoảng 12 triệu giáo dân Công giáo với một làn ranh chia rẽ giữa một bên là cộng đồng ngầm trung thành tuyệt đối với Giáo hoàng và bên kia là giáo hội nhà nước, với các linh mục do nhà nước bổ nhiệm. Theo thỏa thuận mới này, Bắc Kinh sẽ đề cử danh sách các linh mục tương lai và Giáo hoàng sẽ có quyền phủ quyết việc bổ nhiệm.

Tháng Tám, ở vùng Ninh Hạ với số đông dân Hồi theo Hồi giáo, hàng ngàn người Hồi đã tụ tập phản đối phá dỡ Đại Giáo đường Hồi giáo ở thị trấn Vi Châu. Có tin cho rằng chính quyền Ninh Hạ cũng dỡ bỏ các biểu tượng Hồi giáo và biển chỉ dẫn bằng chữ Arab khỏi các con phố ở vùng này.

Hồng Kông

Sự can thiệp của Bắc Kinh vào các quyền tự do ở Hồng Kông, nhất là quyền tự do ngôn luận, lập hội và tham gia chính trị, tồi tệ đi rất nhiều trong năm 2018. 

Chính quyền Hồng Kông tiếp tục đánh rớt các nhân vật ủng hộ dân chủ khỏi cuộc đua giành ghế vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (HĐLP). Trong tháng Giêng và tháng Mười, Ủy ban Bầu cử Hồng Kông loại bỏ ứng viên Agnes Chow của Đảng Demosisto và ứng viên Lau Siu-lai của Đảng Lao động, với lý do được tuyên bố là quan điểm ủng hộ “quyền tự quyết” cho Hồng Kông của họ là “không phù hợp” với Luật Cơ bản (bộ luật tối cao – tương đương Hiến pháp trên thực tế) của Hồng Kông. 

Chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc sách nhiễu những người lên tiếng ôn hòa ủng hộ độc lập. Tháng Ba, chính quyền lên án học giả ủng hộ dân chủ Benny Tai, đánh đồng những trao đổi trên lý thuyết của ông về nền độc lập cho Hồng Kông thành “một mối đe dọa với an ninh quốc gia.” Tháng Tám, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Câu Lạc bộ Báo chí Ngoại quốc ở Hồng Kông hủy bỏ cuộc nói chuyện của Andy Chan, một nhà hoạt động ủng hộ quyền độc lập. Sau khi Câu lạc bộ từ chối yêu cầu đó, chính quyền Hồng Kông từ chối mà không đưa ra lời giải thích nào đơn xin gia hạn thị thực làm việc của phó chủ tịch câu lạc bộ.

Tháng Tám, Demosisto đưa tin rằng hai thành viên của đảng này bị công an câu lưu và thẩm vấn ở đại lục vào tháng Ba và tháng Tám. Tháng Chín, một nhóm ủng hộ độc lập, Studentlocalism, nói rằng công an ở đại lục đã sách nhiễu người thân của hai thành viên vì các hoạt động chính trị của họ ở Hồng Kông.

Tháng Chín, các quy định mới bắt đầu có hiệu lực, khiến quy định pháp luật của đại lục có giá trị áp dụng vượt trội tại các ga xe lửa đầu mối Tây Kowloon và tất cả các chuyến tàu giữa Hồng Kông và Trung Hoa đại lục – một bước đáng kể của Trung Quốc làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, vào tháng Chín, chính quyền Hồng Kông ra quyết định cấm hoạt động đối với một đảng chính trị - là Đảng Quốc gia Hồng Kông có quan điểm ủng hộ độc lập. Chính quyền tuyên bố rằng đảng này “gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia” khiến chính quyền phải thực hiện “các biện pháp phòng ngừa.”

Tân Cương

Chính quyền Trung Quốc giữ thái độ thù địch với nhiều cách thể hiện bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ, và trong những năm gần đây thường biện minh cho các hành động đàn áp toàn diện của mình là phải đối phó tương ứng với nguy cơ khủng bố.

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu phát động “Phong trào Tấn công mạnh vào Chủ nghĩa Cực đoan Bạo động” ở Tân Cương từ năm 2014. Nhưng mức độ đàn áp gia tăng đột biến sau khi Bí thư Đảng ủy Trần Toàn Quốc được chuyển đến nhậm chức lãnh đạo Tân Cương từ Khu Tự trị Tây Tạng vào cuối năm 2016.  

Kể từ thời điểm đó, chính quyền gia tăng bắt bớ tùy tiện rất nhiều người, đưa vào các trại tạm giam trước xét xử và nhà tù – là hai cơ sở giam giữ chính thức, cũng như các trại “cải tạo chính trị” – vốn không có cơ sở pháp lý nào trong pháp luật Trung Quốc. Các con số ước tính đáng tin cậy cho thấy có chừng 1 triệu người đang bị giữ vô thời hạn tại các trại cải tạo nói trên, nơi những người Hồi giáo gốc Turk bị bắt buộc phải học tiếng Trung Quốc phổ thông, ca ngợi đảng và chính phủ, và từ bỏ rất nhiều khía cạnh của bản sắc riêng. Những người chống lại hoặc bị coi là không “học tập” được thì bị trừng phạt.        

Ngoài những cơ sở giam giữ kể trên, chính quyền buộc những người Hồi giáo gốc Turk ở Tân Cương phải chịu những quy định hạn chế kỳ cục trong đời sống thường nhật. Chính quyền đã thu hồi hộ chiếu trong toàn bộ khu vực, và muốn đi tới một thị trấn khác nơi cư trú phải xin giấy phép và qua các trạm kiểm soát. Người dân ở đây không ngừng phải chịu các giáo điều chính trị, bao gồm phải tham dự lễ chào cờ và các buổi họp chính trị hay kiểm điểm. Với mức độ kiểm soát chưa từng thấy đối với các hoạt động tôn giáo, trên thực tế chính quyền đã gần như đặt việc thực hành đạo Hồi ở vùng này ra ngoài vòng pháp luật.  

Chính quyền cũng buộc người dân ở Tân Cương phải chịu theo dõi gắt gao. Chính quyền trang bị các hệ thống giám sát đám đông kỹ thuật cao, sử dụng mã vạch QR, thông tin sinh học, trí tuệ nhân tạo, phần mềm theo dõi điện thoại và dữ liệu lớn. Và chính quyền cũng huy động tới hơn một triệu nhân viên công quyền giám sát người dân, kể cả qua các chương trình can thiệp gắt gao như đưa nhân viên công quyền đến thường trú tại nhà người dân.   

Phong trào nói trên đã chia ly nhiều gia đình, khiến nhiều người ở Tân Cương đột ngột bị chia cắt với người nhà ở nước ngoài do quy định kiểm soát hộ chiếu và xuất cảnh bị thắt chặt. Chính quyền cấm người Hồi giáo gốc Turk liên hệ với người ở nước ngoài, và ép buộc những người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và  Kazakh đang sống ở nước ngoài trở về Trung Quốc, đồng thời buộc những người khác phải khai báo các thông tin cá nhân về cuộc sống của họ ở nước ngoài. 

Việc trừng phạt vô lối với cả những người trong gia đình thể hiện rõ nhất qua vụ năm nhà báo Ban Duy Ngô Nhĩ của Đài Phát thanh Á châu Tự do. Thông tin trên báo chí hồi tháng Hai cho biết chính quyền đã bắt giữ người nhà họ để trả đũa việc họ đưa tin về khu vực này.  

Tây Tạng

Chính quyền ở các vùng Tây Tạng tiếp tục hạn chế gắt gao các quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, đi lại và nhóm họp, và không giải quyết được các bức xúc về việc khai mỏ và quan chức địa phương trưng thu đất đai, thường với cách thức dọa nạt và dùng vũ lực tùy tiện của các lực lượng an ninh. Chính quyền gia tăng giám sát các trao đổi trên mạng và trên điện thoại của người dân.

Dù các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã tìm hiểu và kết luận rõ ràng rằng các cáo buộc là vô căn cứ, nhưng các tòa án Trung Quốc vẫn kết án cựu tù nhân chính trị Tsegon Gyal ba năm tù giam hồi tháng Giêng và nhà hoạt động ngôn ngữ Tashi Wangchuk năm năm tù hồi tháng Năm.

Hàng trăm người Tây Tạng sử dụng hộ chiếu Trung Quốc để đi Ấn độ vào tháng Giêng năm 2018 để nghe Đại Lai Lạt Ma thuyết pháp buộc phải về nước sớm hơn dự định, khi các quan chức ở Tây Tạng đe dọa sẽ trả thù những người đang ra nước ngoài và người nhà họ ở Tây Tạng.

Có tin cho biết chương trình giáo dục chính trị nặng nề đã được áp dụng trong các chủng viện và trường học, và cho dân chúng nói chung. Chính quyền Tây Tạng đã vận dụng phong trào chống tội phạm toàn quốc để động viên người dân tố cáo người khác trong cộng đồng về những nghi vấn nhỏ nhất của biểu hiện chống chính quyền hay ủng hộ đức Đại Lai Lạt Ma đang lưu vong.

Trong năm 2018 được biết có thêm nhiều vụ quan chức địa phương trưng thu đất đai cho các dự án xây dựng, cả ở Khu Tự trị Tây Tạng và các vùng có người Tây Tạng sinh sống. Ở quận Driru, có hơn 30 người dân làng bị bắt hồi tháng Năm vì bị cho là đã chia sẻ thông tin với báo chí quốc tế về vụ bắt giữ một người đã lãnh đạo dân làng chống đối lại dự án khai mỏ ở một ngọn núi linh thiêng.

Người dân Tây Tạng vẫn tiếp tục tự thiêu để phản đối chính sách Trung Quốc, có thêm bốn vụ xảy ra giữa tháng Mười một năm 2017 và thời điểm viết phúc trình này.

Quyền của Phụ nữ và Trẻ em gái

Năm 2018, phong trài #MeToo có đà lan rộng ở Trung Quốc khi hàng loạt người nổi tiếng, trong đó có các học giả, nhà báo và nhà hoạt động bị tố cáo về hành vi đồi bại tính dục trên mạng xã hội. Sau khi một người dẫn chương trình có tiếng tăm trên đài truyền hình quốc gia và một nhà sư cao cấp trong một ngôi chùa được chính quyền đứng sau bị tố cáo đã quấy nhiễu tình dục, các bài đăng trên mạng xã hội về các vụ này đã bị kiểm duyệt gỡ bỏ. Tháng Sáu, các lãnh đạo trường Đại học Dầu khí Trung Quốc đã giữ Nhâm Lệ Bình, là người sinh viên của trường đã tố cáo bạn trai cũ hiếp dâm mình trong khuôn viên trường, suốt sáu ngày trong một phòng khách sạn sau khi cô phản đối cách thức nhà trường và công an xử lý khiếu tố của mình.       

Dù phụ nữ ở Trung Quốc có thể mạnh dạn lên tiếng về các vụ quấy nhiễu tình dục hơn trước, nhưng việc xử lý thấu đáo bằng pháp luật vẫn rất khó khăn. Luật Trung Quốc cấm sách nhiễu tình dục, nhưng không định nghĩa được hành vi này khiến việc tố tụng hữu hiệu gần như không thể thực hiện được.    

Phụ nữ vẫn tiếp tục bị phân biệt trên thị trường việc làm ở khắp nơi. Trong danh sách tuyển dụng công chức cấp quốc gia năm 2018, 19 phần trăm các vị trí ghi rõ yêu cầu hoặc ưu tiên nam giới, tăng lên so với 13 phần trăm trong năm ngoái. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ, trong đó có Alibaba và Tencent có cam kết bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng.

Vì Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính và lão hóa dân số cao chưa từng thấy, chính quyền các cấp đang đề cao vai trò truyền thống của phụ nữ, khuyến khích họ sớm lập gia đình và có con. Tình trạng “thiếu cô dâu” ở Trung Quốc đã làm phát sinh nạn buôn lậu phụ nữ từ một số nước láng giềng, một tình trạng vi phạm được chính quyền Trung Quốc hầu như làm ngơ. Dù “chính sách một con” đã được nới lỏng thành “chính sách hai con” nhưng quyền sinh nở của nữ giới vẫn tiếp tục bị xâm phạm.

Chính quyền Trung Quốc vẫn giữ thái độ thù địch với những người hoạt động vì quyền của phụ nữ. Tháng Ba, các hãng truyền thông xã hội Weibo và WeChat ngừng vô thời hạn các tài khoản của Tiếng nói Nữ quyền, một kênh xuất bản trên mạng xã hội do những người ủng hộ nữ quyền trực ngôn phát hành

Xu hướng Tình dục và Căn cước Giới tính

Dù Trung Quốc đã không còn hình sự hóa quan hệ luyến ái đồng giới từ năm 1997, vẫn chưa có quy định pháp luật bảo vệ những người đồng giới khỏi bị kỳ thị về xu hướng tình dục và căn cước giới tính của họ, và việc kết hôn đồng giới vẫn chưa được hợp pháp hóa.

Tháng Ba, Liên hoan Phim Quốc tế Bắc Kinh loại bỏ một bộ phim đã đoạt giải, có nội dung về quan hệ đồng giới, “Gọi em bằng tên anh,” sau khi bộ phim không được chính quyền phê duyệt. Tháng Tư, mạng xã hội Weibo ra một tuyên bố rằng các bài đăng liên quan đến văn hóa đồng tính nam sẽ bị gỡ bỏ, là một phần của nỗ lực “dọn dẹp chấn chỉnh”. Động thái này tạo nên một làn sóng phản đối rộng khắp: nhiều người đăng các tin nhắn với thẻ “Tôi đồng tính” và hình biểu tượng cầu vồng (là biểu tượng của giới đồng tính). Sau đó Weibo đã rút lại quy định này.    

Ở Hồng Kông, vào tháng Bảy, tòa án cao nhất của đặc khu phán quyết rằng hành vi chính quyền từ chối cấp thị thực và các phúc lợi liên quan cho người phối ngẫu đồng giới của một thường trú nhân là kỳ thị. Nhưng cũng vào khoảng thời gian đó, chính quyền Hồng Koong quyết định chuyển một tuyển tập 10 đầu sách trẻ em với chủ đề đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới sang khu “sách kín” trong các thư viện công cộng.


Trong tháng Chín, một giáo viên đồng tính đã nộp đơn kiện nhà trường nơi anh từng làm việc vì cho rằng mình bị đuổi việc vì đã đăng trên mạng xã hội thông tin về các sự kiện có chủ đề đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới mà mình có tham dự.

Những người Tỵ nạn và Lánh nạn

Trung Quốc tiếp tục bắt giữ và cưỡng bức trao trả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người Bắc Triều tiên, mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho là đủ tư cách tị nạn vì sự kiện xảy ra sau khi rời đất nước (refugee sur place) cho các cơ quan an ninh Bắc Triều tiên, những nơi lâu nay vẫn tra tấn, lạm dụng tình dục và bỏ tù những người tị nạn. Bắc Kinh từ chối không công nhận những người Bắc Triều tiên bỏ trốn khỏi đất nước là người tị nạn và không cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn (UNHCR) tiếp cận với họ hoặc các khu vực ở biên giới Trung Quốc – Bắc Triều tiên, là sự vi phạm thêm các nghĩa vụ của mình trong tư cách một quốc gia đã ký kết Công ước Về Người Tị nạn năm 1951.


Các Đối tác Quốc tế Chủ chốt

Dù nhiều chính phủ và nghị viện của các quốc gia đã công khai bày tỏ quan ngại về các vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, và tiếp tục cố gắng tới tham dự các phiên xử và gặp gỡ những người bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, rất ít quốc gia có hành động kiên quyết nhằm chấm dứt các vi phạm nói trên hay gây sức ép truy cứu trách nhiệm.

Tháng Ba, Trung Quốc đề xuất một nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền, tập trung vào quan điểm “hợp tác cùng có lợi” mà loại bỏ vai trò của các nhóm xã hội dân sự độc lập, không nhắc gì đến trách nhiệm, và các thành tố quan trọng về vai trò của hội đồng. Nghị quyết này được thông qua với tỷ lệ cách biệt thoải mái vì chỉ có Hoa kỳ bỏ phiếu chống duy nhất. Nhiều lần trong suốt năm 2018, các nghị viên Hoa kỳ và chính phủ kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc. 

Tháng Bảy, Đức đạt được thỏa thuận cho bà Lưu Hà đi tị nạn. Tháng Chín, thủ tướng mới của Malaysia, Anwar Ibrahim, công khai kêu gọi tổ chức các cuộc đối thoại với Trung Quốc về những vi phạm ở Tân Cương. Thụy Điển không đạt được thỏa thuận trả tự do cho nhà xuất bản sách Quế Dân Hải; Australia thông qua bộ luật mới để phòng chống Trung Quốc can thiệp về chính trị ở Australia, nhưng không có những bước đi thiết thực để thách thức căn nguyên là chính sách đè nén chính trị ở Trung Quốc. Nghị viện Liên Âu và Ban Ngoại vụ Liên minh Châu Âu liên tiếp lên tiếng yêu cầu phóng thích các luật sư nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động đang bị giam giữ hay bắt cóc, và bày tỏ quan ngại về tình hình ở Tân Cương, nhưng những nỗ lực của họ phần nào bị giảm hiệu lực vì các nhà lãnh đạo EU không cộng hưởng được các mối quan ngại và lời kêu gọi đó tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng Bảy.   

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tới thăm Trung Quốc vào tháng Tư và tháng Chín mà không công khai bày tỏ quan ngại về các vấn đề này. Tuy nhiên, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền mới nhậm chức, bà Michelle Bachelet, Ủy ban Loại trừ Phân biệt Chủng tộc và phó tổng thư ký về nhân quyền đều thể hiện quan ngại cụ thể về Tân Cương và tình trạng vi phạm quyền của những người bảo vệ nhân quyền.  

Trung Quốc tiếp tục sử dụng ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để ngăn các quyết định quan trọng về các vấn đề nhân quyền. Tháng Ba năm 2018, Trung Quốc và Nga đã vận động thành công các thành viên khác trong hội đồng để ngăn không cho Cao ủy về Nhân quyền lúc đó là ông Zeid Ra’ad al-Hussein thuyết trình trước Hội đồng Bảo an về Syria. Tháng Mười năm 2018, Trung Quốc cho lưu hành một lá thư bày tỏ quan điểm phản đối việc “quốc tế hóa” các nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng sắc tộc Rohingya ở Myanmar và việc phản đối này của Trung Quốc đã cản trở Hội đồng Bảo an không thực hiện được các hành động mạnh mẽ hơn đối với vụ khủng hoảng nói trên.

Chính sách Đối ngoại

Trong suốt năm qua, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi sáng kiến “Một Con đường, Một Vành đai” mà không bảo vệ hay tôn trọng nhân quyền ở nhiều quốc gia liên quan. Chính phủ một số quốc gia, như Myanmar và Malaysia, đã rút lui khỏi các thỏa thuận đầu tư song phương, với lý do được nêu là các khoản nợ rủi ro cao và quan ngại về chủ quyền lãnh thổ.

Trung Quốc cũng gây sức ép với chính quyền các quốc gia khác như Ai Cập, Kazakhstan, và Malaysia để buộc cưỡng bách hồi hương những người Trung Quốc đang tị nạn.

Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc, như Huawei, iFlytek, và ZTE, tất cả đều được hưởng lợi từ quan hệ chặt chẽ với chính quyền và góp phần vào nỗ lực giám sát dân chúng của công an, đang cố phát triển ra nước ngoài trong năm 2018. Một số đã bị Australia, Canada và Hoa kỳ từ chối vì lo ngại về an ninh.