Skip to main content

Việt Nam

Events of 2016

© 2016 Nguyen Tien Thinh/Reuters

Năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) tiếp tục kiểm soát mọi vấn đề công và trừng phạt những người dám thách thức vị trí độc tôn quyền lực của mình. Nhà cầm quyền hạn chế các quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, chính kiến, lập hội và nhóm họp. Mọi nhóm tôn giáo buộc phải đăng ký với chính quyền và tất cả các hoạt động của họ đều bị theo dõi, giám sát. Các nhà hoạt động và blogger hàng ngày phải đối mặt với sự sách nhiễu và đe dọa của công an, có nguy cơ trở thành nạn nhân bị quản chế tùy tiện, bị hạn chế đi lại và bị hành hung. Nhiều người bị giam giữ trong thời gian kéo dài mà không được tiếp cận với nguồn trợ giúp pháp lý hay gia đình thăm gặp. Tổng số các blogger và nhà hoạt động được biết bị xét xử và kết án tù đã tăng gần gấp ba lần so với năm trước, từ 7 lên tới 19 người. 

Trong tháng Giêng, ĐCSVN tổ chức Đại hội lần thứ 12, qua đó chọn ra bộ chính trị mới. Trong số 19 thành viên của bộ chính trị mới, có tới bốn người, trong đó có tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang, là từ Bộ Công an. Tháng Năm, Việt Nam tổ chức một cuộc bầu cử quốc hội được dàn dựng và kiểm soát chặt chẽ, mọi ứng viên đều phải được sự phê chuẩn của ĐCSVN. Hàng chục ứng viên độc lập tự ứng cử đã bị đe dọa và loại bỏ.

Tự do ngôn luận và Tự do chính kiến

Chính quyền Việt Nam thường vận dụng những điều luật hình sự có nội dung mơ hồ để đàn áp bất đồng chính kiến, như “phá hoại khối đoàn kết dân tộc,” “tuyên truyền chống nhà nước,” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước.”

Trong chín tháng đầu năm 2016, có ít nhất 19 blogger và nhà hoạt động bị xét xử và kết án. Những người khác tiếp tục bị giam giữ không qua xét xử, trong đó có các nhà vận động nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Tháng Ba, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Ba Sàm) và cộng sự của ông là Nguyễn Thị Minh Thúy với các mức án lần lượt là năm và ba năm tù theo điều 258 vì họ đã điều hành một trang mạng độc lập về chính trị. 

Cũng trong tháng Ba, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử blogger nổi tiếng Nguyễn Đình Ngọc (bút danh Nguyễn Ngọc Già) bốn năm tù vì đã đăng bài trên mạng internet. Cũng chính tòa án này đã kết án các nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Ngô Thị Minh Ước bốn năm, và Nguyễn Thị Bé Hai cùng Nguyễn Thị Trí mỗi người ba năm tù vì đã tổ chức biểu tình ôn hòa trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng Mười, mức án của Nguyễn Đình Ngọc được giảm xuống ba năm trong phiên phúc thẩm.

Tháng Tám, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa xử hai anh em họ Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An lần lượt là ba và hai năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 của bộ luật hình sự. Theo báo chí nhà nước, Nguyễn Hữu Thiên An đã sơn các khẩu hiệu phản động lên tường bên ngoài đồn công an, còn Nguyễn Hữu Quốc Duy kêu gọi từ bỏ sự lãnh đạo của ĐCSVN. Hai người cũng bị kết tội đã truy cập các trang mạng “phản động.”

Tháng Chín, Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội đã xử nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai Cấn Thị Thêu 20 tháng tù vì đã tham gia một cuộc biểu tình đông người và tẩy chay bầu cử quốc hội.

Nhà nước sử dụng bạo lực đối phó với các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến và nghi can hình sự

Thường xuyên có các vụ hành hung nhằm vào các blogger và các nhà vận động nhân quyền với bàn tay của những người không rõ danh tính nhưng có biểu hiện đang hành động dưới sự đồng tình và bảo đảm miễn tố của chính quyền. Trong bảy tháng đầu năm 2016, có ít nhất 34 người – trong đó có cả trẻ em – cho biết đã bị những kẻ không quen biết tấn công và đánh đập.

Tháng Hai, những người lạ mặt ném đá và tư gia của cựu tù nhân chính trị Trần Minh Nhật, khiến ông bị vỡ đầu. Tháng Tư, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Đình Cương bị đưa về một đồn công an ở tỉnh Nghệ An, rồi bị những người mặc thường phục đánh đấm. Tháng Năm, công an câu lưu nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thành Phát mới 17 tuổi vì nghi anh tham gia biểu tình đòi bảo vệ môi trường. Sau đó, hai người đàn ông mặc thường phục, đeo khẩu trang đã tấn công anh trên quãng đường từ đồn công an về nhà. Tháng Sáu, một người đàn ông không rõ danh tính đấm nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Thạnh tại một quán cà phê ở Đà Nẵng đến thâm tím mặt mày. Tháng Bảy, nhiều người đàn ông mặc thường phục tấn công nhà hoạt động nhân quyền Lã Việt Dũng, dùng gạch đập anh vỡ đầu. Không có ai bị truy cứu trách nhiệm trong tất cả các vụ việc nói trên.

Nạn công an bạo hành vẫn tiếp diễn, dường như là nguyên nhân dẫn đến tình trạng những người đang bị giam giữ bị thương, thậm chí bị giết. Đơn cử như, vào tháng Ba năm 2016, cái chết của Y Sik Niê ở tỉnh Đắk Lắk sau khi bị bắt với cáo buộc về hành vi ăn cắp  được cho là có nguyên nhân do bị tra tấn. Tháng Bảy, Bùi Minh Trang, Bùi Minh Trường và Trần Văn Cường cho biết họ bị giam năm ngày mà không có lệnh bắt giữ, và bị đánh đập trong khi bị giam ở công an tỉnh Quảng Trị chỉ vì liên quan đến một vụ cãi cọ. Ba người cho biết họ bị ép buộc phải viết lời khai rằng họ tự nguyện ở lại đồn công an năm ngày.

Tự do nhóm họp, lập hội và đi lại

Mọi đảng phái chính trị, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập đều bị cấm ở Việt Nam. Chính quyền quy định rằng các cuộc tụ tập đông người phải được phép chính thức, và từ chối cấp giấy phép cho các cuộc tụ họp, diễu hành hay biểu tình bị coi là có tính chính trị hoặc không vừa ý chính quyền.

Tháng Năm, công an sử dụng bạo lực quá mức để giải tán các cuộc tuần hành vì môi trường ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người biểu tình cho biết họ bị đánh đập và câu lưu nhiều giờ. Một số người biểu tình, trong đó có Võ Chí Đại Dương, Đàng Ngọc Thủy, Cao Trần Quân, Lê Xuân Diệu và Nguyễn Tấn, bị đưa vào các trung tâm quản chế hành chính và bị giữ ở đó mấy ngày mà không được tiếp cận nguồn trợ giúp pháp lý hay trải qua một trình tự pháp lý thích hợp.

Hạn chế quyền tự do đi lại là một biện pháp cản trở các nhà hoạt động và blogger tham dự những sự kiện công cộng, như biểu tình, đàm luận về nhân quyền, hay các phiên tòa xử các nhà hoạt động khác. Tháng Năm, công an câu lưu nhà vận động nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Quang A và blogger nhiều ảnh hưởng Phạm Đoan Trang nhằm ngăn cản họ không tham dự được cuộc gặp riêng với Tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama trong chuyến thăm Việt Nam. Nguyễn Quang A cho biết rằng từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tám năm 2016, công an câu lưu ông sáu lần để cản trở không cho ông gặp các nhà ngoại giao và phái đoàn nước ngoài, trong đó có Đức, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Úc.

Quyền tự do tôn giáo

Chính quyền giám sát, sách nhiễu và đôi khi đàn áp mạnh tay đối với các nhóm tôn giáo hoạt động bên ngoài hệ thống tôn giáo chính thức do nhà nước cấp phép và kiểm soát. Nhà cầm quyền theo dõi gắt gao các chi phái không được công nhận của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, các nhà thờ tại gia Tin Lành và Công Giáo độc lập ở Tây Nguyên và các nơi khác, các chùa Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trong tám tháng đầu năm 2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã kết án ít nhất là chín người Thượng, trong đó có Gyưn, Thin, Đinh Kữ, A Tik, A Jen, Siu Đoang, Ksor Púp, Siu Đik và Ksor Phit vì đã tham gia các nhóm tôn giáo độc lập không được chính quyền cấp phép. Họ bị kết tội “phá hoại khối đoàn kết dân tộc” theo điều 87 và bị xử từ năm đến mười một năm tù.

Một hình thức sách nhiễu phổ biến khác nữa được nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng nhằm vào các nhóm tôn giáo độc lập là ép buộc người dân phải từ bỏ tín ngưỡng. Tháng Tư, báo chí nhà nước đưa tin hơn 500 tín đồ Tin lành Đề Ga – một tôn giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã “tự nguyện” bỏ đạo ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Việc này đã vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, một quyền vốn không bị hạn chế theo công pháp quốc tế về nhân quyền.

Hệ thống tư pháp hình sự

Các tòa án Việt Nam tiếp tục chịu sự kiểm soát chính trị chặt chẽ của chính phủ và ĐCSVN. Các phiên tòa xử blogger và các nhà hoạt động về nhân quyền năm 2016 liên tiếp vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về công bằng. Công an thường xuyên đe dọa và trong nhiều trường hợp còn câu lưu cả người nhà và bạn bè muốn đến dự các phiên tòa.

Tháng Ba, công an Hà Nội câu lưu nhiều nhà hoạt động, trong đó có Nguyễn Đình Hà và Nguyễn Quang A, vì họ đang cố đến tham dự phiên xử blogger Nguyễn Hữu Vinh. Tháng Tám, có tin công an tỉnh Khánh Hòa túm tóc kéo bà Nguyễn Thị Nay và câu lưu nhiều giờ khi bà cố đến phòng xử án trong lúc đang xử con trai bà, Nguyễn Hữu Quốc Duy.

Các trung tâm cai nghiện ma túy

Hàng ngàn người sử dụng ma túy, trong đó có cả trẻ vị thành niên, vẫn tiếp tục bị quản chế không qua quy trình pháp lý thích hợp tại các trung tâm cai nghiện, nơi họ bị cưỡng bức làm việc dưới danh nghĩa “lao động trị liệu,” một việc làm vi phạm quy định cấm cưỡng bức lao động theo pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế. Theo báo chí nhà nước, chỉ trong ba tháng đầu năm 2016, hơn 1000 người bị đưa tới các trung tâm cai nghiện bắt buộc ở Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực phụ cận. Nếu vi phạm nội quy của trung tâm hay không hoàn thành định mức công việc sẽ bị phạt bằng hình thức đánh đập hoặc nhốt vào các phòng kỷ luật, nơi những người bị nhốt bị cắt khẩu phần ăn uống.

Thiên hướng tình dục và định danh giới tính

Tháng Mười một năm 2015, Quốc hội Việt Nam thông qua một văn bản luật có hiệu lực hợp pháp hóa phẫu thuật điều chỉnh giới tính và bước đầu công nhận quyền xác định giới tính về phương diện pháp lý của những người chuyển giới đã qua các cuộc phẫu thuật nói trên. Luật này cho phép những người muốn thực hiện phẫu thuật định dạng giới tính được tiến hành ở trong nước chứ không phải ra nước ngoài, và được phép thay đổi thông tin về giới tính trên các hồ sơ hành chính – là một bước đi nhỏ nhưng quan trọng hướng tới việc công nhận các quyền của người chuyển giới. Một nghiên cứu của UNESCO đã nêu lên tình trạng học sinh là người đồng tính nam, nữ, song tính và chuyển giới bị bắt nạt trong các trường học ở Việt Nam, thường dưới hình thức mạ lỵ bằng ngôn từ của thầy cô và bạn học.

Các đối tác quốc tế chủ chốt

Bức tranh ngoại giao của Việt Nam có các mối quan hệ đan xen rất phức tạp. Dù Hà Nội duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, nhưng đồng thời cũng phải đối đầu với các tranh chấp với Bắc Kinh về lãnh hải. Trong những năm gần đây, Việt Nam đang vun đắp mối quan hệ kinh tế và quân sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là một thành viên tích cực của Khối ASEAN, và giữ vững quan hệ với Nhật Bản, EU, Ấn Độ và Úc.

Trong năm 2016, cũng như các năm trước, Hoa Kỳ vẫn kiên định nêu các quan ngại về nhân quyền trong các cuộc gặp song phương và không ngừng kêu gọi Việt Nam phóng thích tù nhân chính trị, nhưng chưa từng kết nối trực tiếp yêu cầu cải thiện nhân quyền với việc tăng cường quan hệ ngoại giao. Ngay trong lúc chính quyền Việt Nam đang tiếp tục sách nhiễu và bắt giữ những người bất đồng chính kiến và không thực hiện được cải cách đáng kể nào, thì chính quyền Obama vẫn không ngừng vận động Nghị viện Hoa Kỳ và Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp ước Thương mại Xuyên Thái Bình Dương, và tưởng thưởng chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama hồi tháng Năm năm 2016 bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam đang có hiệu lực trong suốt mấy thập kỷ qua.

Liên minh Châu Âu và Úc, vốn chủ yếu tập trung vào quan hệ thương mại, có rất ít nỗ lực để ủng hộ các nhà hoạt động bị giam giữ hoặc vận động cho các quyền con người cơ bản được tôn trọng hơn ở Việt Nam. Vào tháng Sáu, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Nhật Bản và Ấn Độ tiếp tục giữ im lặng trước hồ sơ yếu kém về nhân quyền của Việt Nam.