Skip to main content

Nhật Bản phải ủng hộ các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam

Là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, Nhật có vị thế đặc biệt để nêu lên các vấn đề nhân quyền

Published in: Al Jazeera

Đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, đáng ra đó cũng là một ngày như mọi ngày ở Hà Nội. Buổi sáng, anh đưa con trai đến trường và đang trên đường về nhà thì một nhóm người đeo khẩu trang bao vây xe anh. Nguyễn, tên thường gọi là Anh Chí, bị đánh ngất và bỏ mặc tại hiện trường. Vụ tấn công vào năm 2015 khiến mặt anh sưng vù, chiếc áo màu xám sậm nhuốm đầy máu còn sậm hơn.

Câu chuyện của anh không hề hiếm lạ gì. Các vụ hành hung và sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, như một cách đối phó của chính quyền với sự bất bình của công chúng đang gia tăng. Khi một cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối dự luật cho thuê đất dài hạn tại các đặc khu kinh tế nổ ra ở Việt Nam hồi năm ngoái, công an đã bắt giữ hàng chục người biểu tình, đánh đập và thẩm vấn nhiều người trong số đó. Một số người bị xử án tù, có khi lên tới năm năm.

Ngay cả những người nổi tiếng cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân. Đỗ Nguyễn Mai Khôi, một ca sĩ có được danh tiếng cấp quốc gia vào năm 2010 khi cô đoạt giải Bài hát Việt do Đài truyền hình Việt Nam, thuộc sở hữu nhà nước, trao tặng, đã bị hủy các buổi diễn từ tháng Năm năm 2016, hai lần bị đuổi khỏi nhà thuê và từng bị câu lưu để trả đũa lại các bài hát có ca từ phê phán chính phủ và Đảng Cộng sản cầm quyền.

Đối với những người vẫn nhìn Việt Nam như một điểm đến yên bình của Đông Nam Á, tràn ngập đồ ăn ngon vừa túi tiền và các phiên chợ tấp nập, việc này có thể gây ngạc nhiên. Nhưng điều một du khách bình thường khó nhận ra là một thực tế nhức nhối hơn nhiều: đó là một cái bọc kín nơi gần 100 triệu người dân Việt Nam thường xuyên bị tước đoạt các quyền cơ bản về tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo. Nguyên nhân cơ bản là trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản đã duy trì một nhà nước độc đảng không có đối trọng.

Công cụ mới nhất để kiểm soát bất đồng chính kiến là Luật An ninh Mạng mới ban hành. Bộ luật hà khắc này yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu trong nước, “xác thực” thông tin người sử dụng và cung cấp dữ liệu người sử dụng cho nhà cầm quyền mà không cần lệnh của tòa án. Các quy định đó cho phép chính quyền tiếp cận không hạn chế dữ liệu về người sử dụng, khiến Bộ Công an dễ dàng hơn nhiều trong việc xác định những người lên tiếng phê phán và khiến người dân khó khăn hơn trong việc thể hiện chính kiến mà không bị rủi ro hay sợ hãi. Chỉ vài ngày sau khi bộ luật đó có hiệu lực, báo chí nhà nước của Việt Nam đưa tin rằng Facebook đã vi phạm luật khi cho phép người sử dụng đăng các lời bình “chống chính quyền.”

Bộ luật đó là một bước nữa trong quá trình gia tăng dường như không có điểm dừng của chính sách đàn áp của chính quyền đối với các nhà hoạt động. Có ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger bị bắt trong năm 2017 và 2018 vì đã đăng tải các bài viết phê phán chính phủ hay vận động cho nhân quyền và dân chủ. Các tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát đã kết án ít nhất 15 blogger và nhà vận động trong năm 2017. Con số này đã tăng gần gấp ba trong năm 2018, lên tới 42 người, với nhiều bản án vượt quá 10 năm tù. Một vụ đặc biệt tai tiếng là vào tháng Tám, nhà hoạt động vì môi trường Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù. Có ít nhất 130 tù nhân chính trị đang bị giam giữ tính đến đầu năm 2019.

Bất chấp chính sách đàn áp có tính hệ thống của Việt Nam, chính phủ Nhật vẫn nhắm mắt làm ngơ. Một số nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam cho chúng tôi biết họ đã sửng sốt và thất vọng trước việc chính phủ Nhật Bản dường như chỉ quan tâm đến quan hệ với chính quyền, chứ không phải với người dân Việt Nam.

Tháng Giêng năm 2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật là Toshiko Abe sang thăm và gặp quan chức cao cấp Việt Nam. Abe ca ngợi việc “quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã trở nên sâu rộng hơn kể từ dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm ngoái.” Thế nhưng, trong chuyến đi thăm nhà nước độc đảng này, bà đã không đề cập đến nhân quyền và không hề kêu gọi trả tự do cho tù nhân chính trị.

Đây là một phần của một khuôn mẫu đáng buồn. Khi Thủ tướng Shinzo Abe tiếp cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng Năm năm 2018, ông không đề cập đến nhân quyền. Năm tháng sau đó, khi ông Abe gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tình trạng vẫn như cũ – thêm nội dung trao đổi về đối tác kinh tế nhưng không hề nhắc đến chính sách đàn áp tồi tệ nhằm vào người dân Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản sợ rằng nếu phê phán Việt Nam về các vấn đề nhân quyền sẽ đẩy Việt Nam xích gần lại với Trung Quốc hơn. Nhưng dù Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng thân cận và đều do đảng cộng sản cầm quyền, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng bị ám ảnh bởi một lịch sử chiến tranh và đối kháng lâu dài, dẫn đến việc người dân nghi ngờ và chống lại ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc. Tokyo nên hiểu rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tạo cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc bằng các mối quan hệ mạnh tương đương với các quốc gia tài trợ cho mình. Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam và là một thị trường lớn cho đồ xuất khẩu của Việt Nam, tạo nên một vị thế đặc biệt để gây sức ép với chính quyền Việt Nam phải tiến hành cải cách và tôn trọng nhân quyền.

Không đặt được nhân quyền ở tầm tương đương với thương mại và trợ giúp tài chính là sai lầm kéo dài của chính sách “ngoại giao không áp đặt giá trị” của Nhật Bản – cũng là một nguyên nhân khiến Nhật gạt nhân quyền sang một bên trong quan hệ với các quốc gia khác như Campuchia và Myanmar.

Với tư cách là một trong những quốc gia dân chủ tự do nhất trên thế giới, Nhật Bản phải nêu các vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận với chính phủ Việt Nam. Như thế không những sẽ gửi đi được một thông điệp động viên các nhà hoạt động nhân quyền can đảm của Việt Nam mà tiếng nói của Nhật Bản còn có khả năng tạo thêm không gian cho người dân Việt Nam được hưởng một số quyền tự do dân sự mà nhiều người dân Nhật Bản dường như coi là điều nghiễm nhiên.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country