Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ bản án nặng nề đối với nhà hoạt động

Nhà vận động dân chủ đối diện mức án 20 năm tù

(Bangkok) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án hà khắc đã áp đặt cho cựu chiến binh, nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lượng và trả tự do cho ông. Tòa phúc thẩm dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày 18 tháng Mười năm 2018 tại tỉnh Nghệ An.

“Mức án 20 năm tù đối với Lê Đình Lượng là một trong những cú đàn áp thẳng tay nhất của chính quyền Việt Nam nhằm vào các nhà hoạt động ôn hòa,” ông Phil Robertson Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Đây là một cơ hội cho tòa án sửa chữa sai lầm đó, phân định rõ ràng giữa phê phán chính quyền với nguy cơ thực sự đối với an ninh quốc gia, và bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho mọi người dân.”

Ông Lê Đình Lượng, 53 tuổi, bị chính quyền bắt từ hồi tháng Bảy năm 2017 và bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An ban đầu dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày 30 tháng Bảy năm 2018 nhưng lại hoãn xử vào phút cuối. Dù phiên tòa đáng lý phải được mở công khai cho công chúng tham dự, nhưng chỉ có vợ và em trai ông Lê Đình Lượng được phép có mặt tại phòng xử án. Các nhà ngoại giao nước ngoài muốn tới dự phiên tòa đều bị ngăn cản.

Vào ngày 16 tháng Tám, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử ông có tội và áp một mức án cực kỳ nặng, tới 20 năm tù giam cộng thêm năm năm quản chế với điều kiện ngặt nghèo về đi lại. Đây là một động thái bất thường vì tòa án đã tuyên một bản án nặng hơn mức 17 năm theo đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động bị chính quyền Việt Nam coi là không chấp nhận được về chính trị, trong đó có các cuộc biểu tình về tôn giáo và bảo vệ môi trường. Ông đã tham gia nhiều cuộc tuần hành bảo vệ môi trường, trong đó có các cuộc biểu tình phản đối Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty thép Đài Loan đã thải chất thải độc xuống biển làm ô nhiễm bờ biển miền Trung Việt Nam gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và thảm họa môi trường.

Các tờ báo của công an và quân đội liên tiếp lên án Lê Đình Lượng là “kẻ phản động nguy hiểm” liên quan tới Việt Tân – một chính đảng có trụ sở tại Hoa Kỳ. Vụ án của ông làm dấy lên nhiều quan ngại về xét xử công bằng.

Tháng Tám năm 2017, công an từ chối yêu cầu để luật sư Hà Huy Sơn làm người bào chữa cho Lê Đình Lượng. Công an tuyên bố lý do rằng một can phạm bị nghi ngờ đã có hành vi vi phạm an ninh quốc gia đặc biệt nghiêm trọng thì không được có luật sư bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra theo điều 58 (hiện nay là điều 74) của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Mãi tới đầu tháng Bảy năm 2018 thì Lê Đình Lượng mới được phép có luật sư bào chữa. Ngày 17 tháng Bảy, con dâu ông là Nguyễn Thị Xoan nói với phóng viên trang Defend the Defenders rằng từ khi ông bị bắt giữ cho tới thời điểm đó, gia đình chưa nhận được thông tin gì về ông.

Quyền tự do ngôn luận và quyền được có người đại diện bào chữa đã được đảm bảo trong Hiến pháp Việt Nam, trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tòa phúc thẩm cần phóng thích ngay lập tức ông Lê Đình Lượng và các nhà hoạt động khác đã bị giam giữ sai trái và cho phép họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam đảm bảo cho ông Lê Đình Lượng và những người bảo vệ nhân quyền khác được có cơ hội xét xử công bằng như đã được bảo đảm trong luật pháp Việt Nam và công pháp quốc tế.

“Mức án 20 năm tù cho hành vi biểu tình ôn hòa thật đáng gây phẫn nộ,” ông Robertson nói. “Biểu tình ủng hộ hay phản đối quan điểm vừa ý chính quyền không thể là yếu tố định tội. Việc chính quyền Việt Nam hành xử như thế nào trong vụ này sẽ thể hiện thái độ thật sự của họ đối với pháp quyền.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country
Topic