Skip to main content

Việt Nam: Hãy hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động vì môi trường

Nhà vận động nhân quyền Lê Đình Lượng đối diện mức án nặng nề

Lê Đình Lượng, tháng Mười hai năm 2015. © 2015 Private

(New York) - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần hủy bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với một cựu chiến binh, nhà hoạt động bảo vệ môi trường, và phóng thích ông ngay lập tức. Ông Lê Đình Lượng bị bắt từ tháng Bảy năm 2017 và bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ xử vụ án của ông vào ngày 30 tháng Bảy năm 2018.

“Chính quyền Việt Nam thường vận dụng các cáo buộc được tạo dựng với động cơ chính trị để trừng phạt các nhà hoạt động vì họ liên kết với các nhóm hoặc đảng phái phi cộng sản phê phán chính quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Lê Đình Lượng có nguy cơ phải ngồi tù chỉ vì phản đối việc thải chất thải độc hại và các thảm họa môi trường khác, là những việc thuộc trách nhiệm của chính quyền phải xử lý.”  

Vụ án làm dấy lên nhiều quan ngại về xét xử công bằng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Mãi tới đầu tháng Bảy năm 2018 thì Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An mới cấp giấy phép bào chữa cho luật sư của Lê Đình Lượng. Ngày 17 tháng Bảy, con dâu ông là Nguyễn Thị Xoan nói với phóng viên trang Người Bảo vệ Nhân quyền rằng gia đình không được gặp và chưa nhận được thông tin gì về ông từ khi ông bị bắt giữ. Nếu bị kết luận có tội, ông Lê Đình Lượng phải đối diện với bản án lên tới mức tù chung thân, thậm chí có khả năng là án tử hình.

Ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, là một nhà hoạt động người Công giáo từng tham gia nhiều hoạt động bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là không chấp nhận được về chính trị. Ông ký đơn kiến nghị phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ông tham gia các cuộc biểu tình đông người phản đối Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh, công ty Đài Loan đã thải chất thải độc xuống biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt và thảm họa môi trường dọc bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng Tư năm 2016.

Ông công khai tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử cấp quốc gia vào tháng Năm năm 2016. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với các tù nhân chính trị như Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Viết DũngHồ Đức Hòa. Để thể hiện tình đoàn kết, Lê Đình Lượng thường tới thăm các cựu tù nhân chính trị sau khi họ được ra tù, cũng như tới thăm gia đình những người đang bị cầm tù vì vận động dân chủ và nhân quyền.

Lê Đình Lượng vận động để hủy bỏ các điều luật được sử dụng để dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến như điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định hình phạt tới bảy năm tù cho các hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Theo lời cháu họ ông, Lê Quốc Quân, ông còn vận động bảo vệ quyền lợi của những người nông dân trước các khoản lạm thu phí học đường và phí sản lượng nông nghiệp do chính quyền địa phương áp đặt.

Tháng Tám năm 2015, Lê Đình Lượng và một số nhà hoạt động khác tới thăm nhà hoạt động chính trị, Trần Minh Nhật, ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Công an thả Trần Minh Nhật sau khi anh hoàn tất bản án bốn năm tù vì bị cho là tham gia đảng chính trị hải ngoại Việt Tân. Khi những người tới thăm rời khỏi khu vực nhà anh, họ bị những người đàn ông mặc thường phục tấn công dã man.

Lê Đình Lượng kể lại về vụ tấn công:

“Họ giật lấy máy tính bảng của tôi và đập nát vào thành xe. Họ khống chế và đánh túi bụi vào mặt, dùng tay đấm vào mạng sườn, dùng chân đạp vào đầu. Họ đánh chừng 5 phút trên xe và sau đó họ kéo tôi xuống khỏi xe và đánh chừng 10 phút. Hiện tại, mặt tôi bị nhiều vết thương, sưng vù và toàn thân ê ẩm.”

Ngày 24 tháng Bảy năm 2017, Lê Đình Lượng cùng một người bạn hoạt động, Thái Văn Hòa, tới thăm gia đình cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Oai, người bị bắt lần thứ hai vào tháng Giêng năm 2017. Thái Văn Hòa kể rằng khi họ đi về, một nhóm người mặc thường phục đánh đập và lôi hai người lên hai chiếc xe khác nhau. Trong ngày hôm đó, công an công bố rằng họ bắt Lê Đình Lượng và cáo buộc ông tội “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 bộ luật hình sự.

Cùng thời gian này, các báo công an và quân đội lên án Lê Đình Lượng là “kẻ phản động nguy hiểm” và là đảng viên đảng Việt Tân bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Tháng Tám năm 2017, ba tuần sau khi Lê Đình Lượng bị bắt, công an từ chối yêu cầu của luật sư Hà Huy Sơn muốn làm người bào chữa cho Lê Đình Lượng, lấy lý do rằng một can phạm bị nghi ngờ đã có hành vi vi phạm an ninh quốc gia đặc biệt nghiêm trọng thì không được có luật sư bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra theo điều 58 (hiện nay là điều 74) của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Ở Việt Nam, việc nhiều người bị công an giam giữ vì lý do chính trị tới nhiều tháng mà không được tiếp cận nguồn hỗ trợ pháp lý hay gia đình thăm gặp là sự vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Tính đến tháng Bảy, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận được có ít nhất 18 người đang bị tạm giam vì bị tình nghi vi phạm an ninh quốc gia, đang trong quá trình điều tra, trong đó có Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ.

“Chính quyền Việt Nam thường không cho các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền đang bị tạm giam được tiếp xúc với luật sư hay gia đình trong nhiều tháng, và rồi chỉ cho luật sư biện hộ một thời gian rất ngắn để chuẩn bị hồ sơ bào chữa,” ông Robertson nói. “Hệ thống tư pháp Việt Nam cần thay đổi sâu sắc, nhưng vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm cho các cải cách cần thiết.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country