Skip to main content

Việt Nam: Hãy sửa chữa hồ sơ yếu kém về nhân quyền

Những khuyến nghị đợt trước của các thành viên Liên Hiệp Quốc bị làm ngơ

  © 2018 Reuters/Kham
(Geneva) - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nêu trong bản khuyến nghị gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng chính quyền Việt Nam cần phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị và thực hiện cam kết tôn trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản.

Việt Nam sẽ đáo hạn phiên Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu (UPR) của Liên Hiệp Quốc vào tháng Giêng năm 2019. Trong đợt UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận 182 trong tổng số 227 nội dung khuyến nghị của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, từ đó đến nay, chính quyền Việt Nam không làm được mấy để thực hiện cam kết – và trong một số trường hợp còn làm tình hình xấu thêm.

“Việt Nam dường như đang thi đua để giành danh hiệu một trong những chính quyền hà khắc nhất châu Á,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền do Đảng Cộng sản điều khiển đàn áp một cách có hệ thống bất kỳ thách thức nào với hoạt động của bộ máy chính quyền, và trừng phạt bất kỳ cá nhân hay nhóm nào bị coi là mối nguy với địa vị độc tôn quyền lực của mình.”

Nhà cầm quyền Việt Nam thường vận dụng các điều khoản có thể được diễn giải tùy tiện trong bộ luật hình sự và các bộ luật khác để xử tù những nhà hoạt động ôn hòa về chính trị và tôn giáo.

Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2018, chính quyền đã kết án và bỏ tù ít nhất là 27 blogger và nhà hoạt động nhân quyền theo các điều luật hà khắc. Blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (bút danh Mẹ Nấm), bị kết án 10 năm tù vào tháng Sáu năm 2017 vì đã vận động cho nhân quyền, đang tuyệt thực ở Trại giam Số 5 tại tỉnh Thanh Hóa nhằm phản đối các cán bộ quản lý trại giam đối xử tàn tệ với cô.

Trong đợt UPR năm 2014, Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị về sửa đổi những điều luật về an ninh quốc gia trong bộ luật hình sự và đảm bảo các nội dung đó sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tháng Sáu năm 2017, Quốc hội Việt Nam lại thông qua một bộ luật hình sự sửa đổi có nội dung nới rộng hơn nữa trách nhiệm hình sự của các blogger và các nhà hoạt động nhân quyền, cũng như những người giúp đỡ cho họ. Trong đó có các điều khoản mới hình sự hóa các hành vi chuẩn bị phạm tội mà không xác định cụ thể. Ví dụ như, một điều khoản mới quy định rằng “người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt tù từ một đến năm năm.”

“Thay vì hủy bỏ hay cải tổ nhiều quy định pháp luật vi phạm nhân quyền cho phù hợp với các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã làm điều ngược lại qua việc sửa đổi những điều luật này sao cho có thể áp dụng rộng hơn,” ông Robertson nói. “Các nhà lãnh đạo chính quyền Hà Nội đang làm lơ quy trình đánh giá của Liên Hiệp Quốc, và đã đến lúc các quốc gia thành viên cần nghiêm khắc phê bình họ.”

Năm 2014, Việt Nam cũng chấp thuận các khuyến nghị về bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do Internet. Tháng Sáu năm nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một bộ luật an ninh mạng rất rộng và mơ hồ, có nội dung cản trở nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt trên mạng internet.

Các quyền tự do nhóm họp và lập hội cũng bị cản trở nghiêm trọng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Các nhà hoạt động độc lập vì quyền lợi của công nhân như Hoàng Đức BìnhTrương Minh Đức đã bị xử các mức án tù nhiều năm. Những kẻ côn đồ lạ mặt tấn công tư gia của nhà vận động cho quyền lợi người lao động và cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh suốt mấy đêm trong tháng Sáu và tháng Bảy mà công an không hề can thiệp để chấm dứt các vụ tấn công đó. Công an thường xuyên sử dụng vũ lực quá mức để giải tán các cuộc biểu tình đông người.

Ngay trong tháng Sáu, William Anh Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ, bị bắt và rõ ràng bị đánh đập cùng với nhiều người khác khi tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 20 tháng Bảy năm 2018, trong một phiên tòa chỉ diễn ra vẻn vẹn vài giờ đồng hồ, tòa án ra lệnh lập tức trục xuất anh khỏi Việt Nam.

Trong tờ trình gửi tới UPR, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra các khuyến nghị cụ thể với Việt Nam về việc trả tự do cho tù nhân chính trị và tiến hành cải tổ pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do biểu đạt, thông tin, lập hội, nhóm họp và tôn giáo, và chấm dứt tình trạng bạo hành của công an.

“Việt Nam có quá trình lâu dài vừa giẫm đạp lên nhân quyền vừa chống chế yếu ớt rằng mình đang thực thi pháp quyền,” ông Robertson nói. “Các quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã có các bằng chứng trong tay và cần gây sức ép buộc Việt Nam chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền có hệ thống.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country