Skip to main content

Việt Nam: Hãy trả tự do cho nhà hoạt động bị tù vì đăng bài trên Facebook

Tòa án sẽ xử phúc thẩm bản án 6 năm tù giam

Nguyễn Ngọc Ánh tại một cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. © 2016 Private

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng vào ngày mồng 7 tháng 11 năm 2019, một tòa án ở Việt Nam sẽ xử phiên phúc thẩm bản án sáu năm tù đối với một nhà hoạt động môi trường vì đã lên tiếng phê phán chính quyền trên Facebook. Việc truy tố và giam giữ nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh rõ ràng đã vi phạm quyền tự do ngôn luận của ông. Chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ bản án và ngay lập tức trả tự do cho ông.

Công an bắt ông hồi tháng Tám năm 2018 và cáo buộc ông tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117 của bộ luật hình sự nước này. Tháng Sáu năm 2019, sau một phiên xử diễn ra trong vài giờ đồng hồ, một tòa án ở tỉnh Bến Tre kết án ông sáu năm tù giam, cộng thêm năm năm quản chế. Một tòa án cấp cao hơn ở Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xử phiên phúc thẩm.

“Nguyễn Ngọc Ánh là một trường hợp trong số ngày càng nhiều các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến trên Facebook,” ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam dường như đang cho rằng việc sử dụng nền tảng mạng xã hội theo đúng mục đích thiết kế là một tội hình sự.”

Báo chí nhà nước đưa tin rằng ông chia sẻ các tin bài “phản động” nhằm “nói xấu” đảng và nhà nước, và kích động người dân biểu tình trong dịp quốc khánh. Tuy nhiên, các bài viết của ông Nguyễn Ngọc Ánh là về các vấn đề điển hình luôn thu hút sự quan tâm của các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam: nạn môi trường bị tàn phá do công ty Formosa thải độc gây ra vào tháng Tư năm 2016, tình trạng thiếu tự do lựa chọn trong cuộc bầu cử năm 2016, hay các quan ngại về điều kiện sống của tù nhân chính trị.

Vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh, bà Nguyễn Thị Châu, viết trên Facebook rằng khi bà tới thăm chồng vào tháng Mười, ông “lết chân đi rất khó khăn.” Bà viết rằng ông kể vừa bị một người tù khác, tên là Đỗ Hữu Cường, đánh đến bất tỉnh. Nguyễn Ngọc Ánh có báo về vụ việc đánh đập với quản giáo nhưng không ai có động thái gì.

Ngày 23 tháng Mười, công an ở thị trấn Bình Đại ở tỉnh Bến Tre triệu tập bà Nguyễn Thị Châu đến để chất vấn. Họ truy vấn về quan hệ của bà với các gia đình tù nhân chính trị khác, về việc mặc áo phông phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng lãnh thổ trên biển đang tranh chấp, về việc đi đón tù nhân chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn và về việc trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do.

“Thoạt tiên nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù người dân để ngăn cản họ thực thi quyền tự do ngôn luận, rồi sau đó nỗ lực dập tắt tiếng nói của những người trong gia đình họ muốn vận động đòi trả lại tự do cho họ,” ông Sifton nói. “Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần công khai phê phán những sự đàn áp này và lên tiếng ủng hộ các nhà phê bình và các nhà hoạt động.”

Việc bỏ tù ông Nguyễn Ngọc Ánh là một phần của đợt đàn áp đang tiếp diễn nhằm vào những người phê phán đảng và chính phủ. Trong mười tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã ra phán quyết có tội với ít nhất là 20 người, và xử họ với các mức án từ 6 tháng đến 10 năm tù vì phê phán chính quyền, vận động cho tự do tôn giáo, vận động cho các quyền cơ bản về chính trị và dân sự, hoặc chống tham nhũng.

Chính quyền đã bắt giữ Nguyễn Năng Tĩnh hồi tháng Năm, Phạm Văn Điệp trong tháng Sáu và Nguyễn Quốc Đức Vượng trong tháng Chín vì đăng hay chia sẻ các bài trên Facebook. Trong tháng Mười, chính quyền tổ chức các phiên tòa xử Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Văn PhướcPhạm Xuân Hào cũng với các cáo buộc tương tự như thế.

Tổ Chức Theo dõi Nhân quyền liên tục kêu gọi các công ty internet công khai bày tỏ quan ngại về những trường hợp bị giam giữ bất công do bày tỏ chính kiến trên mạng, và kêu gọi Việt Nam sửa đổi các quy định pháp luật hà khắc về an ninh mạng và ngôn luận trên mạng.

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country