Skip to main content
Moung Sreymom, the victim of an acid attack in Phnom Penh, Cambodia on November 19, 2014. © 2017 Yea Khantey

(Phnom Penh) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một phúc trình công bố ngày hôm nay rằng các nạn nhân sống sót qua bạo hành bằng axít ở Campuchia đã bị từ chối chữa trị y tế miễn phí và ép buộc nhận thương lượng dân sự không thỏa đáng, ngược lại với quy định pháp luật. Chính quyền Campuchia cần bảo đảm thực thi bộ luật chứa đựng các yêu cầu phải hỗ trợ pháp lý, xã hội và y tế cho các nạn nhân bị tấn công bằng axít.

Bản phúc trình dài 48 trang, với tiêu đề “‘Trải nghiệm địa ngục’: Bạo hành bằng axít ở Campuchia,” ghi nhận các vụ tấn công do cá nhân sử dụng axít nitric hoặc sulphuric để gây đau đớn và sẹo bỏng vĩnh viễn cho các nạn nhân, và nỗ lực của những nạn nhân sống sót đi tìm công lý và chạy chữa. Sau một vài vụ tấn công bằng axít gây nhiều chú ý của dư luận ở Campuchia, vào năm 2012 chính phủ nước này đã thông qua Luật Quản lý Axít Nồng độ Cao để khống chế lượng axít lưu thông trên thị trường có thể dùng vào các vụ tấn công, và để tạo điều kiện cho các nạn nhân được hưởng trợ giúp y tế và pháp lý. Sau khi luật này có hiệu lực, số vụ bạo hành bằng axít giảm hẳn và các quy định đã giúp giảm được lượng axít lưu thông trên thị trường ở thủ đô Phnom Penh. Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận thấy rằng nhiều nạn nhân sống sót qua các vụ tấn công nói trên không được chăm sóc y tế hay đền bù đầy đủ như luật quy định, và những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ tấn công hiếm khi bị truy tố.

“Chính phủ Campuchia đã có bước đi quan trọng với Luật Axít qua việc có cam kết rõ ràng với những nạn nhân sống sót qua các vụ bạo hành bằng axít,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhưng qua thực tế chính quyền Campuchia không thực thi được bộ luật này bên ngoài thủ đô Phnom Penh, không truy cứu trách nhiệm những kẻ thủ ác, hay không đảm bảo cho các nạn nhân được chăm sóc y tế hoặc bồi thường đầy đủ đã khiến những cam kết nêu trên không được thực hiện – khiến các nạn nhân phải chịu hậu quả cả đời.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nói chuyện với 81 người, trong đó có 17 nạn nhân sống sót qua các vụ tấn công bằng axít ở Phnom Penh và Kampong Cham, cùng với người nhà của các nạn nhân, luật sư, chuyên gia về bạo hành axít, và những người bán ắc quy xe máy và kinh doanh axít ở Phnom Penh, tỉnh Kampong Cham, và tỉnh Tboung Khmum.

Dù Luật Axít của Campuchia quy định rằng các bệnh viện nhà nước phải chăm sóc y tế miễn phí cho các nạn nhân bị tấn công bằng axít, không một người nào trong số các nạn nhân Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn được chữa trị miễn phí. Ngược lại, họ kể rằng mình không được điều trị cho đến khi bỏ tiền túi ra hay đưa ra được bằng chứng sẽ trả tiền điều trị. Thậm chí cả các nhân viên y tế ở bệnh viện công lớn nhất Campuchia – là cơ sở y tế duy nhất có chuyên khoa bỏng – cũng không biết quy định của pháp luật về điều trị miễn phí.

Các nạn nhân bị bỏng a xít trong cơn đau đớn tột độ phải chịu các quy định ngặt nghèo nhiều tai tiếng của Campuchia về thuốc giảm đau nhóm opioid, trong đó có giới hạn 7 ngày đối với mỗi đơn cấp morphine. Chỉ trừ ở thủ đô, không một bệnh viện công nào lưu trữ morphine dạng thuốc uống. Điều đó khiến khả năng tiếp cận thuốc giảm đau ở các vùng nông thôn nghèo không khả thi vì quá đắt đỏ. Ngay cả ở Phnom Penh, thuốc morphine, kể cả morphine dạng uống, cũng rất hiếm.

Có lẽ nhiều tai tiếng nhất trong các vụ bạo hành axít ở Campuchia là vụ tấn công cô Tat Marina vào năm 1999, khi đó cô mới 16 tuổi. Svay Sitha, khi đó 40 tuổi, là Phó Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm trợ lý thân cận của Thủ tướng Hun Sen, giả danh là một thương gia quốc tịch Mỹ, và, theo lời Marina, đã đe dọa cô cả bằng lời nói và hành động để buộc cô duy trì mối quan hệ với ông ta. Khi vợ Sitha, bà Khoun Sophal, nghe được về mối quan hệ này, đã thuê người đánh Marina bất tỉnh và đổ axít nitric lên mặt cô. Không ai bị truy tố về vụ tấn công này – dù xảy ra giữa ban ngày tại một khu chợ đông người và hung thủ bỏ lại căn cước – và Marina không hề được nhận bất kỳ một khoản bồi thường nào. Ngày mồng 6 tháng Chín năm 2018, Hun Sen thăng cấp cho Sitha lên Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, chức vụ cố vấn cao cấp nhất trong nội các của Thủ tướng.

Hầu hết các nạn nhân axít được phỏng vấn trong phúc trình đều chưa được đền bù công lý. Một số người nói rằng các quan chức chính phủ đã ép họ nhận một khoản thương lượng dân sự không thỏa đáng để không đưa ra tòa. Số vụ được đưa ra tòa chỉ đếm trên đầu ngón tay, số vụ thành án còn ít hơn, và số hung thủ phải thụ án thì còn ít hơn nữa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào trong số các nạn nhân đã phỏng vấn được nhận bồi thường qua phán quyết của tòa án, dù trong luật dân sự và hình sự của Campuchia có các quy định về đền bù cho nạn nhân.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính phủ Campuchia cần nghiêm cấm việc thỏa thuận tài chính không chính thức trong các vụ án hình sự và bổ sung tội danh về cản trở thực thi công lý. Hành vi cản trở công lý phải bao gồm cả việc can thiệp với cảnh sát, người có thẩm quyền, quan tòa hay công tố viên. Ban Chống Tham nhũng và Bộ Tư pháp Campuchia cần gấp rút hoàn tất luật bảo vệ nhân chứng và nạn nhân đã hứa hẹn từ lâu.

“Chính quyền Campuchia cần thông báo rõ ràng tới tất cả các bệnh viện công về quy định pháp lý phải điều trị miễn phí cho các nạn nhân bị bạo hành bằng axít, và trách nhiệm của chính phủ về việc thanh toán chi phí cho bệnh viện,” ông Adams nói. “Chính quyền cần cập nhật các quy định về thuốc giảm đau nhóm opioid để đảm bảo rằng những người cần dùng sẽ có và được đáp ứng các loại thuốc giảm đau loại này, đỡ cho các nạn nhân bị tấn công bằng axít phải chịu một cuộc đời toàn những cơn đau khủng khiếp.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country