Skip to main content

Việt Nam: Chấm dứt đàn áp kiểu “Tà đạo” đối với các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng

Hoa Kỳ và các Nhà Tài trợ Quốc tế cần Yêu cầu Việt Nam Tôn trọng Quyền Tự do Tín ngưỡng

(Bangkok) – Hôm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong một bản phúc trình mới công bố rằng hành vi đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo người Thượng ở Tây Nguyên của chính quyền Việt Nam thể hiện sự vi phạm rộng lớn hơn đối với các cộng đồng tôn giáo thiểu số trong nước. Người đứng đầu đảng cầm quyền, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự kiến sẽ tới thăm thủ đô Washington, DC vào đầu tháng Bảy.

Một phụ nữ người Thượng ngồi ở cửa một “nhà thờ tại gia” trong thôn Kret Krot, Tây Nguyên, Việt Nam, ngày 26 tháng Chín năm 2013.  © 2013 AP Photo/Chris Brummitt

Bản phúc trình dài 33 trang, “Đàn áp các nhóm tôn giáo ‘Tà đạo’: Vi phạm nhân quyền đối với người Thượng ở Việt Nam,” được căn cứ trên các tin bài của báo chí chính thống ở Việt Nam và các cuộc phỏng vấn do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thực hiện với những người Thượng đi tị nạn ở nước ngoài. Tài liệu này mô tả sự đàn áp tôn giáo và chính trị đối với người Thượng, những người vùng cao theo các dòng tôn giáo Tin lành Đề Ga và Công giáo Hà Mòn bị chính quyền gọi là “tà đạo.”

“Báo chí chính thống của Việt Nam thể hiện rõ rằng việc đàn áp các cộng đồng tôn giáo thiểu số là chính sách nhà nước,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Chính quyền Việt Nam cần vứt bỏ não trạng thời Chiến tranh lạnh khi những người theo tôn giáo khác bị coi là ‘thù trong’ và tôn trọng các quyền tự do tôn giáo cơ bản của họ.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng các nhà tài trợ quốc tế của Việt Nam cần gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt chính sách và các hành động đàn áp khiến nhiều người Thượng phải cố chạy trốn sang nước láng giềng Campuchia.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng báo chí chính thống của Việt Nam bộc lộ cho thấy có một chính sách ở cấp cao nhằm chấm dứt việc theo đạo Tin lành Đề Ga và Công giáo Hà Mòn. Một bài báo chính thức đưa tin vào tháng Giêng rằng chính quyền địa phương đã tổ chức “nhiều đợt truy quét” đối với các hoạt động tôn giáo tự phát trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhằm “xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu và cốt cán.” Một bài khác tường thuật rằng, dưới sự chỉ đạo của chính quyền tỉnh, cả “hệ thống chính trị” xuống đến tận cấp thôn được huy động để “tuyên truyền, vận động và đấu tranh” đồng bộ chống các hình thái Cơ đốc giáo không được chính quyền cho phép. Chính quyền thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân chính khiến những tín đồ Cơ đốc giáo là người dân tộc thiểu số bỏ trốn ra nước ngoài lánh nạn là để đến một nơi họ có thể “tự do sinh hoạt” tôn giáo theo ý muốn.

Những người Thượng được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đã kể lại chuyện những người bị cáo buộc là đã tin, theo các tín ngưỡng mà chính quyền gọi là không “thuần túy” hay có “tư tưởng ly khai, tự trị” bị theo dõi liên tục, hay phải chịu các hình thức đe dọa, bắt giữ tùy tiện và ngược đãi trong khi bị công an giam giữ ra sao. Trong khi giam giữ, chính quyền thẩm vấn họ về các hoạt động tôn giáo và chính trị cũng như các kế hoạch đặt ra để trốn khỏi Việt Nam.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng những hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Tây Nguyên của chính quyền Việt Nam là chỉ dấu cho thấy sự vi phạm cũng đang xảy ra ở những khu vực khác ở Việt Nam. Chính quyền thường xuyên giám sát, sách nhiễu và đôi khi dùng vũ lực trấn áp các nhóm tôn giáo hoạt động ngoài khuôn khổ các định chế tôn giáo chính thức và do nhà nước kiểm soát. Việt Nam đặt ra các quy định ngặt nghèo về tôn giáo, lại được củng cố thêm từ năm 2013 bằng Nghị định 72, có nội dung cấm “lợi dụng” tôn giáo để “tuyên truyền chống nhà nước” hay “phá hoại… khối đoàn kết dân tộc.” Chiến dịch ở Tây Nguyên cũng nhận được sự khuyến khích từ cấp trên qua một bài phát biểu hồi tháng Giêng năm 2014 của tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, trong đó ông kêu gọi các lực lượng an ninh ở khu vực này “chủ động đấu tranh” chống các tà đạo Cơ đốc giáo.

“Các quan chức hàng đầu của Việt Nam đang tới Washington DC và thủ đô các quốc gia khác trên thế giới,” ông Adams nói. “Họ cần được nghe chính quyền Obama phát biểu rằng chỉ có người dân Việt Nam mới có thể quyết định cách thức thực hành tôn giáo của mình, dù là ở nhà riêng hay trong nhóm cùng với những người đồng tín ngưỡng.”

Chính quyền Việt Nam đã đối phó với tình trạng người Thượng chạy trốn sang Campuchia bằng cách gây sức ép buộc chính quyền Campuchia  ngăn chặn vượt biên và từ chối quyền tị nạn của những người đã sang được đến đất Campuchia. Vào ngày 16 tháng Giêng, Bộ trưởng Công an Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm Phnom Pênh và có cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng, trong đó hai bên ký kết một loạt thỏa thuận, gồm điều khoản về hợp tác lực lượng an ninh ở các vùng biên giới nhằm “đấu tranh chống những kẻ” đã “trốn sang nước khác tị nạn.” Kể từ cuối năm 2014 đến cuối tháng Sáu năm 2015, Campuchia đã cưỡng ép hồi hương ít nhất là 54 người Thượng về Việt Nam mà không cho họ bất cứ cơ hội nào để tìm kiếm vị thế tị nạn, đồng thời từ chối ít nhất là 118 người khác cơ hội đăng ký làm người tị nạn ở Campuchia.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính quyền Campuchia bảo đảm cho mọi người Thương và những người đi lánh nạn khác từ Việt Nam có được cơ hội nộp đơn tị nạn và các yêu cầu bảo hộ được xem xét một cách công bằng. Nếu Campuchia không thực hiện được việc này, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn cần thực thi trách nhiệm quyết định vị thế tị nạn đối với những người đi lánh nạn ở Campuchia và bảo vệ những người liên quan khỏi bị cưỡng ép hồi hương khi có các nguy cơ về tính mạng và quyền tự do.

“Những người Thượng và các sắc tộc khác chạy trốn khỏi sự đàn áp ở Việt Nam phải được tạo điều kiện nộp đơn tị nạn ở Campuchia và các nước láng giềng, chứ không thể bị cưỡng ép hồi hương một cách trái pháp luật,” ông Adams nói. “Các nhà tài trợ và chính quyền các nước cần coi việc chấm dứt những sự vi phạm nhân quyền này là một ưu tiên, chứ không nên có thái độ ‘nhắm mắt làm ngơ’ đối với một chính thể độc đảng đang từ chối thực hiện những cải tổ nghiêm túc về nhân quyền.”

Your tax deductible gift can help stop human rights violations and save lives around the world.

Region / Country