Việt Nam: Đảng đối đầu với Nhà hoạt động Pháp lý Cù Huy Hà Vũ

Đảng đối đầu với Nhà hoạt động Pháp lý Cù Huy Hà Vũ

Giới thiệu
I. Vụ bắt giữ Ts. Cù Huy Hà Vũ
II.Một nhà hoạt động pháp lý
III. Một gia đình nhiều nhân vật cách mạng nổi tiếng
IV. Phản ứng quyết liệt của gia đình và nhóm biện hộ
V. Vai trò của Internet trong vụ này
Phổ biến tư tưởng của Ts. Vũ
Lan truyền thông tin biện hộ cho Ts. Vũ
VI.Thông điệp nước đôi: Phản ứng của chính quyền đối với Ts. Vũ
VII. Phiên tòa ngày 4 tháng Tư
Vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử
VIII. Kết luận
IX. Khuyến nghị
Lời cảm ơn
Phụ lục A: Các nhân vật chủ chốt
Thành viên trong gia đình
Thành viên liên quan
Các đài phát thanh, tờ báo, trang mạng, nhà báo và blogger
Quan chức Việt Nam
Phụ Lục B: Diễn tiến sự kiện theo trình tự thời gian
Diễn tiến hoạt động của Ts. Vũ trước khi bị bắt vào ngày 5.11. 2010
Diễn tiến sự kiện trước phiên tòa xử Ts. Vũ ngày 4.4.2011

Giới thiệu

Vụ bắt giữ và tạm giam Ts. Cù Huy Hà Vũ vào tháng Mười Một năm 2010 và phiên tòa xử ông vào tháng Tư năm 2011 được báo chí và công luận quan tâm hơn tất cả những vụ bất đồng chính kiến khác trong ký ức gần đây ở Việt Nam, với những lý do tích cực. Trong vụ việc này, một nhà hoạt động pháp lý có quan hệ rộng và có thế lực hơn người đứng vào thế đối đầu với những chính khách cao cấp nhất nước, đụng chạm đến hàng loạt vấn đề về nhân quyền, bao gồm những vi phạm của công an, việc bắt giữ tùy tiện, xâm phạm quyền riêng tư, cướp đất, coi thường trình tự tố tụng và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Chắc hẳn vụ việc này sẽ có một ảnh hưởng lâu dài đối với cuộc đấu tranh vẫn đang tiếp diễn giữa chính quyền Việt Nam và những người bất đồng chính kiến.

Có một số lý do khiến vụ của Ts. Vũ có thể trở thành một trong những vụ việc quan trọng nhất về một cá nhân bất đồng chính kiến trong lịch sử đương đại của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thứ nhất, Ts. Vũ xuất thân từ một gia đình nổi tiếng, có nhiều Đảng viên lão thành, anh hùng cách mạng, nhà thơ danh tiếng và quan chức cao cấp trong chính quyền. Hai là, gia đình ông đấu tranh rất quyết liệt để đòi trả tự do cho ông, đặc biệt là vợ ông, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích. Nhóm luật sư biện hộ đã thực hiện những thao tác luật rất sáng tạo, như yêu cầu sự hiện diện của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại phiên tòa, với lập luận rằng, với vai trò chủ tịch, ông ta phải có mặt để đại diện cho “nạn nhân” và nguyên đơn của vụ án, tức là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vợ và em gái Ts. Vũ tại buổi lễ thắp nến cầu nguyện ở Giáo xứ Thái Hà, ngày mồng 3 tháng Tư năm 2011. © 2011 J.B Nguyễn Hữu Vinh

Cuối cùng, sự ủng hộ rộng rãi chưa từng có dành cho Ts. Vũ xuất phát, và vẫn đang lan tỏa trên mạng, với sự đóng góp của nhiều tầng lớp đa dạng trong xã hội Việt Nam, từ những giáo xứ Công giáo ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng quê, đến giới blogger thành thị, học giả, nhà văn, nhà báo và bất đồng chính kiến; từ những Đảng viên lão thành, tới giới kỹ trị, dân oan, và những công dân bình thường, như các nhà giáo, giới tiểu thương, công nhân, nông dân và lái xe taxi.

I.     Vụ bắt giữ Ts. Cù Huy Hà Vũ

Ngay sau nửa đêm ngày 5 tháng Mười Một năm 2010, công an ập vào Khách sạn Mạch Lâm ở Thành phố Hồ Chí Minh sau khi “nhận được tin báo của quần chúng” về khả năng có hoạt động mại dâm và ma túy đang diễn ra tại phòng số 101[1]. Công an phát hiện được một đôi nam nữ không phải vợ chồng đang ở trong phòng và kiểm tra giấy tờ tùy thân của họ. Người đàn ông là Cù Huy Hà Vũ, một trong những nhà hoạt động pháp lý trực ngôn nhất ở Việt Nam. Người đàn bà là Hồ Lê Như Quỳnh, một nhà kinh doanh bất động sản.

Công an đưa hai người về đồn Công an Phường 11, nơi họ tiến hành khám máy tính xách tay và hai ổ USB của Ts. Vũ. Trong máy tính, họ tìm thấy các tài liệu mà họ cho là kêu gọi “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và điều 4 Hiến pháp,” vốn là cơ sở pháp lý của chế độ độc đảng ở Việt Nam.[2] Sau đó, vụ việc được chuyển giao cho Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT). Khoảng 4:20 chiều cùng ngày, cơ quan ANĐT cử một tổ công tác mang theo lệnh đến khám nhà Ts. Vũ ở Hà Nội; ở đó họ thu giữ một số tài liệu, đĩa mềm, băng cassette và đĩa CD.[3] Sau đó, Cơ quan ANĐT tống đạt lệnh tạm giam Ts. Vũ để điều tra thêm.

Vào hồi 7h10 sáng ngày mồng 6 tháng Mười Một, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đăng bài về việc bắt giữ Ts. Vũ. Với tiêu đề “Luật sư vi phạm hành chính còn đe dọa hành hung người thi hành công vụ,” bài báo đăng một tấm hình minh họa rất hình sự hóa, với Cù Huy Hà Vũ cởi trần ngồi trong phòng với một người phụ nữ mặc nguyên quần áo. Bài báo viết:

Lúc 24 giờ ngày 4-11-2010, qua công tác kiểm tra hành chính thường kỳ, Công an P11Q6 phát hiện tại phòng 101 khách sạn Mạch Lâm, 28 đường số 10, P11Q6, đôi nam nữ là Cù Huy Hà Vũ và Q (SN 1974, trú tại P11Q6, luật sư Hội luật gia TPHCM[4], không có giấy kết hôn) trong tư thế cởi trần, chỉ mặc quần lót; riêng nữ mặc nguyên bộ quần áo; hành lý trong phòng có một valy nhỏ, gồm một máy tính xách tay và tư trang quần áo. Trong sọt rác có hai bao cao su đã sử dụng (cơ quan công an đã đề nghị trưng cầu giám định [thành phần] trong bao cao su) Lực lượng công an tiến hành lập biên bản, có sự chứng kiến và ký tên của chủ khách sạn; tuy nhiên, chỉ có Hồ Lê Như Quỳnh ký xác nhận, còn Cù Huy Hà Vũ phản đối, không chịu ký vào biên bản. Vũ còn có thái độ bất hợp tác, thậm chí đòi hành hung những người trong tổ kiểm tra. Sau khi hoàn tất thủ tục biên bản vi phạm hành chính tại khách sạn, công an phường đã đưa hai đối tượng về trụ sở để làm việc, nhưng cả hai đều không chịu hợp tác khai báo. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ.[5]

Chiều ngày 6 tháng Mười Một, hai quan chức cao cấp Bộ Công an, Trung tướng Tô Lâm và Trung tướng Hoàng Kông Tư, tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố về việc khởi tố Ts. Vũ. Hai quan chức này phát biểu rằng Ts. Vũ đã “làm ra nhiều tài liệu có hành vi chống phá Nhà nước Việt Nam để tuyên truyền, xuyên tạc phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, đi ngược lại quyền lợi dân tộc, kêu gọi nước ngoài can thiệp.”[6] Ts. Vũ cũng bị buộc tội đã “làm ra các tài liệu, đưa thông tin thất thiệt, bịa đặt, xuyên tạc sự lãnh đạo và quản lý của Nhà nước gây hoang mang trong nhân dân, kích động, cổ suý, hô hào chống Nhà nước; vu khống, xúc phạm danh dự các vị lãnh đạo Nhà nước.”[7]

Những tài liệu buộc tội được nhắc đến trong buổi họp báo bao gồm hai lá đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do Ts. Vũ khởi kiện vào tháng Sáu năm 2009 và tháng Mười năm 2010 về việc đã thông qua các quyết định gây tranh cãi, một Quyết định năm 2007 cho phép khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên và một Nghị định năm 2006 cấm khiếu kiện tập thể.

II.   Một nhà hoạt động pháp lý

Ts. Vũ được cả nước biết đến khi ông nộp đơn kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế vào tháng Năm năm 2005 vì đã cấp phép xây dựng khu nghỉ mát, khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, một di tích văn hóa đã được xếp hạng, bảo vệ. Nhà đầu tư sau đó đã từ bỏ dự án này.

Một năm sau, vào tháng Năm năm 2006, Ts. Vũ lại làm khuấy động dư luận khi tự ứng cử vào chức vụ bộ trưởng văn hóa, một nỗ lực rốt cuộc không thành công.

Ts. Vũ cũng được mọi người biết đến khi tham gia tư vấn pháp lý cho trang web gây nhiều tranh cãi Bauxite Vietnam, do một nhóm trí thức và chuyên gia Việt Nam thành lập vào năm 2009 để vận động chấm dứt khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Vào tháng Mười năm 2010, Văn phòng Luật của Ts. Vũ nhận một vụ án đình đám khác: biện hộ cho các giáo dân giáo xứ Cồn Dầu, Đà Nẵng, bị bắt vào tháng Năm năm 2010 sau khi công an dùng vũ lực giải tán một đoàn đưa tang đến khu nghĩa địa nằm trên mảnh đất đang tranh chấp. Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Lệ không cấp giấy phép cho văn phòng luật của ông đại diện cho các gia đình đương sự.[8]

Ngoài những hành động táo bạo nói trên, Ts. Vũ còn được biết đến là người đã tố cáo Trung tướng Vũ Hải Triều của Bộ Công an vào tháng Sáu năm 2010 vì cho rằng ông ta đã duyệt lệnh tấn công vi tính vào các trang mạng nhạy cảm về chính trị[9], và luận tội ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vào tháng Chín năm 2010 vì cho rằng ông này đã ra quyết định tịch thu đất của gia đình liệt sỹ có người thân hy sinh trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam.[10]

Nhưng có lẽ làm ông nổi tiếng nhất là hai lá đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù trong cuộc họp báo ngày 6 tháng Mười Một, Trung tướng Tô Lâm và Trung tướng Hoàng Kông Tư có đề cập đến hai đơn kiện nói trên như một bằng chứng để khởi tố Ts. Vũ, nhưng trong cáo trạng ra ngày 17 tháng Mười Hai năm 2010 không có hai đơn kiện đó[11]. Lá đơn thứ nhất kiện thủ tướng vì đã ký quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 1 tháng Mười Một năm 2007 cho phép khai thác quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên. Đơn kiện được nộp cho Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vào ngày 11 tháng Sáu năm 2009, Tòa án này đã bác đơn vào ngày 15 tháng Sáu.[12] Đơn kiện được nộp lại cho Tòa án Nhân dân Tối cao vào ngày 3 tháng Bảy năm 2009.[13] Lá đơn thứ hai kiện thủ tướng vì đã ký Nghị định 136/2006/NĐ-CP[14] cấm khiếu kiện tập thể. Đơn kiện được nộp cho Tòa án Nhân dân Tối cao vào ngày 21 tháng Mười năm 2010.[15] Ts. Vũ chưa hề nhận được bất kỳ một phản hồi nào từ về đơn kiện thứ hai này. Cả hai đơn kiện đều được đăng tải trên trang mạng Bauxite Vietnam và đăng lại trên nhiều trang mạng khác.

III.  Một gia đình nhiều nhân vật cách mạng nổi tiếng

Ts. Vũ sinh năm 1957 trong một gia đình có nhiều nhân vật cách mạng nổi tiếng. Cha ông, Cù Huy Cận, nguyên Bộ trưởng Bộ Canh nông, nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa, là một nhà thơ có nhiều ảnh hưởng. Là một trong ba đại diện của Chính phủ Lâm thời được cử vào Huế để chứng kiến nghi lễ thoái vị của vua Bảo Đại vào tháng Tám năm 1945, Cù Huy Cận là một trong những thành viên quan trọng nhất của chính phủ cộng sản vào những ngày mới thành lập. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa Một, khóa đã thông qua Hiến pháp năm 1946.

Mẹ của Ts. Vũ, bà Ngô Thị Xuân Như, là em gái Xuân Diệu, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong thế kỷ hai mươi của Việt Nam. Bà cũng là một y tá riêng trong tổ y tế chuyên chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai người chú của Ts. Vũ là Đảng viên cao cấp. Cù Huy Thước là đảng viên lão thành ĐCSVN với 61 năm thâm niên. Một người chú khác, Cù Huy Chử, từng là thư ký trong Tiểu ban lý luận, văn hóa giáo dục trung ương, dưới quyền của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông cũng là chuyên viên ở Ban Tuyên huấn Trung ương ĐCSVN và Trưởng khoa Văn hóa phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khu vực phía nam.

Trong giới quen biết của Ts. Vũ, có cả cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và nguyên Tổng bí thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh.

Ts. Vũ và Tướng Võ Nguyên Giáp (đã nghỉ hưu), một trong những anh hùng cách mạng nổi tiếng nhất của Việt Nam, kiến trúc sư của những thắng lợi quân sự trọng đại trong các cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ. © Cù Huy Hà Vũ và gia đình.

Cù Huy Hà Vũ có bằng Thạc sĩ Văn chương trường Paris VII và bằng Tiến sĩ Luật trường Sorbonne. Ông cũng là một họa sĩ, tác giả của bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lưu truyền rộng rãi trên mạng internet, và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi Hội này tuyên bố vào đầu năm 2011 về quyết định đình chỉ sinh hoạt đối với ông.[16] Trong thời gian từ năm 1979 đến 2009, Ts. Vũ làm việc trong các vị trí khác nhau ở Bộ Ngoại giao.[17] Dù có bằng luật của Sorbonne, ông không phải là thành viên của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nên về nguyên tắc không được phép hành nghề luật tại Việt Nam.[18] Tuy nhiên, vợ ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà, một luật sư và là thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, đã thành lập Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ vào năm 2006.

Bất chấp những trở ngại về thủ tục đối với quyền hành nghề luật của mình, Ts. Vũ trên thực tế vẫn thực thi được vai trò đại diện pháp lý trong ít nhất là một vụ, theo nguồn báo chí chính thức của nhà nước. Vào ngày 25 tháng Mười Hai năm 2006, Ts. Vũ giữ vai trò đại diện pháp lý trong một vụ khá nổi tiếng xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, khi ông đại diện cho học giả Nguyễn Quảng Tuân tranh tụng trong vụ kiện vi phạm tác quyền.[19] Sau khi Ts. Vũ nộp đơn kiện thủ tướng vào ngày 11 tháng Sáu năm 2009, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ra tuyên bố rằng ông không phải là thành viên của đoàn.[20]

Năm 2010, một tòa án cấp quận ở Đà Nẵng từ chối cấp giấy phép cho Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ khi được yêu cầu tham gia biện hộ cho sáu giáo dân giáo xứ Cồn Dầu bị bắt từ tháng Năm 2010 sau khi xô xát với đại diện chính quyền về đất đai đang có tranh chấp của giáo xứ.

IV.Phản ứng quyết liệt của gia đình và nhóm biện hộ

Nếu cuộc chiến pháp lý của Ts. Vũ phản đối chính quyền trước khi bị bắt vào năm 2010 không có mấy tiền lệ trong lịch sử đương đại, thì nỗ lực đấu tranh công khai của gia đình đòi trả tự do cho ông cũng có thể coi là độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vào ngày mồng 6 tháng Mười Một năm 2010, một ngày sau khi ông bị bắt, vợ ông, Nguyễn Thị Dương Hà, và em gái ông, Cù Thị Xuân Bích, đã nộp đơn chính thức xin bảo lãnh cho ông được tại ngoại trong thời gian điều tra và xét xử. Vào ngày mồng 7 tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp đơn đề nghị tham gia với tư cách luật sư bào chữa cho Ts. Vũ, và ngày mồng Tám tháng Mười Một nộp tiếp một văn bản đề nghị cho biết thông tin về việc giam giữ chồng mình. Cũng trong ngày mồng 8 tháng Mười Một, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp đơn tố cáo khẩn cấp lên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nêu những vi phạm nghiêm trọng của công an trong quá trình bắt giữ chồng bà và khám xét nhà của họ.

Kể từ khi Ts. Vũ bị bắt, chưa hề có tuần nào mà gia đình không nộp ít nhất một lá đơn đề nghị công an, Quốc hội hay các văn phòng và cơ quan chính quyền khác yêu cầu trả tự do và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.

Những người Công giáo cũng như không theo đạo đều tham gia thánh lễ thắp nến cầu nguyện ở Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, trước phiên xử Ts. Vũ. Trong ảnh trên là vợ ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà (ở giữa, mặc áo đen), và em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích (bên trái, mặc áo khoác xám) tại buổi lễ ngày mồng 2 tháng Tư năm 2011. © 2011 Người Buôn Gió 

Có lẽ động thái gây chú ý nhiều nhất là khi Ts. Vũ, gia đình và các luật sư biện hộ cho ông chính thức yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đại diện cho nhà nước trong vụ án. Theo cách lập luận pháp lý này, Ts. Vũ bị truy tố về hành vi làm ra các tài liệu “tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – nên người bị hại và nguyên đơn trong vụ án là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên người đại diện phải là chủ tịch nước. Ngày 23 tháng Ba, 2011, Hà Huy Sơn, một trong những luật sư bào chữa của Ts. Vũ, đã nộp đơn đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội chính thức yêu cầu tòa triệu tập Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Trung tướng Hoàng Kông Tư của Bộ Công an và Hồ Lê Như Quỳnh tham gia tố tụng vì họ là “người bị hại” hoặc “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.”[21]

Ts. Vũ và các luật sư bào chữa cũng yêu cầu các thành phần nêu trong cáo trạng tham gia tố tụng. Các tổ chức và cá nhân đó bao gồm Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA); Đài phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA); và bà Nguyễn Thị Trâm Oanh, thành viên tổ chức Ký giả Không Biên giới ở Đức. Bà Nguyễn Thị Trâm Oanh nhận lời tham dự. Các blogger độc lập Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió) và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đều đăng thư ngỏ trên trang mạng của mình vận động RFA và VOA đáp ứng yêu cầu của Ts. Vũ. Vào ngày 25 tháng Giêng năm 2011, đài RFA gửi một lá thư đến Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị “ông Hà Vũ phải được thả ngay lập tức, và cáo buộc dành cho ông phải bị hủy bỏ, và ông Hà Vũ phải được phép bày tỏ chính kiến của mình mà không bị can thiệp trong tương lai.”[22] Đài VOA không đưa ra tuyên bố nào.

Ngày 27 tháng Ba năm 2011, luật sư Vương Thị Thanh trong nhóm luật sư bào chữa nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội giải quyết một số vấn đề trước khi phiên xử diễn ra vào ngày 4 tháng Tư. Theo yêu cầu của bà Thanh, tòa án chưa cung cấp cho nhóm luật sư danh sách những người sẽ được triệu tập làm nhân chứng, cũng như chưa quy định cụ thể những vật chứng nào, nếu có, sẽ được mang ra xem xét tại tòa. Luật sư Vương Thị Thanh bổ sung thêm rằng Ts. Vũ chưa nhận được bản sao của cáo trạng,[23] và kết luận rằng nếu không giải quyết các vướng mắc trên trước khi khai mạc thì phiên tòa “sẽ không bảo đảm tính khách quan và còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.”[24]

Vào ngày 29 tháng Ba, gia đình Ts. Vũ đăng một lá thư ngỏ kêu gọi “nhân dân Việt Nam” và “những người yêu chuộng công lý, sự thật, vì sự tiến bộ và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam” hãy ủng hộ và cầu nguyện cho ông. Với nhan đề “Lời kêu cứu,” bức thư khẳng định “đây là vụ án vi phạm nghiêm trọng pháp luật của chính nhà nước CHXHCN Việt Nam hiện hành kể từ khi bắt đầu vụ án cho đến nay.” Bức thư kêu gọi mọi người hãy đến tòa án vào ngày xử để “chứng kiến một phiên tòa xét xử người công chính.”[25]

Trong quãng thời gian trước phiên xử, các thành viên trong gia đình đã gửi nhiều thư yêu cầu đến tờ báo Công An Nhân Dân, đòi cải chính những tin thất thiệt về gia đình họ và có lời xin lỗi công khai. Vợ, em gái và các chú Ts. Vũ cũng trả lời phỏng vấn của các Đài BBC, RFA, VOA, RFI và trang mạng của người Việt hải ngoại Đàn Chim Việt Online.[26] Đối với các quan chức Việt Nam, những cơ quan truyền thông này bị coi là khá nhạy cảm đến mức bị chặn tường lửa ở nhiều nơi trong nước.

Ngày 8 tháng Hai năm 2011, em gái Ts. Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích, trả lời phỏng vấn của Đài RFA và bày tỏ quan ngại về sức khỏe của anh trai mình trong trại giam. Ts. Vũ bị bệnh tim và công an từ chối cho gia đình gửi thuốc vào cho ông. Bà cũng bày tỏ nỗi bức xúc trước sự im lặng của phía công an, dù gia đình đã yêu cầu nhiều lần, đồng thời khẳng định niềm tin vững chắc vào sự vô tội của anh trai mình.[27]

V.  Vai trò của Internet trong vụ này

Internet có vai trò thiết yếu trong vụ của Ts. Vũ, từ trước cũng như sau khi ông bị bắt.

Ts. Vũ đã sử dụng internet để quảng bá quan điểm của mình về nhiều vấn đề, khiến chính quyền bức xúc vì chỉ muốn giới hạn những ý kiến trao đổi về các chủ đề nhạy cảm trong phạm vi nội bộ. Gia đình và nhóm luật sư biện hộ cho ông cũng đã sử dụng internet để công khai thông tin về những biện pháp họ áp dụng để đấu tranh đòi thả Ts. Vũ, từ đó lôi cuốn được nhiều học giả, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ, blogger, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, doanh nhân và những người dân thường ở Việt Nam, cũng như những người ủng hộ họ ở hải ngoại – lần lượt lên tiếng bênh vực cho Ts. Vũ. Internet cũng có tác dụng như một công cụ tổ chức và chia sẻ thông tin, liên kết các nhóm xã hội – chính trị đa dạng và các cá nhân thuộc nhiều tầng lớp thành một làn sóng ủng hộ Ts. Vũ chưa từng có ở Việt Nam.

Phổ biến tư tưởng của Ts. Vũ

Trước khi Ts. Vũ bị bắt, rất nhiều bài bình luận, bài viết và bài phỏng vấn của ông đã được đăng tải và phổ biến trên mạng internet. Trong số đó, có đơn tố cáo vai trò được cho là của Trung tướng công an Vũ Hải Triều trong vụ tấn công vi tính nhằm vào các trang mạng chính trị[28] cũng như khi ông lên án quyết định của Toà án Đà Nẵng buộc Thiếu tướng Trần Văn Thanh phải ra tòa trên cáng cứu thương của bệnh viện sau khi bị tai biến.[29] Ngay cả hai đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng được đăng tải trên mạng.[30]

Vai trò của internet trong vụ Ts. Vũ cũng được nhấn mạnh trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội, ký ngày 17 tháng Mười Hai năm 2010. Phần đề dẫn của cáo trạng mở đầu bằng:

Ngày 21 tháng 10 năm 2010, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội có công văn gửi Công an thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ việc phát hiện trên mạng Internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ có nội dung đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.[31]

Theo nội dung cáo trạng, Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố Ts. Vũ căn cứ trên mười đầu tài liệu phát hiện được trong máy tính xách tay và nhà ông, tám trong số đó đã được đăng tải trên mạng internet. Đó là các tài liệu:

Hai bài trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do: “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền”[32]  ngày 1 tháng Hai năm 2010; và “Kiến nghị trả tự do cho tất cả các tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy ‘Việt Nam’ làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” ngày 31 tháng Tám năm 2010.[33]

Ba bài trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ: “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” ngày 29 tháng Tư năm 2010; và “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ: Từ kiện Thủ tướng đến yêu cầu bỏ Điều 4 Hiến pháp”[34] tháng Sáu năm 2010. Bài phỏng vấn thứ ba: “Tàu cao tốc Bắc-Nam – một dự án tham nhũng” chưa được phát sóng.[35]

Một bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Thị Trâm Oanh thuộc Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Đức, vào tháng Mười năm 2010.[36]

Hai bài đăng trên trang Bauxite Vietnam: “‘Tam quyền nhất lập’ đồng lòng hại dân”[37] vào tháng Ba năm 2010; và “Vụ bà Trần Khải Thanh Thủy ‘cố ý gây thương tích’ và dấu hiệu ‘bẫy người khác phạm tội’”[38] vào tháng Mười năm 2009.

Một bài chưa viết xong “Bàn về Đảng cầm quyền.”

Chính quyền còn truy tố ông vì đã lưu trữ bài “Bom nhiệt áp nổ giữa Ba Đình”[39] của tác giả Nguyễn Thanh Ty ở Mỹ. Theo cáo trạng, bài viết này “xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam, phỉ báng chính quyền.”

Dùng những tài liệu trên làm chứng cứ, chính quyền cáo buộc Cù Huy Hà Vũ đã đòi “xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” và “xóa bỏ điều 4 Hiến pháp” – là cơ sở khẳng định quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông bị buộc tội đã “xuyên tạc cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc” qua việc kêu gọi hòa giải thật sự với những người Việt đã sinh sống trong chế độ Việt Nam Cộng hòa (1954-1975). Ông cũng bị buộc tội phỉ báng chính quyền khi viết “…vậy là cả Chính phủ, Tòa án, Quốc hội, cả hành pháp, tư pháp và lập pháp đồng lòng hại dân.”

Ngoại trừ một bài viết chưa xong và một bài phỏng vấn với VOA chưa được phát sóng, tám tài liệu còn lại được liệt kê như các chứng cứ chống lại Ts. Vũ trong cáo trạng đã được đăng tải và phổ biến rộng rãi trên mạng, một số bài trước đó rất lâu, từ tháng Mười năm 2009.[40] Bản cáo trạng do một nguồn tin không được tiết lộ đưa ngầm ra ngoài và đăng trên trang Dân Luận vào ngày 31 tháng Giêng năm 2011.

Lan truyền thông tin biện hộ cho Ts. Vũ

Sau khi Ts. Vũ bị bắt, rất nhiều đơn, bản tường trình, khiếu nại và yêu cầu của các thành viên trong gia đình ông được đăng tải trên các trang mạng Bauxite VietnamDân Luận, và được rất nhiều trang khác đăng lại. Ví dụ, ngày 8 tháng Mười Một năm 2010, vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà, gửi “Đơn tố cáo khẩn cấp” đến chủ tịch nước về các vi phạm nghiêm trọng của công an trong quá trình bắt giữ chồng bà và khám xét căn nhà của họ. Lá đơn này được đăng trên Bauxite Vietnam ngay hôm sau.[41]

Tương tự, ngày 16 tháng Mười Một năm 2010, bà Đặng Thị Kim Hoàn, mợ của Ts. Vũ, gửi một lá đơn tới Trung tướng công an Hữu Ước, Tổng Biên tập báo An ninh Thế giới, yêu cầu cải chính, công khai xin lỗi vì đã đăng thông tin sai về gia đình bà. Hai ngày sau đó, đơn yêu cầu này đã được đăng trên trang Bauxite Vietnam.[42]Ngay cả những yêu cầu, đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đài RFA và Đài VOA tham gia tố tụng cũng được đăng trên mạng internet sau khi những văn bản này được gửi đến nơi nhận vào ngày 28 tháng Mười Hai năm 2010.[43]

Điều gây ngạc nhiên nhất là, Ts. Vũ đã gửi một lá thư ngỏ vào ngày 18 tháng Giêng năm 2011 từ Trại Tạm giam B14 ở Hà Nội đến toàn thể đồng bào của ông để khẳng định niềm tin lâu nay của ông về nhu cầu phải có một thể chế đa đảng.[44] Bức thư, được đăng trên trang Bauxite Vietnam, đã được phổ biến rộng rãi qua nhiều trang khác trên mạng internet.[45]

VI.Thông điệp nước đôi: Phản ứng của chính quyền đối với Ts. Vũ

Thái độ của chính quyền đối với Ts. Vũ càng ngày càng trở nên cứng rắn.

Năm 2005, ông không phải chịu  bất kỳ một hành động trả đũa chính thức nào trong vụ kiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế gây xôn xao dư luận, hay trong việc công nhiên tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa vào năm 2006. Vào tháng Giêng năm 2007, báo Công An Nhân Dân, đăng một bài dài và tương đối công bằng, với nhan đề: “Họa sĩ, Luật gia Cù Huy Hà Vũ một năm ba lần khuấy động công luận.”[46]Ngay cả khi Ts. Vũ nộp đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu vào ngày 11 tháng Sáu năm 2009 về việc phê duyệt dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội phúc đáp ngay vào ngày 15 tháng Sáu. Dù tòa bác đơn kiện của ông với lý do thiếu căn cứ pháp lý, nhưng động thái đưa ra phản hồi chính thức của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội có thể được coi là dấu hiệu cho thấy chính quyền sẵn sàng tham gia đối thoại. Ban đầu, báo chí do nhà nước kiểm soát phớt lờ vụ kiện gây tranh cãi này. Nhưng tất cả các tờ báo lớn có trang mạng đều hăng hái đưa tin Tòa án Nhân dân TP Hà Nội bác đơn kiện.[47]

Có nhiều cách giải thích về thái độ mềm mỏng ban đầu của chính quyền đối với Ts. Vũ. Chắc hẳn có phần vì uy tín của gia đình ông, và quan hệ cá nhân với nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền. Nhưng phần quan trọng hơn có lẽ là vì ông chưa có quan hệ với các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến khác. Dù có hợp tác với trang mạng Bauxite Vietnam và hai người đồng sáng lập Nguyễn Huệ Chi và Phạm Toàn, Ts. Vũ hình như chỉ làm việc độc lập, tách biệt với tất cả các tổ chức, nhóm chính trị. Dù công khai cổ vũ cho một chế độ đa đảng, ông rõ ràng không hề có nỗ lực vận động thành lập bất kỳ một đảng chính trị, hiệp hội hay câu lạc bộ nào hết. Nhiều đơn kiện và tố cáo các nhân vật quan trọng trong chính quyền được gửi tới các cơ quan công quyền trước khi đăng tải trên mạng. Cũng có thể vì trong các vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ts. Vũ thể hiện mình đang hành động như một công dân can đảm và độc lập, nên chính quyền ngại trả đũa hoặc có các hành động có biểu hiện trả đũa đối với ông. Cáo trạng không nhắc đến hai đơn kiện thủ tướng, mặc dù trong cuộc họp báo ngày 6 tháng Mười Một năm 2010 sau vụ bắt Ts. Vũ, Trung tướng Tư đã đề cập đến một danh sách các tài liệu được cho là chứng cứ của hành vi vi phạm điều 88 bộ luật hình sự, trong đó có hai đơn kiện nói trên.

Khi đưa ra các thông tin chống lại Ts. Vũ, chính quyền dường như đang cố làm cho ông trở nên một nhân vật khó ưa hơn. Ngoài việc công bố rằng Ts. Vũ đã vi phạm điều 88, Trung tướng Tư còn thông báo cho các phóng viên rằng Ts. Vũ “phải chịu trách nhiệm về hành vi quan hệ dâm ô trụy lạc, do Vũ gây ra đêm ngày 4/11 tại phòng 101 Khách sạn Mạch Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh,” và Vũ đã “có quan hệ dâm ô” với một “người phụ nữ có địa chỉ, nghề nghiệp rõ ràng, không phải là gái mại dâm.” Mặc dù Ts. Vũ không bị truy tố về những hành vi bị cáo buộc nói trên, cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội ghi rằng cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã chuyển các tài liệu liên quan đến Hồ Lê Như Quỳnh cho đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh “giải quyết theo thẩm quyền.”[48] Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Ts. Vũ chưa bị chính thức truy tố, xét xử về bất cứ hành vi nào liên quan đến việc bị phát hiện trong phòng khách sạn với một người phụ nữ không phải là vợ mình.

Trong buổi họp báo ngày 6 tháng Mười Một, Trung tướng Tư khẳng định công an không theo dõi Ts. Vũ từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh, và chỉ phát hiện thấy cái được cho là cuộc hẹn hò sau khi tiến hành kiểm tra đăng ký thường trú tại khách sạn. Trong buổi họp báo, ông Lê Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình nơi Ts. Vũ sinh sống, tuyên bố rằng “Vũ liên tục vi phạm pháp luật,” kể cả đánh chửi em gái, và rằng ông “tỏ ra ngạo mạn, coi thường pháp luật.”[49]

Chính quyền đã sai lầm nghiêm trọng nếu họ tính rằng, bằng cách tô vẽ Ts. Vũ thành một kẻ ngoại tình và côn đồ sẽ làm giảm sự quan tâm và ủng hộ của công luận dành cho ông. Các công dân mạng Việt Nam rất nhanh nhạy trong việc biến sự ám ảnh của công an với những chi tiết dâm tục thành trò cười, bao gồm việc đề cập đến các bao cao su và không xuất trình được giấy chứng nhận kết hôn trong khách sạn. Họ bắt đầu đăng các lời bình, thậm chí cả giấy chứng nhận kết hôn trên các diễn đàn, phòng chat và trang mạng xã hội Facebook cùng với những lời xin xỏ công an đừng bắt mình.[50] Cả hai người phụ nữ liên quan trong vụ này – vợ của Ts. Vũ, Nguyễn Thị Dương Hà, và người trong khách sạn, Hồ Lê Như Quỳnh, đều vững vàng ủng hộ ông. Hồ Lê Như Quỳnh đã liên lạc với vợ Ts. Vũ và đề nghị Luật sư Trần Đình Triển tư vấn về khả năng kiện những tờ báo đã xâm phạm quyền riêng tư của mình.[51]

Không chỉ riêng thái độ đối với những hành động của Ts. Vũ là bất nhất, mà cách chính quyền xử lý vụ án sau khi bắt ông cũng không nhất quán. Trước sức ép của hàng loạt đơn thư yêu cầu từ phía gia đình ông, chính quyền đã cho phép năm luật sư được tham gia bào chữa cho Ts. Vũ và đồng ý cho họ tiếp xúc bị can trong trại tạm giam.[52] Ngoài ra, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu của Ts. Vũ và một luật sư bào chữa, Hà Huy Sơn, quyết định dời ngày xử từ 24 tháng Ba đến ngày 4 tháng Tư năm 2011.[53]Những động thái này khác hẳn với thông lệ áp dụng với các nhà bất đồng chính kiến khác, thường là bị cấm tiếp xúc với bên ngoài[54] và/hoặc gây sức ép để họ từ chối thuê luật sư bào chữa.[55]

Nhưng không phải tất cả mọi phản ứng của chính quyền đều là tích cực. Thứ nhất, chính quyền phớt lờ rất nhiều đơn khiếu nại của luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đối với những vi phạm về thủ tục tố tụng trong quá trình bắt giữ Ts. Vũ và khám xét căn nhà của họ vào ngày mồng 5 tháng Mười Một năm 2010. Chính quyền cũng không trả lời đơn của gia đình bảo lãnh cho Ts. Vũ được tại ngoại, dù họ gửi đi rất nhiều lần. Ngày 18 tháng Hai, 2011, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội thông báo với Nguyễn Thị Dương Hà là họ thu hồi giấy chứng nhận bào chữa đã cấp cho bà vào tháng Mười Hai 2010 để làm luật sư biện hộ cho chồng. Quyết định số 191/2011/HS-TAHN do Toà án Nhân dân TP Hà Nội ghi bà đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư, sử dụng thông tin về vụ, việc… mà mình biết được gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Đặc biệt là, văn bản đó đã nêu cụ thể việc phổ biến lời khai của Ts. Vũ từ trại giam B14 do bà Nguyễn Thị Dương Hà ghi ngày 18 tháng Giêng năm 2011[56] trên “trang Bauxite Vietnam, các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử trong và ngoài nước” như một bằng chứng của hành vi vi phạm pháp luật.[57]

Ngoài ra, chính quyền còn lúng túng trong phản ứng trước sự ủng hộ càng ngày càng cao dành cho Ts. Vũ. Vào các ngày 20 và 21 tháng Ba năm 2011, những người ủng hộ vô danh gửi hoa đến Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, bày tỏ lòng đoàn kết với gia đình ông. Được trang trí với những dải băng-rôn mang dòng chữ “Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam luôn bên anh chị,” những lẵng hoa được bày ra bên ngoài cửa chính của văn phòng.[58] Chưa đầy vài giờ sau, công an phường Điện Biên điều cả một xe tải chở lực lượng công an và dân phòng phường đến tịch thu những lẵng hoa đó.[59] Công dân mạng nhanh chóng đưa ra những lời chế giễu về động thái thô bạo, mà rõ ràng là không hiệu quả này.[60] Ngay hôm sau, thêm nhiều lẵng hoa được gửi đến văn phòng, lần này với những dải băng-rôn ghi: “Cù Huy Hà Vũ yêu nước thương dân.”[61]

Lực lượng công an và dân phòng thu giữ hoa do những người ủng hộ vô danh gửi đến Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội, ngày 21 tháng Ba năm 2011. © 2011 Người Buôn Gió.

VII. Phiên tòa ngày 4 tháng Tư

Trong vòng ba tuần trước ngày ra tòa, sự ủng hộ của công chúng dành cho Ts. Vũ lan rộng khắp mọi nơi. Các nhà thờ Công giáo ở Hà Nội và Nam Định tổ chức đêm thắp nến với hàng ngàn người đến tham dự cầu nguyện cho sự tự do của Ts. Vũ. Các vị lãnh đạo tôn giáo cơ sở, như mục sư Tin Lành Mennonite Thân Văn Trường và Nguyễn Hồng Quang[62], các vị Hòa thượng của Giáo hội Việt Nam Thống nhất như sư Thích Không Tánh[63], và lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy Lê Quang Liêm[64] đều ra thông cáo ủng hộ Ts. Vũ. Các tù nhân chính trị, cựu cũng như đương, gồm có Hà Sĩ Phu, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Đài và Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng kêu gọi trả tự do cho Ts. Vũ.

Một số blogger nổi tiếng nhất trong nước kêu gọi mọi người hãy đến tòa án vào ngày xử, hoặc nghỉ làm việc ngày hôm đó để phản đối phiên xử. Blog của Người Buôn Gió đăng sơ đồ chi tiết khu vực xung quanh tòa án, chỉ dẫn nơi để xe máy, xe đạp và vị trí các nhà vệ sinh công cộng gần đó. Các blogger khác gợi ý cách phản ứng nếu bị công an sách nhiễu.[65]

Dân chúng tham gia các buổi thắp nến cầu nguyện ở Hà Nội và Nam Định với số lượng đông chưa từng thấy để ủng hộ Ts. Vũ trước phiên xử. Tại Hà Nội, hơn năm nghìn người dự các buổi lễ cầu nguyện cho Ts. Vũ vào các ngày mồng 2 và mồng 3 tháng Tư tại nhà thờ Thái Hà Dòng Chúa Cứu thế và nhà thờ Hàm Long. Ảnh trên chụp một buổi lễ tại Nhà thờ Thái Hà vào Chủ nhật, ngày mồng 3 tháng Tư năm 2011. © 2011 J. B Nguyễn Hữu Vinh

Phiên xử sơ thẩm Ts. Vũ bắt đầu lúc 8 giờ sáng ngày mồng 4 tháng Tư và kéo dài chưa đầy sáu tiếng. Dù báo chí nhà nước đưa tin đây là phiên xử công khai, công chúng được đến dự[66], tòa tuyên bố sức chứa phòng xử án “hạn chế,” và chỉ cho một người trong gia đình là vợ Ts. Vũ, ba đại diện báo chí nước ngoài và bốn nhà ngoại giao được tham dự.[67]

Công an và dân phòng phong tỏa chặt khu vực xung quanh tòa án. Tuy nhiên, hàng trăm người vẫn tụ tập ở các ngã tư, góc phố gần đó và cố tiếp cận tòa án.[68] Hàng chục người bị bắt.[69] Trong đó có luật sư Lê Quốc Quân, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và blogger Paulus Lê Sơn.[70] Nhiều người chứng kiến tả lại rằng công an dùng dùi cui để đe dọa và giải tán những người đang đứng xem một cách ôn hòa.[71] Một số người đứng trên phố bị thu máy ảnh khi đang cố chụp ảnh hay quay video.[72]

Công an giải tán những người cổ vũ cho Ts. Vũ gần Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày mồng 4 tháng Tư năm 2011. © 2011 Người Buôn Gió

 

 

Vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử

Khi phiên tòa mới bắt đầu, Ts. Vũ yêu cầu thay hội đồng xét xử[73] vì xung đột lợi ích. Ts. Vũ lập luận rằng ông bị truy tố về hành vi “kêu gọi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và điều 4 Hiến pháp”[74] [nội dung khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN]; nên sẽ không công bằng cho ông nếu bị xét xử bởi một hội đồng có thành phần, theo ông, gồm những đảng viên Đảng Cộng sản.[75] Khi yêu cầu này bị từ chối, Ts. Vũ yêu cầu tòa thay một trong hai kiểm sát viên, ông Vũ Đăng Hiếu, cũng vì lý do xung đột lợi ích.[76] Theo Ts. Vũ, ông đã tố cáo kiểm sát viên này trong một vụ án khác vào năm 2008.[77] Luật Tố tụng Hình sự quy định người tham gia tố tụng phải từ chối tham gia, hoặc bị thay thế trong các trường hợp “có cơ sở rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ.”[78] Tòa cũng bác yêu cầu này.

Trong phiên xử, bốn luật sư bào chữa yêu cầu Tòa án công bố 10 tài liệu được nêu trong cáo trạng như các bằng chứng chống lại Ts. Vũ. Lý lẽ của các luật sư căn cứ trên điều 214 Luật Tố tụng Hình sự, có quy định rõ “Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa.”[79] Tuy nhiên, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính từ chối yêu cầu này với lý do, theo ông ta, là các bằng chứng đó đã được ghi rõ trong bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, và Ts. Vũ đã thừa nhận 10 tài liệu đó là của mình, cũng như đã ký vào các tài liệu.[80]

Khi luật sư bào chữa Trần Vũ Hải tiếp tục yêu cầu tòa án công bố 10 tài liệu, Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính ra lệnh cho công an tư pháp trục xuất ông ra khỏi phòng xử. Ba luật sư bào chữa còn lại – Trần Đình Triển, Hà Huy Sơn và Vương Thị Thanh – tiếp tục yêu cầu tòa tuân thủ điều 214 và công bố 10 tài liệu cho bên bào chữa xem xét. Khi thẩm phán từ chối yêu cầu của họ, cả ba bỏ ra khỏi phòng xử để phản đối.

Một trong những nguyên nhân tổ bào chữa kiên trì yêu cầu tòa công bố 10 tài liệu có thể là do Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi soạn thảo cáo trạng. Em gái Ts. Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích, là người đầu tiên thông báo về lỗi này trong đơn tố cáo khẩn cấp gửi Quốc hội và các cơ quan chính quyền khác vào ngày 29 tháng Ba, tố cáo việc sử dụng trái luật một lá đơn kiến nghị của anh trai bà gửi Quốc hội làm chứng cứ chống lại ông. Cáo trạng liệt kê một trong mười đầu tài liệu là bài Ts. Vũ trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do ngày 31 tháng Tám năm 2010, trong đó ông kêu gọi hòa giải thật sự với cựu nhân viên chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhiên, lời trích dẫn ghi trong cáo trạng không phải từ bài phỏng vấn với RFA, mà là trong kiến nghị Ts. Vũ gửi tới Quốc hội ngày 30 tháng Tám năm 2010. Bà Bích lập luận rằng, theo luật pháp Việt Nam, công dân có quyền gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tới Quốc hội, nên nội dung kiến nghị nói trên không thể được sử dụng làm chứng cứ buộc tội Ts. Vũ.[81]

Kết cục, tòa án phán quyết rằng Ts. Vũ đã vi phạm điều 88 của Luật Hình sự về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.” Ông bị kết án 7 năm tù, cộng thêm 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Chiều ngày 4 tháng Tư năm 2011, bốn luật sư bào chữa nộp kiến nghị tới nhiều cơ quan hữu quan, như Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản ánh rằng Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính đã vi phạm tố tụng hình sự ghi trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự.[82]

Ngày 21 tháng Tư, báo chí nhà nước đưa tin Ts. Vũ đã nộp đơn kháng án chống lại bản án ngày 4 tháng Tư. Tính đến thời điểm viết báo cáo này, chính quyền chưa cho gia đình được tiếp xúc với ông kể từ sau phiên xử.

VIII. Kết luận

Những nỗ lực của chính quyền Việt Nam nhằm dập tắt tiếng nói của Ts. Vũ đã phản tác dụng, và góp phần tạo nên một phong trào quần chúng ủng hộ ông lớn chưa từng thấy, vẫn đang tiếp tục lớn mạnh trên mạng, cũng như qua số đông người tham dự các buổi lễ thắp nến cầu nguyện ôn hòa để bày tỏ tình liên kết với ông. Trên thực tế, vụ việc cho chúng ta thấy có lý do để hy vọng, giữa môi trường nhân quyền vốn ảm đạm của Việt Nam.

Động thái bảo vệ Ts. Vũ quyết liệt của gia đình ông khiến chính quyền bất ngờ và góp phần tạo thêm sự đồng cảm của công luận dành cho vụ án của ông. Nhưng đáng kể hơn cả là sự ủng hộ sâu rộng đặc biệt dành cho Ts. Vũ từ các nhóm bất đồng chính kiến vốn rất khác biệt và hiếm khi cùng lên tiếng về một mối quan ngại chung. Về khía cạnh này, có thể nói sự ủng hộ của Công giáo dành cho ông là đặc biệt đáng lưu ý. Nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà và nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội, cùng nhà thờ Bảo Long ở Nam Định đã tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện cho Ts. Vũ[83]. Giáo dân từ giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng đã ra tận Hà Nội để thể hiện sự ủng hộ của mình[84] và nhiều người Công giáo đã ký kiến nghị trên mạng yêu cầu trả tự do cho ông.[85] Những việc dấn thân này là hết sức phi thường, trong hoàn cảnh bản thân Ts. Vũ không phải là người Công giáo, và các Nhà thờ Công giáo ở Việt Nam thường không sử dụng nguồn lực chính trị có giới hạn của mình vào các vấn đề không ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đoàn của họ.[86]

Trong số những cổ động viên nổi tiếng khác của Ts. Vũ , có những học giả và giới kỹ trị gắn kết với trang Bauxite Vietnam, các nhà hoạt động vì quyền sử dụng đất đai, những nhà bất đồng chính kiến đầy nhiệt huyết của Khối 8406. Hàng chục blogger nhiều ảnh hưởng liên tục đưa tin hoặc bình luận về vụ việc, như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Nguyễn Trọng Tạo, Kami, Đông A, Nguyễn Xuân Diện, Trần Đông Đức, J.B Nguyễn Hữu Vinh, Lê Diễn Đức, Vũ Đông Hà, Song Chi, Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Tín và nhiều người khác. Cộng đồng người Việt hải ngoại theo dõi rất sát vụ án và thường xuyên đăng nhiều tin, bài phỏng vấn, phân tích; lời bình của hàng ngàn độc giả cũng được đăng tải trên mạng.

Sự ủng hộ đa dạng này là bằng chứng cho thấy rằng tính chất sôi động đặc biệt của vụ án có tác dụng vô hiệu hóa các chiến thuật mà chính quyền đã áp dụng thành công trong nhiều năm qua để phân hóa và làm suy yếu những thành phần chống đối. Ngoài ra, trong danh sách ký kiến nghị trên mạng để ủng hộ Ts. Vũ càng ngày càng có nhiều người dân thường, không liên hệ với bất kỳ nhóm hay tổ chức nào. Hiện tượng này có thể hiểu như một chỉ dấu cho thấy những lỗi hành xử của chính quyền trong vụ án này đã chạm vào mạch ngầm của sự bất bình của dân chúng với tình trạng tham nhũng lan tràn trong hệ thống tư pháp và bàn tay thô bạo của lực lượng công an.[87]

Sự đa dạng hiếm có của lực lượng ủng hộ Cù Huy Hà Vũ chắc chắn có nguyên do từ những hoạt động pháp lý đa dạng của ông trong giai đoạn gần đây nhất. Nhưng cũng phải kể đến một nguyên do nữa, là khả năng lan truyền thông tin về vụ án với tốc độ rất nhanh trên mạng internet, được thực hiện bởi một đội quân gần như vô hình gồm các blogger, nhà báo công dân, và những người dùng Facebook.Về thực chất, làn sóng năng lượng do vụ án tạo ra phải được hiểu là một hệ quả tự nhiên, nhưng quan trọng, của quá trình hình thành và phát triển từng bước của một nền văn hóa pháp luật non trẻ trong những năm gần đây ở Việt Nam –độc lập với nhà nước cộng sản, và sự tăng trưởng tự phát của một xã hội công dân rất năng động trên mạng.

IX. Khuyến nghị

Việc bắt giữ, giam giữ, truy tố và kết án tù Ts. Cù Huy Hà Vũ chỉ có căn cứ duy nhất là hành vi thực hành một cách ôn hòa quyền được thông tin, quyền tự do chính kiến, ngôn luận và hội họp của ông. Những quyền này đã được tôn vinh trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền, cũng như trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Việc bắt giam và kết án tù Ts. Vũ là tùy tiện và trái luật, và ngang nhiên đi ngược hoàn toàn với Tuyên ngôn 1988 của Liên hiệp quốc về những Nhà Bảo vệ Nhân quyền - văn bản đã tái khẳng định quyền của công dân, theo công pháp quốc tế về nhân quyền, được phê bình và phản đối nếu chính phủ thất bại trong việc thực thi các tiêu chuẩn về nhân quyền.[88] Chính quyền Việt Nam đã không đáp ứng được những nội dung khiếu nại và tố cáo của các luật sư và gia đình Ts. Vũ cảnh báo về những dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng về nhiều khía cạnh trong quy trình bắt giữ, điều tra, truy tố và xét xử ông.

Với việc bắt giữ, truy tố và kết án Ts. Vũ 7 năm tù chỉ với lý do ông đã phê phán một cách ôn hòa những việc làm của chính phủ và lãnh đạo Đảng Cộng sản, chính quyền Việt Nam đang vi phạm những nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Ts. Cù Huy Hà Vũ.

Lời cảm ơn

Báo cáo này là kết quả nghiên cứu và soạn thảo của nhân viên Ban Á châu, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Báo cáo được sự biên tập của Phó Giám đốc phụ trách châu Á Phil Robertson; cố vấn chung Dinah PoKempner; và biên tập viên cao cấp của phòng chương trình Danielle Haas.

Quá trình xuất bản có sự trợ giúp của điều phối viên Ban Á châu Jake Scobey-Thal; điều phối viên xuất bản Kathy Mills; biên tập viên hình ảnh Anna Lopriore; và giám đốc sản xuất Fitzroy Hepkins.

Phụ lục A: Các nhân vật chủ chốt

Thành viên trong gia đình

  • Ts. Cù Huy Hà Vũ, bị cáo, Tiến sĩ Luật Sorbonne.
  • Nguyễn Thị Dương Hà, luật sư, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, vợ Ts. Vũ.
  • Cù Thị Xuân Bích, em gái Ts. Vũ.
  • Cù Huy Thước, đảng viên lão thành, chú ruột Ts. Vũ.
  • Cù Huy Chử, đảng viên lão thành, chú ruột Ts. Vũ.
  • Đặng Thị Kim Hoàn, em dâu nhà thơ Xuân Diệu – một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thế kỷ hai mươi của Việt Nam, mợ của Ts. Vũ.

Thành viên liên quan

  • Luật sư Trần Đình Triển, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ. Luật sư Trần Đình Triển được nhiều người coi là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực pháp luật với vai trò luật sư bào chữa cho những vụ án nhạy cảm về chính trị.
  • Luật sư Hà Huy Sơn, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ.
  • Luật sư Trần Vũ Hải, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ.
  • Luật sư Vương Thị Thanh, thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ.
  • Luật sư Trần Lâm, luật sư bào chữa cho nhiều vụ liên quan đến bất đồng chính kiến, trong đó có vụ mới đây xử ông Vi Đức Hồi của Tập san Tổ Quốc.
  • Hồ Lê Như Quỳnh, người phụ nữ ở bên Ts. Vũ khi ông bị bắt ngày 5 tháng Mười Một năm 2010.

Các đài phát thanh, tờ báo, trang mạng, nhà báo và blogger

  • Công An Nhân Dân – tờ báo của Bộ Công An.
  • Trang Bauxite Vietnam—một trang mạng trong nước gây tranh cãi với tiêu chí dấn thân cho những vấn đề về môi trường và xã hội, nhất là việc khai quặng bauxite ở Tây Nguyên và những sai phạm trong quản lý của Tập đoàn Vinashin do nhà nước sở hữu. Khởi xướng trang mạng này là học giả ngành nhân văn Nguyễn Huệ Chi, nhà hoạt động giáo dục Phạm Toàn và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
  • Đài Á châu Tự do – Ban Việt ngữ.
  • Đài Tiếng nói Hoa Kỳ - Ban Việt ngữ.
  • Đài BBC – Ban Việt ngữ.
  • Trang Dân Luận— một trang mạng hải ngoại cổ vũ cho một nền báo chí công dân, do Tổng Biên tập Nguyễn Công Huân điều hành.
  • Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), một blogger độc lập ở Nha Trang.
  • Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió), một blogger độc lập ở Hà Nội.
  • Phạm Trần – phóng viên đài truyền hình SBTN tại Hoa Kỳ.
  • Nguyễn Thị Trâm Oanh – thành viên của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Đức.

Quan chức Việt Nam

  • Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
  • Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
  • Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục II, Bộ Công An.
  • Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
  • Trung tướng Hữu Ước, Tổng Biên tập báo Công An Nhân Dân.
  • Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.

Phụ Lục B: Diễn tiến sự kiện theo trình tự thời gian

Diễn tiến hoạt động của Ts. Vũ trước khi bị bắt vào ngày 5.11. 2010

  • Ngày 3 tháng Mười Một, 2010 – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Thị Trâm Oanh về khả năng Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ sẽ đại diện cho 6 giáo dân Cồn Dầu kháng cáo bản án của Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Lệ ngày 27 tháng Mười.
  • Ngày 27 tháng Mười, 2010 – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Thị Trâm Oanh báo Vietnam Exodus về kết quả phiên tòa xử 6 giáo dân Cồn Dầu bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng.
  • Ngày 25 tháng Mười, 2010 – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn phóng viên Nguyễn Thị Trâm Oanh trước phiên xử 6 giáo dân từ giáo xứ Cồn Dầu.
  • Ngày 24 tháng Mười, 2010 – “Ts. Cù Huy Hà Vũ: Bản án dành cho sáu giáo dân Cồn Dầu đã được duyệt trước” – Trả lời phỏng vấn của Thomas Việt, báo Vietnam Redemptorist News (Tin tức Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam).
  • Ngày 21 tháng Mười, 2010 – Ts. Vũ nộp đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên Tòa án Nhân dân Tối cao vì đã ký Nghị định 136/2006/NĐ-CP cấm khiếu kiện tập thể.
  • Ngày 14 tháng Mười, 2010 – Ts Vũ trả lời phỏng vấn của phóng viên Nguyễn Thị Trâm Oanh, báo Vietnam Exodus về Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng Một năm 2011.
  • Ngày 27 tháng Mười, 2010 – Ts. Vũ gửi Đơn kiến nghị với Quốc hội với tiêu đề, “Kiến nghị không trương cờ búa liềm và biểu trưng khác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thủ đô Thăng Long – Hà Nội và các lễ, hội khác của đất nước, dân tộc, cộng đồng.”
  • Ngày 11 tháng Chín, 2010 – Ts. Vũ gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ban hành Nghị Định 136/2006/NĐ-CP cấm khiếu kiện tập thể.
  • Ngày 10 tháng Chín, 2010 – “Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ: Đa đảng hay là chết” – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn Thomas Việt của báo Vietnam Redemptorist News, đăng lại trên trang Bauxite Vietnam.
  • Ngày 6 tháng Chín, 2010 – Ts. Vũ nộp Đơn tố cáo Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về quyết định cưỡng chế tịch thu đất của bà Dương Thị Kính làm dự án phát triển thương mại.
  • Ngày 31 tháng Tám, 2010 – Mặc Lâm của Đài Á châu Tự do phỏng vấn Ts. Vũ về đơn kiến nghị đại xá toàn bộ cựu viên chức Việt Nam Cộng Hòa mới gửi Quốc hội một ngày trước đó.
  • Ngày 30 tháng Tám, 2010 – Cù Huy Hà Vũ gửi “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy ‘Việt Nam’ làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc” lên Quốc hội.
  • Ngày 19 tháng Sáu, 2010 – “Ts. Cù Huy Hà Vũ: Từ khởi kiện Thủ tướng đến yêu cầu bỏ điều 4 Hiến pháp” – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
  • Ngày 1 tháng Sáu, 2010 – Ts. Vũ đề nghị truy tố Trung tướng Vũ Hải Triều thuộc Bộ Công An, nhân vật được cho là đã chỉ đạo tấn công vi tính vào các trang mạng nhạy cảm về chính trị. Văn bản này, với tiêu đề “Tố cáo và đề nghị khởi tố và truy tố Trung tướng Vũ Hải Triều,” đã được gửi đến nhiều vị lãnh đạo nhà nước và đăng trên trang mạng Bauxite Vietnam.
  • Ngày 16 tháng Năm, 2010 – Trang Bauxite Vietnam đăng “Thư ngỏ gửi Trung tướng Vũ Hải Triều” của Ts. Vũ, đề nghị Trung tướng Vũ Hải Triều của Bộ Công An trả lời chính thức về thông tin cho rằng chính ông ta đã chỉ đạo vụ tấn công vi tính vào các trang mạng nhạy cảm chính trị.
  • Ngày 29 tháng Tư, 2010 – “Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng Tư dưới mắt TS Cù Huy Hà Vũ” – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
  • Ngày 23 tháng Ba, 2010 – Bài viết của Ts. Vũ, “‘Tam quyền nhất lập’, đồng lòng hại dân,” đăng trên Bauxite Vietnam.
  • Ngày 1 tháng Hai, 2010 – “Phải đa đảng mới chống được lạm quyền” – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do.
  • Ngày 18 tháng Giêng, 2010 – Bài viết của Ts. Vũ, “Bàn về đa đảng,” đăng trên trang BBC.
  • Ngày 13 tháng Mười, 2009 – Bài viết của Ts. Vũ, “Vụ bà Trần Khải Thanh Thủy ‘cố ý gây thương tích’ và dấu hiệu ‘bẫy người khác phạm tội’” đăng lần đầu trên trang Bauxite Vietnam (bauxitevn.info) sau đó được đăng lại trên Dân Luận và nhiều trang mạng khác.
  • Ngày 3 tháng Tám, 2009 – “Chánh án Tòa Đà Nẵng học luật ở đâu?” – Ts. Vũ trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do.
  • Ngày 1 tháng Tám, 2009 – Bài viết của Ts. Vũ, “Đưa tướng công an Trần Văn Thanh hôn mê ra xét xử, Chánh án Tòa Đà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền.” Đăng lần đầu trên trang Bauxite Vietnam, đăng lại trên trang Dân Lên Tiếng.
  • Ngày 3 tháng Bảy, 2009 – Ts. Vũ nộp đơn lên Tòa án Nhân dân Tối cao kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ký Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1 tháng Mười Một năm 2007 phê duyệt dự án khai thác quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên.
  • Ngày 26 tháng Sáu, 2009 – Bài viết của Ts. Vũ “Kiện thủ tướng là đúng đối tượng,” đăng trên BBC.
  • Ngày 11 tháng Sáu, 2009 – Ts. Vũ nộp đơn lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ký Quyết định 167/2007/QĐ-TTg ngày 1 tháng Mười Một năm 2007 phê duyệt dự án khai thác quặng bauxite ở vùng Tây Nguyên. Tòa án Nhân dân TP Hà Nội bác đơn kiện vào ngày 15 tháng Sáu, 2009.
  • Ngày mồng 3 tháng Tư, 2007 – Ts. Vũ tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng bị loại ở vòng hiệp thương ở tổ dân phố.
  • Ngày mồng 8 tháng Năm, 2006 – Ts. Vũ nộp đơn tự đề cử mình vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa.
  • Ngày 19 tháng Năm, 2005 – Ts. Vũ nộp đơn kiện Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên-Huế vì đã cấp giấy phép xây dựng khu du lịch trên đồi Vọng Cảnh – một di tích văn hóa của TP Huế.

Diễn tiến sự kiện trước phiên tòa xử Ts. Vũ ngày 4.4.2011

  • Ngày mồng 4 tháng Tư, 2011 – Em gái Ts. Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích, đăng một bản tuyên bố của anh trai mình. Với tiêu đề “Lời tuyên bố của Ts. Luật Cù Huy Hà Vũ,” bản tuyên bố khẳng định quan điểm của Ts. Vũ rằng mình vô tội và Lịch sử, Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam sẽ phá án cho mình.
  • Ngày mồng 3 tháng Tư, 2011 – Nhà thờ Bảo Long, Nam Định, tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện cho Ts. Vũ được tự do; Các mục sư Tin Lành Mennonite, trong đó có MS Nguyễn Hồng Quang và Thân Văn Trường công bố thư hiệp thông ủng hộ Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 2 tháng Tư, 2011 – Nhà thờ Thái Hà dòng Chúa Cứu thế và Nhà thờ Hàm Long ở Hà Nội tổ chức lễ thắp nến cầu nguyện cho tự do của Ts. Vũ; lãnh đạo Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, cụ Lê Quang Liêm ra cáo bạch hiệp thông với Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 1 tháng Tư, 2011 – Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội gửi thông báo chính thức cho phép vợ Ts. Vũ tham dự phiên tòa xử chồng mình; Luật sư Lê Quốc Quân đăng bài phát biểu biện hộ cho Ts Vũ.
  • Ngày 31 tháng Ba, 2011 – Viên chức Bộ Ngoại Giao thông báo chỉ có hai phóng viên nước ngoài được phép tham dự phiên tòa xử Ts. Vũ vào ngày mồng 4 tháng Tư.
  • Ngày 30 tháng Ba, 2011 - blogger Vũ Đông Hà đăng bài viết nhan đề “Ngày V – Niềm tin và hành động” vận động mọi người ủng hộ Ts. Vũ bằng nhiều phương thức khác nhau.
  • Ngày 29 tháng Ba, 2011 – Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, tuyên bố sẽ tổ chức thánh lễ thắp nến hai ngày mồng 2 và 3 tháng Tư để cầu nguyện cho Ts. Vũ.
  • Ngày 27 tháng Ba, 2011 – Luật sư Vương Thị Thanh, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ, gửi đơn đến Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, yêu cầu tòa án giải quyết một số vấn đề trước khi mở phiên xử sơ thẩm vào ngày mồng 4 tháng Tư.
  • Ngày 25 tháng Ba, 2011 – Khối 8406 ra tuyên bố ủng hộ Ts. Vũ.
  • Ngày 24 tháng Ba, 2011 – Các giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng, bay ra Hà Nội thăm bà Nguyễn Thị Dương Hà, vợ Ts. Vũ.
  • Ngày 23 tháng Ba, 2011 – Luật sư Hà Huy Sơn, luật sư bào chữa cho Ts. Vũ , gửi đơn lên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, yêu cầu triệu tập Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Trung tướng công an Hoàng Kông Tư và bà Hồ Lê Như Quỳnh tham gia tố tụng; Một người dân phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu, nộp một thỉnh nguyện thư gửi nhiều cơ quan nhà nước đề nghị trả tự do cho Ts. Vũ.
  • Ngày 22 tháng Ba, 2011 – Nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, Tống Văn Công, làm thơ tặng hai vợ chồng Ts. Vũ; cùng ngày, Giáo dân Cồn Dầu, Đà Nẵng, công bố thư hiệp thông với Ts. Vũ.
  • Ngày 21 tháng Ba, 2011 – Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quyết định hoãn ngày xử sơ thẩm từ 24 tháng Ba sang ngày mồng 4 tháng Tư, 2011; công an phường Điện Biên tịch thu hoa được gửi đến Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ.
  • Ngày 20 tháng Ba, 2011 – Blogger Trần Đông Đức vận động thực hiện “Một ngày dành cho Cù Huy Hà Vũ”; Nghiêm Thái Hòa sáng tác một bài hát lấy tên là “Tôi yêu Tổ quốc tôi” để tặng Ts. Vũ.
  • Ngày 19 tháng Ba, 2011 – Blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) đăng trên blog của mình sơ đồ và hướng dẫn chi tiết khu vực xung quanh Tòa án Nhân dân TP Hà Nội.
  • Ngày 17 tháng Ba, 2011 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp lá đơn thứ hai đề nghị cho Ts. Vũ đi khám bệnh và điều trị.
  • Ngày 16 tháng Ba, 2011 – Báo Thanh Niên đăng thông tin về phiên tòa xử Ts. Vũ sẽ mở công khai.
  • Ngày 15 tháng Ba, 2011 – Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường công bố thư góp ý amicus curea gửi Tòa án Nhân dân TP Hà Nội kiến nghị trả tự do cho Ts. Vũ ngay lập tức; Trang mạng Công giáo Nữ Vương Công Lý đăng thư ngỏ kêu gọi độc giả ủng hộ Ts. Vũ.
  • Ngày 14 tháng Ba, 2011 – Blogger Kami đăng bài viết tựa đề “Nên làm gì vào ngày xử Cù Huy Hà Vũ” vận động mọi người đến tòa án; Em gái Ts. Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích công bố thư ngỏ gửi toàn thể nhân dân Việt Nam, khẳng định tất cả những việc anh trai mình làm không hề vi phạm pháp luật, và hoàn toàn vì lợi ích dân tộc.
  • Ngày 13 tháng Ba, 2011 – Cựu chiến binh Nguyễn Tường Thụy ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội gửi thỉnh nguyện thư gửi các cơ quan nhà nước, đề nghị trả tự do cho Ts. Vũ.
  • Ngày 12 tháng Ba, 2011 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp lại đơn khiến nại lần thứ hai vì bị thu hồi giấy phép bào chữa cho chồng.
  • Ngày 10 tháng Ba, 2011 – Luật sư Nguyễn Xuân Phước gửi “Đơn khiếu nại về việc bắt giữ tùy tiện Cù Huy Hà Vũ lên Tổ Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc.”
  • Ngày 1 tháng Ba, 2011 – Em gái Ts. Cù Huy Hà Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích gửi đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân TP Hà Nội trả lời về lá đơn trước của bà xin cho Ts. Vũ được tại ngoại, nộp ngày mồng 6 tháng Mười Một và ngày 30 tháng Mười Hai, 2010.
  • Ngày 20 tháng Hai, 2011 – vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp đơn khiến nại quyết định thu hồi giấy phép bào chữa của bà.
  • Ngày 18 tháng Hai, 2011 – Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thu hồi giấy phép bào chữa của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà trong vụ án Ts. Vũ. Theo tòa án, bà Dương Hà đã “lợi dụng việc hành nghề luật sư, sử dụng thông tin gây tác động xấu tới an ninh quốc gia và xâm phạm lợi ích nhà nước.” Tài liệu được tòa dẫn làm chứng cứ cho hành vi lợi dụng việc hành nghề luật của bà Dương Hà là (việc công bố) lá thư của Ts. Vũ ghi ngày 18 tháng Giêng, 2011 (xem ngày 18 tháng Giêng).
  • Ngày mồng 7 tháng Hai, 2011 – Thiếu tướng quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh bày tỏ sự ủng hộ đối với Ts. Vũ trong cuộc đối thoại với ông Phạm Toàn, người đồng sáng lập trang Bauxite Vietnam.
  • Ngày 31 tháng Giêng, 2011 – Trang Dân Luận đăng cáo trạng dành cho Cù Huy Hà Vũ của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội ký ngày 17 tháng Mười Hai, 2010. Dân Luận không công bố nguồn tin đã cung cấp tài liệu này.
  • Ngày 27 tháng Giêng, 2011 – Bà Nguyễn Thị Dương Hà gửi đơn đến Bộ Công an yêu cầu trả lời hai đơn tố cáo gửi ngày mồng Tám tháng Mười Một, và ngày mồng 5 tháng Mười Hai, 2010.
  • Ngày 18 tháng Giêng, 2011 – Từ trong Trại giam B14 ở Hà Nội, Ts. Vũ gửi thư ngỏ tái khẳng định ba điểm chính 1) ông phản đối việc [Đảng] đánh đồng Tổ quốc với chủ nghĩa xã hội; 2) ông ủng hộ hệ thống đa đảng; và 3) ông ủng hộ việc liên minh quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
  • Ngày 18 tháng Giêng, 2011 – Blogger Bùi Thanh Hiếu (viết blog với bút danh Người Buôn Gió) gửi thư ngỏ đến Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do và Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, yêu cầu hai đài trả lời công khai về đề nghị của Ts. Vũ yêu cầu họ tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án của mình.
  • Ngày 15 tháng Giêng, 2011 – Từ trong Trại giam B14 ở Hà Nội Ts. Vũ gửi văn bản yêu cầu báo Công An Nhân Dân xin lỗi công khai vì đã vu khống ông.
  • Ngày 15 tháng Giêng, 2011 – nhà báo Phạm Trần gửi thư đến Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ đề nghị được làm nhân chứng của vụ án với lý do ông đã có bốn bài phỏng vấn Ts. Vũ cho mạng truyền hình SBTN.
  • Ngày 13 tháng Giêng, 2011 – Trang mạng Bauxite Vietnam gửi thỉnh nguyện thư đến các lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đề nghị 1) cho Ts. Vũ được tại ngoại; và 2) xét xử Ts. Vũ một cách công bằng và công khai.
  • Ngày 13 tháng Giêng, 2011 – Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (còn gọi là Mẹ Nấm) gửi một lá thư tập thể với danh sách gồm tên, địa chỉ và chữ ký của nhiều người đến Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đề nghị hai đài trả lời yêu cầu của Ts. Vũ về việc họ tham gia tố tụng với tư cách các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
  • Ngày 12 tháng Giêng, 2011 – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi đơn theo yêu cầu của Ts. Vũ từ Trại giam B14 tới Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, tái khẳng định mình vô tội và đề nghị đình chỉ vụ án và trả tự do ngay lập tức cho Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 5 tháng Giêng, 2011 – Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà trả lời phỏng vấn của trang mạng hải ngoại DCVOnline.net về vụ án của Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 3 tháng Giêng, 2011 – Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) gửi thư ngỏ tới Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do và Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, yêu cầu hai đài lưu tâm đến yêu cầu của Ts. Vũ đề nghị họ tham gia tố tụng với tư cách các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án của mình; Linh mục Nguyễn Hữu Giải từ giáo xứ An Bằng, TP Huế hiệp thông cầu nguyện cho Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 2 tháng Giêng, 2011 – Phóng viên Nguyễn Thị Trâm Oanh gửi thư nhận lời tham gia tố tụng trong vụ án của Ts. Vũ tới Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ. Nguyễn Thị Trâm Oanh là thành viên của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Đức (Reporter ohne Grenzen) và là phóng viên của tờ báo mạng Vietnam Exodus có trụ sở tại Hoa Kỳ và tạp chí Thế giới Ngày nay cũng có trụ sở tại Hoa Kỳ.
  • Ngày 30 tháng Mười Hai, 2010 – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ thay mặt Ts. Vũ gửi thư đề nghị đài Á châu Tự do tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, với lý do trong cáo trạng có nêu tên Đài Á châu Tự do.
  • Ngày 30 tháng Mười Hai, 2010 – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ thay mặt Ts. Vũ gửi thư đề nghị bà Nguyễn Thị Trâm Oanh, thành viên của tổ chức Reporter ohne Grenzen, yêu cầu bà tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, với lý do trong cáo trạng có nêu tên bà Nguyễn Thị Trâm Oanh.
  • Ngày 30 tháng Mười Hai, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà và em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích nộp đơn lần thứ hai xin cho ông được tại ngoại  trong khi chờ xét xử.
  • Ngày 28 tháng Mười Hai, 2010 – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ thay mặt Ts. Vũ gửi thư đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham gia tố tụng với lý do Ts. Vũ bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” nên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, là người đứng đầu nhà nước phải đại diện cho nguyên cáo trong vụ án chống lại bị cáo Cù Huy Hà Vũ.
  • Ngày 27 tháng Mười Hai, 2010 – Từ Trại giam B14, Ts. Vũ gửi thư đề nghị Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tham gia tố tụng trong vụ án của mình với tư cách bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, với lý do trong cáo trạng có nêu tên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ.
  • Ngày 21 tháng Mười Hai, 2010 – Tòa án Nhân dân TP Hà Nội chấp nhận bà Nguyễn Thị Dương Hà làm luật sư bào chữa cho chồng.
  • Ngày 17 tháng Mười Hai, 2010 – Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội hoàn tất cáo trạng đối với Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”
  • Ngày 12 tháng Mười Hai, 2010 – Em gái Ts. Vũ, bà Cù Thị Xuân Bích và mợ ông, bà Đặng Thị Kim Hoàn, gửi thư yêu cầu lần hai cho Trung tướng Hữu Ước, tổng biên tập báo Công An Nhân Dân để yêu cầu xin lỗi và cải chính vì đã vu khống Ts. Vũ và xâm phạm đời tư của ông.
  • Ngày mồng 5 tháng Mười Hai, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà, gửi đơn tố cáo đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, khẳng định ông vô tội và kêu gọi hủy bỏ vụ án và trả tự do cho Ts. Vũ.
  • Ngày mồng 5 tháng Mười Hai, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà gửi đơn tố cáo đến Quốc hội yêu cầu trả tự do cho Ts. Vũ.
  • Ngày 25 tháng Mười Một, 2010 – Chú ruột của Ts. Vũ, ông Cù Huy Thước, gửi thư đến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đề nghị cho phép bà Nguyễn Thị Dương Hà được gặp chồng mình là Ts. Vũ.
  • Ngày 23 tháng Mười Một, 2010 – Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ gửi đơn lần hai đề nghị cấp giấy phép bào chữa cho luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và luật sư Trần Đình Triển làm luật sư bào chữa cho Ts. Vũ.
  • Ngày 21 tháng Mười Một, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà, gửi đơn tố cáo tới Bộ trưởng Bộ Công An Lê Hồng Anh tố cáo Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra vi phạm quyền được có đại diện pháp lý của Ts. Vũ; bà yêu cầu phải có công văn trả lời đơn tố cáo của mình.
  • Ngày 19 tháng Mười Một, 2010 – Từ Trại giam B14 ở Hà Nội, Ts. Vũ gửi thư mời chú ruột mình, ông Cù Huy Chử làm người bào chữa.
  • Ngày 16 tháng Mười Một, 2010 – Mợ của Ts. Vũ, Bà Đặng Thị Kim Hoàn gửi đơn yêu cầu Trung tướng Hữu Ước, Tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, phải xin lỗi vì đăng một bài báo vu khống Ts. Vũ và xâm phạm đời tư của ông.
  • Ngày 15 tháng Mười Một, 2010 – Chú ruột Ts. Vũ, ông Cù Huy Thước, gửi thư yêu cầu Bộ Công an, đề nghị Cơ quan An ninh Điều tra thông báo cho gia đình về tình trạng của Ts. Vũ và nơi giam giữ để có thể thăm nuôi.
  • Ngày 12 tháng Mười Một, 2010 – Đại tá Nguyễn Ngọc Phi của Bộ Công an gửi công văn trả lời vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà, xác nhận đã tiếp nhận được các lá đơn của bà vào ngày mồng 6 tháng Mười Một, 2010, đề nghị bảo lãnh cho Ts. Vũ được tại ngoại trong quá trình điều tra, và đơn ngày mồng 7 tháng Mười Một, 2010 đề nghị được làm người bào chữa cho ông.
  • Ngày mồng 8 tháng Mười Một, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà, gửi “Đơn tố cáo khẩn cấp” tới Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về những vi phạm nghiêm trọng của công an trong quá trình bắt giữ chồng bà và khám xét ngôi nhà của họ.
  • Ngày mồng 7 tháng Mười Một, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà nộp đơn đề nghị làm người bào chữa cho chồng mình.
  • Ngày mồng 6 tháng Mười Một, 2010 – Vợ Ts. Vũ, bà Nguyễn Thị Dương Hà và em gái ông, bà Cù Thị Xuân Bích nộp đơn đề nghị bảo lãnh cho ông được tại ngoại.
  • Ngày mồng 5 tháng Mười Một, 2010 – Trang web Cù Huy Hà Vũ được mở trên WordPress với mục đích đăng các tài liệu liên quan đến vụ án của ông.

[1]Trong vụ Ts. Vũ, công an phản bác lại tin đồn rất phổ biến về việc họ đã theo dõi chặt chẽ Cù Huy Hà Vũ suốt một thời gian, bằng cách đưa ra tuyên bố ban đầu rằng việc kiểm tra khách sạn Mạch Lâm chỉ là một cuộc kiểm tra thông thường. Tuy nhiên, một tháng rưỡi sau, nội dung câu chuyện đã thay đổi. Trong cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ (đăng trên Dân Luận), công an tuyên bố rằng họ “nhận được tin báo của quần chúng” về hoạt động phạm pháp ở khách sạn Mạch Lâm. Đây là động thái thường thấy của công an Việt Nam, họ thường tuyên bố rằng “có tin báo của quần chúng” khi ra tay bắt các nhà bất đồng chính kiến. Sau đó, thường là không có một thông tin thêm nào được đưa ra về các nguồn tin này.

[2]Điều 4 Hiến pháp 1992 của Việt Nam tuyên bố, “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” Hiến pháp 1992, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. http://www.vietnamembassy.us/learn_about_vietnam/politics/constitution/ (truy cập ngày 31 tháng Ba, 2011); “Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ra ngày 17 tháng Mười Hai năm 2010, đăng trên trang mạng Dân Luận, ngày 31 tháng Giêng năm 2011, http://danluan.org/node/6730 (truy cập ngày 31 tháng Giêng, 2011).

[3]Nguyễn Thị Dương Hà, “Đơn tố cáo khẩn cấp,” Bauxite Vietnam, ngày 9 tháng Mười Một năm 2010, http://www.boxitvn.net/bai/13030 (truy cập ngày 9 tháng Mười Một, 2010).

[4]Thông tin này về sau được kiểm chứng lại là không chính xác. Hồ Lê Như Quỳnh không phải là luật sư.

[5] Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, “Luật sư vi phạm hành chính còn đe dọa hành hung người thi hành công vụ,” Công an TP Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng Mười Một, 2010, http://www.congan.com.vn/vie/news/news_printpreview.php?catid=681&id=177077 (truy cập ngày 3 tháng Hai, 2011).

[6]Thông tấn xã Việt Nam, “Bắt Cù Huy Hà Vũ vì hành vi chống phá nhà nước,” Vietnamese News Agency, ngày 6 tháng Mười Một năm 2010, http://www.vietnamplus.vn/Home/Bat-Cu-Huy-Ha-Vu-vi-hanh-vi-chong-pha-Nha-nuoc/201011/66926.vnplus (truy cập ngày 3 tháng Hai, 2011).

[7]Thông tấn xã Việt Nam, nt.

[8] Sáu người dân bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” theo các điều 245 và 257 của bộ luật hình sự. Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dẫn trong A Selection of Fundamental Laws of Vietnam (Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới, 2001).

[9]Cù Huy Hà Vũ, “Tố cáo và đề nghị khởi tố và truy tố Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh – Bộ Công an về ‘tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, ‘tội phá hoại chính sách đoàn kết’ và ‘tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’”, Bauxite Vietnam, ngày 2 tháng Sáu, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/4862 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011).

[10]Cù Huy Hà Vũ, “Hãy đưa ra vành móng ngựa tên Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, và đồng bọn đã đập nhà, cướp đất của bà Dương Thị Kính, thân nhân của ba liệt sĩ!” Bauxite Vietnam, ngày 6 tháng Chín, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/10483 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011).

[11]Muốn xem danh sách đầy đủ các tài liệu được liệt kê trong cáo trạng ngày 17 tháng Mười Hai, 2010 làm căn cứ cho hành vi vi phạm điều 88, xem “Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ra ngày 17 tháng Mười Hai năm 2010, đăng trên trang mạng Dân Luận, ngày 31 tháng Giêng năm 2011, http://danluan.org/node/6730 (truy cập ngày 31 tháng Giêng, 2011).

[12]Cù Huy Hà Vũ “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – Do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025,” Dân Luận, ngày 12 tháng Sáu, 2009, http://danluan.org/node/6944 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011); Hoàng Khuê và Hoàng Anh, “Bác đơn kiện quyết định của Thủ tướng về quy hoạch bô-xít,” VNExpress, ngày 23 tháng Sáu, 2009, http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2009/06/3ba106fd/; truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011).

[13]“Công an Việt Nam họp báo về ông Cù Huy Hà Vũ,” BBC Vietnamese, ngày 6 tháng Mười Một, 2010, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101106_cuhuyhavu_update.shtml (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011).

[14]Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo.

[15]Cù Huy Hà Vũ “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật,” Bauxite Vietnam, ngày 28 tháng Mười, 2010, http://boxitvn.blogspot.com/2010/10/on-khoi-kien-thu-tuong-chinh-phu-nguyen.html (truy cập ngày 8 tháng Mười Một, 2010).

[16] “Hội Mỹ thuật Việt Nam một năm hoạt động và những nhiệm vụ công tác năm 2011,” trang web của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tháng Giêng, 2011, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:KbZtsbYp6wUJ:www.vietnamfineart.com.vn/printContent.aspx%3FID%3D2737+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&source=encrypted.google.com (truy cập ngày 31 tháng Ba, 2011).

[17]Cù Huy Hà Vũ bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao (BNG) từ năm 1979, và khi đi Pháp học vào năm 1984, ông vẫn đang là công chức biên chế của BNG. Tuy nhiên, khi về nước vào năm 1999, BNG không giao cho ông một vị trí hay công việc gì cụ thể, và cũng không trả lương. Năm 2004, Cù Huy Hà Vũ dọa kiện BNG vì không phân công công việc và không trả lương ông. Khi đó, BNG mới cử ông làm ở thư viện của bộ, nhưng ông không nhận công việc này. BNG giao cho ông làm nghiên cứu, một công tác không đòi hỏi ông phải đến cơ quan hàng ngày. Ngày 19 tháng Mười Một năm 2009, sau khi Ts. Vũ nộp đơn kiện Thủ tướng Dũng, BNG ra quyết định buộc ông thôi việc, và ông đã phản đối quyết định này. Tuy nhiên, cho đến nay, cả ông lẫn gia đình chưa hề nhận được một quyết định chính thức nào từ BNG về việc sa thải. Thanh Vi, “Cù Huy Hà Vũ là người như thế nào?” An ninh Thế giới, số 1010, do Công an Nhân dân đăng lại trên mạng ngày 13 tháng Mười Một, 2010, http://www.cand.com.vn/vi-VN/binhluan/2009/11/139859.cand (truy cập ngày 15 tháng Mười Một, 2011); những cuộc trao đổi qua điện thoại của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền với gia đình Ts. Vũ, tháng Ba 2011.

[18]Theo điều 18 của Luật Luật sư 65/2006/QH11 ngày 29 tháng Sáu năm 2006, một người đang là công chức, cán bộ, sĩ quan hay bộ đội chuyên nghiệp không được hành nghề luật sư. Khi đó, Ts. Vũ đang là công chức BNG nên không thể xin cấp thẻ luật sư.

[19]“Lần đầu tiên xét xử vụ kiện bản quyền liên quan đến truyện Kiều,” đăng trên Sài Gòn Giải phóng, sau đó đăng lại trên Viet Bao,ngày 26 tháng Mười Hai, 2006, http://vietbao.vn/Van-hoa/Lan-dau-tien-xet-xu-vu-kien-ban-quyen-lien-quan-den-truyen-Kieu/40179661/181/ (truy cập ngày 31 tháng Giêng, 2011). Xem thêm, Bích Ngọc “Liệu đã là hồi kết cho vụ án hai nhà Kiều học,” VnMedia, http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?NewsId=93720&Catid=58, đăng lại trên Tin 247, ngày 15 tháng Giêng, 2007, http://www.tin247.com/lieu_da_la_hoi_ket_cho_vu_an_hai_nha_kieu_hoc-8-21272748.html (truy cập ngày 18 tháng Tư, 2011).

[20]Trong một thông báo chính thức ghi ngày 10 tháng Sáu năm 2009 (một ngày trước khi Ts. Vũ nộp đơn kiện Thủ tướng Dũng), Chánh văn phòng Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội Vũ Văn Thắng  phát biểu rằng Đoàn nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về tư cách luật sư của Cù Huy Hà Vũ, nên đáp lại Đoàn đã ra một văn bản xác nhận Ts. Vũ không phải là luật sư và vì có tồn tại một Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ nên nhiều người tưởng Ts. Vũ cũng là luật sư. Dù thông báo trên đề ngày ký là mồng 10 tháng Sáu năm 2009, nhưng Ts. Vũ cho rằng thông báo đó phải được viết trong, hoặc sau ngày 11 tháng Sáu, vì nó chỉ xuất hiện sau, không phải trước, các thông báo khác của Đoàn Luật sư đề ngày 11 tháng Sáu năm 2009. Ngoài ra, ông cũng cáo buộc rằng Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội không có quyền đăng tải một thông báo kiểu như thế về một công dân không có liên quan gì tới Đoàn. Xem Cù Huy Hà Vũ “Đơn khiếu nại v/v Thông báo không số ngày 10/6/2009 của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội xâm phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín của công dân Cù Huy Hà Vũ,” Dân Luận, ngày 2 tháng Bảy, 2009, http://danluan.org/node/1782 (truy cập ngày 3 tháng Ba, 2011). Dù Đoàn Luật sư TP Hà Nội không phản hồi đơn khiếu nại của Ts. Vũ, thông báo nói trên sau đó đã bị gỡ khỏi trang mạng của Đoàn. Để có một bản sao của thông báo, xem “Anh Cù Huy Hà Vũ không phải là một luật sư” trên trang mạng của Công ty Luật Dragon (thành viên của Đoàn Luật sư TP Hà Nội), http://ngheluatsu.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=91 (truy cập ngày 3 tháng Năm, 2011).

[21] Hà Huy Sơn “Yêu cầu triệu tập người tham gia tố tụng của vụ án (có bổ sung),” Bauxite Vietnam, ngày 25 tháng Ba, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/19062 (truy cập ngày 28 tháng Ba, 2011).

[22]Đài RFA, ”Thư yêu cầu Tòa án Nhân dân TP Hà Nội thả ông Cù Huy Hà Vũ ngay lập tức,”  trang Cù Huy Hà Vũ, ngày 9 tháng Hai, 2011: http://chhv.wordpress.com/2011/02/09/dai-rfa-vi%E1%BA%BFt-th%C6%B0-yeu-c%E1%BA%A7u-toa-an-nhan-dan-ha-n%E1%BB%99i-tr%E1%BA%A3-t%E1%BB%B1-do-ngay-cho-ts-cu-huy-ha-vu/#more-2104 (truy cập ngày 11 tháng Ba, 2011).

[23]Có tin cho rằng Ts. Vũ đã được kiểm sát viên đưa cáo trạng trong khi thời gian bị tạm giam để điều tra, nhưng ông từ chối không nhận nếu không có sự hiện diện của luật sư, vì vậy cáo trạng đã được đọc cho ông. Xem Hồ Thu Hồng, “Hòn đá ném xuống ao bèo,” blog Beo, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:AQ0mTZDyQF0J:vn.360plus.yahoo.com/thuhong_1960/article%3Fmid%3D2337+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&source=encrypted.google.com (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011); cũng xem “Vợ Ts Luật Cù Huy Hà Vũ nói về phiên xử,” BBC, ngày 31 tháng Ba, 2011, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/03/110331_cuhuyhavu_update.shtml  (truy cập ngày 2 tháng Tư, 2011).

[24]Vương Thị Thanh, “Yêu cầu Tòa án giải quyết một số vấn đề trước khi mở phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 04/4/2011 đối với bị cáo Cù Huy Hà Vũ,” trang Cù Huy Hà Vũ, ngày 27 tháng Ba, 2011, http://chhv.wordpress.com/2011/03/27/yeu-c%E1%BA%A7u-toa-an-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-m%E1%BB%9F-phien-toa-hinh-s%E1%BB%B1-s%C6%A1-th%E1%BA%A9m-xet-x%E1%BB%AD-ts-cu-hu/ (truy cập ngày 28 tháng Ba, 2011).

[25]Nguyễn Thị Dương Hà & Cù Thị Xuân Bích, “Lời kêu cứu,” trang Cù Huy Hà Vũ, ngày 29 tháng Ba, 2011, http://chhv.wordpress.com/2011/03/29/l%E1%BB%9Di-keu-c%E1%BB%A9u-c%E1%BB%A7a-v%E1%BB%A3-va-em-gai-ts-cu-huy-ha-vu%E2%80%8F/ (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[26]“Đàn Chim Việt, Ban Điều Hành,” Dan Chim Viet, http://www.danchimviet.info/governing-board (truy cập ngày 1 tháng Tư, 2011).

[27]Việt Hùng phỏng vấn bà Cù Thị Xuân Bích, “Tình hình TS Cù Huy Hà Vũ hiện nay,” Radio Free Asia, http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/dr-cu-huy-ha-vu-s-health-condition-is-getting-worst-while-he-is-in-jail-vh-02082011153908.html (truy cập ngày 9 tháng Hai, 2011).

[28]Cù Huy Hà Vũ, “Tố cáo và đề nghị khởi tố và truy tố Trung tướng Vũ Hải Triều, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh – Bộ Công an về ‘tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, ‘tội phá hoại chính sách đoàn kết’ và ‘tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’”, Bauxite Vietnam, ngày 2 tháng Sáu, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/4862 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011).

[29]Cù Huy Hà Vũ, “Đưa tướng công an Trần Văn Thanh hôn mê ra xét xử: Chánh án Tòa án Đà Nẵng lập kỷ lục vi phạm nhân quyền.” Đăng ban đầu trên trang Bauxite Vietnam. Trang Trần Nhương đăng lại ngày 1 tháng Tám, 2009, http://trannhuong.com/news_detail/2133/%C4%90%C6%B0a-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-c%C3%B4ng-an-Tr%E1%BA%A7n-V%C4%83n-Thanh-h%C3%B4n-m%C3%AA-ra-x%C3%A9t-x%E1%BB%AD-Ch%C3%A1nh-%C3%A1n-T%C3%B2a-%C4%90%C3%A0-N%E1%BA%B5ng-l%E1%BA%ADp-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-vi-ph%E1%BA%A1m-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n (truy cập ngày 14 tháng Ba, 2011).

[30]Cù Huy Hà Vũ, “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN – Do đã ban hành trái pháp luật Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2005-2015, có xét đến năm 2005,” Dân Luận, ngày 12 tháng Sáu, 2009, http://danluan.org/node/6944 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011); Cù Huy Hà Vũ, “Đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về hành vi ban hành nghị định cấm công dân khiếu nại tập thể trái Hiến pháp và pháp luật,” Bauxite Vietnam, ngày 28 tháng Mười, 2010, http://boxitvn.blogspot.com/2010/10/on-khoi-kien-thu-tuong-chinh-phu-nguyen.html (truy cập ngày 8 tháng Mười Một, 2010).

[31]Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội, “Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” Dân Luận, ngày 31 tháng Giêng, 2011: http://danluan.org/node/6730 (truy cập ngày 31 tháng Ba, 2011).

[32]Phải đa đảng mới chống được lạm quyền

[33]Cuộc phỏng vấn của RFA và kiến nghị của Ts. Vũ là hai tài liệu khác nhau. Kiến nghị do Ts. Vũ gửi Quốc hội (dấu bưu điện đề ngày 30 tháng Tám, 2010), được đăng trên Bauxite Việt Nam vào ngày 30 tháng Tám, 2010. Bài phỏng vấn được thực hiện ngày hôm sau.

[34]http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/hanoi-lawyer-vietnam-needs-a-multi-party-system-06-19-2010-96724789.html

[35]Công an tìm thấy bản đánh máy nội dung cuộc phỏng vấn chưa công bố trong máy tính xách tay của Ts. Vũ, được gửi đến để ông kiểm tra lại trước khi phát sóng. Vì ông bị bắt, nên bài phỏng vấn này vẫn chưa được phát.

[36] Ts. Vũ được Nguyễn Thị Trâm Oanh phỏng vấn ít nhất là sáu lần trong tháng Mười năm 2010, cáo trạng không chỉ rõ đang nói đến bài nào, mà chỉ nêu chung chung là “xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê Nin.”

[37]http://boxitvn.blogspot.com/2010/03/tam-quyen-nhat-lap-ong-long-hai-dan.html

[38]http://danluan.org/node/2917

[39]http://nguoivietboston.com/?p=27523

[40]Cù Huy Hà Vũ, “Vụ bà Trần Khải Thanh Thủy ‘cố ý gây thương tích’ và dấu hiệu ‘bẫy người khác phạm tội’”) đăng ban đầu trên Bauxite Vietnam, đăng lại trên Dân Luận, ngày 14 tháng Mười, 2009, http://danluan.org/node/2917 (truy cập ngày 28 tháng Ba, 2011).

[41] Nguyễn Thị Dương Hà, “Đơn tố cáo của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ,” Bauxite Vietnam, ngày 9 tháng Mười Một, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/13030 (truy cập ngày 9 tháng Mười Một, 2010).

[42]Đặng Thị Kim Hoàn, “Đơn yêu cầu báo xin lỗi và cải chính,” Bauxite Vietnam, ngày 18 tháng Mười Một, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/13662 (truy cập ngày 18 tháng Mười Một, 2010).

[43] Cù Thị Xuân Bích, “Ba văn bản liên quan đến vụ án Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ,” Bauxite Vietnam, ngày 30 tháng Mười Hai, 2010, http://www.boxitvn.net/bai/15436 (truy cập ngày 31 tháng Mười Hai, 2010).

[44] Nguyễn Thị Dương Hà, “Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trình bày rõ quan điểm của mình với các Luật sư bào chữa cho ông,” Bauxite Vietnam, ngày 24 tháng Giêng, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/16528 (truy cập ngày 25 tháng Giêng, 2011).

[45] Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những tuyên bố ủng hộ Ts. Vũ, một số còn phổ biến các đơn thư, tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh trên mạng internet. Vào ngày 15 tháng Ba, Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường (EDLC) công bố bản góp ý cho Tòa án (amicus brief) đã gửi cho Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày 24 tháng Hai, khuyến nghị trả tự do vô điều kiện ngay cho Ts. Vũ. EDLC cũng gửi thư tới Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng và bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, “kêu gọi họ lưu tâm đến tính không hợp pháp của việc bắt giữ, và hành động để trả tự do ngay lập tức cho Ts. Vũ.” Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường, “Amicus Curiae – Human Rights Violations Related to the Arbitrary Detention and Indictment of Cu Huy Ha Vu,” Bauxite Vietnam, ngày 15 tháng Ba, 2011: http://www.boxitvn.net/wp-content/uploads/2011/03/Bai-1c-Cu-Huy-Ha-Vu-Amicus-brief-English-version.pdf, (truy cập ngày 17 tháng Ba, 2011); Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường, “Trung tâm Luật Bảo vệ Môi trường gủi thư thúc giục chính quyền Việt Nam thả ông Cù Huy Hà Vũ ngay lập tức,” Dân Luận, ngày 28 tháng Hai, 2011, http://danluan.org/node/7957 (truy cập ngày 28 tháng Hai, 2011). Xem thêm: “USCIRF Condemns Detention of Vietnam Human Rights Lawyer, Calls for CPC Designation,” Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, ngày 18 tháng Mười Một, 2010, http://www.uscirf.gov/news-room/press-releases/3461--uscirf-condemns-detention-of-vietnam-human-rights-lawyer-calls-for-cpc-designation.html (truy cập ngày 16 tháng Ba, 2011).

[46]Phạm Khải “Họa sĩ, luật gia Cù Huy Hà Vũ một năm ba lần khuấy động công luận,” Công An Nhân Dân, ngày 26 tháng Giêng, 2007, http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2007/1/51697.cand?Page=1 (truy cập ngày 9 tháng Hai, 2011).

[47] “Tòa án TP Hà Nội bác đơn kiện quyết định của Thủ tướng về quy hoạch bôxít,” Tuổi Trẻ, ngày 23 tháng Sáu, 2009, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/322948/Toa-an-TP-Ha-Noi-bac-don-kien-quyet-dinh-cua-Thu-tuong-ve-quy-hoach-bo-xit.html (truy cập ngày 8 tháng Ba, 2011); PV, “Bác đơn kiện Thủ tướng ban hành QĐ về quy hoạch bôxít,” Công An Nhân dân, ngày 23 tháng Sáu, 2009, http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/cand.com.vn/TAND-TP-Ha-Noi-giu-nguyen-quyet-dinh-tra-lai-don-khoi-kien-cua-ong-Cu-Huy-Ha-Vu/2860147.epi (truy cập ngày 8 tháng Năm, 2011); Hoàng Khuê – Hoàng Anh, “Bác đơn kiện quyết định của Thủ tướng về quy hoạch bôxít,” VnExpress, ngày 23 tháng Sáu, 2009, http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2009/06/3ba106fd/ (truy cập ngày 25 tháng Sáu, 2009).

[48] “Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” Dân Luận, ngày 31 tháng Giêng, 2011, http://danluan.org/node/6730 (truy cập ngày 31 tháng Giêng, 2011).

[49]TTXVN, “Bắt Cù Huy Hà Vũ vì hành vi chống phá nhà nước,” Vietnamese News Agency, ngày 6 tháng Mười Một, 2010, http://www.vietnamplus.vn/Home/Bat-Cu-Huy-Ha-Vu-vi-hanh-vi-chong-pha-Nha-nuoc/201011/66926.vnplus (truy cập ngày 3 tháng Hai, 2011).

[50]HatKa, “Tòa án công đâm,” Dân Làm Báo, ngày 27 tháng Ba, 2011, http://danlambaovn.wordpress.com/2011/03/27/toa-an-cong-dam/ (truy cập ngày 27 tháng Ba, 2011).

[51]BBC, “‘Người trong phòng ông Hà Vũ’ khởi kiện,” BBC, ngày 11 tháng Mười Một, 2010, http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/11/101111_viet_lawsuit.shtml (truy cập 26 tháng Ba, 2011); xem thêm Thanh Trúc, “Bà Quỳnh kiện báo chí trong vụ Cù Huy Hà Vũ,” RFA, ngày 13 tháng Mười Một, 2010, http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-woman-arrested-with-cu-huy-ha-vu-to-sue-newspaper-for-misrepresenting-news-ttruc-11132010135640.html (truy cập ngày 27 tháng Ba, 2011).

[52]Theo báo chí nhà nước, có năm luật sư bào chữa cho Cù Huy Hà Vũ. Nhưng luật sư Trần Lâm không tham gia theo một quyết định của Ts. Vũ. Bốn luật sư còn lại là Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn và Vương Thị Thanh. Tất cả đều là thành viên Đoàn Luật sư TP Hà Nội. Xem: Công Lý, “5 luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ,” An ninh Thủ đô, ngày 27 tháng Ba, 2011, http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=97836&ChannelID=80 (truy cập 27 tháng Ba, 2011); Thomas Viet, “Luật sư Dương Hà trả lời phỏng vấn,” Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ngày 28 tháng Ba, 2011, http://www.chuacuuthe.com/vietnam-news/lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-d%C6%B0%C6%A1ng-ha-tr%E1%BA%A3-l%E1%BB%9Di-ph%E1%BB%8Fng-v%E1%BA%A5n/ (truy cập ngày 28 tháng Ba, 2011).

[53]Người Buôn Gió, “Thông báo hoãn xử vụ Cù Huy Hà Vũ (có văn bản chính thức),” blog Người Buôn Gió, ngày 22 tháng Ba, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/262/262 (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[54]Mặc Lâm, “Tình trạng blogger Điếu Cày và Anh Ba Sài gòn hiện nay,” Radio Free Asia, ngày 29 tháng Ba, 2011, http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/trial-of-bloggers-ml-03292011161805.html (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[55]Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Việt Nam: Cần hủy bỏ bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động,” thông cáo báo chí ngày 16 tháng Ba, 2011, http://www.hrw.org/en/news/2011/03/16/vi-t-nam-c-n-h-y-b-b-n-n-n-ng-n-d-nh-cho-c-c-nh-ho-t-ng-v-quy-n-l-i-c-ng-i-lao-ng (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[56] Nguyễn Thị Dương Hà, “Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ trình bày rõ quan điểm của mình với các Luật sư bào chữa cho ông,” Bauxite Vietnam, ngày 24 tháng Giêng, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/16528 (truy cập ngày 3 tháng Ba, 2011).

[57]Người Việt, “‘Lệnh miệng’ cấm bà Dương Hà đến phiên tòa,” Nguoi Viet Online, ngày 22 tháng Ba, 2011, http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=128545&z=2 (truy cập ngày 28 tháng Ba, 2011). Nguyễn Thị Dương Hà, “Khiếu nại thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa,” Dân Luận, ngày 14 tháng Ba, 2011, http://danluan.org/node/8153 (truy cập ngày 3 tháng Năm, 2011).

[58]Dân Làm Báo, “Những lẵng hoa tình nghĩa,” Dân Làm Báo, ngày 21 tháng Ba, 2011, http://danlambaovn.wordpress.com/2011/03/21/nh%E1%BB%AFng-l%E1%BA%B5ng-hoa-tinh-nghia/ (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[59]Người Buôn Gió, “Công an phường Điện Biên lấy hoa của nhà chị Dương Hà,” blog Người Buôn Gió, ngày 21 tháng Ba, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/259/259 (truy cập ngày 22 tháng Ba, 2011); Người Buôn Gió, “Chùm ảnh công an phường Điện Biên ‘nẫng’ hoa nhà chị Dương Hà,” blog Người Buôn Gió, ngày 21 tháng Ba, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/260/260 (truy cập ngày 22 tháng Ba, 2011).

[60]Ví dụ, có nhiều lời bình đăng trên mạng đùa rằng chính quyền có lẽ đang tìm bao cao su đã sử dụng trong những lẵng hoa đó, và vì chính quyền đang phát hoảng về cái gọi là “cuộc cách mạng hoa lài” như những cuộc nổi dậy của nhân dân Ai Cập và Tuy-ni-di trong thời gian gần đây, nên dị ứng với tất cả các loại hoa.

[61]Dân Làm Báo, “Bất chấp công an ‘cướp’ hoa, nhân dân tiếp tục mang hoa đến VP Luật sư Cù Huy Hà Vũ,” Dân Làm Báo, ngày 22 tháng Ba, 2011, http://danlambaovn.wordpress.com/2011/03/22/b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-ca-c%C6%B0%E1%BB%9Bp-hoa-nhan-dan-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-mang-hoa-d%E1%BA%BFn-vp-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011).

[62]“Giáo hội Tin Lành Mennonite lên tiếng hiệp thông cùng Ts Cù Huy Hà Vũ,” đăng ban đầu trên trang Dân Làm Báo, trang Cù Huy Hà Vũ đăng lại ngày 3 tháng Tư, 2011, http://chhv.wordpress.com/2011/04/03/giao-h%E1%BB%99i-tin-lanh-mennonite-len-ti%E1%BA%BFng-hi%E1%BB%87p-thong-cung-ts-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 4 tháng Tư, 2011).

[63] “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất  lên tiếng cho Ts Cù Huy Hà Vũ,” Dân Làm Báo, ngày 3 tháng Tư, 2011, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:J5dZLPagOYIJ:danlambao4.wordpress.com/2011/04/03/giao-h%E1%BB%99i-ph%E1%BA%ADt-giao-vi%E1%BB%87t-nam-th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-len-ti%E1%BA%BFng-cho-ts-cu-huy-ha-vu/+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&source=encrypted.google.com  (truy cập ngày 4 tháng Năm, 2011).

[64] “Lời kêu gọi về vụ án Cù Huy Hà Vũ của cụ Lê Quang Liêm,” Tin tức Hàng ngày, ngày 2 tháng Tư, 2011, http://dailyvnews1.wordpress.com/2011/04/02/l%E1%BB%9Di-keu-g%E1%BB%8Di-v%E1%BB%81-v%E1%BB%A5-an-cu-huy-ha-vu-c%E1%BB%A7a-c%E1%BB%A5-le-quang-liem/ (truy cập ngày 4 tháng Năm, 2011).

[65] Xem bài của blogger Kami ngày 14 tháng Ba, 2011, tác giả thúc giục mọi người đến tòa án vào ngày xử. Blog này đăng ảnh của tòa án để những người ở xa biết, và đưa đường dẫn đến địa chỉ và số điện thoại của tòa án. Tác giả cũng khuyên nên làm gì nếu bị công an chặn đường, theo các hướng khác nhau. Ví dụ, nếu đang đi từ phố Lý Thường Kiệt đến tòa, thì nói là đến bệnh viện Việt Đức ở phố Tràng Thi, v.v… Xem Kami, “Nên làm gì vào ngày xử ông Cù Huy Hà Vũ,” blog Kami, ngày 14 tháng Ba, 2011, http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2011/03/14/nen-lam-gi-vao-ngay-x%E1%BB%AD-an-ong-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 15 tháng Ba, 2011). Xem thêm Người Buôn Gió, “Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội,” blog Người Buôn Gió, ngày 19 tháng Ba, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/258/258 (truy cập ngày 20 tháng Ba, 2011).

[66]Thái Uyên, “Xét xử công khai vụ Cù Huy Hà Vũ,” Thanh Niên, ngày 16 tháng Ba, 2011, http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20110316/Xet-xu-cong-khai-vu-Cu-Huy-Ha-Vu.aspx  (truy cập ngày 16 tháng Ba, 2011).

[67]Các phóng viên là của các báo Kyodo, AFP và AP, còn bốn nhà ngoại giao là của Hoa Kỳ, Australia, Phần Lan và Thụy Sĩ. DPA, “Vietnam: Space limited for foreign press at rights lawyer's trial,” (Việt Nam: Chỗ ngồi hạn chế cho báo chí nước ngoài trong vụ xử luật gia bảo vệ quyền con người), Monsters and Critics, ngày 31 tháng Ba, 2011, http://www.monstersandcritics.com/news/asiapacific/news/article_1629841.php/Vietnam-Space-limited-for-foreign-press-at-rights-lawyer-s-trial (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011).

[68]Kami, “Tường trình trực tiếp từ Hà Nội về phiên tòa xét xử Ts Cù Huy Hà Vũ,” blog Kami, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2011/04/04/t%C6%B0%E1%BB%9Dng-trinh-tr%E1%BB%B1c-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%AB-ha-n%E1%BB%99i-v%E1%BB%81-phien-toa-xet-x%E1%BB%AD-ts-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 4 tháng Tư, 2011); Nguyễn Xuân Diện, “Tường thuật từ đường Hai Bà Trưng, Hà Nội,” blog Nguyễn Xuân Diện, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://nguyenxuandien.blogspot.com/2011/04/tuong-thuat-tu-uong-hai-ba-trung-hn.html (truy cập ngày 4 tháng Tư, 2011); Phạm Toàn, “Chuyện ô nhục và chuyện cao cả,” Bauxite Vietnam, ngày 5 tháng Tư, 2011, http://boxitvn.wordpress.com/2011/04/05/chuy%E1%BB%87n-nh%E1%BB%A5c-v-chuy%E1%BB%87n-cao-c%E1%BA%A3/ (truy cập ngày 6 tháng Tư, 2011); Nguyễn Thượng Long, “Những câu chuyện ghi được trước cổng phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ,” Dân Luận, ngày 5 tháng Tư, 2011, http://danluan.org/node/8394 (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011); Cử nhân Luật, “Nhật ký ngày 04-04-2011,” Dân Làm Báo, ngày 5 tháng Tư, 2011, http://danlambaovn.blogspot.com/2011/04/nhat-ky-ngay-04-04-2011.html (truy cập ngày 7 tháng Tư, 2011); Xuân Bình, “Hà Vũ… cơn dông đỏ cứ xa dần,” blog Xuân Bình, ngày 7 tháng Tư, 2011, http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2011/04/07/ha-vu-%E2%80%A6c%C6%A1n-dong-d%E1%BB%8F-c%E1%BB%A9-xa-d%E1%BA%A7n/ (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011); Đỗ Việt Khoa, “Phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ làm mất thể diện quốc gia,” blog Đỗ Việt Khoa, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://vn.360plus.yahoo.com/vietkhoa_ht/article?mid=921 (truy cập ngày 6 tháng Tư, 2011).

[69]“Tường thuật trực tiếp diễn biến phiên tòa xử án Ts luật Cù Huy Hà Vũ”, Dân Làm Báo, ngày 4 tháng Tư, 2011, https://danlambao2011.wordpress.com/2011/04/04/chao-v/ (truy cập ngày 26 tháng Tư, 2011).

[70]Dù nhiều người được thả ngay trong ngày hay vào hôm sau, luật sư Lê Quốc Quân và bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị giam giữ suốt chín ngày vì “chống lại người thi hành công vụ,” cuối cùng đến ngày 13 tháng Tư, 2011 mới được thả. Xem: Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Việt Nam: Hãy thả ngay những người đang bị giam giữ vì lý do chính trị và tôn giáo”, thông cáo ra ngày 7 tháng Tư, 2011, http://www.hrw.org/en/news/2011/04/07/vi-t-nam-h-y-th-ngay-nh-ng-ng-i-ang-b-giam-gi-v-l-do-ch-nh-tr-v-t-n-gi-o (truy cập ngày 26 tháng Tư, 2011).  Xem thêm: Người Buôn Gió, “Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn ra khỏi tù,” blog Người Buôn Gió, ngày 13 tháng Tư, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/287/287 (truy cập ngày 4 tháng Tư, 2011).

[71]Cộng đoàn Vinh, “Tuyên cáo của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội,” ngày 4 tháng Tư, 2011, http://congdoanvinhhn.net/Default.aspx?tabid=5709&ArticleId=1552&language=vi-VN (truy cập ngày 6 tháng Năm, 2011); Phùng Quang, “Lượm lặt bên lề phiên tòa xét xử công khai,” Bauxite Vietnam, ngày 7 tháng Tư, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/19773 (truy cập ngày 7 tháng Tư, 2011); ChimQuốcQuốc, “Phỏng vấn Luật sư Lê Quốc Quân sau khi bị bắt giam trong 10 ngày.” Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua paltalk, trang Cù Huy Hà Vũ đăng lại, ngày 15 tháng Tư, 2011, http://chhv.wordpress.com/2011/04/15/ph%E1%BB%8Fng-v%E1%BA%A5n-lu%E1%BA%ADt-s%C6%B0-le-qu%E1%BB%91c-quan-sau-khi-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-giam-trong-10-ngay/ (truy cập ngày 16 tháng Tư, 2011); Ngô Duy Phóng, “Ấn tượng của một cụ già ước ao đi dự phiên xử công khai Cù Huy Hà Vũ – Cái phiên tòa ấy xử gì?”, Bauxite Vietnam, ngày 10 tháng Tư, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/19913 (truy cập ngày 11 tháng Tư, 2011); Dương Thị Xuân, “Rùng rợn phận con người ngày nay dưới chế độ công an trị ngay giữa thủ đô Hà Nội,” Việt Vùng Vịnh, ngày 20 tháng Tư, 2011, http://vietvungvinh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2344:rung-ron-phan-con-nguoi-ngay-nay-duoi-che-do-cong-an-tri-giua-thu-do-ha-noi&catid=47:dien-dan&Itemid=83 (truy cập ngày 21 tháng Tư, 2011).

[72]Cộng đoàn Vinh, “Tuyên cáo của Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội,” Cộng đoàn Giáo phận Vinh tại Hà Nội, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://congdoanvinhhn.net/Default.aspx?tabid=5709&ArticleId=1552&language=vi-VN (truy cập ngày 6 tháng Năm, 2011).

[73]Luật Tố tụng Hình sự, 19/2003/QH11, thông qua ngày 10 tháng Mười Hai, 2003. Điều 185 quy định “hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm” (hai thẩm phán và ba hội thẩm trong các vụ án nghiêm trọng và phức tạp có thể có khung tử hình). Trong phiên xử Ts.Vũ, ba thành viên hội đồng xét xử là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm Bùi Quý Thiên và Hội thẩm Nguyễn Thanh Hà.

[74]Nguyễn Minh Tuấn, “Phiên tòa nghiêm minh, đúng pháp luật,” Quân đội Nhân dân, ngày 10 tháng Tư, 2011, http://www.qdnd/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/144603/Default.aspx (truy cập ngày 10 tháng Tư, 2011).

[75] Đào Tuấn, “Cù [hay câu chuyện của một nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa Cù Huy Hà Vũ],” đăng lần đầu tại blog Đào Tuấn DDK, đăng lại trên Dân Luận, ngày 4 tháng Tư, 2011, http://danluan.org/node/8390 (truy cập ngày 8 tháng Năm, 2011). Xem thêm: Hồ Thu Hồng, “Hòn đá ném xuống ao bèo,” ngày 4 tháng Tư, 2011, blog Beo, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:AQ0mTZDyQF0J:vn.360plus.yahoo.com/thuhong_1960/article%3Fmid%3D2337+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&source=encrypted.google.com (truy cập ngày 15 tháng Tư, 2011);

[76]Luật Tố tụng Hình sự, 19/2003/QH11, thông qua ngày 10 tháng Mười Hai, 2003. Điều 189 quy định “Kiểm sát viên Viện Kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai Kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên tòa.” Trong phiên xử Cù Huy Hà Vũ, có hai Kiểm sát viên: Vũ Đăng Hiếu và Đặng Tiến.

[77]Hồ Thu Hồng, “Hòn đá ném xuống ao bèo,” ngày 4 tháng Tư, 2011, blog Beo, http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:AQ0mTZDyQF0J:vn.360plus.yahoo.com/thuhong_1960/article%3Fmid%3D2337+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=us&source=encrypted.google.com (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011); xem thêm: Trần Kiên Ky “[Hòn đá ném xuống ao bèo] Beo là ai?,” blog Bão Biển, ngày 13 tháng Tư, 2011, http://baobien.wordpress.com/2011/04/13/hon-da-nem-xu%E1%BB%91ng-ao-beo-beo-la-ai/ (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011); Người Buôn Gió, “Hòn đá ném xuống ao bèo – Chuyện của Beo viết về phiên tòa 4-4,” blog Người Buôn Gió, ngày 12 tháng Tư, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/286/286  (truy cập ngày 25 tháng Tư, 2011).

[78] Luật Tố tụng Hình sự, 19/2003/QH11, thông qua ngày 10 tháng Mười Hai, 2003. Điều 45 quy định “Kiểm sát viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu: a) Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 42 của bộ luật này.” Điều 42 quy định rằng “Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu: 3) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”

[79] Luật Tố tụng Hình sự, 19/2003/QH11, thông qua ngày 10 tháng Mười Hai, 2003. Điều 214 quy định “Các tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án hoặc mới đưa ra khi xét hỏi đều phải được công bố tại phiên tòa” và “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về những tài liệu đó và hỏi thêm những vấn đề có liên quan.”

[80] Ts. Luật Nguyễn Minh Tuấn, “Phiên tòa nghiêm minh, đúng pháp luật,” Quân đội Nhân dân, ngày 10 tháng Tư, 2011, http://www.qdnd/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/144603/Default.aspx  (truy cập ngày 10 tháng Tư, 2011).

[81]Cù Thị Xuân Bích, “Đơn tố cáo khẩn cấp,” trang Cù Huy Hà Vũ, ngày 29 tháng Ba, 2011, http://chhv.wordpress.com/2011/03/29/d%C6%A1n-t%E1%BB%91-cao-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-c%E1%BB%A7a-ba-cu-th%E1%BB%8B-xuan-bich-g%E1%BB%ADi-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i/ (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011). Để đối chiếu những lời trích dẫn trong cáo trạng, thư kiến nghị của Cù Huy Hà Vũ, xem 1)  “Cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ truyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” Dân Luận, ngày 31 tháng Giêng, 2011, http://danluan.org/node/6730 (truy cập ngày 31 tháng Giêng, 2011); 2) Cù Huy Hà Vũ, “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, lấy ‘Việt Nam’ làm quốc hiệu,” Dân Luận, ngày 1 tháng Chín, 2010, http://danluan.org/node/6279 (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011); và 3) Mặc Lâm, “Kiến nghị đại xá toàn bộ viên chức VNCH,” Radio Free Asia, ngày 31 tháng Ba, 2010, http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/xa-hoi/Dr-Cu-Huy-Ha-Vu-proposes-to-National-Assembly-to-grant-amnesty-for-former-officer-regime-MLam-08312010220823.html?searchterm=None (truy cập ngày 29 tháng Ba, 2011). Hiến pháp Việt Nam (năm 1992), Điều 53 ghi rõ “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.”

[82]Cù Thị Xuân Bích, “Kiến nghị của 4 luật sư bào chữa cho Ts luật Cù Huy Hà Vũ,” Bauxite Vietnam, ngày 5 tháng Tư, 2011, http://www.boxitvn.net/bai/19679  (truy cập ngày 5 tháng Tư, 2011).

[83]J.B. Nguyễn Hữu Vinh, “Rực sáng ảnh lửa cầu nguyện cho Tổ quốc, cho Sự thật – Công lý, và Ts Luật Cù Huy Hà Vũ,” blog J.B Nguyễn Hữu Vinh, ngày 3 tháng Tư, 2011, http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com/2011/04/03/r%E1%BB%B1c-sang-anh-l%E1%BB%ADa-c%E1%BA%A7u-nguy%E1%BB%87n-cho-t%E1%BB%95-qu%E1%BB%91c-cho-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-cong-ly-va-ts-lu%E1%BA%ADt-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 17 tháng Tư, 2011). Xem thêm Người Buôn Gió, “Giáo xứ Bảo Long thắp nến cầu nguyện cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ,” blog Người Buôn Gió, ngày 3 tháng Tư, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/273/273 (truy cập ngày 4 tháng Tư, 2011).

[84] Người Buôn Gió, “Giáo dân Cồn Dầu đến thăm chị Dương Hà,” blog Người Buôn Gió, ngày 24 tháng Ba, 2011, http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/264/264 (truy cập ngày 25 tháng Ba, 2011). Xem thêm Dòng Chúa Cứu Thế, “Nạn nhân Cồn Dầu gửi thư hiệp thông với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ,” Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 22 tháng Ba, 2011, http://www.chuacuuthe.com/vietnam-news/n%E1%BA%A1n-nhan-c%E1%BB%93n-d%E1%BA%A7u-g%E1%BB%9Fi-th%C6%B0-hi%E1%BB%87p-thong-v%E1%BB%9Bi-ts-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 23 tháng Ba, 2011).

[85]“Ký tên Thỉnh nguyện thư đợt hai cho sự tự do của Ts Luật Cù Huy Hà Vũ,” Nữ Vương Công Lý, ngày 28 tháng Ba, 2011, http://www.nuvuongcongly.net/cong-ly/ky-ten-th%E1%BB%89nh-nguy%E1%BB%87n-th%C6%B0-d%E1%BB%A3t-hai-cho-s%E1%BB%B1-t%E1%BB%B1-do-c%E1%BB%A7a-ts-lu%E1%BA%ADt-cu-huy-ha-vu/ (truy cập ngày 18 tháng Tư, 2011).

[86]Trong những năm gần đây, các chiến dịch của báo chí nhà nước chống lại những cuộc biểu tình của người Công giáo ở Hà Nội tại Nhà thờ Thánh Joseph và Nhà thờ Thái Hà Dòng Chúa Cứu thế đã được tính toán cẩn thận để cô lập những người biểu tình bằng cách nhấn mạnh vào tính chất thế tục của chương trình chính trị của những người lãnh đạo nhà thờ, và chất vấn về lòng yêu nước và trung thành của họ. Xem bài “Vietnam: End Crackdown on Catholics,” Thông cáo báo chí của Tổ chức Nhân quyền, ngày 6 tháng Mười năm 2008, http://www.hrw.org/en/news/2008/10/06/vietnam-end-crackdown-catholics (truy cập ngày 31 tháng Ba, 2011). Xem thêm “Cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội,” nguyên bản tiếng Việt do TTXVN đăng, sau đó trang Tuổi Trẻ, đăng lại vào ngày 21 tháng Chín, 2008, http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/279593/Canh-cao-ong-Ngo-Quang-Kiet-Tong-giam-muc-giao-phan-Ha-Noi.html (truy cập ngày 18 tháng Tư, 2011).

[87]Về các vụ dân chúng biểu tình chống lại sự bạo hành của công an, xem “Việt Nam: Tình trạng công an bạo hành, nạn nhân chết trong khi bị tạm giam lan rộng,” Thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ra ngày 22 tháng Chín năm 2010, http://www.hrw.org/en/news/2010/09/22/vi-t-nam-t-nh-tr-ng-c-ng-b-o-h-nh-n-n-nh-n-ch-t-trong-khi-b-t-m-giam-lan-r-ng (truy cập 22 tháng Năm, 2011).

[88]Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về Quyền và Nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức và cơ quan đối với việc Thúc đẩy và Bảo vệ những Quyền tự do cơ bản và Nhân quyền đã được công nhận trên toàn cầu.http://www2.ohchr.org/english/law/freedom.htm (truy cập ngày 19 tháng Năm, 2011).

Region / Country
Topic